Làm sáng, đẹp hơn danh hiệu người cộng sản
Hai tháng đã trôi qua, tính từ ngày Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp, thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng,... Bằng những hành động "sai đâu sửa đấy", "vướng đâu cùng tháo gỡ", "nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói", sâu sát cuộc sống, sâu sát với dân, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bước đầu gieo được niềm tin mới trong nhân dân.
Toàn Đảng, toàn dân thấy được thực chất hơn những gì mình đang có, cả thành tựu và khuyết điểm, yếu kém. Tăng trưởng GDP đạt thấp, thâm hụt ngân sách, nợ công ở mức cao, sự cố biến đổi khí hậu, xâm hại môi trường nghiêm trọng, tình hình tội phạm, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tham nhũng, lãng phí tràn lan,... Đảng viên, nhân dân chia sẻ khó khăn bộn bề với những người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Mặc dù một hội nghị có bốn nghị quyết, nhưng tập trung nhất sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vẫn là Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Vì sao vậy?
Tình hình kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh mới, đều là những vấn đề nóng hổi, thời sự hằng ngày của toàn Đảng, toàn dân sau Đại hội XII. Nhưng, rõ ràng, Nghị quyết của Đảng, ngay lập tức, được tiếp nối sức sống bằng những hành động quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ khóa mới cho nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cả đất nước đang chuyển mình, yên tâm hơn trên con đường phát triển.
Trước muôn vàn khó khăn, thách thức, trước đời sống của nhân dân ta ở một số vùng, đặc biệt, khi hạn hán, nước biển dâng cao, bão lũ hoành hành, đe dọa từng bữa ăn, từng căn nhà ở, người dân quê tất bật về thành phố bươn chải mưu sinh, ai chẳng xót. Nhưng bình tâm suy nghĩ, có khó khăn nào so sánh được với các thế hệ cha mẹ ta trong chiến tranh cứu nước, trong thời kỳ bao cấp, phải oằn mình chịu đựng thiếu thốn đủ bề vì viện trợ không còn, bao vây, cấm vận, phải chống giặc cùng lúc ở hai đầu Tổ quốc. Thấy thành tựu để làm điểm tựa, nhìn khó khăn, thách thức để nuôi chí vượt lên. Ta có thể tự hào và chấp nhận cái chúng ta có được mà biết bao người đã đổ máu hy sinh chưa hề được hưởng, để chung sức, chung lòng, phát triển sự nghiệp cách mạng các thế hệ người đi trước. Rõ ràng, nhìn tổng thể, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Thực tế hiển nhiên ấy, dù có ai đó hằn học, cố tình phủ nhận, thì "cây đời vẫn mãi xanh tươi".
Cái còn lại, thường trực canh cánh bên lòng, là làm sao cho Đảng ta thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh, để đồng hành cùng dân đi lên. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, hơn lúc nào hết, đang là then chốt cho toàn Đảng và cũng là then chốt của toàn dân. Vận mệnh của Đảng lúc này đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cho đội ngũ đảng viên chí cốt, những người cộng sản thật sự trung thành với lý tưởng cách mạng, thật sự có trách nhiệm với nhân dân. Một người bạn nói với tôi: "Rất lo. Giờ đây, sờ vào chỗ nào cũng thất thoát nghìn tỷ, hàng mấy nghìn tỷ đồng, mồ hôi, nước mắt của dân". Vậy mặt trận hàng đầu là chống tham nhũng nổi lên. Nó là vấn đề mấu chốt, đột phá khẩu để khẳng định sự trong sạch của Đảng. Ở thời điểm hiện nay, ngoài chủ trương, đường lối đúng, sự trong sạch của Đảng, sẽ làm cho Đảng vững mạnh, dân tin. Hàng chục vụ án điểm đã và đang được làm rõ. Các đường dây, các quan hệ, "đầu nậu", "bảo kê", "chăn dắt" bị lôi ra ánh sáng.
Dư luận xã hội bức xúc, quần chúng chất vấn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, những người đại biểu cho dân, báo chí, các cơ quan chức năng làm không hết việc,... Những ai, trước đây cao giọng đòi hỏi phải chỉ ra địa chỉ nhóm lợi ích, giờ im hơi, lặng tiếng. Nếu không tỉnh táo, có bản lĩnh trong tầm nhìn, chúng ta rất dễ sa vào ngộ nhận Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này cũng chỉ là nghị quyết phòng, chống tham nhũng như trước đây. Nếu chỉ có thế, thì lại vấp phải "nghị quyết chồng lên nghị quyết", "đá ném ao bèo". Theo tôi, Nghị quyết lần này có tầm vóc lớn hơn nhiều, đề cập những vấn đề rất cơ bản, nóng hổi của thời cuộc.
Chính vì thế, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một công việc thường xuyên và lâu dài - trước mắt, phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây thật sự là một cuộc chiến, một việc làm cấp bách, động đến toàn bộ đội ngũ đảng viên chúng ta, chứ không phải chỉ ở nhóm người có chức quyền thoái hóa, biến chất, tham nhũng, sa đọa,... Bằng hành động đi ngược lại lòng dân, ý Đảng, trên thực tế, họ không còn là đảng viên, chứ chưa nói tới là cán bộ, người ưu tú của Đảng. Chắc chắn họ sẽ bị trừng trị, đào thải. Cái lo nhất hiện nay, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thâm nhập vào đội ngũ đảng viên chúng ta, những người làm nên nền tảng của Đảng.
Cách đây gần 87 năm, khi mới thành lập, đầu năm 1930, Đảng ta chỉ có mấy trăm đảng viên. Trải qua ba cao trào cách mạng, bị tàn sát, khủng bố, tù đày, 15 năm sau (năm 1945), với chưa đầy 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay, đội ngũ chúng ta có hơn 4,5 triệu đảng viên. Nhìn vào lịch sử, thời kỳ nào, trong Đảng ta cũng có những kẻ thoái hóa, biến chất, phản bội, đầu hàng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí "trở cờ", thành kẻ thù của nhân dân,... Nếu giải mã "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên", so với số lượng đảng viên qua các thời kỳ, cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ. Bài học Liên Xô tan rã khi Đảng có hơn 20 triệu đảng viên, vẫn là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta.
Năm 1953, trong bài "Thường thức chính trị", Bác Hồ viết: "Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện". Như vậy, trong mọi thành quả cách mạng của nhân dân, có vai trò to lớn của đảng viên và đội ngũ đảng viên. Ngược lại, mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém của Đảng, những sa sút, khó khăn của đất nước, của địa phương, ngành, đơn vị, đảng viên không thể không có phần trách nhiệm.
Phải thừa nhận một cách khách quan, từ ngày đổi mới đến nay, tuy gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đội ngũ đảng viên đã không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Đảng viên, nhất là đội ngũ những người từng trải qua các thời kỳ cách mạng, xông pha trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống vẻ vang, năng động, thích nghi với thời cuộc, đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước. Bằng sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch, gương mẫu, gần dân, giữ gìn thanh danh cho Đảng, mà Đảng ta luôn được dân tin. Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân ta trên con đường cách mạng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy vậy, nhân dân vẫn còn không ít điều lo lắng vì: Đội ngũ đảng viên đông mà chưa thật sự mạnh. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ít thấy vai trò đảng viên và tổ chức đảng. Trước khó khăn của cuộc sống, những phức tạp của xã hội, những bức xúc của quần chúng, ít được nghe chính kiến đúng - sai, đồng tình hay phản đối của đảng viên. Thiếu vắng những tiếng nói đấu tranh thẳng thắn, thái độ trách nhiệm. Trong sinh hoạt đảng hiện nay, ở nhiều nơi, chỉ có tiếng độc thoại của một người, đảng viên chỉ là số đông thụ động vỗ tay tâng bốc, hay "mũ ni che tai", "im lặng là vàng". Trong cái bình phong "đúng quy trình" để làm sai công tác cán bộ, có trách nhiệm không nhỏ của đảng viên và tổ chức đảng. Một điều rất đáng lo ngại, là tình trạng không ít đảng viên, trong cuộc sống, đang phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc.
Như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ, vấn đề cấp bách nổi lên hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên nắm giữ chức quyền, kể cả cán bộ cấp cao, đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Nghị quyết điểm mặt, chỉ tên chính xác các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tất cả những biểu hiện ấy đâu chỉ khoanh vùng cho cán bộ có chức quyền, tuy họ rất quan trọng. Trong việc "kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách", tôi cho rằng, quyết định nhất, vẫn phải là từ đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng cơ sở và từ sự quyết tâm, nỗ lực rất cao của người đứng đầu; sự gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là cực kỳ quan trọng.
Phải bắt đầu từ đội ngũ đảng viên, trong đó có đảng viên giữ chức quyền, lãnh đạo, quản lý. Làm sao phát huy được tính chủ động, tự giác, để "đảng viên phải hơn quần chúng, đảng viên có chức quyền phải hơn đảng viên không giữ chức quyền", cả trong suy nghĩ và hành động. Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của đảng viên. Đảng viên phải thật sự giác ngộ về vai trò của mình, sức mạnh của đội ngũ mình, luôn sống có lý tưởng, yêu nước, thương dân để gần dân, giúp dân; đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Đã là đảng viên, phải luôn tự ghép mình trong tổ chức, kỷ luật của Đảng để phát ngôn và hành xử; phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Dù không giữ chức quyền, nhưng để giữ uy tín cho Đảng, mỗi người phải phấn đấu giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, không tham nhũng, không vướng chân vào các tiêu cực, làm biến mất mình.
Lúc này, vì thanh danh của Đảng, vì uy tín đối với nhân dân, đòi hỏi mỗi chúng ta, cả đội ngũ chúng ta tránh xa dòng chảy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để đồng tâm, hợp lực làm sáng hơn, đẹp hơn danh hiệu người cộng sản. Đối với mỗi chúng ta, "mỗi ngày qua, phải thêm một lần vào Đảng".
Đức Lượng
Theo Báo Nhân Dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực