Con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước toàn thắng là thành quả phấn đấu không ngừng nghỉ vì mục tiêu độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Trên những chặng đường kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy gian khổ, hy sinh ác liệt đó, nhân dân Việt Nam với ý chí chiến đấu kiên cường cùng khát vọng tự do cháy bỏng đã kiến tạo nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - mạch nguồn sức mạnh góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hình ảnh một con tàu không số đang vận chuyển hàng và vũ khí trên Đường Hồ Chí Minh trên biển
Chiến tranh qua đi gần nửa thế kỷ, độ lùi thời gian càng giúp chúng ta nhận thức rõ ràng, đầy đủ và sâu sắc hơn về sứ mệnh lịch sử và tầm vóc lớn lao của tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Nửa cuối những năm 50 của thế kỷ XX, sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ (ký ngày 21-7-1954), với bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược của mình, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào thế chân Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, để có thể đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ đối với cách mạng miền Nam, thì cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân tộc, đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 19-5-1959, Đoàn Vận tải quân sự 559 được thành lập, có nhiệm vụ mở con đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tháng 7-1959, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 với mật danh “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thạch Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thí điểm mở đường biển vận chuyển khí tài chi viện cho miền Nam. Tuy chuyến đi đầu của Tiểu đoàn không thành công do địch phát hiện và ngăn chặn, nhưng qua đó, Trung ương Đảng đã có cơ sở khẳng định việc mở tuyến vận tải trên biển là quan trọng, mang tính chiến lược và có tính khả thi.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP, thành lập Đoàn 759 Đoàn Vận tải quân sự đường biển, do Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng, Trung tá Võ Huy Phúc làm Chính ủy, với nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”1. Đây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong những thời đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc; đồng thời, Đoàn 759 ra đời đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng và phương tiện trên tuyến vận tải chiến lược đường biển chi viện cho miền Nam.
Ở miền Nam, từ cuối năm 1961 đến đầu năm 1962, Trung ương Cục chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ tổ chức đưa thuyền ra miền Bắc nhận vũ khí, hàng hóa để chuyển vào Nam. Đến tháng 5-1962, đã có 5 thuyền với 36 cán bộ, chiến sĩ vượt biển ra miền Bắc an toàn, được Bộ Quốc phòng điều về công tác và trở thành lực lượng nòng cốt của Đoàn 759.
Để có cơ sở thực tế xây dựng phương án vận chuyển mới bằng đường biển, tháng 4-1962, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức thực hiện chuyến trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam, do Bông Văn Dĩa làm Thuyền trưởng, Hai Tranh làm Chính trị viên. Thuyền xuất phát vào đêm 10 tháng 4 từ cửa sông Nhật Lệ theo đường biển vào Nam và cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) vào đêm 18-4-1962. Sau chuyến trinh sát mở đường thắng lợi, tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương đã ra quyết nghị về vận chuyển đường biển chi viện miền Nam.
Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên của Đoàn 759 mang mật danh Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm Thuyền trưởng và Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, chở 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam đã khởi hành từ Đồ Sơn (Hải Phòng). Đến ngày 19-10-1962, tàu Phương Đông 1 cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, tạo tiền đề cho các chuyến đi tiếp theo. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng khai mở những trang huyền thoại về tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cũng từ đây, những “con tàu không số”2 Phương Đông 2, 3, 4 lần lượt lên đường, vượt biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và cập bến Cà Mau an toàn. Nhờ đó, nhu cầu về vũ khí, trang bị, khí tài quân sự và một số nhu yếu phẩm khác cần thiết cho chiến trường đã được giải quyết một bước, góp phần đáp ứng yêu cầu về xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao hiệu suất chiến đấu của ba thứ quân và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích.
Bản đồ Đường Hồ Chí Minh trên biển
Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định giao nhiệm vụ vận tải bằng đường biển cho Quân chủng Hải quân phụ trách, Đoàn 759 được chuyển sang trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, lấy phiên hiệu là Đoàn 125. Với tinh thần khẩn trương, quay vòng, tăng chuyến, trong năm 1963, tuyến vận tải quân sự trên biển đã tổ chức được 28 chuyến hàng từ Bắc vào Nam, vận chuyển được hơn 1.318 tấn hàng hóa, vũ khí và thuốc men vào các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa3. Tại thời điểm đó, không có một phương thức nào trong khoảng thời gian ngắn có thể đưa được khối lượng vũ khí lớn như vậy vào Nam Bộ. Nhiều loại vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nặng đã được vận chuyển, cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Nam ruột thịt, được quân dân Nam Bộ sử dụng để đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Bước sang năm 1964, hoạt động chi viện bằng đường biển vào chiến trường miền Nam tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời vận chuyển hàng nghìn tấn hàng chi viện cho Quân giải phóng miền Nam sử dụng trong đợt hoạt động tiến công địch trên toàn miền và giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn như: Bình Giã (Bà Rịa), An Lão (Bình Định), Ba Gia (Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Biên Hòa),…
Suốt từ cuối năm 1962 đến đầu năm 1965, “Đoàn tàu không số” như những con thoi lặng lẽ, âm thầm rời, cập bến, đương đầu với biết bao khó khăn, vất vả, hiểm nguy của sóng gió biển khơi và sự rình rập của kẻ thù để tổ chức 89 chuyến tàu, vận chuyển 4.419 tấn hàng (chủ yếu là vũ khí, đạn dược) vào Khu 5 và chiến trường Nam Bộ4. Sự chi viện nhanh chóng, kịp thời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cho chiến trường xa nhất, khó khăn nhất mà tuyến chi viện đường bộ chưa thể vươn tới, không chỉ bổ sung nguồn lực vật chất to lớn mà còn có tác dụng khích lệ tinh thần mạnh mẽ, giúp cho quân dân miền Nam vững vàng tiến lên đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Ngày 1-2-1965, Tàu 143 vận chuyển hàng vào bến Vũng Rô (Phú Yên). Các lực lượng tại bến nhanh chóng chuyển hàng, giải phóng tàu nhưng do tời neo bị hỏng, phải sửa chữa, tàu không kịp nhổ neo trong đêm. Dù đã được ngụy trang cẩn thận, Tàu 143 vẫn bị địch phát hiện. Để giữ bí mật, cán bộ, chiến sĩ Tàu 143 chủ động phá hủy tàu nhưng bộc phá chỉ phá tàu thành hai nửa, chìm xuống biển. Sau đó, địch đã tìm kiếm và thu được một số bộ phận của tàu, phát hiện bằng chứng về tuyến đường vận tải chi viện chiến lược trên biển Đông cho miền Nam. Theo đó, ngay sau “Sự kiện Vũng Rô”, Mỹ đã thực hiện kế hoạch “Desoto”, đưa Hạm đội 7 vào biển Đông, tiến hành đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đồng thời triển khai kế hoạch “Market time”, phong tỏa vùng biển Nam Việt Nam. Tàu chiến Mỹ đảm nhiệm công việc ngăn chặn từ ngoài khơi, hải quân Việt Nam Cộng hòa được Mỹ tăng cường thêm nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện để kiểm soát chặt chẽ vùng ven bờ biển từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu.
Trong lúc chiến trường miền Nam đang “khát” súng, quân dân Nam Bộ ngày đêm trông đợi sự chi viện của Trung ương và hậu phương miền Bắc, tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông được lệnh tạm ngừng hoạt động để tìm kiếm phương thức vận chuyển phù hợp. Sau một thời gian tích cực tìm tòi, nghiên cứu, tháng 7-1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân xác định phương châm vận chuyển trong tình hình mới là “du kích, bí mật, kiên quyết, mạnh dạn”5 và di chuyển xa bờ bằng phương pháp hàng hải thiên văn, không sử dụng điện đài và sóng vô tuyến để bảo đảm bí mật. Với phương pháp này, những chuyến đi của “con tàu không số” phải thực hiện hải trình dài hàng nghìn hải lý. Để tránh theo dõi của địch, tàu phải đi ra vùng biển quốc tế, sang sát Philíppin, xuống Inđônêxia, có khi vòng tới đảo Palawan, xuống gần Xingapo, qua eo biển Malacca rồi về vịnh Thái Lan. Các tàu được cải dạng cho giống tàu đánh cá hoặc tàu buôn nước ngoài, được gắn máy công suất lớn, tốc độ cao, dự trữ xăng dầu, lương thực, thực phẩm bảo đảm cho chuyến đi dài ngày. Nhằm phân tán sự theo dõi của địch, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thực hiện chiến thuật cho các tàu cùng xuất phát ở các địa điểm khác nhau và đi theo nhiều hướng khác nhau. Tàu nào không cập được bến thì chuyển sang làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch, tạo điều kiện cho các tàu khác cập bến an toàn.
Giữa năm 1965, Đoàn 125 được trang bị bốn tàu (mang các mã số 42, 68, 69, 100) cải dạng từ tàu vận tải Quảng Châu sang dạng tàu đánh cá theo phương thức vận tải mới. Căn cứ vào khả năng của từng đội tàu, chỉ huy Đoàn 125 quyết định chọn Tàu 42 thực hiện nhiệm vụ mở tuyến vận tải đầu tiên theo phương thức mới. Sau gần 10 ngày hòa vào dòng tàu buôn xuôi ngược ngoài biển Đông, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, ngày 24-10-1965, Tàu 42 đã đưa 60 tấn vũ khí cập bến Rạch Kiến Vàng (Ngọc Hiển, Cà Mau) an toàn. Thành công của chuyến tàu chi viện này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, khẳng định ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 và mang lại niềm tin cho Đoàn về một phương thức vận chuyển trên tuyến xa bờ, dẫn tàu bằng phương pháp thiên văn hết sức mới mẻ. Tiếp đó, các con tàu mang mã số 68, 69 cũng đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào Cà Mau (tháng 11 và 12-1965), đưa tổng số hàng vận chuyển thành công lên tới 187 tấn vũ khí, kịp thời trang bị cho các sư đoàn và trung đoàn chủ lực miền Tây Nam Bộ, giáng những đòn mạnh mẽ vào đế quốc Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Bước sang năm 1966, cùng với sự leo thang của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường hoạt động ngăn chặn xâm nhập bằng đường biển từ miền Bắc khiến cho hoạt động chi viện quân sự trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển trở nên khó khăn bội phần. Chúng đã tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 và 117 để ngăn chặn hoạt động vận tải biển chi viện cho miền Nam và phá hoại kho tàng, bến bãi tiếp nhận hàng ở các khu vực Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre.
Năm 1967 đi qua, quân dân miền Nam liên tiếp thắng lớn trên mặt trận quân sự và chống bình định, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ (1966-1967), buộc chúng phải lui về thế phòng ngự chiến lược, bị động đối phó. Nhằm đánh thẳng vào ý chí xâm lược của Mỹ, “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”6, từ đêm 30-1-1968, quân dân miền Nam thực hiện “tổng công kích và tổng khởi nghĩa”, đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, các cơ quan đầu não của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đang diễn ra quyết liệt, Đoàn 125 được lệnh chuẩn bị các tàu C165, C235, C56, C68 và C43 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, kịp thời tiếp tế vũ khí, đạn dược cho các chiến trường.
Sau những đòn tiến công bất ngờ của quân dân ta, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhanh chóng củng cố lực lượng hòng đẩy quân ta ra khỏi các đô thị và tăng cường kiểm soát mọi hoạt động trên khắp các tuyến đường, gây khó khăn cho công tác vận tải chi viện miền Nam trên biển. Dù biết trước những nguy hiểm đang chờ đợi, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số vẫn sẵn sàng lên đường, đáp lời gọi của tiền tuyến miền Nam. Để phân tán sự đối phó của địch, Bộ Tư lệnh Đoàn 125 quyết định đưa bốn tàu đến bốn bến khác nhau: Tàu C165 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), Tàu C235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa), Tàu C43 vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Tàu C68 vào bến Lộ Giao (Bình Định).
Vào thời điểm này, mỗi khẩu súng, viên đạn được đưa đến chiến trường miền Nam đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều chuyến hàng được vận chuyển an toàn đến các bến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ nhưng cũng có một số chuyến cán bộ, chiến sĩ ta phải chiến đấu quyết liệt với máy bay, tàu chiến địch. Giữa vòng vây của quân thù, từ thuyền trưởng đến các thủy thủ đoàn đều thể hiện bản lĩnh, khí tiết của người quân nhân cách mạng. Họ linh hoạt thả hàng rồi thoát ra vùng biển quốc tế, nếu tình huống buộc phải nổ súng, họ bình tĩnh lựa chọn phương án tốt nhất trước khi hủy tàu. Sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã viết nên những bản tráng ca hào hùng về tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển. Nói về tinh thần chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Tàu 235 tại Hòn Hèo (Khánh Hòa), Tạp chí Lướt sóng của Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh: “Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết”7.
Từ sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát gắt gao tuyến đường biển, tìm mọi cách ngăn chặn nên Đoàn 125 phải tạm dừng vận chuyển. Tính chung, trong 4 năm (1965-1968), tuyến đường biển tổ chức được 27 chuyến tàu, song chỉ có 7 chuyến đến được đích, giao được 410,4 tấn hàng (chủ yếu cho Nam Bộ), 11 chuyến phải quay trở lại, 6 chuyến phải tự phá hủy, 3 chuyến bị địch đánh chiếm tàu8. Cuối năm 1968, tranh thủ thời cơ thuận lợi khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 phối hợp cùng các lực lượng trong và ngoài quân đội thực hiện “Chiến dịch VT5” - Vận tải tranh thủ tụt thang (tháng 11-1968 – tháng 9-1969) với 187 lượt tàu ra khơi, chuyển 10.889 tấn vũ khí, hàng hóa từ Hải Phòng vào Quảng Bình9, để từ đó hàng theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường.
Trong những năm 1969-1972, Đoàn 125 tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương thức vận chuyển mới nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vũ khí, trang bị của chiến trường miền Nam, tạo nên sức mạnh to lớn để tiến lên đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Tháng 8-1969, Tàu 42 được cải dạng thành tàu nghiên cứu biển, đã tổ chức chuyến trinh sát mở tuyến vận chuyển mới thành công. Theo tuyến đi này, các tàu chở vũ khí đi trên đường hàng hải quốc tế, vòng qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sâu xuống vùng biển Sumatra của Inđônêxia, sau đó quay lại vịnh Thái Lan, rồi bất ngờ tàu chuyển hướng, đưa vũ khí vào vùng biển Tây Nam - Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Đoàn 950 (sau đổi tên thành Đoàn 371, Đoàn G473) thuộc Quân khu 9 đã tìm ra phương thức vận chuyển công khai, hợp pháp trên những con tàu hai đáy, thực hiện thành công 37 chuyến, vận chuyển được hơn 600 tấn vũ khí từ miền Bắc vào Nam Bộ10.
Hiệp định Pari được ký kết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn, Đoàn 125 được lệnh tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đầu năm 1975, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông được tái khởi động với nhịp độ mau lẹ, khẩn trương để tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng. Chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thực hiện chỉ thị “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn 125 đã huy động 143 chuyến tàu ra khơi, với hành trình 65.721 hải lý, chuyên chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu11, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1961 đến 1975, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 557 chuyến tàu (chưa kể 6 chuyến đi trinh sát, 19 chuyến phải quay về) chở hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và hơn 44.000 tấn hàng chi viện cho miền Nam12. So với tuyến vận tải đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, con số này còn khiêm tốn, song nó mang ý nghĩa rất to lớn, góp phần giải quyết nhu cầu vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong những thời điểm khó khăn nhất, thể hiện ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tình cảm mật thiết của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, lịch sử hình thành và phát triển của Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Với ý nghĩa đó, những kỳ tích mà Đường Hồ Chí Minh trên biển giành được trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước không chỉ là hiện thân của lòng quả cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá, tình cảm thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt, mà vượt lên trên hết, nó là con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
“Năm tháng có qua đi, những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu “không số”; của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, sẽ mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”13.
Đất nước ta đang hằng ngày, hằng giờ thay da đổi thịt trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, song Đường Hồ Chí Minh trên biển với bao chiến công huyền thoại vẫn mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời.
Thực tiễn quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển đã để lại một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương với những chủ trương và quyết sách đúng đắn, quyết định sáng suốt trong từng thời điểm lịch sử cụ thể là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức vận chuyển trên Đường Hồ Chí Minh trên biển phải phát huy tính chủ động, ý thức tự lực tự cường, linh hoạt sáng tạo của mọi cán bộ, chiến sĩ; phải nắm vững quan điểm thực tiễn, có biện pháp tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh chiến trường.
Thứ ba, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tuyến hành lang vận tải biển với ra sức chiến đấu để bảo vệ tuyến đường và giữ vững hành lang.
Những bài học kinh nghiệm được đúc kết là những vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc. Việc tổ chức triển khai bảo đảm giao thông vận tải trên biển là vấn đề không chỉ quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước mà cả với thời bình, bởi đây là một trong những mạch máu lưu thông của nền kinh tế đất nước, cũng là cơ sở và động lực cho mọi hoạt động tác chiến của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.
THS. Lê Minh Nam
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
1. Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 98.
2. "Tàu không số" không phải vì không có số mà có rất nhiều số, sở dĩ gọi như vậy là để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu phải cải dạng thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển.
3, 9. Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (1961-2001), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 56, 174.
4, 8. Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Tổng kết Hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 116, 215.
5. Hồ sơ số 45, phông Lữ đoàn 125, Lưu Văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 50.
7. Dẫn theo Tài liệu địch, Phông số 02, Hồ sơ 25, Lưu Trung tâm Thông tin - Thông tấn xã Việt Nam.
10. Quân chủng Hải quân: Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển và Lữ đoàn tàu vận tải quân sự 125 Hải quân (1961-2011), Bản thảo lần cuối, tr. 202.
11. Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 417.
12. Đặng Phong: Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II - 1955-1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 1071, 1072.Theo Bộ Tổng Tham mưu: 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 193, 194, 195: Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 170.000 lượt cán bộ chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam.
13. Thư chúc mừng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân nhân kỷ niệm 35 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-1996). Dẫn theo Đình Kính: Đi tìm dấu tích con đường, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 349.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực