Các động thái kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2016

Ngày đăng: 30/12/2016 - 14:12

Năm 2016, Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ bối cảnh bên ngoài, nổi bật là hạn hán, thiên tai và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô thất thường; nhu cầu và giá nông sản giảm mạnh…Tuy nhiên, về tổng thể kinh tế cả nước vẫn tăng trưởng tích cực với nhiều động thái nổi bật:

Các cân đối vĩ mô được bảo đảm, dù tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục bảo đảm các cân đối vĩ mô, lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao nhất và xuất siêu trở lại (đạt 2,84 tỉ USD trong 11 tháng qua). Tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 6,3-6,5%, thấp hơn kế hoạch, nhưng vẫn gấp đôi mức trung bình toàn thế giới và thuộc nhóm tăng cao hàng đầu khu vực.

Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; Tổng cầu tiêu dùng tăng khá, với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP, năm 2015 là 77,3% GDP; Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Thị trường chứng khoán tăng gần 20% và mức vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với mức 32,4% của năm 2015; Đầu tư gián tiếp tăng trên 20%. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện...

dong thai kinh te 3012

Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng: Chế độ tỷ giá trung tâm; Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững; Chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; Cơ chế mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng và đưa lãi suất tiền gửi đồng đôla Mỹ bằng 0%. Đây cũng là năm tiệm cận gần nhất với trần nợ công và buộc phải nới trần nợ Chính phủ từ 50% lên mức 55% GDP…

Đến thời điểm 15-11-2016, cân đối thu - chi ngân sách nhà nước vẫn được duy trì theo kế hoạch nhờ tỷ lệ đạt kế hoạch thu cao hơn tỷ lệ kế hoạch chi ngân sách nhà nước (tổng thu ngân sách nhà nước ước bằng 84,1% dự toán năm, tổng chi ngân sách nhà nước ước bằng 80,5% dự toán năm). Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được 176.700,1 tỉ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ năm trước.

Những chỉ số trên là tích cực khi thế giới đang có nhiều khó khăn và Việt Nam đã chạm trần nợ công và ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn bội chi ngân sách nhà nước…

Nông nghiệp đang phục hồi khá tích cực

Nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng khá nặng nề do ô nhiễm môi trường biển cũng như mưa, bão, ngập úng, khô, hạn và nhiễm mặn, làm giảm sút cả sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản cũng như diện tích (lúa mùa miền Bắc giảm 14,7 nghìn ha) và năng suất (giảm 0,3 tạ/ha) so với năm trước. Tính đến ngày 15 tháng 11, cả nước gieo trồng vụ đông: ngô bằng 94,5% cùng kỳ năm trước; khoai lang bằng 91,5%; lạc bằng 108,6%; đậu tương bằng 63,3%; rau đậu bằng 100,1%. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ cơ giới hóa chỉ đạt 65% trong khâu thu hoạch lúa; ước tính nông dân trồng lúa mất 3.200-3.600 tỉ đồng/năm do thất thoát sau thu hoạch. Những sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở dạng thô, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước giảm 6,8%, rừng bị cháy tăng gấp 3,1 lần và rừng bị chặt phá tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng hồi phục: Xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhờ ứng dụng công nghệ cao và lần đầu vượt xuất khẩu gạo, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất siêu nông nghiệp lên tới 7-8 tỷ USD. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều được trồng bằng giống mới…, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung phát triển ổn định. Trên cả nước hiện đàn trâu có 2,5 triệu con (giảm 0,2% so cùng kỳ); đàn bò có 5,5 triệu con (tăng 2,4%, bò sữa tăng 2,8%); đàn lợn có 29,1 triệu con, tăng 4,8%; gia cầm có 364,5 triệu con, tăng 6,6%, trong đó đàn gà có 277,2 triệu con, tăng 6,9%. Tính đến ngày 24-11-2016, cả nước không còn dịch cúm gia cầm.

Sản lượng thủy sản trong 11 tháng ước đạt 6.054,1 nghìn tấn, tăng 2,3%, trong đó, nuôi trồng đạt 3.224,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; khai thác đạt 2.829,8 nghìn tấn, tăng 3%, riêng sản lượng khai thác biển đạt 2.654,4 nghìn tấn, tăng 3,2%.

Công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá và có cải thiện về cơ cấu

Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% (cùng kỳ năm ngoái tăng 9,9%); trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%; ngành khai khoáng giảm 6,3% (khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,3%, với số lao động giảm 7,2%). Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ tồn kho bình quân 10 tháng là 66,9% (cùng kỳ năm trước là 72,9%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1-11-2016 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.201,5 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,3%). Doanh thu du lịch lữ hành chiếm 1% tổng mức và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 159,5 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,4 tỉ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 114,1 tỉ USD, tăng 8,7% (đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,1 tỉ USD, giảm 39,7% và lượng xuất khẩu giảm 25,1%; gạo đạt 2,1 tỉ USD, giảm 20,1% và lượng giảm 24,2%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 892 triệu USD, giảm 25,2% và lượng giảm 11,4%). Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 34,7 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 15,7 tỉ USD, giảm 6,6%.

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 156,6 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,8 tỉ USD, tăng 3,4% và nhập siêu 18,40 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 92,8 tỉ USD, tăng 3,6% và xuất siêu 21,24 tỉ USD. Đáng quan ngại là nhập siêu từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng tăng. Ví dụ, Việt Nam nhập từ Hàn Quốc 20,26 tỉ USD, tăng 8,8%, trong khi đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ có 7,24 tỉ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt 44,6 tỉ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Về du lịch, khách quốc tế đến nước ta trong 11 tháng qua ước đạt 9.004 nghìn lượt người, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và đều tăng ở tất cả các nguồn: từ châu Á (tăng 30,1%,); từ châu Âu (17,1%); từ Hoa Kỳ (13,4%); châu Úc (7,7%) và từ châu Phi (1%) so với cùng kỳ 2015.

Thị trường tài chính ổn định, lạm phát thấp

Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,50% so với tháng 12-2015 và tăng 4,52% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng tăng 2,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng 11-2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Nhìn chung, lạm phát ở mức thấp, dù có cao hơn năm trước do hội tụ các yếu tố tăng về giá xăng dầu, dịch vụ y tế (nhóm giá dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 3% trong tổng số 4% lạm phát 10 tháng đầu năm 2016).

Giá vàng trong nước đã từng bước biến động theo giá vàng thế giới, tuy giãn cách không ổn định, lúc thấp hơn, lúc lại cao hơn tới gần 4.000.000 đồng/lượng. Điều này phản ánh cả yếu tố tâm lý và tính chưa liên thông của thị trường. Chỉ số giá vàng tháng 11-2016 tăng 13,85% so với tháng 12-2015 và tăng 10,65% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đôla Mỹ tháng 11-2016 tăng 0,22% so với tháng trước; giảm 0,71% so với tháng 12-2015 và giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng tăng khoảng hơn 1% so với tháng 1-2016.

Mấy ngày cuối tháng 11, trên thị trường có xu hướng giá đôla Mỹ tăng nhiệt, gây phát tán tâm lý quan ngại về tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, trên thị trường tiền tệ trong nước, về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến (ngay cả nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá cũng không cao), thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Nguồn đôla Mỹ sẽ được cải thiện bởi sự gia tăng nguồn thu từ đẩy nhanh tiến độ và tăng sức cạnh tranh của xuất khẩu, tăng quy mô dòng kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, cũng như từ việc ngân hàng nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ theo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN đến hết năm 2017...

Việc các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và khả năng lên giá nhẹ của đồng đôla Mỹ, cũng như việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu và giá vàng biến động cùng chiều tăng với nhau. Là quốc gia có tỷ trọng ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ lớn, nhưng vẫn ở tình trạng nhập nhiều hơn xuất. Do vậy, việc chủ động thu hẹp khai thác dầu thô và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu này là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam nhằm vừa tiết kiệm tài nguyên quốc gia, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và gia tăng đầu tư xã hội

Từ tháng 10-2015 đến nay, ngành thuế đã rút ngắn thời gian nộp thuế được 420 giờ nộp thuế (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ). Riêng năm 2016, đã chuẩn hoá và cắt giảm từ 385 thủ tục xuống còn 300 thủ tục hành chính thuế; sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế quản lý thuế; mở rộng khai thuế điện tử cho doanh nghiệp và cá nhân; ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử. Trong số 561.142 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, có 96,72% (tăng 1,72% so với năm 2015) đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (đạt mức thu trong 10 tháng đầu năm 2016 là trên 370,690 tỉ đồng) và 93,64% đã đăng ký sử dụng dịch vụ với một trong những ngân hàng đã cung cấp dịch vụ; triển khai thí điểm dịch vụ hoàn thuế điện tử và trên 71% người nộp thuế được hỏi đều cảm thấy hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.

Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng. Trong đó, Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tăng tới 31 bậc; Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 5 bậc, từ vị trí 173/189 lên vị trí 168/189; Chỉ số “khởi sự kinh doanh” tụt hạng mạnh nhất, tới 10 bậc (do việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã tăng thêm một thủ tục, mất 5 ngày để thực hiện).

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo nhan đề "Môi trường thương mại toàn cầu 2016", được thực hiện 2 năm một lần. Theo đó, môi trường thương mại của Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016", lên vị trí 73/136 nền kinh tế được đánh giá, với nhiều cải thiện trong quản lý biên giới, hải quan và cải thiện sự tiếp cận của hàng hóa nước ngoài đối với thị trường nội địa, thuế quan giảm và cải thiện về cơ sở hạ tầng vận tải, bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước về thực hiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm...

Môi trường đầu tư được cải thiện đã khai thông rộng hơn các dòng vốn đầu tư xã hội, thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, từ dòng vốn bổ sung đầu tư mở rộng và tăng vốn thực hiện cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cụ thể: Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 233,6 nghìn tỉ đồng, bằng 88,6% kế hoạch năm và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 797,7 nghìn tỉ đồng, tăng 17,1% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; đặc biệt, có tới 1.463,9 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.157,2 nghìn người, bằng 87,8% cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, có 24.560 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước (11 tháng năm 2015 tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm nay lên 126,2 nghìn doanh nghiệp, tức bằng hơn 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Hơn nữa, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 54.046 doanh nghiệp, giảm 13,8%, dù số doanh nghiệp giải thể là 10.468 doanh nghiệp, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 20-11-2016, cả nước thu hút 2.240 dự án FDI mới (tăng 20,8%), tổng vốn đăng ký đạt 13.028,2 triệu USD (giảm 3,9%); có 1.075 dự án tăng thêm vốn đầu tư 5.074,8 triệu USD. Nhìn chung, tổng vốn FDI đăng ký mới và vốn bổ sung trong 11 tháng qua đạt 18.103 triệu USD, tuy giảm 10,5%, nhưng vốn FDI thực hiện lại ước đạt 14,3 tỉ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 74,1% vốn đăng ký cấp mới và bổ sung, với nhiều dự án công nghệ cao vào). Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất 49 tỉnh, thành phố có dự án FDI mới, với 2.446,1 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội với 1.428,9 triệu USD, chiếm 11%; Hàn Quốc đứng đầu trong số 63 quốc gia có dự án FDI mới, với 4.818,1 triệu USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký mới…

Bảng xếp hạng vinh danh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2016 lần đầu công bố cho thấy, điều đáng mừng là doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với sự phát triển đất nước nói chung và nền kinh tế nói riêng.

TS. Nguyễn Minh Phong


Bình luận