Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ mỗi cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 21/11/2016 - 14:11

Chỉ ra chín biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII nêu rõ, phải “thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Có thể nói, việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này trước hết phải từ mỗi cán bộ, đảng viên.

Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị T.Ư 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó trọng tâm phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

“Tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” là quá trình diễn ra từ bên trong từng cán bộ, đảng viên. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến quá trình này là do hạn chế năng lực trí tuệ; do sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; do chủ nghĩa cá nhân,… Bên cạnh đó là nguyên nhân khách quan, như sự chống phá của các thế lực thù địch; sự điều chỉnh và phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu… Nguyên nhân khách quan hợp lực với nguyên nhân chủ quan thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt, kịp thời.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ, trí tuệ của Đảng.

Thực tế, đã có cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo không chỉ phai nhạt lý tưởng cách mạng mà còn mất niềm tin, hoài nghi vào vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ họa theo những tư tưởng sai trái, lệch lạc. Khi tư tưởng chính trị chệch hướng làm cho nội bộ chia rẽ, suy thoái. Vì vậy, phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm củng cố niềm tin vào con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn. Đây là vấn đề quan trọng, cần làm thường xuyên, nghiêm túc, có hiệu quả, kiên quyết khắc phục bệnh hình thức.

Để việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả, có cơ sở khoa học và thuyết phục, cần tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới.

Hai là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là bảo vệ Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Những hoạt động chống phá này ngày càng quyết liệt, tinh vi hơn, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, cần những giải pháp cụ thể trong bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại làm lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ của các thế lực thù địch. Một trong những việc cần làm ngay là kiên quyết xử lý, thậm chí đưa ra khỏi Đảng những đảng viên cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, cục bộ, phe cánh, “lợi ích nhóm”,…

Ba là, tăng cường giáo dục, rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, tham nhũng, ham quyền lợi; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Những biểu hiện này không thể xem thường, bởi sự “lệch chuẩn giá trị sống” có thể là khởi đầu cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, xử lý điều này sẽ dẫn đến những nguy hại khôn lường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái này cần những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức với phát huy tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là một trong những giải pháp cơ bản ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ học tập, làm theo mà cần tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, hướng vào những việc làm cụ thể gắn với từng đơn vị, cơ quan, tránh biểu hiện phô trương, hình thức, không hiệu quả. Đưa việc làm theo trở thành việc làm thường xuyên trong từng cấp, từng ngành và từng đơn vị, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn tiên phong, gương mẫu.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát, để có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cần tiến hành có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết không bao che, né tránh, nhất là đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ có chức, có quyền; xử lý kịp thời, kiên quyết, đúng mức độ những cán bộ sai phạm, dù cán bộ đó ở vị trí công tác nào, đảm nhiệm chức vụ gì.

Năm là, giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”.

Đảng luôn coi sự đoàn kết, thống nhất là sinh mệnh của Đảng, là hạt nhân để đoàn kết toàn dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như Bác Hồ căn dặn phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Sự phá hoại của thế lực thù địch là một thực tế chúng ta cần hết sức cảnh giác. Nhưng, điều đáng lo ngại là sự tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Đó là “giặc nội xâm”, làm suy yếu Đảng và niềm tin của nhân dân với Đảng. Chính vì vậy, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là tất cả cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có quyết tâm cao bằng những biện pháp quyết liệt, tinh thần thái độ kiên quyết, không khoan nhượng để đạt được kết quả như mong muốn.

TS Nguyễn Thị Lương Uyên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Báo Nhân Dân


Bình luận