Những điểm mới của Luật báo chí năm 2016 và việc xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam
Ngày 5-4-2016, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017. Luật báo chí năm 2016 có nhiều điểm mới so với Luật báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 và Luật báo chí năm 1989. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đây là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
1. Những điểm mới của Luật báo chí năm 2016
Về kết cấu của Luật
Luật báo chí lần này gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều so với Luật báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999, tăng 30 điều so với Luật báo chí năm 1989), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành.
Kết cấu các chương của Luật báo chí lần này cũng có sự thay đổi: bỏ chương quản lý nhà nước về báo chí; thay đổi kết cấu Chương III (Nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí), Chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật báo chí năm 1999 thành Chương III (Tổ chức báo chí) và Chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật báo chí mới.
Việc tăng thêm các điều trong Luật báo chí mới cho thấy, Luật đã bám sát sự vận động của đời sống báo chí, khi báo chí ngày càng phát triển đa dạng, phong phú và cũng phức tạp hơn.
Về nội dung, Luật báo chí năm 2016 có 9 điểm mới
Thứ nhất, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (Chương IIvới 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân). Trong đó quy định rõ công dân có quyền: sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Thứ hai, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học. Đó là ba đối tượng: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Với quy định này, các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học - công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài cũng được phép thành lập tạp chí khoa học.
Thứ ba, bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí. Trong đó, quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Đây là một bước cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Thứ tư, về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định hiện hành, Luật báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí; mặt khác cũng quy định những thông tin mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp cho báo chí.
Đặc biệt, để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp đó có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Thứ năm, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật báo chí năm 2016 còn bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong đó, lần đầu tiên quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí: Luật báo chí mới quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, thể hiện tại điểm c khoản 2 Điều 21: nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Thứ bảy, Luật báo chí mới đã quy định cụ thể về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí (Điều 9), trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...
Những hành vi cấm đăng, phát thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 có sự tương thích với các quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ luật dân sự và các luật khác, bảo đảm tính khả thi của Luật.
Thứ tám, về cải chính và xử lý vi phạm: nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải đăng lại cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.
Luật báo chí mới đã bổ sung quy định mới về xử lý vi phạm như: cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo điện tử và cơ quan; tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại Điều 9, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ chín, Luật báo chí mới đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí. Đó là các quy định về: chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...
2. Luật Báo chí năm 2016 và việc xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam
Quy định hiện hành về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 2005 của Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, gồm:
1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.
Luật báo chí năm 2016 luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Nhằm nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Luật báo chí năm 2016 dành riêng Điều 8 để nói về Hội Nhà báo Việt Nam, với 2 khoản, 8 mục. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam là ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (mục b khoản 2).
Đây là lần đầu tiên Luật quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng. Quy định này thể hiện một bước tiến lớn trong việc gắn đạo đức nghề nghiệp của nhà báo với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Nếu trước đây, đạo đức nghề nghiệp là việc chỉ do tổ chức Hội đảm nhiệm, thì nay Luật báo chí mới quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, được luật hóa và trách nhiệm của Hội ngày càng cao.
Triển khai thực hiện Luật báo chí năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017), Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai trong toàn quốc Kế hoạch quán triệt Luật và góp ý xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo theo Luật mới (hoàn thành trong năm). Trên cơ sở 9 điều quy định nêu trên, các cấp Hội trong cả nước tổ chức lấy ý kiến hội viên về việc xây dựng hay bổ sung quy định mới. Trong năm 2016 sẽ hoàn chỉnh việc xây dựng Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
TS. Nhà báo Trần Bá Dung
Ủy viên Ban Thường vụ
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Thành viên Tổ Biên tập Dự án Luật báo chí năm 2016
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực