"Gà” đã đón bình minh và chúng ta bước tiếp

Ngày đăng: 27/01/2017 - 10:01

tranh-dong-ho Em-be-om-gaNăm mới Đinh Dậu 2017 đang đến gần, với những kỳ vọng qua hình tượng đẹp Đại Cát - Cậu bé ôm gà trống, chúng ta chào năm mới với nhiều phức cảm - xao xuyến, háo hức vì những biến chuyển mạnh mẽ nhưng cũng không ít ưu tư, cẩn trọng với trách nhiệm của mình cần phải nâng lên theo đó...

Nhìn ra thế giới

Năm 2016 đã đi qua. Trước thềm năm 2016, nhiều điều đã khiến thế giới hy vọng về một năm yên tĩnh hơn, không còn bom nổ giữa nơi đông người và thuyền chìm giữa Địa Trung Hải, không còn dịch bệnh và khủng hoảng nhân đạo, lòng thù hận không tăng cao và tình yêu thương không bị nghi ngờ... Nhưng qua một năm, những hy vọng tốt đẹp đó không trở thành hiện thực trọn vẹn.

Cả năm 2016, một số diễn biến chính trị thế giới mang lại cảm xúc lạc quan: Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) tại Paris được thông qua và có hiệu lực từ ngày 4-11-2016; quan hệ ngoại giao đang ấm lại giữa Cuba và Mỹ, Cuba và Liên minh châu Âu (EU); dù điên cuồng chống trả nhưng nhìn toàn cục, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang phải lùi bước trước sức mạnh quân sự và chính trị của các lực lượng tiến bộ chống cực đoan và khủng bố... Tuy vậy, bức tranh thời sự - chính trị năm 2016 vẫn rất u ám. Thế giới năm qua đã nhiều lần phải đau buồn và phẫn nộ trước những vụ khủng bố có con số thương vong rất cao ở Pháp, Mỹ, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Irắc, Pakixtan, Xyri... Cuộc chiến lan rộng và ác liệt hơn ở Xyri, Irắc vẫn chưa thể hy vọng sớm kết thúc. Nạn nhân chịu hậu quả chính và nặng nề nhất vẫn chỉ là thường dân, với phần nhiều và đau xót hơn là phụ nữ, trẻ em vô tội. Thảm trạng nhân đạo ở nhiều nơi chưa có hồi kết. Tất cả đau thương ấy chỉ nói lên một điều rằng: Ước mơ đẹp về một thế giới yên bình chưa thể trở thành hiện thực, nếu không muốn nói là vẫn còn rất xa xôi.

Các khu vực địa - chính trị thế giới còn nảy sinh bất an do những diễn biến mới đầy bất ngờ: Brexit (nước Anh rời khỏi EU); TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ không có Mỹ? “Chủ nghĩa dân túy” nổi lên ở châu Âu với xu hướng Bài ngoại và Bảo hộ1 gia tăng tại nhiều quốc gia. Cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016 ở Anh đã thực sự gây sốc cho cả thế giới. Người dân “đảo quốc sương mù” đã lựa chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu dù kết quả thăm dò trước đó luôn cho thấy phe “ở lại” thắng thế (?). Chỉ vài tháng sau, thế giới lại nhận bất ngờ lớn khi cử tri Mỹ chọn tỷ phú Donald Trump làm Tổng thống thứ 45, dù trước đó các kết quả thăm dò luôn cho thấy rằng lợi thế nghiêng về đối thủ Hillary Clinton (?). Các “cơn địa chấn” chính trị không dừng lại mà tiếp tục tấn công châu Âu - từ Hà Lan tới Ba Lan, từ Thụy Điển tới Italia và cả Pháp, Đức, Cộng hòa Séc... Sự không bằng lòng của người dân trước chênh lệch giàu nghèo, trước các hệ lụy khôn lường của làn sóng nhập cư khó kiểm soát... đã ảnh hưởng mạnh đến các lá phiếu của cử tri ở các quốc gia này.

Từ nửa cuối năm 2016, ở châu Âu, người ta đã bắt đầu nói đến sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân túy”. Những người đại diện hàng đầu cho “chủ nghĩa dân túy” ở đây đang nói nhiều (và được ủng hộ vì điều này) về nạn thất nghiệp; về sự cần thiết phải kiểm soát chặt hơn những người tị nạn và các đối tượng di cư vì lý do kinh tế; chống lại mạnh mẽ việc hội nhập chính trị sâu hơn vào EU và phản đối sự hình thành “một nước Mỹ tại châu Âu”. Bên kia Đại Tây Dương, khẩu hiệu Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đã kích động trực tiếp vào niềm luyến tiếc quá khứ của người dân Mỹ. Cũng có thể thấy khẩu hiệu này như một đỉnh cao của tình cảm dân túy được khuấy động mạnh mẽ tại một thời điểm rất phù hợp trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, đã tạo nên hiệu ứng xã hội để ông thắng cử.

Chiều hướng này cũng không hẳn là quá bất ngờ nếu nhìn nhận sâu hơn thực trạng nhiều người dân các nước phát triển cảm thấy “đang bị tổn thương” - khi thấy lao động địa phương đang bị lấn át và việc làm bị mất do những người di cư, cùng theo đó là nguy cơ hiện hữu rất gần về sự tràn lan của hàng hóa giá rẻ (hệ quả của các thỏa thuận thương mại tự do) sẽ tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa. “Chủ nghĩa dân túy” được cho rằng còn có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Nếu chính phủ các nước phương Tây không giải quyết được những vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện bằng nhiều sự nỗ lực hơn nữa, nếu các nhà chính trị không cải thiện và thực hiện được những thông điệp gửi đến mọi công dân, thì “chủ nghĩa dân túy” sẽ còn gây ra nhiều “cơn địa chấn” chính trị mới.

Thế giới trong năm 2017 sẽ đi theo hướng nào? Không dễ để có thể trả lời câu hỏi này một cách tường tận. Mọi điều vẫn chỉ là giả thiết và dự báo. Tuy nhiên, có thể thấy thế giới cũng ý thức được rằng: Nếu không có hướng nhìn và những nỗ lực chung sẽ không thể hàn gắn những ngăn cách đã có, không thể vượt qua những thách thức đang và sắp đến. Hơn lúc nào hết, cả loài người cần có những nỗ lực chung để giải quyết những vấn nạn chung. Điều này sẽ là hiện thực hơn cả trong năm 2017.

Nhìn lại Việt Nam

Năm 2016 đi qua gắn với nhiều sự kiện lớn về chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước. Nổi bật nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1-2016) và cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (5-2016) với Chính phủ mới được Quốc hội lựa chọn sau đó - một Chính phủ nêu rõ quyết tâm liêm - chính, hành động kiến tạo vì Nhân dân và trong niềm tin của Nhân dân.

Dù trải qua cơn chấn động dữ dội, nặng nề và thiệt hại nhiều mặt do thảm họa môi trường biển miền Trung hồi tháng 4 và 5, những nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc giải quyết hậu quả để ổn định kinh tế - chính trị - xã hội tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như trên cả nước đã có những kết quả tốt, không để khủng hoảng kéo dài và lan rộng. Trong lĩnh vực trọng yếu là kinh tế, dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2016 đã có những diễn biến theo chiều hướng khả quan. Sản xuất công nghiệp tăng 7,3%, một số sản phẩm tăng cao. Thị trường hàng tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh và đều hơn ở cả bốn thành phố lớn nhất, v.v.. Những chỉ dấu khả quan đã cho phép hy vọng tốt đẹp trong tương lai gần.

Ở một chiều khác, từ bên trong, cần thẳng thắn bằng tinh thần tự phê bình nghiêm khắc và với con mắt “nội soi” để nói rằng: Năm 2016 chúng ta nhận nhiều tin không vui. Những nguy cơ còn nhiều, lo âu còn chưa hết về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sự suy thoái đó “hiện hình” qua nhiều vụ tham nhũng tiền bạc và quyền lực. Căng thẳng hơn, những suy thoái này lại nảy sinh ở chính những cán bộ, đảng viên nắm giữ những chức vị quan trọng. Điều này càng gây nhiều “nút tắc” trong vận hành xã hội, nhiều bức xúc trong tình cảm của Nhân dân, làm nản lòng các nhà đầu tư, v.v.. Những điều đó diễn ra như hệ lụy tất yếu.

Nhìn rõ hiện trạng còn nhiều bất cập và tìm giải pháp khắc phục, lần đầu tiên những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được “vạch mặt chỉ tên” cụ thể trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016. Sau Hội nghị, Bộ Chính trị “xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức đảng ở Trung ương và trực thuộc Trung ương; phân công cụ thể và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện”2. Với sự tin tưởng vào quyết tâm hành động đó, chúng ta chào năm mới Đinh Dậu - 2017 với những phức cảm - xao xuyến, háo hức vì những biến chuyển mạnh mẽ nhưng cũng ưu tư, cẩn trọng với trách nhiệm của mình cần phải nâng lên theo đó...

Dĩ bất biến ứng vạn biến

“Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”3, Việt Nam không nằm ngoài những vòng xoáy, không (thể) thụ động mà cần (phải) chủ động ứng phó với những biến động từng ngày, thậm chí từng giờ.

Trước khi đón năm mới Đinh Dậu 2017, chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày toàn dân Việt Nam đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc thiêng liêng, bảo vệ những phẩm giá Việt Nam. Trước thềm năm mới, chúng ta nhớ, tìm đọc/học lại và tâm đắc phương châm Dĩ bất biến ứng vạn biến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước khi Người sang Pháp (từ tháng 5 đến tháng 9-1946) nỗ lực vãn hồi nền hòa bình ở Việt Nam đang bị đe dọa nặng nề bởi âm mưu xâm lược của các thế lực muốn duy trì ách cai trị thực dân. Hôm nay cũng như 70 năm trước đây, “cái bất biến” luôn là Độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Đó là những điều bất khả xâm phạm. Cần phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” trong những giai đoạn nhất định, trước những tình huống cụ thể để đạt được mục tiêu đưa cách mạng tiến lên nhưng tuyệt đối không được làm tổn hại đến “cái bất biến”.

Năm mới Đinh Dậu - 2017 đã tới cận kề. Biểu trưng của năm Dậu là hình tượng Gà. Với người Việt Nam, hình tượng Gà (trống) với dáng vẻ oai phong, đường bệ uy nghi, với màu sắc đẹp và “chứa” nhiều “năng lượng tốt”: Uy dũng và Tín - Dũng cảm và được tin cậy; Phúc lành và Lễ - làm nhiều điều tốt cho mọi người và ở đúng ngôi/vị thứ, v.v.. Hình tượng Gà mang đến những xúc cảm mạnh. Hình tượng Gà cũng ẩn chứa (để nói) nhiều điều về năng lực ứng biến của chủ thể, về sự chuyển vận hài hòa theo “thời sinh học” - đúng “thời, khắc” trong ngày, đúng “tiết” trong năm...

Năm Đinh Dậu 2017 đang đến với những niềm hy vọng mới ở những điều có thể kỳ vọng qua hình tượng đẹp Đại Cát - Cậu bé ôm gà trống nổi tiếng từ tranh Đông Hồ mãi “nét tươi trong”.

TS. Ngô Vương Anh

Báo Nhân Dân

1. Bài ngoại - Xenophobia, xuất phát từ hai thành tố tiếng Hy Lạp là “xénos” - người lạ, khách và “phóbos” - nỗi sợ hãi; được định nghĩa: Chứng sợ hoặc thù ghét những nền văn hóa khác mình, ghét người lạ; thậm chí là “từ của năm 2016” theo thông báo ngày 29 tháng 11 trên trang Dictionary.com.

2. Xem Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

3. Tên tựa sách của tác giả Kim Woo Choong, cựu Chủ tịch và là người sáng lập Tập đoàn Deawoo - Hàn Quốc.

Bình luận