Vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng: 08/12/2016 - 09:12

1. Vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng Việt Nam

Phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh cần có nhiều yếu tố trong đó phải kể đến văn hóa như là một động lực để thúc đẩy sự phát triển được lâu dài. Chất lượng phát triển xã hội nếu chỉ được đo bằng các chỉ số kinh tế, các điều kiện về vật chất và trình độ kỹ thuật thì đó sẽ là một sự phiến diện, không bảo đảm sự tiến bộ của con người sẽ dần đưa xã hội đến bế tắc, khủng hoảng. Một xã hội phát triển đúng nghĩa phải là một xã hội vì sự tiến bộ và phát triển, hoàn thiện con người - xã hội nhân văn thực chất là xã hội văn hóa. Toàn bộ sự phấn đấu, hy sinh và cống hiến sức lực của con người là nhằm xây dựng một xã hội văn hóa, đồng thời vươn tới những giá trị văn hóa cao đẹp do con người đề ra.

Nhận thức sâu sắc bản chất và vai trò của văn hóa trong phát triển và tiến bộ xã hội, ngay từ những năm 1943 Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của văn hóa trong xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Xây dựng "Nền văn hóa mới góp phần trực tiếp vào sự phát triển nhân cách, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ và sáng tạo”[1].

Sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay được Đảng ta gắn liền với vai trò to lớn của văn hóa. Tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vì thế chúng ta cần phải nỗ lực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là điều kiện cho sự thực hiện lý tưởng cao đẹp của dân tộc ta là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, con người được ấm no, hạnh phúc.

Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX Đảng ta đã kết luận: bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên là điều kiện quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã kế thừa và phát huy những tinh hoa lý luận về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước khi chủ trương “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[2], văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,... nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.

2. Vai trò động lực của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò thúc đẩy to lớn đối với sự phát triển kinh tế, chính trị đất nước. Vai trò của văn hóa thực chất là nhằm nâng cao tố chất đạo đức tư tưởng và tố chất văn hóa khoa học của toàn dân tộc, tạo ra động lực tinh thần, trí tuệ và tư tưởng cho phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Giá trị này của văn hóa ngày càng nổi bật trong xây dựng hiện đại hóa đất nước hiện nay.

- Xuất phát điểm Việt Nam là đất nước nông nghiệp nghèo, chậm phát triển, lực lượng sản xuất phát triển chậm. Văn hóa lao động truyền thống là canh tác lúa nước. Với Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải phóng xã hội, giải phóng con người, văn hóa lao động Việt Nam bước sang thời kỳ mới - thời kỳ người dân làm chủ đất nước. Sự nghiệp đổi mới của Đảng mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế đã tạo ra bước ngoặt trong phát triển văn hóa lao động Việt Nam. Trong thời đại mở cửa, giao lưu kinh tế, ta đã tiếp thu một cách tích cực các giá trị văn hóa nhân loại, những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại của thế giới, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất. Với chiến lược đi tắt đón đầu của Việt Nam, chúng ta đã sớm đưa nền sản xuất lên ngang tầm với những nền sản xuất của các nước trong khu vực. Điều này đã thể hiện quá trình văn hóa hóa hoạt động lao động hết sức nhanh chóng của dân tộc ta. Văn hóa lao động của chúng ta đã thay đổi nhanh chóng và căn bản. Tư duy kinh tế mới thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội. Thực tế lịch sử đã cho thấy mô hình kinh tế cũ đã hình thành văn hóa lao động bình quân, mệnh lệnh, bao cấp, thụ động. Sự năng động, linh hoạt nhanh nhạy của người Việt Nam bị kìm hãm, thui chột, làm tê liệt sức sản xuất. Văn hóa lao động mới đã được khơi dậy, mở rộng, là nguồn lực và động lực mạnh mẽ để bung ra mọi lực lượng sản xuất. Từ khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến phát triển kinh tế nhiều thành phần đã làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Đảng ta đã tiến tới việc khẳng định xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra động lực bên trong thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đây là sự lột xác, nâng cao văn hóa lao động, tạo ra động lực nội tại của cỗ máy kinh tế - xã hội tiến nhanh gấp nhiều lần so với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Văn hóa lao động mới được trang bị khoa học - công nghệ hiện đại đã làm gia tăng thêm sức mạnh của văn hóa lao động, đó là tư duy lao động khoa học tiên tiến, tác phong lao động công nghiệp từng bước hình thành ở trong con người và nền sản xuất Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện vững chắc cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn hóa lao động hiện đại sẽ mang lại hiệu quả và năng suất lao động cao, tiết kiệm thời gian, tăng chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Một khi văn hóa lao động được phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Văn hóa tổ chức, quản lý là động lực hoạt động và phát triển xã hội. Tổ chức, quản lý đạt đến một trình độ nhất định nào đó thì nó thể hiện rõ văn hóa tổ chức quản lý. Tổ chức, quản lý hiện đại là khoa học - nghệ thuật vô cùng phức tạp và bài bản: tổ chức quản lý nhà nước, Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần... Trình độ tổ chức, quản lý quyết định kết quả và hiệu quả của tổ chức, của xã hội và của đơn vị. Trình độ, năng lực tổ chức, quản lý phụ thuộc vào tri thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm, phụ thuộc vào nắm bắt mục tiêu, tâm lý, tư tưởng, nguyện vọng của các thành viên theo mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Tất cả những vấn đề đó thể hiện văn hóa tổ chức, quản lý. Văn hóa tổ chức, quản lý có thể là động lực mạnh mẽ của hoạt động tổ chức, cũng có thể phá vỡ tổ chức, gây khủng hoảng xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị khoa học. Với sự tổ chức, quản lý tài tình của mình Đảng ta đã từng bước đưa dân tộc ta vượt qua muôn trùng thử thách, đưa cách mạng ta tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng mà thế giới phải thừa nhận và tôn vinh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng văn hóa tổ chức quản lý khoa học, hiện đại sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển.

- Văn hóa kinh doanh là nguồn lực cho sự phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước. Văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị tinh thần và chuẩn mực chi phối mọi hoạt động kinh doanh. Khi bước vào hoạt động kinh doanh, ai cũng đều khao khát làm giàu nhưng không phải ai cũng biết “đạo” làm giàu. Đạo làm giàu có nghĩa là không phải làm giàu bằng mọi giá mà phải có chuẩn mực, định hướng, đó là tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho mình nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật và các giá trị đạo đức chung, biết điều hòa lợi ích của bản thân, doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Làm giàu cho mình nhưng không gây tổn hại đến môi trường, phải bảo đảm an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và bảo đảm lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng. Với nội hàm như vậy, văn hóa kinh doanh có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại bền vững và làm ăn phát đạt khi khẳng định được uy tín, thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm và sự cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng chính là những giá trị văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh nghĩa là có triết lý kinh doanh đúng đắn định hướng cho toàn bộ hoạt động của mình bất chấp sự tác động hoàn cảnh bên ngoài. Giá trị đó chính là xây dựng lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm; luôn biết tôn trọng lợi ích và sự an toàn cho người tiêu dùng bằng chính chất lượng sản phẩm, không bao giờ chấp nhận lối “làm ăn chụp giật”, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà làm hại đến cộng đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh chắc chắn sẽ là sự lựa chọn của người tiêu dùng, luôn được người tiêu dùng tin tưởng. Sự tin tưởng và ủng hộ của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp chính là nguồn nuôi dưỡng sức mạnh của doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thế nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức rõ điều đó nên chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp mình. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh còn mang tính chụp giật, hiện tượng gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, vô trách nhiệm với môi trường sinh thái, với sức khỏe và tính mạng của cộng đồng vẫn tồn tại trong không ít các doanh nghiệp. Họ đã chạy theo lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của cộng đồng như vậy không thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, không thể xây dựng được các thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự yếu kém của văn hóa kinh doanh ở Việt Nam: chúng ta mới phát triển kinh tế thị trường, các thể chế, chính sách về kinh tế thị trường còn chưa hoàn thiện, chưa tạo được môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững, có văn hóa. Thêm vào đó, do tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước thời gian qua chưa được đẩy lùi nên đã tác động tiêu cực đến văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp do mới hoạt động, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh, còn ảnh hưởng của lối sản xuất tiểu nông hàng ngàn năm nay của dân tộc nên chưa có được tầm nhìn, chiến lược dài hạn, còn làm ăn một cách manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu quan tâm đến lợi ích trước mắt nên chưa thật sự coi trọng việc xây dựng văn hóa kinh doanh... Do đó, xây dựng văn hóa kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam để góp phần xây dựng được những doanh nghiệp Việt Nam mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng như phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam đang là một yêu cầu cấp bách nhằm làm cho sự phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu nhân văn, tiến bộ, vì con người, vì cộng đồng, phù hợp với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Văn hóa tri thức là nguồn lực và sức mạnh của sự phát triển xã hội. Nói tới văn hóa tri thức là nói đến trình độ học vấn. Tri thức cũng còn là kinh nghiệm sống, nhất là kinh nghiệm nghề nghiệp, thâu nạp cho cá nhân một năng lượng về sự hiểu biết: nhận thức, đánh giá sự vật, hiện tượng, cuộc sống. Tầm hiểu biết rộng, sâu đưa đến cho cá nhân thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, tư tưởng - chính trị của mỗi người và mỗi khi được tồn tại trong một môi trường tốt, tri thức đó điều chỉnh hướng văn hóa của cá nhân, tạo thành văn hóa cá nhân. Văn hóa tri thức chính là nguồn năng lượng của cá nhân. Trong xã hội, không có văn hóa tri thức thì cá nhân không thể làm tốt chức năng xã hội, và không thể trở thành chủ thể văn hóa.

Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục theo lý tưởng nhân văn, đào tạo tri thức văn hóa cho con người theo hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra con người vừa hồng vừa chuyên, tài - đức vẹn toàn. Thực hiện chủ trương nâng cao tri thức, trí tuệ cho nhân dân, nền giáo dục Việt Nam được phát triển nhanh chóng. Một đất nước nông nghiệp lạc hậu, thế nhưng chỉ trong vòng nửa thế kỷ, nền nông nghiệp của đất nước đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước khác. Văn hóa tri thức là sức sống và tiềm lực bên trong để dân tộc ta ngày một vươn lên, đưa vị thế của dân tộc lên tầm cao, hòa chung vào dòng chảy quốc tế hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Văn hóa tri thức cũng là cội nguồn sức mạnh cho lao động sáng tạo ra tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần, khoa học - văn học - nghệ thuật.

Đổi mới ở nước ta thực chất là sự bùng nổ trí tuệ - văn hóa Việt Nam. Ngày nay, trong xu thế mới, mở cửa và hội nhập với thế giới, văn hóa tri thức, một nguồn sức mạnh khổng lồ của người Việt được dùng vào mục tiêu thực hiện khát vọng nhân văn: tất cả vì sự phát triển, tiến bộ của con người - xã hội Việt Nam. Đây chính là động lực, là hành trang cho mỗi cá nhân và dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

- Văn hóa khoa học là động lực phát triển của lực lượng sản xuất. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, Đảng ta khẳng định khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là yếu tố cơ bản trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn hóa khoa học - công nghệ là biểu hiện tập trung của văn hóa tri thức, là sự hiện thực hóa tư tưởng, trí tuệ của con người thành các dạng tri thức cụ thể và ứng dụng vào cuộc sống.

Khi mở cửa giao lưu với các nước có nền khoa học - công nghệ phát triển, Việt Nam đã tiếp thu và phát triển nhanh khoa học - công nghệ. Mặc dù khoa học - công nghệ chưa phát triển kịp với các nước phát triển, nhưng chúng ta đã sử dụng nó như là một nội lực để phát triển đất nước. Sự vận dụng sáng tạo khoa học - công nghệ vào điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa nước ta để đi tắt đón đầu đã và đang trở thành sức mạnh đem lại hiệu quả và thành tựu to lớn cho đất nước. Khoa học - công nghệ khi được tiếp thu vào Việt Nam chúng đã trở thành sức mạnh nội sinh cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quá trình nhận thức, tìm tòi và chuyển hóa khoa học - công nghệ diễn ra thường xuyên, liên tục trong hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội. Đây là quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất phát triển từ thấp lên cao, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực của sự nghiệp đi tắt đón đầu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, phát triển và tiến bộ xã hội - thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Văn hóa đạo đức là động lực cho sự phát triển xã hội ổn định, lâu dài. Xã hội phát triển không chỉ dựa vào kinh tế, khoa học - công nghệ, pháp luật mà còn dựa trên nền tảng đạo đức. Đạo đức điều chỉnh xã hội bằng dư luận và lương tâm, nghĩa vụ. Đạo đức đạt đến trình độ như vậy, nó sẽ trở thành sức mạnh xã hội, tồn tại trong mọi lĩnh vực từ suy nghĩ đến hành vi, từ hoạt động sống trong lối sống đến làm ăn kinh tế, hoạt động chính trị - xã hội. Làm kinh tế cũng phải bảo đảm quy chuẩn đạo đức dù là cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường, làm chính trị phải lấy công lý, lẽ phải, chân lý làm cốt lõi bên trong, tham gia hoạt động xã hội cũng phải vì mục tiêu đạo đức xã hội: công bằng, bình đẳng, dân chủ của mọi người. Việc phấn đấu đạt tới đạo đức như vậy làm cho mọi người yêu thương nhau, giúp nhau cùng phát triển và tiến bộ. Lý tưởng đạo đức đó thúc đẩy mọi cá nhân làm tốt nghĩa vụ trước yêu cầu xã hội, thúc đẩy nhân dân ta phấn đấu vươn tới xã hội tương lai. Và chính đạo đức đó là đạo đức của dân tộc - là mục tiêu phấn đấu đồng thời là động lực thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển.

- Văn hóa thẩm mỹ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Dù ở đâu và làm gì con người cũng cố đưa cái đẹp vào cuộc sống. Hoạt động thẩm mỹ của con người ngày càng làm phong phú, sâu sắc và độc đáo văn hóa thẩm mỹ. Các lĩnh vực hoạt động của con người như nhận thức, khám phá chân lý, tu dưỡng rèn luyện để phát triển nhân phẩm con người nhằm hướng đến cuộc sống cao đẹp nhất: chân - thiện - mỹ.

Văn hóa thẩm mỹ là một trong những lĩnh vực cơ bản của con người, của cuộc sống nhân loại. Phấn đấu xây dựng văn hóa thẩm mỹ là mục tiêu và động lực to lớn của con người và xã hội loài người. Dân tộc ta có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với những nét độc đáo của văn hóa - tâm hồn con người và dân tộc, chúng ta luôn đề cao cái đẹp: đói cho sạch rách cho thơm, nghèo vật chất nhưng giàu về trí tuệ, cảm xúc, tâm hồn, đấu tranh chống lại những cái xấu, ích kỷ, xảo trá, bất lương đồng thời ngợi ca phẩm chất thật thà, chất phác, yêu thương đồng loại, đề cao trí tuệ, dũng cảm đối mặt với cái xấu... đây chính là nội lực sáng tạo dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam lên những chuẩn mực cao của xã hội văn minh.

Có thể nói văn hóa có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong bản chất, năng lực của con người và xã hội. Với bản chất của mình, ở bất cứ lĩnh vực nào văn hóa cũng là cốt lõi, mang đặc trưng độc đáo bên trong nó, do đó văn hóa là sức sống, là bản chất của các lĩnh vực đó. Vì thế, chúng là nội lực tồn tại, vận động và là động lực thúc đẩy hoạt động của chính các lĩnh vực đó, góp phần quy tụ, tạo nên sức sống của dân tộc và là động lực thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, nhân văn.

3. Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

Phát triển văn hóa trong kinh tế thị trường không những thể hiện nhận thức đúng về tác dụng tích cực của kinh tế thị trường mà còn thấy rõ vai trò của văn hóa trong việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện ở tầm hoạch định chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguồn lực văn hóa, mà sâu xa và quan trọng nhất là nguồn lực con người, là chất lượng nguồn nhân lực bao gồm cả thể lực, trí tuệ và đạo đức. Thực tiễn phát triển văn hóa trong kinh tế thị trường cho thấy tính tích cực của thị trường đối với sự phát triển của văn hóa. Thị trường góp phần mở rộng trao đổi, quảng bá các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa một cách năng động, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội. Góp phần dân chủ hóa trong hưởng thụ văn hóa, phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa, tạo điều kiện, cơ hội để huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào văn hóa cũng rất rõ. Đó là sự phân hóa về cơ hội và điều kiện sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua phương tiện chuyển tải của nó. Tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận dân chúng, đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc.

Nhận thức sâu sắc những mặt tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường đối với văn hóa, Đảng ta đã xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đó là quá trình phát triển văn hóa để tạo ra sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và đồng thời kinh tế phát triển là điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Vì vậy, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa chính sách văn hóa trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hóa để tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế.

Trong gần 30 năm đổi mới và phát triển, lĩnh vực văn hóa đã có sự tiến bộ trên nhiều mặt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, khoa học - giáo dục ngày càng mở rộng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từng bước đi vào chiều sâu. Di sản văn hóa dân tộc được bảo vệ và phát huy, các giá trị văn hóa mới được hình thành và phát triển, giao lưu văn hóa được mở rộng. Tuy nhiên, trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Văn hóa phát triển chưa tương xứng và chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng văn hóa trong Đảng và cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm, văn hóa mạng diễn biến phức tạp. Việc gắn kết giữa văn hóa với kinh tế, kinh tế với văn hóa còn hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của văn hóa Việt Nam hiện nay là tập trung xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao văn hóa trong lãnh đạo và quản lý đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo văn học, khoa học, nghệ thuật; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; nâng cao sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế.

Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, văn hóa không chỉ là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nguồn lực hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia, chống lại mọi mưu toan áp đặt và lợi dụng “sức mạnh mềm của văn hóa” từ bên ngoài để gây tổn hại đến lợi ích của đất nước và dân tộc. Vì vậy, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc, bổ sung và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, xây dựng và phát triển các nguồn lực nội sinh của văn hóa Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ trong giao lưu và hội nhập quốc tế là những vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết tốt trong thời gian tới.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy mạnh phát triển xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân cần sử dụng và tận dụng phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa với tư cách là mục tiêu và động lực phát triển, tiến bộ xã hội - con người. Muốn vậy, thì ngoài quan niệm đúng, chủ trương đúng, phải có thể chế, chính sách, đặt biệt là phải có cơ chế để đưa đường lối văn hóa vào cuộc sống hằng ngày trên mọi lĩnh vực hoạt động sống của con người và xã hội.

Trong thời gian tới có thể và cần thiết sử dụng đồng bộ một số giải pháp phát triển văn hóa:

- Nâng cao chất lượng cuộc vận động giáo dục lòng yêu nước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

- Tiếp tục xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt luật pháp và các chính sách văn hóa. Tăng cường sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phương tiện hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

- Đầu tư xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất (tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa) đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hóa ở nước ta. Mọi chương trình, dự án phát triển kinh tế phải luôn kết hợp hai mục tiêu: hiệu quả kinh tế và hiệu quả văn hóa, xã hội, tránh chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá mà làm suy thoái con người.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Coi trọng, nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đây là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của dân tộc. Đặc biệt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cần gắn với giữ gìn không gian văn hóa - nơi duy trì đời sống của cộng đồng dân tộc.

- Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, khuyến khích cổ vũ, phát huy giá trị lành mạnh, hướng thiện, nhân đạo, có ý nghĩa tiến bộ. Xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; đấu tranh chống lại những mầm mống phản văn hóa.

- Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá. Cần chủ động đón nhận các cơ hội phát triển cũng như bản lĩnh vượt qua các thử thách để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa thế giới, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam, tiến kịp với thời đại. Chú trọng ngăn chặn, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa đối với văn hóa nước ta.

*

* *

Trong gần 30 năm qua, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có nhiều thành tựu về phát triển văn hóa. Văn hóa là sự kết tinh và phản ánh sinh động mọi mặt của cuộc sống, là sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn hóa là linh hồn, là động lực sáng tạo vô bờ của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Tìm hiểu, xây dựng và phát triển văn hóa có vai trò thúc đẩy to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh sức mạnh kinh tế cần có sức mạnh văn hóa.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của văn hóa, Đảng ta đã khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời, cũng đặt ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thế giới ngày nay đang vận động rất nhanh, khoa học - kỹ thuật phát triển rất mạnh mẽ, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế luôn đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới cho xây dựng văn hóa, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức cho phát triển văn hóa. Cùng với kinh tế phát triển, vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng nổi trội hơn, đòi hỏi chúng ta cần phải có cái nhìn sâu sắc, am tường về bản chất của văn hóa, vai trò động lực của văn hóa, để từ đó xây dựng một mô hình phát triển hoàn chỉnh, khắc phục những mô hình phát triển thiên lệch, chỉ chú trọng kinh tế, tuyệt đối hóa kỹ thuật, phá vỡ sự cân bằng sinh thái và cạn kiệt tài nguyên. Tiến tới xây dựng mô hình phát triển hài hòa và bền vững.

Tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa vì sự phát triển của xã hội Việt Nam, cần tăng cường nội lực văn hóa cho các chủ thể văn hóa và các lĩnh vực hoạt động sống xã hội. Tạo cơ chế cho việc phát huy cao nhất tiềm năng động lực của văn hóa: văn hóa lao động, văn hóa kinh doanh, văn hóa tổ chức - quản lý, văn hóa đạo đức, văn hóa thẩm mỹ... trong mỗi chủ thể văn hóa. Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa như một cách thức phát huy động lực văn hóa của toàn xã hội. Làm được điều này chính là huy động tối đa năng lực văn hóa tiềm ẩn trong con người - dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh.

ThS. Lê Anh

Trích trong cuốn Văn hóa với động lực của sự nghiệp đổi mới

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



* Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.50, tr.225.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 46-47.

Bình luận