Tính trí tuệ và tính nhân văn trong văn hóa quân sự Việt Nam

Ngày đăng: 22/12/2016 - 09:12

Ngay từ buổi đầu dựng nước và trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước, với sự thông minh, sáng tạo cũng như từ những đặc trưng của nền văn hóa, nhân dân ta đã biết khai thác và vận dụng tối đa tính trí tuệ và tính nhân văn vào văn hóa giữ nước, tạo nên nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam.

trong nhung nam thang 612

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tên lửa SAM2 đã bắn rơi nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân nhất của Mỹ. Ảnh: kienthuc.net.vn

Hai đức tính quý báu của văn hóa nhân loại

Nói chung, quá trình hình thành nền văn hóa nhân loại được kết cấu theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là sự phân biệt giữa con người với các loài động vật. Trong giai đoạn này, giai đoạn “con người đứng thẳng” (Homo electus), con người từng bước xa dần bản năng sinh học vốn có của loài động vật và qua giáo dục, đã có được những hiểu biết về thiên nhiên, về xã hội và về cả chính mình. Từ đó, tính trí tuệ bắt đầu hình thành, giúp con người bước vào văn hóa. Và cũng từ đó, con người biết hành động đúng với sự cần thiết - đúng với lôgích của thực tiễn đời sống.

Sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn “con người tinh khôn” (Homo sapiens), trong con người, thú tính (tính động vật) mất đi, nhân tính (tính người) hoàn thiện dần. Nếu như ở giai đoạn thứ nhất, tính trí tuệ của con người nhằm phân biệt con người (động vật cao cấp) với động vật nói chung thì ở giai đoạn thứ hai, tính nhân văn hình thành, con người lại tiến lên một bước mới là phân biệt giữa con người với nhau. Tính nhân văn cần được hiểu theo ý nghĩa của từng từ - nhân là người, văn là vẻ đẹp của con người - để phân biệt với tính cận sinh vật của con người, nghĩa là đang còn luẩn quẩn trong các thú tính của mình, chưa đạt đến tính người. Nói một cách khác, tính nhân văn là sự tổng hợp cách sống, cách ứng xử, cách học tập, cách suy nghĩ, cách giao tiếp,… của con người. Tính nhân văn mang những đặc trưng thuộc bản chất của con người, kết hợp với nó là những tri thức về văn hóa, văn minh.

Trong đời sống tinh thần của con người, tính trí tuệ với nội hàm là sự hiểu biết, sự thông minh, sự sáng suốt, là điều hết sức cần thiết, nhưng nếu đem nó phục vụ cho những mục đích phi nghĩa, cho tội ác thì lại trở thành sự xảo trá, quỷ quyệt. Như vậy, có thể khẳng định, con người, bên cạnh trí tuệ - là điều kiện cần, còn phải có tính nhân văn - mới là điều kiện đủ và cần có sự cân bằng giữa hai đức tính cao quý đó của con người.

Sự vận dụng tính trí tuệ và tính nhân văn trong văn hóa quân sự của người Việt

Dù là một nước nhỏ, yếu thế, nhưng từ xa xưa nhân dân ta đã biết vận dụng, phát huy sức mạnh của mình, đó là tính trí tuệ và tính nhân văn để giành thắng lợi trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

Theo nhận định của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, truyền thống quân sự Việt Nam có hai nét đặc sắc là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và “chiến tranh nhân dân”. Hai nét đặc sắc đó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nét đặc sắc thứ nhất phản ánh tương quan lực lượng thường xuyên chênh lệch giữa dân tộc ta với quân xâm lược, người Việt phải “lấy nhỏ thắng lớn” thì mới bảo vệ được độc lập, tự do. Và để chiến thắng, phải có một phương pháp thích hợp và hiệu quả là “chiến tranh nhân dân”, đó chính là nét đặc sắc thứ hai.

Để tiến hành chiến tranh, phải có phương tiện và phương pháp. Phương tiện tiến hành chiến tranh là tổ chức quân sự và binh khí - kỹ thuật.

Về tổ chức quân sự, trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, lực lượng quân đội ta luôn ít hơn quân xâm lược, cho nên nếu chỉ dùng quân đội để địch lại thì ta không đủ sức đánh thắng mà bên cạnh đó, nhất thiết phải có thêm sự góp sức của nhân dân. Từ lực lượng tổng hợp đó, dân tộc ta đã tổ chức thành ba thứ quân: quân chủ lực của nhà nước, cơ động trên toàn lãnh thổ; quân địa phương chiến đấu từ tỉnh, lộ đến châu, huyện; quần chúng vũ trang chiến đấu ở làng, xã. Ba thứ quân là một hình thức tổ chức quân sự rất độc đáo, chưa hề có trong lịch sử quân sự thế giới.

Xét về binh khí - kỹ thuật, trong 20 thế kỷ chống xâm lược, dù là một nước nhỏ và nghèo, nhưng với trí thông minh, sáng tạo của người Việt, binh khí - kỹ thuật của quân đội ta không hề thua kém binh khí - kỹ thuật của quân đội các tập đoàn phong kiến phương Bắc.

Từ thời dựng nước, quân đội ta đã có nỏ liên châu, có thuyền chiến Mông Đồng. Đến thời điểm vũ khí nóng xuất hiện, khi đại bác còn là vũ khí phòng ngự tại các thành lũy, dân tộc ta đã biết lắp loại hỏa khí này vào thuyền chiến và đã bắn chết Chế Bồng Nga - vua Chiêm Thành - tại ngã ba sông Luộc. Và sau đó, thần cơ thương pháo đã được Hồ Nguyên Trừng cải tiến, trang bị cho bộ binh làm vũ khí tiến công. Sau khi chiếm được Đại Việt, triều đình nhà Minh đã trang bị loại vũ khí này cho quân đội của họ. Không những thế, một số loại vũ khí nóng khác như súng trường, hỏa hổ, voi - pháo (đại bác đặt trên lưng voi) còn được trang bị cho quân đội Tây Sơn.

Đến thời hiện đại, bước vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhất là khi tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trước sự tối tân, hiện đại về binh khí - kỹ thuật của quân xâm lược, vũ khí được xem là một vấn đề rất quan trọng và được đặt ra một cách nghiêm túc với ba phương châm: lấy vũ khí địch - đánh địch, tự chế tạo và nhờ vào sự viện trợ.

Lấy vũ khí địch - đánh địch là một chiến lược quan trọng của bộ đội ta trong chiến đấu. Nếu ở những trận đánh vào Phai Khắt, Nà Ngần năm 1944, quân đội ta chỉ thu được vẻn vẹn mấy chục khẩu súng trường, súng ngắn thì đến Đại thắng mùa Xuân 1975, quân đội ta đã thu được hàng nghìn, hàng vạn tấn chiến lợi phẩm, bao gồm mọi loại vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Tự chế tạo vũ khí là sự kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta hàng nghìn năm trước. Để có đủ vũ khí chiến đấu với lực lượng hùng mạnh của thực dân và đế quốc, quân dân ta đã chế tạo nên những loại vũ khí rất độc đáo như: hầm chông, súng ngựa trời, ong vò vẽ, bẫy nổ chống trực thăng, giàn thun bắn lựu đạn… Đối với các loại vũ khí được viện trợ, tuy chúng ta không sản xuất được nhưng việc sử dụng thì lại có rất nhiều sáng tạo như: súng tiểu liên AK-47, một số loại pháo mang vác như A-12, ĐKB, các loại súng chống tăng B.40, B.41 và đặc biệt là tên lửa phòng không SAM-2.

Không chỉ sử dụng sáng tạo phương tiện chiến tranh, người Việt còn có nhiều đóng góp đáng kể vào phương pháp tiến hành chiến tranh, vào nghệ thuật quân sự. Sự vận dụng một cách nhuần nhuyễn, thành thục những hiểu biết đối với từng đối tượng tác chiến, trong từng cuộc chiến tranh cụ thể, với những kiểu cách khác biệt, chứng tỏ người Việt có một trí tuệ quân sự khôn ngoan, sắc sảo.

Tiếp thu những sách lược, tinh hoa quân sự thế giới, như phải “biết địch, biết ta” (tri bỉ, tri kỷ), trong tác chiến phải dùng “chính binh xuất kích” (dĩ chính hợp) nhưng lại dùng “kỳ binh chiến thắng” (dĩ kỳ thắng), trong tiến công phải biết “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” (tị thực, kích hư), phải biết “lấy nhàn, đợi nhọc” (dĩ dật đãi lao), ở mọi nơi, mọi lúc, phải triệt để phát huy tính bất ngờ… nhưng khi vận dụng vào trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, người Việt Nam lại có phương pháp tư duy riêng của mình.

Chẳng hạn trong binh pháp Thập tam thiên (bộ binh pháp 13 chương), Tôn Tử cho rằng: “Trong phương pháp dùng binh (…), gấp năm lần địch thì tiến công, gấp hai lần địch thì chia cắt (để đánh từng bộ phận), có binh lực ngang địch thì có thể chống cự, binh lực ít hơn địch thì nên tránh xa nó (…). Bởi vì một quân đội nhỏ yếu mà vẫn liều lĩnh, cố đánh, sẽ bị kẻ địch lớn mạnh bắt làm tù binh”.

Thế nhưng người Việt Nam lại cho rằng, tiến công là một tư tưởng chiến lược, cho nên bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào vẫn có thể tiến công được. Phương pháp tiến công của Tôn Tử là dùng quân chủ lực công kích vào chính diện đội hình đối phương, còn phương pháp chiến tranh nhân dân của người Việt thì không nhất thiết phải như vậy. Với cách đánh nhỏ lẻ, không có bài bản, quân và dân ta vẫn có thể linh hoạt công kích vào sau lưng, vào hai cạnh sườn đội hình địch, có thể tiến công vào ban đêm, vào lúc quân địch đang nghỉ ngơi, không cầm vũ khí… có nghĩa là tiến công vào những thời gian, không gian địch sơ hở nhất, không hề lường trước để chuẩn bị đối phó.

Hay như binh pháp Thập tam thiên cho rằng: “Việc dùng binh tác chiến chỉ nghe nói đến đánh ào ạt để thắng nhanh chứ chưa từng nghe nói đến việc khéo léo kéo dài để giành thắng lợi. Chiến tranh lâu dài mà có lợi cho quốc gia là việc xưa nay chưa từng có”. Dù vậy, người Việt vẫn tiến hành “đánh lâu dài” và thực tế đã chứng minh sự đúng đắn, tính hiệu quả của sách lược này: cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, trước sau ba lần là 30 năm; cuộc chiến tranh chống quân Minh kéo dài 10 năm; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dài 9 năm và kháng chiến chống đế quốc Mỹ là 21 năm. Trong điều kiện tương quan lực lượng của ta với các đội quân xâm lược, đánh lâu dài là bí quyết của sự thắng lợi. Nếu ta đem toàn lực lượng hòng nhanh chóng đánh một vài trận để phân thắng bại thì nhất định địch sẽ thắng. Trái lại, nếu ta vừa đánh, vừa có điều kiện thời gian giữ gìn lực lượng, bồi dưỡng thực lực, chuyển thiếu thành đủ, chuyển yếu thành mạnh, đồng thời làm cho địch tiêu hao, mỏi mệt, chán nản, đưa chúng từ thế mạnh chuyển sang thế yếu, thắng chuyển sang bại. Muốn đạt tới tất cả những kết quả ấy, phải đánh lâu dài, nhất thiết phải có thời gian, vì thời gian là thầy chiến lược của ta.

Tiến lên một bước nữa, người Việt còn biết hợp lý hóa những yếu tố hợp pháp của chiến tranh giữ nước chính nghĩa để tạo nên sức mạnh riêng của mình, thực chất là đưa tính nhân văn vào trong văn hóa quân sự. Hành động này không bao giờ có trong chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà ngay cả trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược xưa nay trên thế giới, cũng chỉ có người Việt Nam mới biết cách làm.

Thứ nhất là không cho quân xâm lược đánh theo cách của chúng mà buộc phải đánh theo cách của ta. Nếu để địch đánh theo sở trường của chúng sẽ gây ra những tổn thất lớn cho quân và dân ta, vì vậy ta đã buộc chúng phải hành động theo sở đoản, nghĩa là phải đánh lâu dài, phải rải quân, dàn mỏng lực lượng để phòng ngự đối phó, không đánh được theo “tuyến” mà phải đánh theo “diện”, không dùng được thành lũy, công sự, buộc phải đánh vận động,… để rồi bộc lộ những yếu kém, lúng túng và đi đến thất bại.

Thứ hai là do tương quan lực lượng, nhân dân ta không đủ sức tiêu diệt đến tên xâm lược cuối cùng nên mục tiêu của mọi cuộc chiến tranh chỉ là đè bẹp ý chí chiến đấu của đối phương bằng cách: trước hết tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đồng thời tiêu hao dần các bộ phận khác, góp phần làm tan rã tinh thần chiến đấu, khiến cho ý chí xâm lược của địch bị nao núng, lung lay, buộc phải chấp nhận sự thương lượng ngoại giao rồi “rút quân về nước trong danh dự”, sau khi đã công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Vì vậy, từ sau cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai ở thế kỷ XI cho đến các cuộc chiến tranh giải phóng ở thế kỷ XX, “đánh và đàm” đã luôn luôn là một nguyên lý để kết thúc chiến tranh.

Thứ ba là dựa vào tính hợp pháp của chiến tranh chính nghĩa, người Việt đưa ra mục đích của chiến tranh là “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, nghĩa là bên cạnh sự hiểu biết sâu xa trong trí tuệ quân sự là sự kết hợp chặt chẽ với lòng thương yêu tha thiết con người, dù những người đó đang ở phía bên kia chiến lũy. Đó chính là tư duy “đánh vào lòng người” (mưu phạt tâm công). Công tác binh - địch vận có tính nhân văn rất cao và có giá trị rất lớn về mặt chiến lược. Những bức thư địch vận của Nguyễn Trãi trong chiến tranh giải phóng ở thế kỷ XV được các nhà khoa học đánh giá là có sức mạnh của mười vạn hùng binh.

Đi trước thời đại

Qua những phần đã trình bày, đến đây có một điều đáng chú ý là năm 1990, Joseph Nye, nhà khoa học người Mỹ, đã nghiên cứu và đưa ra nhận xét: tất cả những mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới đều dựa trên cơ sở của ba loại hình sức mạnh: sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh.

Sức mạnh cứng (hard power) là sức mạnh của quân sự, của kinh tế. Nó được thực hiện bằng bạo lực, như dùng lực lượng vũ trang tiến hành chém giết, đốt phá, xâm lược lãnh thổ và nô dịch nhân dân, nếu không thực hiện được theo kiểu cách đó thì dùng hành động đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ, nghĩa là buộc đối phương phải khuất phục. Sức mạnh mềm (soft power) là thông qua việc gây ảnh hưởng để giành được những thứ mình muốn, để khiến người khác làm theo những điều mình muốn. Một đặc điểm của sức mạnh này là không cưỡng bức, ép buộc mà thực hiện thông qua sự hướng dẫn và thuyết phục. Mục đích của quyền lực mềm là nhằm đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của họ và qua đó, khiến người khác mong muốn chính điều mình đang mong muốn. Sức mạnh mềm là sức mạnh từ bản chất văn hóa xã hội, từ nhân tính, từ lòng yêu thương con người. Còn sức mạnh thông minh (smart power) là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai loại sức mạnh trên. Đây là một thuật ngữ trong quan hệ quốc tế mà Joseph Nye định nghĩa là: “Khả năng kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm vào một chiến lược mang lại thắng lợi”. Sức mạnh thông minh có liên quan đến chiến lược sử dụng ngoại giao, thuyết phục, xây dựng năng lực và điều khiển các sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng trong những con đường đạt hiệu quả cao và có tính chính đáng cả về chính trị lẫn xã hội.

Đem đối chiếu, so sánh, có thể thấy rõ tính trí tuệ và tính nhân văn trong văn hóa quân sự Việt Nam mang đầy đủ cả ba loại sức mạnh như đã nêu. Dĩ nhiên, trong chiến tranh giữ nước, sức mạnh quân sự, sức mạnh cứng của người Việt có giá trị rất quan trọng, mang tính quyết định. Chính nhờ kết quả của sức mạnh này, quân xâm lược buộc phải chấp nhận việc thương lượng ngoại giao. Thật vậy, trong hai cuộc chiến tranh giải phóng ở thế kỷ XX, nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ, không có “Điện Biên Phủ trên không” thì không thể có Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, không có Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng với trí tuệ quân sự khôn ngoan của mình, bên cạnh sức mạnh cứng, người Việt còn biết sử dụng cả sức mạnh mềm để đấu tranh ngoại giao, đánh vào lòng người và đặc biệt là kết hợp chặt chẽ hai loại sức mạnh đó với nhau. Điều này được thể hiện rất rõ trong chiến lược quân sự của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ với những chiến thuật: đánh bằng “hai chân” (quân sự kết hợp với chính trị), “ba mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh vận), “ba mặt” (quân sự, chính trị, ngoại giao), “ba vùng” (rừng núi, đồng bằng, đô thị).

Thay cho lời kết luận, có thể khẳng định rằng tính trí tuệ và tính nhân văn đã tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa quân sự Việt Nam, với những sáng tạo rất thông minh, độc đáo. Không phải chờ đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, như Joseph Nye nêu ra, mà chúng đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử quân sự Việt Namvà đi trước thời đại rất xa.

Dương Xuân Đống

Nhà nghiên cứu Văn hóa quân sự

Bình luận