Quyết liệt và đột phá trong kiểm soát nợ công

Ngày đăng: 27/02/2017 - 08:02

Tóm tắt: “Nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, và áp lực trả nợ là rất lớn”. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt và đột phá trong kiểm soát nợ công, để tránh những hệ lụy không đáng có do tình trạng này gây ra.

Từ khóa: nợ công, bội chi, ngân sách nhà nước

quyet liet 122

Áp lực nợ công không còn điểm lùi...

Tiếng chuông cảnh báo nguy cơ vượt trần nợ công mà Quốc hội đã đưa ra vào cuối năm 2016 vừa được Chính phủ gióng lên. Kiểm soát nợ công không còn điểm lùi!

Việt Nam hiện đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiềm chế một cách thành công và môi trường kinh doanh đã được ổn định, tăng trưởng được hồi phục và duy trì ở mức hợp lý... Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là: Tăng gánh nặng nợ công và áp lực kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước (NSNN); Gắn chi tiêu công với các ưu tiên của quốc gia để bảo đảm công bằng và tăng trưởng bền vững; Tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về kết quả và giám sát hiệu quả hoạt động chi tiêu công, bền vững tài khóa và an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh về tốc độ, mở rộng về quy mô, tiệm cận giới hạn cho phép (riêng nợ Chính phủ đã vượt trần từ cuối năm 2015). Các điều kiện vay và dịch vụ nợ công ngày càng ngặt nghèo và đắt đỏ hơn. Dự kiến nợ công đến ngày 31-12-2016 ước chiếm khoảng 63,2% GDP và với xu hướng tăng chưa có điểm dừng, nợ công sẽ đạt đỉnh vào năm 2020-2022…

Theo Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 3-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016: Kế hoạch vay của Chính phủ năm 2016 là 452.000 tỉ đồng (bao gồm: vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỉ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỉ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỉ đồng; vay đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng). Cơ cấu nguồn vay là: Vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC): 336.000 tỉ đồng; vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi 4.700 triệu USD (tương đương 99.000 tỉ đồng, trong đó 43.000 tỉ đồng cho vay lại và 56.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi NSNN). Huy động 17.000 tỉ đồng thông qua các hình thức khác, như: phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế. Kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2016 là 273.300 tỉ đồng; trong đó: Trả nợ trực tiếp của Chính phủ được bố trí trong dự toán NSNN năm 2016 là 154.000 tỉ đồng (bằng 15,2% dự toán thu NSNN năm 2016); Trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỉ đồng; Đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng. (1) Hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2016, bao gồm: Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh năm 2016 tối đa là 39.000 tỉ đồng, bao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 23.000 tỉ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tối đa là 13.000 tỉ đồng; các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 3.000 tỉ đồng. (2) Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 1.500 triệu USD. (3) Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả là 5.500 triệu USD. Hạn mức trái phiếu chính quyền địa phương là 12.500 tỉ đồng. Đáng chú ý là quyết định trên căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước năm 2002, do Luật ngân sách nhà nước mới sẽ chỉ có hiệu lực vào đầu năm 2017. Khi Luật mới này có hiệu lực, vốn trái phiếu Chính phủ sẽ được tính vào bội chi, và như vậy, số bội chi dự kiến sẽ cao lên.

Nợ công vừa là điều kiện tăng đầu tư phát triển hạ tầng, tạo động lực khơi nguồn đầu tư phát triển quốc gia, vừa là kết quả các hoạt động quản lý nhà nước và đầu tư doanh nghiệp. Nợ công tăng một phần do tăng chi tiêu công trực tiếp nhằm giải tỏa các nguy cơ và hệ quả tiêu cực của trì trệ kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, và giữ ổn định nền kinh tế. Ngược lại, khi nợ công mất kiểm soát và gây vỡ nợ quốc gia thì thảm họa là khôn lường, cú sốc khủng hoảng tài chính có thể nhanh chóng biến thành khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội, thậm chí có thể mở đường và tạo áp lực thay đổi thể chế chính trị trong tương lai…

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nợ và các điều kiện về nợ ngày càng trở thành tác nhân và công cụ mạnh mẽ chi phối đời sống chính trị và chính sách quốc gia. Quan điểm và quá trình xử lý nợ không chỉ phản ánh quan điểm chính trị, lợi ích và tương quan lực lượng xã hội trong nước và quốc tế, mà còn phản ánh vị thế của con nợ và chủ nợ. Những điều kiện tín dụng ngày càng ngặt nghèo, nhất là tạo áp lực thắt chặt chi tiêu, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường nhiều mặt, từ sự suy giảm kinh tế, những cuộc biểu tình đòi tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp vượt khó, đến những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và kiến nghị đòi từ chức, thay đổi nhân sự chính quyền cấp cao… Đặc biệt, từ vấn đề kinh tế thuần túy, nợ đang có khuynh hướng nâng cấp và “đổi màu” trở thành vấn đề kinh tế - xã hội, thậm chí, tạo áp lực làm sụp đổ cả êkíp chính phủ hoặc liên minh chính trị; thậm chí có thể xuất hiện những cuộc ra đi bất ngờ và nặng nề của một chính khách và quốc gia khỏi vị trí và vị thế hiện có…

Không thể lảng tránh hoặc che đạy mãi, nhưng cũng không thể đối diện với nợ một cách duy ý chí. Để vượt qua các cuộc khủng hoảng nợ và hệ lụy của nợ trong kinh tế thị trường, cần có sự thống nhất nhận thức về nợ và sự hài hòa trong thắt chặt thận trọng và linh hoạt nới lỏng chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia; tránh những ngộ nhận lợi ích một chiều của nợ; xác định và quản lý “trần” nợ, sử dụng hiệu quả nợ; làm tốt công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo an toàn nợ, nhất là an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng.

Nợ công ở Việt Nam có mối liên hệ trực tiếp với xu hướng kéo dài chi vượt dự toán và không chấp hành nghiêm túc quy trình quản lý NSNN theo Luật ngân sách nhà nước (năm 2014, dự toán bội chi NSNN là 224.000 tỉ đồng, bằng 5,3% GDP, nhưng theo báo cáo quyết toán NSNN của năm này, bội chi NSNN là 260.145 tỉ đồng, bằng 6,61% GDP, tăng 36.145 tỉ đồng so với dự toán). Qua báo cáo kiểm toán Nhà nước cho thấy, công tác quản lý thu - chi ngân sách còn tồn tại nhiều hạn chế, thậm chí nhiều sai phạm ở các cấp. Những hạn chế trong quyết toán năm nào cũng có và lặp lại; các sai phạm về quản lý tài chính, ngân sách được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đang tăng chóng mặt, với quy mô thành tiền lớn hơn 17 lần chỉ trong 5 năm qua, từ 317 tỉ đồng (2009) lên 658 tỉ đồng (2010), 708 tỉ đồng (2011), 2.252 tỉ đồng (2012) và 5.304,2 tỉ đồng (2013). Riêng năm 2015, cơ quan thuế đã thu khoảng 2.000 tỉ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của cơ quan chức năng; kiểm tra, rà soát đôn đốc thu thêm vào NSNN trên 14.300 tỉ đồng từ cổ tức được chia của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối và lợi nhuận còn lại phát sinh của các doanh nghiệp lớn...

Những đột phá cần có theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 khóa XII

Nếu cuộc khủng hoảng tài chính - nợ diễn ra và ngày càng khó kiểm soát chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng lớn cho nền kinh tế, do đó, việc phòng ngừa chúng sẽ ít tốn kém hơn và dễ hơn so với khi đã xảy ra. Vì vậy, thời gian tới, hoạt động giám sát của Quốc hội phải vào cuộc quyết liệt, thực chất hơn để kiểm soát nợ công; cần tăng cường công cụ kiểm toán trong giám sát nợ công, chủ động ngăn chặn sự lạm dụng, gây thất thoát, lãng phí đầu tư và chi tiêu công; xiết chặt và tăng cường kỷ luật, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công; làm rõ trách nhiệm cá nhân cụ thể và nghiêm khắc hơn về vay nợ và trả nợ công; cơ cấu lại NSNN theo tinh thần “phòng hơn chữa” là những nhiệm vụ có tính cấp bách và phải làm thường xuyên.

Đặc biệt, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, theo đó, tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước… Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại NSNN và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công… Giảm dần tỉ lệ bội chi NSNN đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trong giai đoạn 2016-2020, quy mô nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; quan tâm phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và tín dụng tiêu dùng. Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan tỏa với các khu vực kinh tế trong nước. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất. Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện biện pháp phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư. Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công; phát triển thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết phù hợp của Nhà nước. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả; không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa và xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công.

TS. Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân dân

Bình luận