Thận trọng, trách nhiệm với từng câu chữ

Ngày đăng: 13/12/2016 - 15:12

Đằng sau sự ra đời của những ấn phẩm xuất bản được bạn đọc đánh giá cao và cả các xuất bản phẩm nhiều sai sót, dấu ấn của biên tập viên được ví von là “bà đỡ” rất đậm nét. Tuy nhiên hiện nay, nghề biên tập viên xuất bản đang đối diện với nhiều thách thức cần sớm có những giải pháp để tháo gỡ.

Trình độ cao vẫn nhiều sai sót

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua khảo sát ở 60 nhà xuất bản, số lượng biên tập viên là 1.159/5.601 lao động, chiếm 20,7%. Tất cả các biên tập viên đều có trình độ đại học, trong đó 215 người có trình độ trên đại học, chiếm 18,6%. Về độ tuổi của các biên tập viên, số biên tập viên được xem là trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm đa số.

Qua những con số trên, có thể thấy lực lượng biên tập viên đều có học vấn cao, kiến thức chuyên ngành sâu, có phông kiến thức xã hội rộng. Song, những lỗi thuộc về trách nhiệm của biên tập viên như: sai sót về quan điểm chính trị, tôn giáo; không chuẩn xác về lịch sử; trái thuần phong mỹ tục... có xu hướng gia tăng. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bức xúc cho rằng, nhiều đơn vị xuất bản đang “đổ rác” cho các cơ quan quản lý. Đơn cử, trong quý III năm 2016, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 53 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức xử lý như: Yêu cầu nhà xuất bản tái bản phải sửa chữa; đính chính lỗi sai; đình chỉ phát hành để sửa chữa; đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung; yêu cầu các nhà xuất bản phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong khâu biên tập.

than trong 1312

Độc giả mong muốn xuất bản phẩm ngày càng có nội dung, hình thức hấp dẫn và không có sai sót. Trong ảnh: Đông đảo độc giả tìm mua sách tại Hội sách Hà Nội năm 2016.

Sở dĩ có nhiều sai phạm bởi trình độ biên tập viên ở các nhà xuất bản chưa đồng đều nên khó bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm với nội dung đa dạng; thiếu trang bị kiến thức về pháp luật, thực tiễn đời sống và nhạy cảm chính trị; thiếu tinh thần trách nhiệm với bản thảo, thậm chí phó mặc trách nhiệm biên tập cho đối tác liên kết... Nếu chỉ quy trách nhiệm về phía các biên tập viên là chưa khách quan, bởi lẽ nhiều nhà xuất bản hiện nay đang ở trong tình hình hoạt động khó khăn, do đó, thu nhập của biên tập viên hầu hết là thấp, những người giỏi khó có thể gắn bó lâu dài và tâm huyết với nghề. Đáng nói là hiện nay, trong đội ngũ biên tập viên, không ít người có quan niệm biên tập không cần kỹ lưỡng, chỉ cần chú trọng số lượng, bất chấp nội dung bản thảo có hấp dẫn hay không chỉ cần giành được quyền biên tập, cố gắng không để bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng…

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp

Hiện nay, có một nghịch lý là biên tập viên nhà xuất bản thực chất đều là nhân viên doanh nghiệp, vì thế, việc tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quản lý như trung cấp chính trị, cao cấp chính trị, quản lý nhà nước... gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, việc thi nâng ngạch, bổ nhiệm theo quy định của Nhà nước lại cần những bằng cấp, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng này. TS. Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật cho rằng, các bên liên quan cần tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật cho các biên tập viên, nhất là những biên tập viên trẻ, để tránh những sai sót đáng tiếc.

Đối với các nhà xuất bản và đơn vị tư nhân có bộ phận biên tập, cần thực hiện nghiêm quy trình xuất bản, đặc biệt là quy trình biên tập. Bản thảo do đơn vị làm sách tư nhân khai thác phải được các biên tập viên nhà xuất bản biên tập kỹ lưỡng, rồi phải qua đầy đủ các cấp chịu trách nhiệm là trưởng ban biên tập, tổng biên tập và giám đốc.

Với vai trò là cơ quan quản lý về xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh, khắc phục những sai sót xuất bản phẩm. Bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Xuất bản (Cục Xuất bản, In và Phát hành) cho biết: "Đối với một số nhà xuất bản và đối tác liên kết liên tiếp sai sót về câu chữ, chính tả, thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong công tác biên tập sẽ xem xét hạn chế số tên sách được xác nhận đăng ký để cân xứng với số lượng biên tập viên. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn phổ biến pháp luật cho các đối tượng thực hiện, đặc biệt ràng buộc trách nhiệm của nhà xuất bản và đối tượng liên kết trước pháp luật khi có sai phạm, thậm chí phải áp dụng biện pháp buộc dừng hoặc không cho phép đối tác liên kết được tham gia liên kết xuất bản nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần".

Được biết, các biên tập viên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề biên tập để nâng cao trách nhiệm làm nghề, một hình thức kiểm soát khả thi. Sắp tới, khi các cơ quan quản lý làm nghiêm thì những biên tập viên cẩu thả trong hành nghề hoặc để tên tuổi bị đối tác liên kết lợi dụng rồi cho ra đời những cuốn sách vi phạm, cơ quan quản lý sẽ thu thẻ hành nghề biên tập. Theo ông Chu Văn Hòa, thực ra cơ quan quản lý không muốn thu thẻ hành nghề, nhưng có những biên tập viên đứng tên biên tập cho 4 cuốn sách vi phạm cùng một lúc, thì tất nhiên phải có biện pháp mạnh tay để răn đe các trường hợp khác. Đây là giải pháp cần thiết trong tình hình xuất bản còn tồn tại nhiều sai phạm như hiện nay.

Trần Hoàng Hoàng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bình luận