Là sách hay là... nàng thơ?

Ngày đăng: 01/12/2016 - 10:12

Tại TP.HCM vừa diễn ra cuộc bán đấu giá hai cuốn sách quý nhằm lấy tiền giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt: cuốn Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của GS Hoàng Xuân Hãn (ấn bản đặc biệt, xuất bản năm 1966) và cuốn Lê Mạt Sự Ký của Nguyễn Duy Chính (độc bản, có triện son và thủ bút của tác giả).

Nhà sưu tập Trần Thế Vinh mua 2 cuốn sách này với giá 7,5 và 7 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn ủng hộ thêm 10 triệu đồng cho quỹ “Một quyển sách - Một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung”.

Không lớn nếu so với việc mua đấu giá một bức tranh hay một chiếc xe hơi cổ trên thị trường, số tiền trên vẫn là một nghĩa cử đẹp của giới sưu tập về tinh thần tương thân tương ái của người Việt khi hoạn nạn.

29.11.2016 Lan ảnh 1 Là sách hay là nàng thơ

Bìa cuốn Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của GS. Hoàng Xuân Hãn

Đặc biệt, một số nhà sưu tập khác dù đã có hai cuốn sách trên vẫn đứng ra đấu giá với nhiều lý do khác nhau, trong đó họ muốn có thêm một ấn bản đặc biệt như thế trong bộ sưu tập của mình.

Bởi, sưu tập sách quý hiếm từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã của nhiều người.

***

Trong "Thú chơi sách", học giả Vương Hồng Sển, từng viết: “Mỗi cuốn sách hữu danh khi xuất bản thường chia nhiều hạng. Ngoài bản thường in giấy tầm thường, còn đặc biệt in giấy đẹp có chữ ký của tác giả, thêm đánh số thứ tự hẳn hoi. Sách ấy có khi tác giả chừa tặng thân bằng trí thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi sách kén đã ký quỷ dặn trước. Số in đã ít, giá tiền lại cao, một khi sách được công nhận rằng hay thì rất dễ trở nên quý phẩm, các tay mua trễ tha hồ đua nhau giành giựt”.

Trải qua các thời kỳ kể từ khi ngành in ở Việt Nam phát triển, dù là khi khó khăn như thời bao cấp, phía xuất bản vẫn có những ấn bản sách đặc biệt đáp ứng lòng mong đợi của giới chơi sách. Gần đây, các ấn bản sách dạng này được nhiều NXB đầu tư ấn hành.

Chẳng hạn như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dù mỗi lần in hàng chục ngàn bản, nhưng luôn có 1-2 ngàn bản in bìa cứng để giới chơi sách mang về trưng trong tủ sách nhà mình. Những cuốn sách như thế, thường được NXB cam kết là chỉ in một lần duy nhất, càng làm tăng thêm giá trị khi sở hữu được nó.

29.11.2016 Lan ảnh 2 Là sách hay là nàng thơ
Bìa cuốn Lê Mạt Sự Ký của Nguyễn Duy Chính

Sách không chỉ dùng để đọc, đó còn là thú vui nếu có được một cuốn sách “không đụng hàng”. Bởi, theo học giả Vương Hồng Sển: “Đó là một bảo vật trong văn phòng các tay phong lưu, giấy in tuyệt hảo, chữ rõ rệt đậm đà, người xem không mệt mắt. Sở hữu chủ cầm nó trên tay thêm được thú vui mân mê thưởng thức một công trình đến nơi đến chốn của nghề ấn loát, khác nào nghề chơi cổ ngoạn ngồi giỡn với một kỳ trân bảo ngọc”.

Cụ Vương Hồng Sển còn cho rằng, một cuốn sách quý hiếm như một… mỹ nhân, khi ông tả: “Nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái, vuốt ve trang giấy mịn màng, gửi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu tài tử đời xưa tiếp kiến mỹ nhân bằng xương bằng thịt”.

***

Lâu nay, sách thường được ấn hành ở các dạng: sách bìa cứng, sách bìa mềm, sách bìa mềm phổ thông và hiện tại có thêm sách điện tử (ebook). Vậy sách ấn bản đặc biệt xuất hiện khi nào?

Theo tác giả Trần Trọng Cát Tường viết trong Về chốn thư hiên: “Cũng dễ đã hai trăm năm rồi, cái từ “edition de luxe” của tiếng Pháp có nghĩa là bản đặc biệt hay bản đặc ấn chuyển đi vào kho từ vựng của các nước nói tiếng Anh và còn lưu lại cái tên gốc mỹ miều ấy cho đến tận bây giờ. Sở dĩ như vậy, vì nước Pháp là cái nôi khai sinh bản đặc biệt, khai mở nét đẹp tinh tế, một tập quán văn hóa ảnh hưởng đến thị hiếu sưu tập sách của nhiều nước khác. Và theo chân người Pháp, thú chơi sách du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, ngay khi ngành xuất bản, theo đúng nghĩa hiện đại, bắt đầu hình thành và phát triển”.

Như vậy, những cuốn sách ngoài là tài sản tinh thần còn có giá trị hữu hình và đẹp rạng ngời được giới chơi sách ví von như… nàng thơ. Người Việt rất quý sách vở, trẻ nhỏ thường được dạy “giấy rách phải giữ lấy lề” ở cả các nghĩa của câu này. Phải chăng, những bản sách đặc biệt được trân quý cũng từ truyền thống này chăng?

Theo Báo Thể thao & Văn hóa

Bình luận