Trong thời kỳ phong kiến, một trong những cơ sở chủ yếu để xây dựng nên quan hệ giữa các vương triều phong kiến Việt Nam và Trung Quốc là hoạt động "sách phong" và "triều cống". Đây được xem là "một kiểu quan hệ đặc biệt, kinh nghiệm trên thế giới chỉ thấy có trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà Việt Nam thường được xem là một thí dụ điển hình, với tất cả tính chất phức tạp, nhiều mặt của nó".
Cuốn sách Về quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt của TS. Nguyễn Thị Kiều Trang sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu sắc thêm về một lát cắt lịch sử phong kiến dân tộc diễn ra trong gần ba thế kỷ (từ khoảng nửa sau thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XVII) thông qua việc tập trung nghiên cứu quan hệ sách phong, triều cống giữa nhà Minh và các vương triều phong kiến Đại Việt. Nội dung cuốn sách còn đúc kết những nét cơ bản trong văn hóa ứng xử đối với nước lớn mà ông cha ta để lại. Dựa trên các nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam, cuốn sách này hướng tới việc trình bày một cách hệ thống về quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung Quốc và Đại Việt từ khoảng nửa sau thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XVII - một thời kỳ có nhiều nhân tố tác động sâu sắc đến mối quan hệ này. Đây cũng là thời kỳ quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước có những giai đoạn ổn định lâu dài và có những lúc căng thẳng, thậm chí gián đoạn, nhưng cuối cùng đều đã được hai bên hóa giải.
Những nội dung chủ yếu mà cuốn sách muốn góp phần làm rõ là: cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt; quá trình phát triển thăng trầm của mối quan hệ này trong gần ba thế kỷ và nguyên nhân của nó; đặc điểm của quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt; thực chất thái độ của các vương triều Đại Việt trong quan hệ với nhà Minh. Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập những yếu tố tác động tức thì đến quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt, đó là những biến động chính trị ở nước này hoặc nước kia, hay sự thay đổi về thế và lực của mỗi nước trong từng giai đoạn cụ thể. Không những thế, quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt có lúc còn bị tác động thậm chí chỉ bởi khí chất của một ông vua Minh hoặc vua Đại Việt, hay do sự tranh chấp đất đai lẫn nhau của thổ quan và dân chúng vùng biên giới,... Tất cả những điều đó luôn là nguyên nhân trực tiếp làm cho quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt ở các giai đoạn Minh - Trần, Minh - Hồ, Minh - Lê sơ, Minh - Mạc, Minh - Lê trung hưng có những điểm khác biệt nhau.
Trong gần ba thế kỷ, mối quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, có những giai đoạn hòa mục lâu dài, nhưng cũng có những lúc căng thẳng, thậm chí gián đoạn bởi cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của nhà Minh (đầu thế kỷ XV) hoặc do cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Đại Việt (nửa đầu thế kỷ XVI). Có thể phân chia lịch sử quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt thành hai giai đoạn chính: giai đoạn thứ nhất từ năm 1368 đến 1527, giai đoạn thứ hai từ năm 1527 đến 1644.
Giai đoạn thứ nhất (1368-1527) quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước đã có một sự khởi đầu tốt đẹp khi nhà Trần là một trong những vương triều đầu tiên mà Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cử sứ giả sang báo tin về thắng lợi của mình và sự thành lập triều Minh. Đáp lại, nhà Trần cũng là vương triều đầu tiên cử sứ giả sang chúc mừng và thiết lập quan hệ với nhà Minh. Trong những năm cầm quyền của mình, với tham vọng phát triển rộng khắp hệ thống các nước triều cống, Chu Nguyên Chương đã cho chế định một loạt thể thức, thể lệ, nghi lễ sách phong, triều cống, đưa mối quan hệ này giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Đại Việt, từ chỗ chưa có quy củ chặt chẽ đến chỗ được quy phạm hóa, điển chế hóa. Tuy vậy, quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt chỉ thực sự êm ả trong những năm đầu cầm quyền của Chu Nguyên Chương. Ngay sau đó, quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước bị trục trặc do việc thay đổi ngôi vua ở triều Trần, do tranh chấp biên giới Trung - Việt, do xung đột Đại Việt - Champa và thái độ nước lớn của nhà Minh trước những vấn đề này.
Năm 1406, lấy cớ “phù Trần diệt Hồ”, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã phát đại binh tấn công xâm lược Đại Việt, thực hiện tham vọng bành trướng, mở rộng lãnh thổ. Cuộc chiến tranh xâm lược này đã hạ bức rèm “chung hưởng thái bình” mà Chu Nguyên Chương cố công tạo ra trước đó và làm cho quan hệ hai nước bị đứt đoạn trong hơn 20 năm. Mãi tới năm 1431, quan hệ sách phong, triều cống Minh - Lê sơ mới được khôi phục lại với sự thỏa hiệp của cả hai phía sau khi chiến tranh kết thúc. Trong gần một thế kỷ dưới thời Lê sơ, quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước diễn ra ổn định, không có xáo động gì lớn, dù những vấn đề đã từng gây căng thẳng, thậm chí chiến tranh giữa hai nước trước đó (việc thay đổi ngôi vua ở Đại Việt, tranh chấp biên giới, xung đột Đại Việt - Champa) vẫn tồn tại và có lúc gay cấn hơn. Sự vững mạnh của Đại Việt ở thời Lê sơ, dư âm của cuộc kháng chiến đánh bại quân Minh đã tạo ra thế và lực để vương triều Lê sơ duy trì được mối quan hệ cân bằng, ổn định lâu dài với nhà Minh.
Giai đoạn thứ hai (1527-1644) đã chứng kiến một sự thay đổi về hình thức trong quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt. Tận dụng cuộc khủng hoảng chính trị ở Đại Việt, đặc biệt là việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sau đó là sự chia tách và cuộc nội chiến Nam - Bắc triều, nhà Minh đã sử dụng mọi thủ đoạn để o ép các vương triều Mạc và Lê trung hưng. Cuối cùng, nhà Minh chỉ phong cho các vua Mạc, vua Lê trung hưng chức “Đô thống sứ” nhằm tăng cường sự khống chế đối với Đại Việt. Để giữ quan hệ bình thường với nhà Minh, tránh mọi sự đối đầu trong bối cảnh có nhiều bất lợi, các vua Mạc, vua Lê trung hưng phải chấp nhận chức vụ này. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự thay đổi về hình thức. Trên thực tế, các vua Mạc, vua Lê trung hưng vẫn xưng hoàng đế và toàn quyền cai trị đất nước. Nhà Minh hoàn toàn không thể can thiệp vào bất cứ công việc nào của các vương triều này, thậm chí việc triều cống còn được thực hiện bằng cách gộp hai kỳ cống làm một. Điều này càng chứng tỏ việc sách phong của nhà Minh cho các vua Đại Việt chỉ có tính chất tượng trưng.
Quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt có những điểm giống với quan hệ sách phong, triều cống giữa nhà Minh với nhiều nước láng giềng khác, tuy nhiên, quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt cũng có không ít đặc điểm riêng biệt. Cụ thể: sự thăng trầm của quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt phụ thuộc chặt chẽ vào thế và lực của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể; sự căng thẳng, gián đoạn trong quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước cuối cùng đều được hóa giải bằng sự thỏa hiệp của cả hai phía; quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt được “quy phạm hóa” về thể thức, thể lệ, nghi lễ một cách chặt chẽ; mục đích của các vương triều Đại Việt trong việc duy trì quan hệ sách phong, triều cống với nhà Minh là giữ vững an ninh quốc gia, củng cố địa vị chính trị của mình... Các đặc điểm này góp phần tạo nên tính chất điển hình của quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt và cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho cả hai phía trong việc xử lý mối quan hệ sách phong, triều cống ở những thế kỷ tiếp theo dưới thời nhà Thanh.
Quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt được duy trì và vận hành dựa trên nhiều cơ sở, nhưng cơ sở cốt lõi là lợi ích. Lợi ích của mối quan hệ này khá đa dạng, tuy nhiên, lợi ích chính trị là lợi ích có ý nghĩa lớn hơn đối với cả hai phía. Trong quan hệ với Đại Việt, nhà Minh thu được không ít lợi ích vật chất nhưng lợi ích chính trị vẫn là hàng đầu chứ không phải là lợi ích kinh tế như trong quan hệ với các nước khác. Bởi lẽ, duy trì quan hệ sách phong, triều cống với Đại Việt giúp nhà Minh yên ổn ở mặt nam, giữ vững an ninh biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho nhà Minh mở rộng ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á khác. Còn đối với các vương triều Đại Việt, lợi ích chính trị là quan trọng nhất, vì duy trì quan hệ cầu phong và triều cống nhà Minh là phương sách đối ngoại khôn khéo, hợp lý để giữ vững an ninh quốc gia, củng cố địa vị thống trị của vương triều.
Tuy đều có nhu cầu và lợi ích riêng trong việc xác lập và duy trì quan hệ sách phong, triều cống, nhưng mối quan hệ này giữa Trung Quốc và Đại Việt ở thời Minh luôn có những đợt “sóng ngầm”, những mâu thuẫn, căng thẳng ở ngay cả những giai đoạn được xem là ổn định nhất. Thái độ nước lớn, tư tưởng “Đại Hán” của triều Minh trong quan hệ với các vương triều Đại Việt và ý thức độc lập, tự chủ, tự tôn mạnh mẽ của các vương triều Đại Việt là nguyên nhân tạo nên những đợt “sóng ngầm”, những mâu thuẫn, căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Sách phong, triều cống không phải là toàn bộ quan hệ Minh - Đại Việt nhưng đây là quan hệ nền tảng và là cơ sở của tất cả các mối quan hệ khác giữa hai nước. Quá trình đấu tranh, thỏa hiệp của cả hai phía để xác lập, duy trì quan hệ sách phong, triều cống; những diễn biến thăng trầm của mối quan hệ này; thái độ ứng xử của triều Minh và các vương triều Đại Việt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sách phong, triều cống đã thể hiện rõ bản chất của mối quan hệ Minh - Đại Việt trong gần ba thế kỷ. Trong quá trình đó, do tác động của bối cảnh lịch sử cụ thể, chính sách của các vương triều Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng đối với nhà Minh nhằm duy trì quan hệ sách phong, triều cống và giữ vững độc lập, chủ quyền có nhiều điểm khác nhau. Hiện nay, vẫn còn những ý kiến trái chiều khi đánh giá một số chính sách và cách ứng xử của một vài triều vua Đại Việt trong quan hệ với nhà Minh, nhưng lịch sử luôn vận hành theo cách của nó và những kinh nghiệm, những bài học lịch sử được rút ra từ việc thực hiện các chính sách này luôn còn nguyên giá trị.