Cái mới trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Dư luận chung trong Đảng và trong nhân dân vui mừng đón nhận, mong muốn tìm thấy trong nghị quyết mới này nhiều cái mới, cả lời giải thuyết phục cho những điều bức xúc hiện nay.
Để tránh sự trùng lặp, nghị quyết chồng lên nghị quyết, Trung ương từng có chủ trương: Không ra nghị quyết mới khi không có vấn đề mới, nội dung mới, tư tưởng chỉ đạo mới và biện pháp mới.
Nghị quyết Trung ương 4 lần này là nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng đầu tiên mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành.
Vậy cái mới của Nghị quyết này là gì? Xin thử bàn.
CÁI MỚI TRƯỚC HẾT ĐƯỢC THỂ HIỆN Ở CHỦ ĐỀ CỦA NGHỊ QUYẾT
Đại hội XII của Đảng quyết định: “Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”(1).
Đại hội XII cũng quyết định: Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020), nhiệm vụ trọng tâm số 1 là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(2).
Với chủ đề (hay tiêu đề) nêu trên, Nghị quyết Trung ương 4 lần này không những thể hiện một cách nghiêm túc mà còn rất sáng tạo, có tính cập nhật cao đối với hai trọng tâm mà Đại hội XII đã chỉ ra.
CÁI MỚI TIẾP THEO THỂ HIỆN MỘT CÁCH TẬP TRUNG TRONG NHỮNG NỘI DUNG CỐT LÕI CỦA NGHỊ QUYẾT
Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(3).
Đúng là như vậy. Nghị quyết Trung ương đã nêu lên 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Và chỉ rõ rằng: Trong các biểu hiện đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, tham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn bức xúc của dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc"(4).
Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa lại cho chúng ta một sự nhận diện khá đầy đủ, sắc nét về thực trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nhận diện đúng là để qua đó mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình. Có ai nghĩ rằng, lười học tập cũng là biểu hiện của sự suy thoái? Thế mà, trong 18 biểu hiện suy thoái được liệt kê, biểu hiện thứ ba ghi rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động. Không phải để bi quan hay nhụt chí, mà là để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
CÁI MỚI CÒN ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH CÁC NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VỚI NHỮNG ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG
Bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 nêu lên là: về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Mỗi nhóm nhiệm vụ giải pháp ấy đều có những điểm nhấn quan trọng. Đó là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm. Là rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên. Là phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội, của nhân dân, của báo chí, của công luận; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”…
Có những việc rất cấp bách, không thể trì hoãn mà đòi hỏi phải làm ngay. Thí dụ như: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ban thường vụ cấp ủy các cấp chỉ đạo rà soát ngay (tác giả nhấn mạnh) đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận”. Hoặc: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Hệ thống các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho thấy quyết tâm cao của Trung ương, người vừa là tác giả của Nghị quyết, vừa là chủ thể thực hiện và lãnh đạo thực hiện nghị quyết.
Ba cái mới nêu trên xin được hiểu là những cảm nhận cá nhân.
Điều mong muốn của tất cả chúng ta, trong Đảng cũng như trong nhân dân là Nghị quyết Trung ương 4 sớm được đưa vào cuộc sống một cách toàn diện, đồng bộ, đương nhiên là có trọng tâm trọng điểm. Ai cũng biết: Một việc làm có ích, một đóng góp thiết thực có giá trị hơn nhiều so với những lời nói khoa trương. Một tấm gương sống hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền!
“Muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”(5).
Đó là lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lời chỉ dẫn sâu sắc, cũng là sự cam kết nghiêm trang của người đứng đầu Đảng ta.
HÀ ĐĂNG
Nguồn: Báo Nhân Dân
----
(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016,tr. 198 và 217.
(3), (4), (5): Báo Nhân Dân, ngày 15-10-2016.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực