Những phát triển tư duy lý luận trong bảo vệ Tổ quốc

Ngày đăng: 26/10/2016 - 11:10

Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Các lực lượng vũ trang nhân dân diễu binh trong Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2015

Các lực lượng vũ trang nhân dân diễu binh trong Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015)

Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, đất nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh mới của tình hình khu vực không chỉ tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn đang và sẽ đặt ra những nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận về xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Sự phát triển tư duy lý luận về bảo vệ Tổ quốc của Đảng thể hiện những nội dung chủ yếu:

Một là, nhận thứcvề mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩaxã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Xây dựng là gốc của bảo vệ, bảo vệ là bộ phận hợp thành của xây dựng; xây dựng gắn với bảo vệ, bảo vệ nhằm mục đích xây dựng, phát triển tốt hơn. Trong khi nhiệm vụ xây dựng đất nước được đặt lên hàng đầu thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng không thể lơ là. Đảng nhấn mạnh: nắm chắc nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng; quốc phòng với an ninh, đối ngoại.

Hai là, nhận thức vềmục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng toàn diện hơn. Từ chỗ nhấn mạnh một số nội dung, Đảng đã xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc đồng bộ gồm 6 nội dung: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình... Nhận thức của Đảng về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không những toàn diện hơn mà còn rõ hơn về vai trò của từng nội dung, mối quan hệ biện chứng, sự gắn kết giữa mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong mục tiêu; hài hòa giữa yêu cầu và khả năng bảo vệ; là cơ sở để thống nhất các nguồn lực bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, nhận thức về mối quan hệ giữabảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu sắc hơn. Đảng đã khẳng định bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, có tính sống còn, chi phối đến sự ổn định chế độ, khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, luôn là mục tiêu đầu tiên. Bảo vệ chế độ xã hội gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân là một mục tiêu cơ bản, nhân tố quyết định sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Hai nội dung này không thể tách rời nhau.

Bốn là, nhận thức vềlực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của Đảng ngày càng đầy đủ hơn. Sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt; là sức mạnh tổng hợp của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; là sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Sức mạnh bên trong, sức mạnh chính trị, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Đảng chỉ rõ phương thức tạo sức mạnh tổng hợp là: lấy chính trị, tinh thần làm cốt lõi; đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng. Nhận thức của Đảng kế thừa truyền thống dân tộc, bổ sung, phát triển, thể hiện đầy đủ, sâu sắc tính toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, nhận thức về phương châm bảo vệ Tổ quốc có những phát triển mới, chuyển từ nhấn mạnh bạo lực cách mạng, chính nghĩa chống bạo lực phản cách mạng, phi nghĩa sang kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đảng đã cụ thể hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ thời bình, từ lúc nước chưa nguy, hoàn thiện quan điểm “tự bảo vệ” trong điều kiện mới. Sự phát triển nhận thức về phương châm bảo vệ Tổ quốc là cơ sở để đề ra đối sách phù hợp với từng đối tượng, tình huống.

Sáu là, nhận thức về phương thức bảo vệ Tổ quốc được bổ sung, phát triển,chuyển từ nhấn mạnh đấu tranh vũ trang sang kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang và phi vũ trang; kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng để bảo vệ. Đấu tranh phi vũ trang ngày càng có vai trò quan trọng, được mở rộng với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, trong phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”. Sự phát triển nhận thức về phương thức bảo vệ Tổ quốc của Đảng phù hợp với tình hình mới, với sự điều chỉnh phương thức chống phá của các thế lực thù địch.

Bảy là, nhận thức xây dựng nền quốc phòng toàn dângắn với xây dựng nền an ninh nhân dân là quan điểm cơ bản của Đảng, được phát triển ngày càng hoàn thiện. Đảng chủ trương: xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, mang tính tự vệ, ngày càng hiện đại. Đồng thời nhấn mạnh: xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn diện, lấy tiềm lực chính trị, tinh thần làm cơ sở, quyết định hiệu quả sử dụng các tiềm lực khác; coi trọng xây dựng tiềm lực kinh tế mà cốt tử là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, giữ vững độc lập, tự chủ, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng thành bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng; phát triển khoa học - công nghệ, khoa học quân sự, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng “thế trận lòng dân” làm cơ sở, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc là trọng tâm của xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Nhận thức về phương hướng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại có sự phát triển: một bộ phận tiến thẳng lên hiện đại. Xây dựng quân đội toàn diện, coi trọng xây dựng về chính trị, tổ chức, vũ khí trang bị, huấn luyện, đào tạo, công tác bảo đảm; số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao; quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ.

Nhận thức về an ninh có những đổi mới quan trọng, đó là: quan niệm an ninh tổng hợp gồm an ninh chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa...; gắn kết xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân trong xây dựng khu vực phòng thủ địa phương; xây dựng, bố trí lực lượng quốc phòng, an ninh nòng cốt và lực lượng toàn dân; xây dựng cơ sở chính trị, trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các tình huống…

Tám là, nhận thức về đấu tranh quốc phòng, an ninh thời bình gồm đấu tranh thường xuyên với các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài; đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao…; đấu tranh trong các tình huống: tranh chấp chủ quyền biển đảo, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang lật đổ, ly khai...; đấu tranh trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Đấu tranh quốc phòng, an ninh phải kết hợp chặt chẽ với đối ngoại, hợp tác quốc tế; lấy hợp tác là chính, đấu tranh để hợp tác quốc tế tốt hơn, tránh căng thẳng, đối đầu.

Chín là, nhận thức sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nguyên tắc có ý nghĩa sống còn; là thành tựu, quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng trong công cuộc đổi mới. Đảng xác lập nguyên tắc lãnh đạo: “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” thay cho “trực tiếp, tập trung, thống nhất về mọi mặt”; không chỉ đối với quân đội mà cả sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nguyên tắc đó khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo quân đội, sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực, trên mọi mặt công tác; trong mọi nhiệm vụ. Nội dung lãnh đạo của Đảng gồm: Đảng định ra đường lối bảo vệ Tổ quốc, đường lối quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang, công tác cán bộ; Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức của Đảng và bộ máy nhà nước... Để hoàn thiện, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, có sự bổ sung, phát triển cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an, ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tham mưu và tổ chức thực hiện.

Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp vĩ đại, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang. Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn có sự phát triển nhất định, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng; góp phần bổ sung, phát triển hoàn thiện hệ thống lý luận về đổi mới, tạo cơ sở tốt cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực tế sự nghiệp đổi mới, đưa công cuộc đổi mới đất nước phát triển một cách toàn diện và bền vững.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN THÂN

Viện Chiến lược Quốc phòng



Bình luận