Quyết liệt hiện thực hóa quyết tâm đổi mới

Ngày đăng: 06/12/2016 - 09:12

Bài 2: “Giải phóng” sức sản xuất, tạo đột phá đổi mới kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là khởi điểm của những chủ trương về “giải phóng” sức sản xuất cho người lao động, tạo động lực cho công cuộc đổi mới suốt 30 năm qua, thì tinh thần, chủ trương Đại hội XII của Đảng, nhất là Hội nghị Trung ương 4 (HNTƯ 4) khóa XII, được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo kỳ vọng đưa sự nghiệp đổi mới bước sang một trang mới, với chuyển biến về chất và đạt trình độ cao hơn. Tính sáng tạo, thiết thực của nhóm chủ trương, giải pháp nhằm tạo ra cơ chế, điều kiện để “giải phóng” sức sản xuất xã hội mang lại niềm tin vào những thắng lợi có tính chất đột phá cho công cuộc đổi mới kinh tế.

5.12.2016 Lan ảnh Giải phóng sức sản xuất tạo đột phá đổi mới kinh tế

Tập trung tạo ra năng lực sản xuất xã hội cao nhất

HNTƯ 4 (khóa XII) đã quyết nghị, ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng, lãnh đạo đổi mới kinh tế đất nước, đó là: Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” (Nghị quyết 05); Nghị quyết 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (Nghị quyết 06). Hai nghị quyết này được các chuyên gia kinh tế ví như “đôi cánh tay khỏe khoắn” mở toang cánh cửa đổi mới, tạo sức bật cho sự nghiệp đổi mới hôm nay. Trong đó, Nghị quyết 05 có ý nghĩa thiết thực trong lãnh đạo phát huy sức mạnh nội lực, làm cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ từ bên trong; còn Nghị quyết 06 có giá trị khơi dậy, phát huy các thành tố từ bên ngoài, tạo sức mạnh tổng hợp, phục vụ đổi mới.

Có thể thấy, hai nghị quyết xác định hai nhóm mục tiêu cụ thể, ít nhiều có sự khác biệt, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung, cao nhất là sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế đất nước. Đó là nền kinh tế tự chủ, tự lực với “mô hình tăng trưởng” - “chất lượng tăng trưởng” - “năng suất lao động” - “sức cạnh tranh” đều có bước phát triển, thay đổi khác biệt so với trước đây. Đúng như Nghị quyết 05 xác định: "Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay". Nghị quyết 05 còn chỉ ra yêu cầu cần kíp phải nâng cao chất lượng, năng suất lao động xã hội, nhất là việc "giải phóng" năng lực sản xuất, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả trong điều kiện mới. HNTƯ lần này đề cập nhiều đến vấn đề “năng suất lao động”, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là giải pháp trong đổi mới kinh tế.

Chúng ta nhớ lại, tại Đại hội VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước được bắt đầu từ chính việc đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng. Đó là việc chuyển tư duy từ quan liêu bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường, thực hiện chủ trương “giải phóng” sức lao động. Với tư duy đó, người lao động thực sự được “cởi trói”. Họ đã tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo thực hành lao động sản xuất với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, góp phần sản xuất ra ngày càng nhiều của cải, hàng hóa và tăng cường cơ sở vật chất cho đất nước. Chính tư duy “giải phóng” sức lao động cho người dân là quan điểm tiền đề, nền móng khởi phát cho công cuộc đổi mới đất nước. Nhờ tư duy đó và bằng tư duy đó, Đảng đã lãnh đạo đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn trong suốt 30 năm đổi mới vừa qua. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tiếp cận bằng một lăng kính nhất định, có thể thấy, “dư địa” từ sự “giải phóng” sức lao động cá nhân đã đạt đỉnh điểm. Đến giờ, chúng ta cần có động lực mới cho công cuộc đổi mới bằng cách “giải phóng” sức lao động cho các chủ thể của lực lượng sản xuất với quy mô, trình độ lớn hơn, cao hơn.

Nói cách khác, nếu so ví việc “giải phóng” sức lao động trong 30 năm qua đã thành công, chủ yếu theo bề rộng (thể hiện chủ yếu ở số lượng, kết cấu và một phần ở chất lượng lao động) thì “giải phóng” sức lao động trong giai đoạn tới sẽ diễn ra theo chiều sâu, hướng đến cơ chế, chế tài, điều kiện bảo đảm cho việc phát huy hết khả năng, trình độ của lực lượng sản xuất. Tiếp cận một cách thuần túy hơn, nếu ví “tế bào” kết thành lực lượng sản xuất xã hội của 30 năm là mỗi người dân lao động, thì giờ đây “tế bào” đó là mỗi DN, xí nghiệp, tập thể sản xuất… Đã đến lúc phải “giải phóng” sức sản xuất của những chủ thể lực lượng sản xuất đó, để năng lực sản xuất của xã hội “bung ra” và đạt năng lực, trình độ cao nhất.

Vậy cần làm gì để “giải phóng” sức lao động, tạo ra năng lực sản xuất xã hội cao nhất? HNTƯ 4 (khóa XII) đã lý giải thấu đáo, chủ yếu đề cập trong nhóm giải pháp của Nghị quyết 05. Đó là tổng thể các giải pháp vĩ mô, nhưng quan trọng hàng đầu là việc “giải phóng” sức lao động, sức sản xuất cho các DN-lực lượng kinh tế tiên phong của đất nước hiện nay.

“Giải phóng” sức lao động cho lực lượng kinh tế tiên phong

Không phải đến thời điểm này, Đảng ta mới tập trung lãnh đạo “giải phóng” sức lao động cho DN; tập trung mọi nguồn lực, điều kiện để tạo ra năng lực sản xuất xã hội cao nhất. Thực tế cho thấy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho các DN hoạt động và phát triển, song vẫn đang tồn tại không ít rào cản đối với lực lượng kinh tế tiên phong này. Môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thật hấp dẫn, kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, khiến môi trường kinh doanh có phần bị “méo mó”... Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN không đúng thời hạn, có nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý”. Đặc biệt, sức cạnh tranh của DN trong nước chưa cao, do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng; khả năng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ ở khá nhiều cấp, ngành còn gây cản trở, phiền hà cho DN. Đó là chưa kể, hiện nay, các DN phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng khá lớn về chi phí, cả chính thức và không chính thức… Những yếu tố đó đang đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước cấp thiết phải có chủ trương, giải pháp, chính sách đồng bộ hơn, nhằm đồng hành, “gỡ khó”, hỗ trợ DN phát triển bền vững. Đó cũng là cách tạo ra năng lực sản xuất xã hội cao nhất trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả của Đảng, Nhà nước thời gian qua trong đồng hành, hỗ trợ cho DN phát triển. Thực tế cho thấy, gần đây, động lực tăng trưởng kinh tế đất nước một phần đến từ sự hồi sinh và gia tăng mạnh mẽ của khu vực DN. Theo kết quả khảo sát, 9 tháng đầu năm 2016, số DN tạm ngừng hoạt động giảm 5,3% và cả nước có 81.451 DN đăng ký thành lập mới (tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015). Đồng thời, có hơn 20.500 DN quay trở lại hoạt động (tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2015)… Đó là những minh chứng cho thấy, các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển đã phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, để các DN phát huy hơn nữa vai trò là lực lượng kinh tế tiên phong, Nghị quyết 05 lần này xác định mục tiêu cụ thể trong xây dựng DN, là: “Giai đoạn 2016-2020, hằng năm có khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nghị quyết cũng chỉ rõ nhiều giải pháp căn cơ, hữu hiệu, cần sớm được quán triệt, triển khai thực hiện.

Để “giải phóng” sức lao động cho các DN, Ban Chấp hành Trung ương xác định giải pháp quan trọng hàng đầu, trước tiên là phải đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể. Nghị quyết 05 chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định”. Song song với quá trình đó sẽ thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước... Như vậy, vị trí, vai trò của DN nhà nước được HNTƯ 4 đánh giá đầy đủ, đúng đắn hơn. Đặc biệt, quan điểm, thái độ kiên quyết của Trung ương trong thực hiện chủ trương không cho phép dùng ngân sách “cứu” DN nhà nước…, là phương cách tạo ra môi trường công bằng thực sự cho mọi DN trên “chiếu cờ” của nền kinh tế nước nhà.

Một nhóm giải pháp hữu hiệu nữa được HNTƯ 4 (khóa XII) xác định là ưu tiên phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng. Đây thực chất là chủ trương nhằm thúc đẩy sự phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của các DN vừa và nhỏ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với DN nước ngoài… Chúng ta kỳ vọng, nếu thực hiện đầy đủ, hiệu quả giải pháp này, chắc chắn, các DN sẽ có điều kiện, môi trường hoạt động hiệu quả, góp phần làm cho năng lực sản xuất xã hội được nâng lên rõ rệt, nền kinh tế cũng nhờ đó mà phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Để thực hiện đồng bộ các chủ trương của HNTƯ 4 (khóa XII), trước hết, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về nội dung, bản chất của những quan điểm, chủ trương về đổi mới kinh tế, được cụ thể hóa trong Nghị quyết 05 và Nghị quyết 06, để vận dụng một cách hiệu quả, không bị chệch hướng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng thành quy chế, quy định trong Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả từng nhóm giải pháp. Đây là phần việc khó, do vậy, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải đồng bộ vào cuộc, tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa; đổi mới cách thức quản lý và thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ DN; công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu; kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp, đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, làm tăng rủi ro và chi phí cho DN.

Việc lắng nghe kiến nghị của các DN để đồng hành, gỡ khó… cần có sự duy trì thường xuyên của cấp ủy, chính quyền mỗi cấp. Hơn thế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực sự coi DN là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý; phải xác định đúng trách nhiệm trong việc bảo đảm sự ổn định lâu dài về chính sách để DN yên tâm đầu tư, phát triển.

“… Kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

(Trích Nghị quyết số 05-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII)

NGUYỄN TẤN TUÂN

Theo Báo Quân đội nhân dân


Bình luận