Khắc phục nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi khẳng định tầm quan trọng của lý luận đối với Đảng và hoạt động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời V.I.Lênin rằng “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”[1] . Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, lý luận cách mạng ấy là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước.
Nó là: “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”…”. Hiện nay, từ diễn biến phức tạp của tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới, việc nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn, trong chúng ta còn có biểu hiện nhận thức lệch lạc, thiếu đúng đắn về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt này. Như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đánh giá: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý”[2], và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chỉ ra một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có sự “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Hậu quả của nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh nguy hiểm không kém loại quan điểm phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực xấu, thù địch, vì thế không thể xem thường và phải khắc phục một cách kiên quyết, triệt để. Bởi nhận thức sai lệch có thể đẩy tới tình trạng từ hiểu sai dẫn tới xa rời định hướng lý tưởng, đi ngược hoặc đi chệch con đường được Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Mà việc này bắt đầu từ một số biểu hiện cụ thể như: nghiên cứu lý luận thiếu tính thực tiễn; minh họa đường lối, quan điểm một cách hời hợt, nông cạn, chưa cắt nghĩa đủ độ sâu sắc với vấn đề thực tiễn đặt ra; một số nghiên cứu sử dụng luận điểm kinh điển mà không phân tích bản chất sự vật, hiện tượng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị xơ cứng, thiếu tính sáng tạo, sống động. Đã có biểu hiện nhận thức không đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như cho rằng: “Ở Việt Nam chỉ cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin”. Ý kiến này ngỡ là tuyệt đối hóa, đề cao vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng về bản chất là tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh không thuộc hệ lý luận mácxít. Đây là điều mà các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, hạ thấp, đi đến chỗ phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, còn có nhận thức đơn giản mà thực ra chưa đầy đủ, chưa chuẩn xác về tư tưởng Hồ Chí Minh như cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam”! Biểu hiện khá rõ nét khác trong nhận thức sai lệch là đề cao vai trò của kinh nghiệm và các quan hệ trong lãnh đạo, quản lý mà coi nhẹ việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này thuộc bệnh chủ quan, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ năm 1947 trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Theo Người, “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[3]. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học lý luận. Do đó, chưa tích cực, chủ động đầu tư thời gian thích đáng cho việc nghiên cứu lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, nhiều người đi học chỉ để hoàn thiện hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chưa chú trọng chất lượng, hiệu quả thu được về nhận thức lý luận. Một số người khi học tập lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh lại không liên hệ vào công tác, tư tưởng để tự đổi mới bản thân về lập trường, quan điểm, phương pháp, do đó không khắc phục được hạn chế, không tiến bộ cả về phẩm chất và năng lực công tác. Cùng với các biểu hiện trên là sự thiếu tính Đảng trong bảo vệ chân lý, sự thờ ơ, không chủ động tích cực đấu tranh chống sự xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực xấu, thù địch, các phần tử chống đối chế độ. Đây đang là một biểu hiện không thể coi nhẹ với cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy các thế lực xấu, thù địch, các phần tử chống đối chế độ luôn cố xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng. Chúng lợi dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin để truyền bá, phát tán các nội dung bịa đặt, vu khống, thổi phồng một số hạn chế, khuyết điểm trong điều hành, lãnh đạo, quản lý của một số cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, do hạn chế về tri thức lý luận, không nắm chắc bản chất cách mạng, khoa học và giá trị phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà một bộ phận cán bộ, đảng viên có quan điểm, thái độ, cách nhìn không biện chứng, thiếu bản lĩnh, thiếu tính xây dựng, chẳng những không có hành động đấu tranh mà còn bị ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái, thù địch.
Thêm nữa là hiện tượng coi nhẹ việc dạy và học, là bệnh hình thức trong nghiên cứu lý luận chính trị nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, đang diễn ra ở một số cơ sở giáo dục, một số cán bộ, giảng viên và học viên, nhất là ở những tổ chức chính trị xã hội, những học viên không chuyên ngành lý luận chính trị. Do đó, một số đề tài nghiên cứu về lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa có sự phát triển, tính ứng dụng thực tiễn chưa cao, mặc dù kết quả nghiên cứu được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh chậm đổi mới, chưa chú trọng rèn luyện, hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực vận dụng lý luận của người học. Việc đánh giá chất lượng học còn có biểu hiện nương nhẹ, hình thức, phiến diện. Do vậy, chưa đánh giá đúng phẩm chất chính trị, lập trường và bản lĩnh của người học. Tình hình đó dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bằng cấp, chứng chỉ về lý luận chính trị nhưng vẫn có nhận thức sai lệch, vận dụng không đúng trong lý luận và hoạt động thực tiễn.
Các hạn chế về nhận thức là một trong những nguyên nhân của tình trạng “lý luận vênh với thực tiễn”, thậm chí sai mà không biết. Sự hiểu biết không đến nơi, đến chốn và sự vận dụng máy móc, giáo điều đã làm cho lý luận trở nên xơ cứng, méo mó, thiếu hấp dẫn. Đó là một điều kiện, một lý do quan trọng để các thế lực thù địch lợi dụng công kích, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng mức tác hại và tìm cách khắc phục những lệch lạc cả về nhận thức và hoạt động nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thực tế, thiết thực, hiệu quả hơn. Chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp khác nhau về tư tưởng và tổ chức, giáo dục và hành chính, về tinh thần và vật chất nhằm khắc phục các lệch lạc về nhận thức và thực tiễn nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, song vẫn còn nhiều hạn chế. Cũng phải nói thêm là bên cạnh người nhận thức sai lệch dẫn đến vận dụng sai lệch lý luận, lại có người hiểu đúng nhưng vận dụng không đúng, thậm chí sai lệch hoàn toàn, họ “nói” hay mà “hành” dở do chạy theo chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm cục bộ.
Trong tình hình mới, để khắc phục các lệch lạc về nhận thức trong nghiên cứu và vận dụng lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện, cụ thể: Một là, cần tiếp tục giáo dục làm cho mọi đối tượng, tập trung vào cán bộ và đảng viên, trước hết là “cán bộ cốt cán” của Đảng nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh, thấy rõ sự cấp thiết phải học tập nâng cao trình độ lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ lý luận đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực trí tuệ, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; Hai là, thực hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với phương pháp thật sự khoa học. Ba là, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên; Bốn là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và các lực lượng trong công tác tuyên truyền giáo dục và đấu tranh với những biểu hiện, nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để khắc phục nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh, cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng từ nắm bắt lý luận hời hợt dẫn đến nhận thức sai lệch; khắc phục những biểu hiện của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều và nhất là bệnh coi nhẹ lý luận, ngại học lý luận chính trị và các chủ trương, đường lối của Đảng. Đề cao trách nhiệm của mọi người trong khi đấu tranh với các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt chú ý việc phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà lý luận, các lực lượng chuyên trách như báo chí, phát thanh, truyền hình trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Cần tạo ra diễn đàn trên các báo, tạp chí, tổ chức các hội thảo khoa học để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, thật thà, khắc phục khó khăn trong nghiên cứu, học tập, “không tự xem mình là giỏi lý luận”, phải đào sâu suy nghĩ tác phẩm của các nhà kinh điển, phải thật sự tự nguyện, tự giác, nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng; phải dũng cảm bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là thực hiện những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong việc nghiên cứu, vận dụng lý luận cách mạng đối với Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cốt cán của Đảng ta.
NGUYỄN VĂN THẾ
Theo nhandan.com.vn
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.93.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.193.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.274.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực