Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng

Ngày đăng: 24/10/2016 - 09:10

Trong suốt quá trình lãnh đạo thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc,  Đảng ta luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Tư tưởng lấy dân làm gốc luôn được quán triệt trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, kỷ luật đảng nói riêng. Do đó, Đảng luôn dựa vào dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Vì sao phải phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng và công tác xây dựng đảng?

Theo Hồ Chí Minh, Đảng là một thực thể chính trị, nhân dân là một thực thể xã hội, giữa hai thực thể này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Đảng muốn tồn tại, khẳng định vai trò của mình đối với xã hội, với nhân dân, xây dựng xã hội mới (xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa) thì Đảng phải dựa vào nhân dân. Có dựa vào nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân thì Đảng mới có cơ sở xã hội, mới có sinh khí và sức mạnh để tồn tại và phát triển. Người chỉ rõ: “so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng... Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng”1. Người tha thiết và mong muốn nhân dân giám sát, kiểm tra Đảng và Nhà nước, vì: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”2.

Hồ Chí Minh lên án căn bệnh quan liêu của một bộ phận cán bộ, đảng viên là chỉ thích ngồi bàn giấy, không sát cơ sở, sát phong trào, không chịu học hỏi quần chúng, thậm chí còn xa rời nhân dân. Người chỉ rõ: “Quan liêu, mệnh lệnh: Không đi sâu đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của địa phương mình, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng. Thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở để hiểu đúng thực tế, kiểm tra việc thi hành chính sách, lắng nghe ý kiến của nhân dân”3. Từ đó, Người khẳng định: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không... Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng”4.

Người cảnh báo khi thấy cán bộ có thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, tha hóa, nhiều khi tổ chức, cán bộ lãnh đạo do quan liêu mà không biết, không tường tận, còn nhân dân thì đều biết rõ. Người nêu rõ: “Ở cấp dưới, ở cơ sở, có những nơi cán bộ phụ trách không tốt, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, làm những điều xấu xa. Những điều ấy, quần chúng đều biết”5.

Hồ Chí Minh cũng phân tích cặn kẽ những căn bệnh gây nên nguy cơ của đảng cầm quyền như: bệnh xa rời quần chúng, bệnh kiêu ngạo, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng... và chỉ rõ, muốn chống các căn bệnh đó, thì phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng kiểm tra, kiểm soát. Người viết: “Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”6 và “Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”7.

Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, để cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân thì phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có nhân dân kiểm tra, giám sát. Người nói: “Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên... Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”8. Do vậy, Người khẳng định phải dựa vào nhân dân để kiểm tra.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng như thế nào?

Theo Hồ Chí Minh, muốn kiểm tra có kết quả, một mặt, phải kiểm tra từ trên xuống, kiểm tra trong nội bộ Đảng, tức người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình; mặt khác, phải kiểm tra từ dưới lên, tức là phải chịu sự giám sát, kiểm tra của nhân dân, đây là biện pháp kiểm tra rất hữu hiệu và không thể thiếu được. Người chỉ rõ: “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”9. Người cũng cho rằng, cùng với kiểm tra trong nội bộ Đảng là “kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”10 thì phải chú trọng, quan tâm đặc biệt đến cách kiểm tra của quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể. Người nói: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”11.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một cách kiểm tra khác giúp cho việc phát huy vai trò của quần chúng rất có kết quả là kết hợp kiểm tra trong nội bộ tổ chức với kiểm tra của quần chúng bằng cách lãnh đạo liên hợp với quần chúng. Theo Người: “Nếu người lãnh đạo động viên số đông hoặc tất cả nhân viên... tham gia công việc kiểm soát, mà nhân viên trong ban kiểm tra cấp trên biết chỉ đạo đúng, theo cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, thì việc kiểm soát nhất định kết quả tốt”12. Người còn yêu cầu: “Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ”13.

Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm rất hay là khi kiểm tra thì ban kiểm tra không thể tiến hành đơn độc, tự mình tiến hành, như vậy kết quả sẽ không cao. Điều quan trọng là phải biết dựa vào quần chúng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực kiểm tra của quần chúng đối với Đảng. Người chỉ rõ: “Lập ban kiểm tra là đúng, nhưng ban kiểm tra phải dựa vào quần chúng mà tiến hành công tác”14.

Hồ Chí Minh cũng phê phán những cán bộ, đảng viên không công khai thừa nhận khuyết điểm, không chịu sự giám sát, kiểm tra của nhân dân. Người nói: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm, thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”15. Đồng thời, Người khẳng định việc phê bình muốn có kết quả thì phải tiến hành bằng nhiều cách, trong nội bộ Đảng chưa đủ, mà còn phải có kiểm tra, giám sát, phê bình của nhân dân. Người chỉ rõ: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”16. Người yêu cầu: “Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên”17.

Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên vừa phải “thường xuyên thật thà tự phê bình”, vừa phải “hoan nghênh quần chúng phê bình mình”, vừa phải “thành khẩn phê bình anh em để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”18. Người cũng cho rằng, cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói, không dám để dân góp ý phê bình, thiếu dân chủ với nhân dân. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thực sự cầu thị, phải biết lắng nghe dân phê bình, góp ý thì mới tiến bộ được. Theo Người: “Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”19. Muốn vậy, phải “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa... Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”20.

Hồ Chí Minh cũng cho rằng, muốn kiểm tra, xem xét, xử lý đúng cán bộ có vi phạm thì phải có sự kiểm tra, giám sát của quần chúng, phải dựa vào quần chúng mới khách quan, toàn diện, triệt để và dân chủ, tạo được sự đồng tình, tăng thêm niềm tin của nhân dân. Người chỉ rõ: “những phần tử xấu phải xử trí đúng mức: Cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục... Muốn xử trí đúng mức phải dựa vào quần chúng, nếu nói nhất loạt tốt cả, hoặc xấu cả cũng không được, muốn biết ai tốt ai xấu phải dựa vào quần chúng”21.

Từ đó, Người khẳng định: “Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”22, nhất là khi có phê bình, góp ý chân thật, thấu đáo, nhiệt huyết của nhân dân đối với công việc của Đảng. Vì vậy, Người yêu cầu: “chẳng những chúng ta phải thực hiện mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong cơ quan chính quyền, mà chúng ta còn phải hoan nghênh những lời phê bình thành thật của nhân dân”23.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể từng thời kỳ cách mạng để công tác kiểm tra, kỷ luật đảng đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã nêu rõ: “Từng thời gian, đảng ủy phải có chương trình kiểm tra, và biết tổ chức lực lượng, huy động đảng viên, cán bộ chuyên môn và quần chúng tham gia công tác kiểm tra”24. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII tháng 6-1996 cũng nêu rõ: “Các tổ chức cơ sở đảng phải động viên và tổ chức nhân dân thường xuyên tham gia xây dựng đảng: đóng góp ý kiến xây dựng các nghị quyết của Đảng; giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên;... giúp tổ chức đảng làm tốt công tác kiểm tra...”25. Đảng ta cũng đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và có Quy chế dân chủ ở cơ sở để nhân dân thực hiện tốt phương châm đó. Những thành tích, kết quả đạt được về công tác xây dựng đảng trong những thập kỷ qua là có phần đóng góp quan trọng của nhân dân đối với công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.

Trong các cuộc kiểm tra, các đợt tự phê bình và phê bình thời gian qua, Đảng ta luôn tổ chức trưng cầu ý kiến đóng góp của nhân dân, luôn chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng do nhân dân phát hiện, phản ánh với tổ chức đảng có thẩm quyền. Trong điều kiện tự phê bình và phê bình trong Đảng giảm sút, khi tiến hành công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, Đảng ta luôn luôn chú trọng công tác thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên, có sự đóng góp tích cực với ý thức trách nhiệm cao của nhân dân, giúp việc kiểm tra, kết luận, xử lý được khách quan, công minh, chính xác, kịp thời. Qua đó, niềm tin vào Đảng của nhân dân được nâng cao.

Việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng là một trong những phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, kỷ luật đảng. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, các cấp ủy đảng cần ban hành đồng bộ các quy định, quy chế cụ thể như quy chế về tự phê bình và phê bình trong Đảng, quy chế nhân dân tham gia giám sát Đảng (đối với các tổ chức đảng và đảng viên)...

Việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng để vận dụng vào thực tế công tác của từng địa phương, đơn vị, cơ sở và mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

Cao Văn Thống

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 12, 13, 14, 17, 18, 19, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 278; t. 9, tr. 81; t. 14, tr. 29; t. 5, tr. 289; t. 15, tr. 224; t. 8, tr. 507; t. 15, tr. 547; t. 6, tr. 127; t. 5, tr. 332; t. 6, tr. 397; t. 15, tr. 681; t. 7, tr. 34; t. 8, tr. 283; t. 15, tr. 280; t. 15, tr. 595; t. 9, tr. 311.

9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd., t. 5, tr. 328.

15, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd., t. 6, tr. 53.

22, 23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd., t. 10, tr. 315.

24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 141.

25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 98.

Bình luận