Giáo sư Hoàng Minh Giám - Từ sức vóc nhà giáo đến tầm vóc nhà văn hóa

Ngày đăng: 08/12/2016 - 10:12

Trong số đội ngũ hùng hậu các nhà trí thức yêu nước đến với cách mạng buổi thiếu thời, đi theo cách mạng và gắn bó cả cuộc đời mình với vận mệnh cách mạng của dân tộc, Giáo sư Hoàng Minh Giám nổi lên như một tấm gương đặc biệt xuất sắc, để lại nhiều bài học quý báu về quá trình tự thân xác định con đường lập nghiệp cho hậu thế.

hoang minh giam 712

Sinh ra từ làng Đông Ngạc - một trong những làng có truyền thống khoa bảng vào loại danh tiếng bậc nhất của nước ta, cậu bé Hoàng Minh Giám đã sớm được tiếp cận và trưởng thành trong một môi sinh văn hóa thuận lợi. Thứ môi sinh được trưng cất, chắt lọc thành tinh hoa từ nhiều đời đó đã sinh ra và nuôi dưỡng nên các bậc tài danh, đỗ đạt trong dòng họ, gia đình nội - ngoại, từ ông ngoại Cao Xuân Dục, người làm đến chức Thượng thư Bộ Học dưới thời Thành Thái - Duy Tân, đến đấng sinh thành là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí giàu lòng yêu nước và ý thức kháng Pháp cao cả, người tham gia sáng lập Trường Đông Kinh nghĩa thục nổi tiếng, rồi đến cậu ruột Cao Xuân Sang tuy đậm chất Tây học nhưng lại sớm được giao lưu với các bậc danh sĩ yêu nước đương thời. Và đặc biệt là môi trường giáo dưỡng tài năng từ đất Kinh đô Huế cho đến Thăng Long sau này mà ông được tiếp xúc trong thời gian tương đối dài cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cứ theo lẽ thường tình của hoàn cảnh lịch sử và khuôn mẫu cuộc đời, tuổi trẻ của Hoàng Minh Giám nếu vươn theo và thành đạt ở con đường khoa cử và sau đó trấn giữ một vị thế quan lại cao cấp trong bộ máy thống trị, quản lý quốc gia đương thời, đấy cũng là lẽ bình thường, nếu không nói là đương nhiên. Tuy vậy, với hoàn cảnh xuất thân đặc biệt thuận lợi đó, Hoàng Minh Giám khi bước vào tuổi 20 trai tráng, đứng trước ngưỡng của cuộc đời, phải lựa chọn cho mình một quyết định có tính bước ngoặt vô cùng quan trọng, ông đã dứt khoát vạch ra đường hướng trở thành một nhà giáo cho bản thân. Trong Hồi ký Đi theo con đường của Bác Hồ viết vào khoảng những năm 1985-1986, ông đã trần tình: “Lúc tôi tròn 20 tuổi thì tốt nghiệp tú tài bản xứ, lúc này theo ý ông cụ tôi, có hai con đường cho tôi chọn: một là vào Trường Y, hai là vào Trường Sư phạm. Tôi quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm vì nghĩ rằng nghề này thanh bạch, nhưng cao quý”1. Nhìn theo quy luật của thói thường trong xã hội (có lẽ không chỉ theo thói thường của xã hội phong kiến khi xưa!), mọi ước vọng của con người khi đến tuổi bước vào đời thường hướng đến sự an nhàn, hưởng thụ bổng lộc và mơ tưởng một ghế làm quan. Mơ tưởng đó, đối với con nhà xuất thân “danh gia vọng tộc” lại càng cần thiết, bức thiết và gần như là bước đi tất yếu! Nói thế để thấy, việc lựa chọn con đường làm nhà giáo, với Hoàng Minh Giám đương căng tràn sức trẻ, là một lựa chọn hữu thức, tự giác. Bởi chính ông, dù mới 20 tuổi, đã nhận ra rằng, chọn con đường dạy học cũng đồng nghĩa với sự chấp nhận một cuộc sống “thanh bạch”, không bổng lộc, không quyền uy, có thể lâm vào nghèo túng,… nhưng theo ông, đó lại là nghề “cao quý”. Ngẫm đến lời nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài nói chuyện với giáo viên toàn quốc ở vài chục năm sau đó: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, chúng ta càng thấm được những điều sâu sắc sớm được khẳng định từ lựa chọn một nghề “cao quý” của chàng trai mới tròn 20 tuổi Hoàng Minh Giám, vốn quen sống với nhung lụa giữa chốn phồn hoa kinh kỳ xứ Huế!

Dấn thân theo con đường nhà giáo đã chọn, những tháng năm học tập của Hoàng Minh Giám tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương chính là sự tích hợp giữa một tuổi trẻ ham học và có ý chí sẵn sàng tiếp thu những kiến thức khoa học mới lạ với một không khí trường học đang sôi động phong trào cách mạng, trong đó có phong trào học tập các tấm gương yêu nước vĩ đại như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã và đang lan rộng khắp các trường ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chính ông đã nhận thấy: “Cuộc đời sinh viên đã giúp cho tôi trưởng thành, hun đúc thêm lòng yêu đất nước, căm ghét bọn thực dân cướp nước”2. Ngay trong những tháng năm này, chàng sinh viên Hoàng Minh Giám, với ý thức tự giác sâu sắc của mình, đã cùng đồng môn tham gia bãi khóa, đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, viết đơn gửi Toàn quyền Pháp A. Varen, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro từ chính quyền sở tại. Chính những tháng năm lăn lộn với bục giảng, từ Phnôm Pênh (Campuchia) đến các lớp học trong trường tư tại Sài Gòn, rồi ra lập Trường tư thục Thăng Long (Hà Nội) sau đó, đã trau dồi nên một sức vóc của nhân cách nhà giáo Hoàng Minh Giám của trường đời, khi bị chính quyền thực dân tẩy chay, xua đuổi. Tuy nhiên, nếu Hoàng Minh Giám chỉ “cắm chốt” duy nhất vào không gian nhà trường, thì sức vóc nhà giáo ở Hoàng Minh Giám chắc chắn sẽ chỉ dừng lại ở vị trí tài ba, uyên bác trong cương vị một người thầy “đôn hậu, rất giỏi chuyên môn, thương học trò, hào hoa phong nhã, ý nhị và dễ cảm thông với tuổi trẻ” - như cảm nhận chung của các thế hệ học trò cũ của Trường trung học Thăng Long trước năm 1945, trong dịp mừng thọ thầy Hoàng Minh Giám tròn tuổi 90.

Trở lại với tháng năm trai trẻ của Giáo sư Hoàng Minh Giám, như ông đã tự tay ghi lại trong hồi ký của mình, ngay từ khi theo học phổ thông và sau đó là Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông đã sớm được tiếp xúc, quan hệ và có cơ hội học hỏi từ những người yêu nước và trung thành với cách mạng như: Trần Phú, Hà Huy Tập và đông đảo bạn bè là những sinh viên giàu lòng yêu nước, có tinh thần phản kháng thực dân sâu sắc, những đồng nghiệp hoạt động cách mạng bí mật như: Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,… Chính ông đã có nhận xét một cách chân thực: “Trải qua những năm tháng ấy, nhà trường đã thực sự là một trong những hạt nhân nhỏ của cách mạng. Hạt nhân đó không phải ngẫu nhiên mà có. Nó là trí tuệ và công sức của nhiều thế hệ thầy và trò của nhà trường góp phần tạo nên. Nó đã được sự chỉ dẫn rất bí mật của Đảng, thông qua một số thầy, kể từ các anh Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,… Những hoạt động chính trị, yêu nước, cách mạng như một làn sóng ngầm ngày càng lớn mạnh trong hàng ngũ thầy trò”3. Nhưng, bước đường từ một nhà giáo uyên thâm, có nhân cách và lòng yêu nước sâu sắc, có trí lực Hán học và Tây học sâu rộng, con đường Hoàng Minh Giám đã chọn cho cuộc đời mình chỉ thực sự có bước ngoặt khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Từ đây, ông cùng nhiều trí thức yêu nước khác được Bác Hồ quan tâm, trực tiếp dìu dắt, tin tưởng giao cho nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nói, nhờ có Đảng và Bác Hồ, Giáo sư Hoàng Minh Giám mới có cơ hội mang sức vóc nhà giáo của mình gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, vươn tới tầm cỡ của một nhà văn hóa khả kính.

Từ lĩnh vực bó hẹp là giáo dục, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã kinh qua nhiều chức vụ, cương vị khác nhau, từ Nội vụ, Ngoại giao đến vai một chính khách bên cạnh Bác Hồ trước khi gắn bó hơn 20 năm với ngành văn hóa rộng lớn trong vị thế của một “Tư lệnh ngành” của Nhà nước Việt Nam non trẻ mới thành lập, rồi đến những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ ác liệt sau này. Có thể nói, nhờ trí tuệ uyên bác, am hiểu văn hóa Đông - Tây sâu rộng, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã vượt qua sức vóc của một nhà giáo để trở thành trợ thủ đắc lực, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt ở vào thời điểm vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”!

Giữ cương vị của người cầm lái cho con tàu văn hóa Việt Nam, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã có những đóng góp mang tầm vĩ mô quan trọng, khởi đầu cho nhiều bước chỉ đạo xây dựng nền văn hóa Việt Namtrong bối cảnh lịch sử mới. Năm 1960, bài viết “Sự nghiệp phát triển văn hóa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” có thể được coi như bản “tuyên ngôn” về chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn quá độ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Những tổng kết về thực trạng sóng đôi cùng những đánh giá khoa học và sát thực tiễn về đời sống văn hóa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa của ông đã là những căn cứ xác đáng góp phần để Đảng và Nhà nước ta đề ra những chiến lược phát triển trong thực tại và lâu dài. Hầu hết các lĩnh vực, phạm vi của ngành văn hóa đều được đề cập, từ văn hóa truyền thống đến đương đại, từ đồng bằng đến miền núi. Có thể nói, với tầm hiểu biết văn hóa Việt Nam sâu rộng, kết hợp với việc tiếp thu kinh nghiệm xây dựng các nền văn hóa tiên tiến từ các nước trên thế giới, Giáo sư - Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã thể hiện sự am hiểu văn hóa, sự am hiểu thực tiễn và phong cách chỉ đạo phát triển văn hóa một cách đồng bộ, có hệ thống và khoa học. Bằng vốn kiến thức Hán học và Tây học thông tuệ của mình, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã đưa ra những định hướng phát triển nền văn hóa nước nhà đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đất nước lúc bấy giờ. Nhớ lại những công lao của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Cù Huy Cận đã từng ghi nhận: “Trong công tác văn hóa, anh quan tâm mọi mặt và đặc biệt chăm lo việc bảo vệ các di sản văn hóa của dân tộc. Anh đã chỉ đạo việc tu sửa tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), một tháp mười mấy tầng đã nghiêng, có nguy cơ bị đổ. Anh cũng trực tiếp chỉ đạo việc tu sửa khu di tích Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa. Về sân khấu, anh rất quan tâm phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… Những hệ thống tổ chức, những thiết chế văn hóa đều được xây dựng từ thời anh Hoàng Minh Giám làm Bộ trưởng: bảo tàng, hệ thống thư viện, trường đại học, đặc biệt là hệ thống điện ảnh…”4. Có thể nói, nhờ những tri thức tiếp thu được từ Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương nổi tiếng thời Pháp, lại xuất thân từ một gia đình và dòng họ khoa bảng Nho học yêu nước, với tư chất thông minh cùng vốn tri thức uyên bác, thấm nhuần cả hai nền văn hóa Đông - Tây, đồng thời sớm được tiếp thu tri thức cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã đạt đến tầm vóc một nhà văn hóa lớn, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Hàng loạt những bài viết của ông về đời sống văn hóa, về sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, về vai trò của phụ nữ trong công tác văn hóa, về hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước,… không chỉ có tác động tích cực đối với thực tiễn văn hóa Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đã qua, mà nhiều ý tưởng, nhận xét và gợi mở của ông cho đến nay vẫn mang tính thời sự, có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Điều đặc biệt là, với tầm vóc văn hóa sâu rộng của mình, Giáo sư - Bộ trưởng Hoàng Minh Giám luôn luôn coi trọng và đề cao vai trò của cộng đồng, quan tâm trực tiếp đến đời sống văn hóa người dân, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Bài học từ bài viết “Mở rộng hơn nữa phong trào nếp sống mới và gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống lao động mới ở nông thôn”5 của vị “Tư lệnh” ngành văn hóa Hoàng Minh Giám, từ năm 1970, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về phương pháp tiếp cận, quan điểm chỉ đạo hoạt động ngành đối với công cuộc xây dựng đời sống nông thôn mới ở Việt Nam.

Như vậy là, với quá trình cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự nghiệp phát triển văn hóa và giáo dục của đất nước, Giáo sư Hoàng Minh Giám bằng tài năng, nhân cách và lòng yêu nước sâu sắc của mình, đã để lại cho các thế hệ sau một khuôn mẫu của con người đại diện cho thế hệ vàng của lịch sử cách mạng Việt Nam với lý tưởng của người cộng sản, trí tuệ nhà khoa học và một trái tim đầy nhiệt huyết. Từ sức vóc của một nhà giáo đến tầm vóc của một nhà văn hóa lớn, Giáo sư Hoàng Minh Giám luôn là tấm gương sáng đối với những người hoạt động trong ngành văn hóa nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung.

hoang minh giam10-2016

Cuốn sách Giáo sư Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành vào tháng 1 năm 2013. Nội dung cuốn sách phản ánh chân thực, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp của nhà trí thức yêu nước, cách mạng Hoàng Minh Giám; đồng thời giới thiệu một số công trình, bài viết của ông trong các lĩnh vực văn hóa, ngoại giao, cùng những bài viết của bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp về ông.

PGS. TS. BÙI QUANG THANH

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

1, 2, 3, 4, 5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 18, 19, 24, 451, 225.

Bình luận