Ấn tượng xây dựng Đảng
Một năm khép lại, ai cũng có cảm giác thời gian trôi qua thật nhanh trước bộn bề công việc vừa khẩn trương vừa hệ trọng của Đảng ta, đất nước ta. Công tác xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và nghiêm túc từ Trung ương tới các cơ sở.
Dấu ấn nổi bật là ngay trong những ngày đầu năm 2016, Đảng ta đã tổ chức thành công Đại hội XII. Đại hội đã tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, đề ra những chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm năm 2016-2021; bầu Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Định hướng bao trùm được Đại hội xác định: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ngay sau Đại hội, thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị, các đảng bộ trong cả nước đã tiến hành học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết với tinh thần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức, phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Các cấp ủy Đảng chú trọng gắn việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp mình, từ đó đề ra Chương trình hành động phù hợp với thực tiễn, đặc thù của địa phương, đơn vị. Nhiều đồng chí Bí thư cấp ủy cho rằng: Không có một chương trình hành động cụ thể, rõ người, rõ việc, không quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thì chủ trương, chính sách dù có hay đến mấy cũng chỉ nằm lại trên giấy.
Việc học tập, triển khai Nghị quyết ở các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành vào quý II và các đảng bộ cấp huyện, cấp cơ sở hoàn thành trong quý III. Căn cứ tình hình thực tế, nhiều đảng bộ có sáng kiến hay, như ở các đơn vị lực lượng vũ trang, đảng viên làm nhiệm vụ phân tán thì mở các hội nghị trực tuyến; các đảng bộ cơ sở ở miền núi, vùng cao, vùng sâu kết hợp học nghị quyết với nói chuyện thời sự, giới thiệu nghị quyết bằng những mô hình, hình ảnh sống động, sao cho cán bộ, đảng viên ở buôn, làng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
Làm thế nào để mọi chủ trương, đường lối “tắm mình” trong thực tiễn cuộc sống, là điều được các cấp ủy đảng thật sự quan tâm, với ba câu hỏi đặt ra: Phải làm gì, làm như thế nào, và ai làm? Trả lời câu hỏi “làm gì”, điều dễ thống nhất là: cần làm tốt công tác tuyên truyền nghị quyết, thể chế hóa nghị quyết, chương trình hành động sát thực tế, không sao chép của cấp trên và địa phương, đơn vị bạn. Phân công rõ trách nhiệm cho các tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Quy định rõ định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết gắn với các đợt kiểm tra đột xuất để nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, bệnh thành tích.
Cách làm thế nào - một câu hỏi quen thuộc đã được nhiều tổ chức đảng lưu ý, đây là mấu chốt của việc đổi mới phương thức lãnh đạo. Đó là Đảng làm trước, cấp trên làm trước, tập trung vào sáu nhiệm vụ trung tâm Đại hội đã xác định. Để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy, chồng chéo, phải làm tốt việc phân cấp, phân quyền. Từng địa phương, từng ngành phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo đề xuất những giải pháp mới, nhưng vẫn phải bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ của Trung ương. Chẳng hạn tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa 14 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn, nói thẳng vào một số việc mà đại biểu nêu, phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên Chính phủ và thời hạn hoàn thành. Hay một việc cụ thể: Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất sẽ bàn thảo và trình Chính phủ quyết định thống nhất việc quản lý nguồn phân bón vô cơ và hữu cơ, đưa về một đầu mối để tránh buông lỏng quản lý và chồng chéo...
Ai làm? Toàn Đảng, toàn dân, tất cả các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị cùng làm. Tránh tình trạng chỉ có “mấy ông cán bộ tuyên huấn” và “mấy ông cấp ủy” đi tuyên truyền, vận động. Trong cấp ủy thì đồng chí Bí thư, Ban Thường vụ có vai trò quyết định khi triển khai thực hiện nghị quyết. Hơn ai hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải là người dành nhiều công sức và tâm huyết cho việc xây dựng Chương trình hành động. Chương trình đó thể hiện tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu và khâu đột phá, để tránh tình trạng “rải mành mành” quá nhiều việc, không tập trung nguồn lực để thực hiện dứt điểm.
Cùng với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Học tập và làm theo gương Bác phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Học và làm theo gương Bác không chỉ là một cuộc vận động, một phong trào mà là công việc hằng ngày, là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các đảng bộ đều có nội dung này, với những nội dung, quy chế thực hiện, chuẩn mực đạo đức cụ thể, ngắn gọn, thiết thực.
Nhiều đảng bộ đã có sáng kiến trong việc tổ chức học và làm theo gương Bác, như tổ chức lấy ý kiến đảng viên, quần chúng hiến kế khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất; giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức, người lao động; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo phong cách Bác Hồ trong tình hình hiện nay; cán bộ chủ chốt đăng ký nêu gương về một việc cụ thể đối với cương vị công tác được giao,...
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ được Đảng ta thực hiện một cách kiên trì, kiên quyết trong nhiều năm qua. Khóa XI, Trung ương ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra Nghị quyết 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Nghị quyết khẳng định những kết quả đạt được, những chuyển biến qua kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, với những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, Trung ương chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Đáng lo ngại nhất là nhiều cán bộ chủ chốt chưa gương mẫu, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, vô cảm. Việc tự phê bình, phê bình ở nhiều nơi mang tính hình thức, nể nang, né tránh. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng. Một số nơi xảy ra tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng.
Cái mới trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, là đã nêu rõ chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; chín biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; chín biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết xác định rõ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đây là một bước tiếp tục cụ thể hóa các nhóm giải pháp trước đây, nhằm làm rõ thêm trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và rõ thêm cơ chế, chính sách.
Việc triển khai thực hiện đồng thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Các đảng bộ trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện, thể hiện bằng những kết quả cụ thể, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, cải cách hành chính...
Có thể xem những kết quả bước đầu đó là điểm nhấn tạo đà rất quan trọng trước ngưỡng cửa năm 2017. Đó cũng là cách thiết thực để qua thực tiễn đúc rút thành lý luận, đưa cuộc sống vào Nghị quyết, để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tầm cao trí tuệ của Đảng trong thời kỳ mới.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ được Đảng ta thực hiện một cách kiên trì, kiên quyết trong nhiều năm qua. Khóa XI, Trung ương ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra Nghị quyết 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. |
HẢI HÀ
Theo nhandan.com.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực