Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 16/11/2016 - 09:11

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu. Phản ứng đối với tham nhũng mang tính xã hội rộng lớn ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự tham gia của người dân.

Sau khi giành chính quyền năm 1945, thiết lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường bảo vệ Tổ quốc, vừa từng bước hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội và hệ thống pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự quốc gia. Thời kỳ này, pháp luật nước ta chưa có khái niệm cụ thể về tội phạm kinh tế nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng nhưng đã có một số văn bản quy định các tội có liên quan đến kinh tế. Trong thời kỳ cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa (1954 - 1965), Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về đấu tranh chống tội phạm kinh tế như Sắc lệnh 267/SL ngày 15-6-1956 về việc trừng trị những âm mưu, hành động phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa; Sắc lệnh số 01-SL ngày 14-4-1957 về chống đầu cơ kinh tế. Đến ngày 21-10-1970, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa được ban hành. Tội phạm kinh tế được hiểu chủ yếu là các hành vi trực tiếp xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ, gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, bao che cho kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tội phạm kinh tế phổ biến là các tội liên quan đến ngành thương nghiệp, trong lĩnh vực lưu thông phân phối, các tội liên quan đến tem phiếu … Trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, các tội phạm xảy ra phổ biến là các tội buôn bán hàng cấm, tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, tội cố ý làm trái, tham nhũng …

Đến năm 1985, trước yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng, ngày 27-6-1985 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hình sự và có hiệu lực từ ngày 01-01-1986. Theo quy định tại Chương VII Bộ luật Hình sự năm 1985 thì các tội phạm kinh tế chủ yếu xâm phạm đến trật tự lưu thông, phân phối, trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu trí tuệ của Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.

Hiện nay, trên cơ sở quy định Bộ luật Hình sự năm 1999 thì các tội về tham nhũng quy định tại Mục A, Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 1999: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)… và một số tội về chức vụ khác là: Tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội môi giới hối lộ (Điều 290); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291).

Và trong nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng trong thời gian qua, phần đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh đã nêu: “Không ít cán bộ chưa quán triệt đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nặng về kinh doanh đơn thuần, một số tham nhũng, thoái hóa biến chất, xa hoa lãng phí của công, làm giàu phi pháp.

Thực tiễn 30 năm thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm cho tốc độ phát triển kinh tế ở nước ta tăng trưởng ở nhịp độ khá nhanh nhưng mặt trái của nó, đã làm tha hóa, hư hỏng không ít cán bộ, đảng viên (nhất là ở trong lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp). Hằng năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng, mỗi vụ làm thất thoát tài sản và vốn của Nhà nước hằng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhiều bị can, (trong đó không ít cán bộ có chức có quyền) đã bị xử lý trước tòa.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, khi những thế lực phản động luôn muốn tìm mọi cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì những kẻ tham nhũng xét ở một góc độ nào đó cũng là tiếp tay cho các thế lực phản động. Xưa nay, sự phá hoại bên trong bao giờ cũng nguy hiểm hơn sự phá hoại từ bên ngoài. Không xử lý kịp thời, đúng mức chúng ắt sẽ trở thành một nguy cơ lớn.

Về nguyên nhân tình trạng tham nhũng, trước hết, phải nói đến yếu tố tác động từ phía người phạm tội. Thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tham nhũng cho thấy, trong số những người phạm tội này, đa số là người có chức, có quyền, có trình độ học vấn và chuyên môn cao, có kinh tế gia đình vững chắc. Trình độ học vấn và chuyên môn cao cho họ khả năng nhận biết và khai thác những kẽ hở của pháp luật về quản lý kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội. Cương vị lãnh đạo và mối quan hệ công tác giúp họ thiết lập mối quan hệ cá nhân rộng lớn với các cấp có thẩm quyền, để có sự che chắn và cơ hội, điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có nguy cơ bị phát hiện, họ sẽ lợi dụng thế mạnh sẵn có về quyền lực, cộng với sức mạnh của đồng tiền để tạo nên những lá chắn chống lại các cơ quan chức năng. Với cương vị của mình họ có cơ hội dùng các thủ đoạn để tiêu hủy chứng cứ, thay đổi sửa chữa chứng từ, hóa đơn và tẩu tán tang vật. Hơn thế, họ còn sử dụng vật chất để mua chuộc, dụ dỗ, dùng quyền lực khống chế, đe dọa những người phát hiện, tố cáo, thậm chí cả cán bộ thực thi công vụ.

Kết quả nghiên cứu từ nhiều vụ án tham nhũng cho thấy hầu hết những vụ án lớn xảy ra trong các doanh nghiệp đều ở thế khép kín. Trong đó, giám đốc, phó giám đốc, kế toán và thủ quỹ phối hợp chặt chẽ, việc thanh tra, kiểm tra không được tiến hành kiên quyết, dễ dàng bỏ qua tội phạm.

Sự không tích cực, chủ động của nhân chứng, người biết về hành vi phạm tội cũng là yếu tố làm cho số lượng tội phạm tăng lên. Bởi đối tượng xâm hại ở đây không phải là tài sản riêng mà là tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản của tập thể. Với sự nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người là nhân chứng của nhiều vụ phạm tội cho rằng: vụ này mình chẳng có thiệt hại gì, tài sản đó là của Nhà nước…

Trình độ và trang thiết bị của các cơ quan có nhiệm vụ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm còn nhiều yếu kém. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng không được đồng bộ kịp thời. Cùng với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế đất nước, các văn bản pháp luật được bổ sung theo ngày, theo tháng. Nhiều cán bộ trong lĩnh vực cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế ở nhiều địa phương không được đào tạo chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán nên trong quá trình xác minh, kiểm tra về những vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ không phát hiện ra những sai sót mà tội phạm đã tạo ra nhằm che dấu hành vi phạm tội.

Khi thực hiện cơ chế thị trường, được quyền tự sản xuất kinh doanh, một bộ phận cán bộ quản lý doanh nghiệp đã lợi dụng tiêu xài, vun xén cá nhân, mua sắm quá mức cho phép, dùng mọi thủ đoạn tham ô, hối lộ và nhận hối lộ. Không ít tổ chức đảng trong các doanh nghiệp hoạt động yếu do bố trí cán bộ làm công tác Đảng không đúng tầm. Có một tỷ lệ không nhỏ tổ chức cơ sở đảng bố trí bí thư đảng bộ chỉ là trưởng, phó phòng. Họ không bao quát hết được công việc của doanh nghiệp, trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất kinh doanh chung chung, không kiểm tra, kiểm soát được việc làm của giám đốc để giám đốc lộng quyền. Trong công tác đảng chưa gắn chặt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ với phòng, chống tham nhũng. Còn sơ hở trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, thậm chí có trường hợp đưa cả phần tử cơ hội, không đủ phẩm chất vào cơ quan nhà nước. Còn có tình trạng trên thì quan liêu, không sát, dưới thì nể nang cảm tình, bao che, thậm chí có nơi còn thông đồng tham ô tập thể.

Ở những cơ quan, lĩnh vực đụng chạm nhiều đến tiền, kế hoạch, cấp phát, dự án, dịch vụ, xét xử, nơi dễ phát sinh tiêu cực, nếu không được quản lý chặt chẽ, không có cơ chế giám sát kiểm tra,… thì cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, phấn đấu dễ tặc lưỡi làm liều. Lúc đầu còn nho nhỏ, sau to dần và dẫn đến tình trạng “đâm lao phải theo lao” cùng với danh nghĩa “tăng thu nhập”, “cải thiện đời sống” “thưởng” có nơi chỉ vài triệu nhưng có nơi lại là vài chục triệu, có khi hàng trăm triệu. Sự phân hóa giàu nghèo, bất hợp lý trong thu nhập, tiền lương tạo ra tâm lý trong một bộ phận người lao động cảm thấy mình thiệt hơn, dần dần dẫn đến tình trạng “tham nhũng tập thể”, nhưng trong tập thể đó lại có tình trạng “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai, ba”.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh, có bộ phận còn tiêu cực. Thực tế cho thấy xử lý theo pháp luật, nghiêm minh và bảo đảm công bằng, bình đẳng trước pháp luật sẽ có tác dụng rất lớn đến việc ngăn chặn và làm giảm tội phạm tham nhũng. Muốn vậy, bất kỳ ai, chức vụ gì khi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm bình đẳng trước luật pháp. Nếu người đó có công thì sau khi xét tội mới được trừ đi một phần nào đó do có công, không nên vì người đó có công trước đây mà làm lu mờ tội trạng hiện tại. Nếu công, tội lẫn lộn sẽ dẫn đến tình trạng kẻ xấu lợi dụng người có chức vụ, quyền hạn để làm ăn phi pháp.

Từ những phân tích trên, có thể thấy thấy tham nhũng là một hiện tượng xã hội thường đi kèm với quyền lực nhà nước. Chừng nào còn nhà nước và các hình thức quyền lực chính trị bị tha hóa bởi thói tham lam, ích kỷ thì còn có thể xảy ra tham nhũng. Tham nhũng gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa nên không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều lên án mạnh mẽ, coi nó là kẻ thù của sự phát triển và tìm nhiều giải pháp để phòng chống.

Để giải quyết tham nhũng cần có một số điện kiện sau:

1. Thủ trưởng và người đứng đầu địa phương, đơn vị phải liêm khiết, mẫu mực và thực sự quyết tâm chống tham nhũng, lời nói đi đôi với việc làm, kiên quyết xử lý nghiêm minh kẻ vi phạm, bất kể họ là ai.

2. Kiên quyết chống tham nhũng nhưng không để bị lợi dụng làm mất ổn định chính trị - xã hội vì đó là điều kiện cần thiết cho sự phát triển.

3. Coi trọng cả phòng ngừa và chống tham nhũng nhưng coi phòng ngừa là giải pháp có tính chiến lược.

4. Coi trọng việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thực sự có quyền lực.

Thời gian tới để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, muốn đấu tranh chống tham nhũng đạt kết quả, bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân quá trình diễn biến và kết quả phát hiện thì việc phòng ngừa tội phạm hết sức quan trọng và cần thiết. Trong đó, có cả phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội. Nếu làm tốt công tác này sẽ làm cho tội phạm giảm đi. Như vậy về mặt xã hội sẽ đạt được nhiều cái lợi, tạo cho nhân dân niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giảm đi số cán bộ thoái hóa, biến chất.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước cần tập trung đội ngũ chuyên gia giỏi về luật và kinh tế để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện pháp luật về kinh tế, khai thác triệt để khả năng và sáng kiến xây dựng pháp luật của các đại biểu Quốc hội và mỗi người dân nhằm hạn chế những kẽ hở còn tồn tại trong một số điều luật, làm giảm tối đa môi trường cho tệ tham nhũng phát triển. Đặc biệt chú trọng luật pháp hóa, thể chế hóa để bảo vệ, bảo toàn tài sản nhà nước. Đồng thời các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật kinh tế và các doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống kiểm toán tin cậy. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Đây là biện pháp ngăn chặn từ gốc tội lãng phí của công và tham nhũng.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình để nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Có quy chế cụ thể buộc người đứng đầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính khi có tham nhũng xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách và người lãnh đạo cấp trên trực tiếp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với sai phạm của cấp dưới do mình quản lý.

Thứ tư, trong khi tiến hành đấu tranh chống tham nhũng ở tất cả các cấp, các ngành phải đồng thời coi trọng việc xác định đối tượng trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành, những lĩnh vực có điều kiện hoặc có biểu hiện tham nhũng như cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giao nhận thầu xây dựng, quản lý tài chính, thu thuế, hóa giá nhà, cấp đất xây dựng,…

Thứ năm, tập trung xử lý kịp thời nghiêm túc, công bằng, công khai, đúng pháp luật các vụ tham nhũng bất kể người vi phạm là ai, vi phạm lần thứ mấy. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm mà có biện pháp xử lý thích đáng nhưng phải đặt lên hàng đầu việc xử phạt kinh tế đối với tội phạm tham nhũng, để một mặt thu hồi tài sản của Nhà nước bị mất, mặt khác có giá trị răn đe những người khác. Nếu xa rời biện pháp kinh tế này thì có kẻ sẵn sàng tham nhũng hàng trăm triệu, hàng nghìn tỷ đồng chịu ngồi tù ít năm để sau đó được sống ung dung.

Thứ sáu, từng bước làm trong sạch cơ quan bảo vệ pháp luật bằng cơ chế thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát… trong việc xử lý các vụ tham nhũng, đặc biệt những việc xảy ra ở chính những cơ quan này. Làm trong sạch nội bộ, loại ra khỏi cơ quan những người không đủ tiêu chuẩn, đồng thời tuyển chọn những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, năng lực nghiệp vụ vững vàng vào trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rút kinh nghiệm việc triển khai chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền thông tin tội phạm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm khơi dậy khí thế quần chúng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Phát động cán bộ, công nhân viên dũng cảm đứng lên tố cáo những kẻ tham nhũng, có chế độ khen thưởng và bảo vệ họ, phải coi đây là biện pháp có ý nghĩa chiến lược, bởi quần chúng ở khắp mọi nơi là mạng lưới “thiên la địa võng” mà kẻ tham nhũng không dễ gì lẩn tránh được.

Thứ tám, phải sử dụng tốt các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Các tổ chức đảng trong các cơ quan, doanh nghiệp phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của công luận, kịp thời tiến hành điều tra, kết luận và xử lý nghiêm túc, công khai những vụ mà công luận đã phanh phui.

Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài và phải được tiến hành đồng bộ, nhiều mặt. Trong chủ trương, hành động phải kiên quyết, bền bỉ, làm từng bước vững chắc, có hiệu quả, tránh đánh trống bỏ dùi, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới. Nếu trong thời gian tới, chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh này thắng lợi sẽ đem lại ý nghĩa chính trị và kết quả to lớn, tạo ra niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng và chính quyền./.

Trần Thị Quốc Hiền

Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận