Tư tưởng chiến lược cách mạng - không ngừng: giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên CNXH*
Từ năm 1920, khi đến với chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới và đi theo Quốc tế Cộng sản.
Đến năm 1959, trong lời tựa viết cho cuốn Hồ Chí Minh - Những bài nói và viết chọn lọc của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Mátxcơva, Người lại viết: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"1. Đây là một khái quát có tính tổng kết, nói lên quy luật tất yếu của sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Ở đây có vấn đề cần hiểu rõ là "đi theo con đường cách mạng vô sản" của Việt Nam là như thế nào?
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, sau khi phân tích cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, cách mạng Nga, Người nhận thấy "chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi"1 và rút ra kết luận là phải học tập cách mạng Nga: "Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin"2.
Cũng trong tác phẩm này, Người đã chia cách mệnh làm hai thứ: dân tộc cách mệnh và giai cấp (thế giới) cách mệnh.
Dân tộc cách mệnh như "An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do, bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh... dân tộc cách mệnh thì chưa phân chia giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền"3.
Giai cấp cách mệnh như "công nông Nga đuổi tư bản và giành lấy quyền năm 1917"4... Giai cấp cách mệnh (thế giới cách mệnh) thì "vô sản giai cấp đứng đầu đi trước. Nhưng 2 cách mệnh ấy vẫn có quan hệ với nhau"5.
Như vậy, theo Người "đi theo con đường cách mạng vô sản" không phải là "làm cách mạng vô sản" ngay như cách mạng Nga năm 1917 hay sẽ diễn ra như ở các nước tư bản phát triển... mà phải tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội mỗi nước để định ra con đường cách mạng của nước mình.
Vấn đề này, trong lịch sử phát triển của Đảng ta cũng đã có nhận thức chưa phân biệt rõ giữa cách mạng vô sản với các hình thức cách mạng khác đi theo "con đường cách mạng vô sản"; do đó, dẫn đến sai lầm "tả" hoặc "hữu" trong xác định những vấn đề chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng. Chính vì vậy, dưới ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh và dựa vào Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Trung ương Đảng ta trong chỉ thị Chung quanh vấn đề chiến sách mới của Đảng (tháng 10-1936) đã uốn nắn: "Chiến lược ấy là căn cứ theo trình độ kinh tế, chính trị và xã hội, từng hạng nước khác nhau mà định ra. Chớ không phải mục đích của Quốc tế Cộng sản là làm thế giới vô sản cách mạng thì ở nước nào cũng đồng thời phải làm cách mạng vô sản, lập vô sản chuyên chính như nhau"1.
Với cách đặt vấn đề đúng đắn về con đường cách mạng vô sản như đã phân tích ở trên, ngay từ những năm 1920 - 1930, trong xác định con đường cách mạng Việt Nam, cũng như sau này, trong hoàn thiện đường lối và biến đường lối thành hiện thực, Hồ Chí Minh đã không giáo điều, rập khuôn. Người luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn của Việt Nam, vận dụng những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, đặc biệt là phép biện chứng duy vật, phân tích sâu sắc tính chất xã hội, tình hình kinh tế - chính trị, sự phân hoá giai cấp của xã hội Việt Nam để xác định đúng đắn những vấn đề về chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng Việt Nam.
Trước hết, về phân tích mâu thuẫn và xác định tính chất xã hội Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh và Đảng ta, từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên toàn cõi Việt Nam, xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản. Cùng với sự tồn tại của mâu thuẫn cơ bản vốn có của một xã hội phong kiến là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến, đã xuất hiện thêm mâu thuẫn cơ bản mới là mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược, thống trị. Xã hội Việt Nam từ một xã hội phong kiến độc lập, trở thành một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Từ đó, cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược quan hệ chặt chẽ và tác động ảnh hưởng lẫn nhau: chống đế quốc giành độc lập cho dân tộc và chống phong kiến, đưa lại ruộng đất cho nông dân, dân chủ cho nhân dân lao động.
Từ sự vận động tổng hợp của hai mâu thuẫn cơ bản, nổi lên mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam mà đại đa số là công nhân và nông dân với chủ nghĩa thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Mâu thuẫn này nổi lên sâu sắc, gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết. Ngay từ lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, cũng như sau khi hoàn toàn xâm chiếm Việt Nam và mở rộng ách thống trị, bóc lột, phong trào chống Pháp cứu nước của dân ta đã nổ ra thường xuyên, liên tục, lúc sôi nổi, lúc ngấm ngầm theo những con đường khác nhau. Do đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc Pháp và tay sai là sự nghiệp nổi lên hàng đầu của nhân dân Việt Nam, cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở xác định mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu, tính chất của xã hội, một vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng là xác định đối tượng, kẻ thù chính, chủ yếu của cách mạng.
Các phong trào yêu nước chống đế quốc của nhân dân Việt Nam trước khi có sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đều rất dũng cảm, nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất và khí phách anh hùng của con người Việt Nam. Nhưng các phong trào này đều có nhược điểm cơ bản là không nhận thức đúng kẻ thù chính hoặc thiếu sự hiểu biết sâu sắc về kẻ thù. Đó cũng chính là một nguyên nhân đưa đến thất bại.
Nguyễn Ái Quốc, ngay từ lúc cảm nhận được nạn mất nước và nỗi thống khổ của dân tộc, đã có ý thức tìm hiểu sâu sắc kẻ thù của dân tộc và quyết "đi vào lòng kẻ thù để hiểu biết kẻ thù". Những hiểu biết của Người về chủ nghĩa thực dân được trình bày trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Đây công lý của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương... chứng tỏ Người đã có những hiểu biết sâu sắc về bản chất, thủ đoạn, về phương thức thống trị bóc lột của chủ nghĩa thực dân - đặc biệt là chủ nghĩa thực dân Pháp.
Từ đó, Người khẳng định: Chủ nghĩa thực dân Pháp là kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam, đồng thời là kẻ thù của nhân dân các thuộc địa Pháp và cũng là kẻ thù của giai cấp vô sản và nhân dân lao động Pháp.
Nắm vững một đặc điểm trong chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp là chúng duy trì chế độ bóc lột phong kiến và Chính phủ Nam triều làm công cụ áp đặt chế độ thống trị, bóc lột thuộc địa đến tận thôn xã, Người đã chỉ rõ: "Quan lại, địa chủ: Họ tuy hai mà một, một mà hai. Quan lại lớn đồng thời là địa chủ lớn... Bọn này cùng với đế quốc Pháp sống dựa vào nhau..."1. Còn bọn "Vương công: Như Hoàng đế An Nam, Quốc vương Cao Miên, v.v. tất nhiên họ là những rường cột phản động. Người Pháp lợi dụng họ làm bù nhìn để thi hành những luật pháp thời Trung cổ..."2.
Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích toàn diện, sâu sắc, khoa học đối tượng của cách mạng Việt Nam, Người đã chỉ rõ kẻ thù chính của độc lập dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc thực dân và bè lũ tay sai.
Không chỉ trong những năm đặt nền móng cho đường lối cách mạng Việt Nam, mà suốt cả quá trình quanh co, phức tạp của cách mạng Việt Nam, Người cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta luôn xác định đúng kẻ thù chính trị, cụ thể, trước mắt. Nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu thủ đoạn, khả năng thực lực của chúng mà dự báo, phát hiện kịp thời những chuyển biến trong hàng ngũ kẻ thù. Nhờ vậy, Người và Đảng ta đã kịp thời đề ra những vấn đề chiến lược, sách lược và chỉ đạo chiến lược đúng đắn, nhằm phân hoá kẻ thù, cô lập và tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, tạm thời hòa hoãn với những kẻ thù có thể hòa hoãn.
Đó cũng chính là một nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Việt Nam.
Cùng với việc nhận định đúng kẻ thù, việc nhận thức và phân tích sâu sắc, toàn diện lực lượng cách mạng và mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng Việt Nam, là một cơ sở quan trọng để đề ra chiến lược, sách lược cách mạng.
Như trên đã nêu, dân tộc Việt Nam vốn là một quốc gia dân tộc hình thành sớm, có tinh thần cộng đồng, cố kết dân tộc và có truyền thống dựng nước và chống ngoại xâm bảo vệ đất nước lâu đời. Hơn nữa, xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, kinh tế kém phát triển nên sự phân hoá và mâu thuẫn giai cấp chưa biểu hiện gay gắt, sâu sắc như ở các nước tư bản phương Tây.
Từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Khát vọng, ý chí bức xúc nổi lên hàng đầu của toàn dân Việt Nam là đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Bị khuất phục bằng vũ lực, bắt buộc phải chịu đựng bao nhiêu điều nhục nhã, bị áp bức, bóc lột, dân Đông Dương không thể chịu ngồi yên mà không phá gông xiềng của chủ nghĩa đế quốc Pháp"1.
Chính vì vậy, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản năm 1924, Người đã phát hiện: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người "nhà quê" phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917"1.
Người đã có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong sự vận động, phát triển của xã hội. Do đó, Người đặt vấn đề: Mai đây, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây làm thay đổi phương Đông thì đấu tranh giai cấp có trở nên quyết liệt không? Và Người trả lời: Đại thể là có, nếu theo gương Nhật Bản.
Người đã phân tích sự tác động của chiến tranh đã làm thay đổi chủ nghĩa dân tộc và nêu ra phương hướng chung:
"Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xôviết hoá và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế..."*.
Người cũng có nhận định sâu sắc là nếu theo quy luật chung, ở các nước tư bản phát triển, lực lượng sản xuất càng mở rộng, phát triển thì sự phân cực giàu và nghèo, tư sản và vô sản càng rõ rệt, mâu thuẫn giai cấp càng sâu sắc. Ở Việt Nam, công nghiệp hoá thực dân phát triển, nhịp độ mở rộng nhà máy, hầm mỏ, đồn điền càng tăng thì ách bóc lột, áp bức đối với dân tộc càng nặng nề, đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động càng không chịu nổi, mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam với thực dân thống trị Pháp và bè lũ tay sai càng sâu sắc, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc càng phát triển mạnh mẽ.
Dù bọn đế quốc chủ nghĩa có đề phòng thế nào đi nữa, thì nạn nghèo khổ và sự bóc lột vẫn cứ thúc đẩy người Đông Dương làm cách mạng để lật đổ ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp1. Từ đó Người xác định lực lượng của cách mạng Việt Nam là toàn dân Việt Nam, trừ một bộ phận nhỏ làm tay sai cho đế quốc.
Vận dụng phương pháp phân tích giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người hết sức quan tâm, theo dõi nghiên cứu sự phát triển, vận động của cơ cấu giai cấp, địa vị kinh tế - xã hội và thái độ chính trị của từng giai cấp, làm cơ sở sắp xếp lực lượng cách mạng Việt Nam.
Tháng 10-1923, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về tình hình Đông Dương, Người nhận xét về thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp:
"Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét.
Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ.
Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào.
Tiểu tư sản không nhiều, là một phần tử bấp bênh. Nó chịu sự chi phối bởi nhiều thứ triết lý, như là nó hướng vào phong trào dân tộc rất vội vã. Nó nhút nhát.
Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước"1.
Người đi đến kết luận:
"Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tốt được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta"2.
Cũng trong năm 1923, tham luận tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Người chỉ rõ tình cảnh của người nông dân thuộc địa: "bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước"3 và "họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hợp là: Nhà nước, tên thực dân, nhà thờ và tên lái buôn"4.
Người nhận định:
Nông dân Việt Nam rất cách mạng, là một lực lượng rất to lớn nếu được tuyên truyền, tổ chức. Nhưng do sống tản mạn nên chỉ với lực lượng riêng mình, nông dân không bao giờ trút bỏ được gánh nặng đang đè nén, bóc lột họ.
Do đó, trong thời đại ngày nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, bằng cách liên minh với nông dân.
Đến tháng 10-1928, trong báo cáo Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương, Người phân tích những hoạt động mở rộng khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất cả về mặt "tích luỹ tư bản và lợi nhuận", "công nghiệp hoá thuộc địa", "chiếm đoạt ruộng đất", "độc quyền", "đầu sỏ tài chính", và nêu ra tình cảnh và những phản ứng của người bản xứ... để từ đó phân tích sự biến đổi và thái độ chính trị của các lực lượng giai cấp - xã hội.
Người chỉ rõ: "Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thực dân ở Đông Dương đã tạo ra ở xứ đó hai giai cấp vô sản, giai cấp vô sản công nghiệp và giai cấp vô sản nông nghiệp.
Đa số công nhân công nghiệp làm trong các hầm mỏ và vận tải"1. Về công nhân nông nghiệp, có những đồn điền cao su lớn, chủ yếu ở Nam Kỳ...
Đến những năm 40 của thế kỷ XX, khi tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mới, Người lại có nhận định về các tầng lớp, giai cấp:
"- Công nhân:... Tổng cộng không đến một triệu người. Họ tuy không có quyền tự do tổ chức công hội, nhưng trong hai thời kỳ 1930-1931 và 1936-1939, họ đấu tranh rất mạnh mẽ.
- Nông dân: Những năm 1930-1931, nông dân Nam Kỳ và Trung Kỳ tổ chức (bí mật) rất tốt, đấu tranh rất dũng cảm... Hiện tại, nông dân Nam Kỳ đoàn kết tốt hơn so với các địa phương khác.
Công nhân, nông dân đương nhiên là rất căm ghét người Pháp.
- Trí thức: Từ học trò đến công chức, thầy thuốc, vì có trình độ văn hoá tương đối cao, có điều kiện tiếp cận với người Pháp, hai vì họ bị người Pháp coi thường, cho nên họ đều rất ghét người Pháp. Song vì không có tổ chức, thiếu người lãnh đạo, cho nên họ "dám nghĩ mà không dám nói".
- Tiểu thương: Thương nghiệp lớn đều nằm trong tay người Pháp, cỡ nhỏ hơn trong tay Hoa kiều... Họ không ngoi lên được bởi các thứ thuế má nặng nề, do đó họ cũng rất căm ghét người Pháp, đồng tình với cách mạng.
- Giai cấp tư sản dân tộc: Trong người Việt không có ai làm chủ nhà máy lớn, chủ hiệu buôn lớn hoặc chủ nhà băng như người Trung Quốc. Họ thường chỉ là những chủ xưởng nhỏ như xưởng rượu, xưởng xay xát lúa gạo, xưởng in. Lúc bị chèn ép, họ oán người Pháp. Khi phong trào công nhân lên mạnh, họ sợ cách mạng. Nhưng trong số đó cũng có vài người giúp đỡ cách mạng. Thế lực của họ rất yếu ớt, không có tổ chức"1.
Người phân tích lực lượng vũ trang của Pháp ở Việt Nam như sau: Phần lớn là binh lính người Việt. Binh lính người Việt vốn có truyền thống cách mạng... Nếu chúng ta biết khéo léo kêu gọi, thì họ - ít nhất là một bộ phận - có khả năng quay súng chống lại Pháp (hoặc chống lại Nhật).
Những phân tích sâu sắc của Người về mâu thuẫn và tính chất của xã hội Việt Nam, về đối tượng và thái độ chính trị của các giai cấp ở Việt Nam là cơ sở thực tiễn, hiện thực để Người vận dụng sáng tạo Cương lĩnh và Đề cương cách mạng của Quốc tế Cộng sản, đề ra những vấn đề về chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, trọng yếu và nhận thức bao giờ cũng là một quá trình, nên tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam của Người cũng được hình thành, bổ sung, phát triển, hoàn thiện từng bước thông qua việc kết hợp lý luận với thực tiễn, đấu tranh giữa cái đúng và cái sai và được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Năm 1920, Người khẳng định cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy công nông làm gốc, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Năm 1925, trong Cương lĩnh của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Người đã viết: "Trước làm quốc gia cách mệnh, sau làm thế giới cách mệnh".
Đến năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người lại chia ra hai thứ cách mệnh là dân tộc cách mệnh và giai cấp cách mệnh, và xác định: An Nam đuổi Pháp... để giành lấy tự do, bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh. Dân tộc cách mệnh và giai cấp cách mệnh (thế giới cách mệnh) quan hệ chặt chẽ với nhau1.
Đến tháng 2-1930, do yêu cầu của việc hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã soạn thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những văn kiện này được Hội nghị hợp nhất nhất trí thông qua.
So với Đường cách mệnh thì những văn kiện này là bước phát triển mới của tư duy Hồ Chí Minh về chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam.
Những văn kiện này tuy dựa vào Cương lĩnh và Đề cương về phong trào cách mạng ở các thuộc địa, phụ thuộc của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928) nhưng có sự vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm thực tiễn Việt Nam. Do đó có những điểm phát triển mới.
Quốc tế Cộng sản quy định cách mạng Việt Nam là kiểu cách mạng tư sản dân quyền theo công nông chuyên chính, có hai nhiệm vụ cơ bản tiến hành đồng thời, song song là cách mạng ruộng đất, giải phóng nông dân khỏi mọi bóc lột và nô lệ và chống đế quốc, giải phóng dân tộc, lật đổ chính quyền bóc lột, thành lập Xôviết công nông binh, tổ chức hồng quân, củng cố quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản.
Chấp hành Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về kiểu cách mạng, Chánh cương vắn tắt cũng nêu: "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"1. Nhưng trên cơ sở nhận định là tư bản Pháp đã thâu tóm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam (cả công nghiệp và nông nghiệp), tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được. Chỉ có bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa.
Do đó, Chánh cương xác định về phương diện chính trị, nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu của cách mạng Việt Nam là:
"a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.
b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.
c) Dựng ra Chính phủ công nông binh.
d) Tổ chức ra quân đội công nông"1.
Bọn phong kiến, theo tinh thần của Chánh cương là nhằm chỉ bọn đại địa chủ đứng hẳn về phe đế quốc, làm tay sai cho đế quốc và bọn vua quan trong bộ máy Nam triều, chứ chưa phải là toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến.
Vì vậy, về phương diện kinh tế, Chánh cương chỉ nêu nhiệm vụ: "Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý... Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân nghèo... Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo... Mở mang công nghiệp và nông nghiệp... Thi hành luật ngày làm 8 giờ"2, chứ chưa nêu khẩu hiệu "cải cách ruộng đất - người cày có ruộng", là nhiệm vụ chủ chốt của cách mạng phản phong.
Về lực lượng cách mạng, Sách lược vắn tắt nêu: "Đảng... phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng... Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo..."3.
Với các tầng lớp giai cấp khác, Sách lược chủ trương đoàn kết rộng rãi, phân hóa và lôi kéo họ về phía cách mạng. "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến v.v.) thì phải đánh đổ"4.
Chủ trương tranh thủ, tập hợp lực lượng rộng rãi, nhưng Người vẫn quán triệt quan điểm "Công nông làm gốc cách mệnh", nên Sách lược vắn tắt ghi: "Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia"1 và "Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn trọng, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp"2.
Như vậy, ngay từ Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện rõ quan điểm của mình về quan hệ dân tộc và giai cấp; phản đế và phản phong. Người đã vận dụng sáng tạo đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và có những điểm phát triển mới. Nổi bật là tư tưởng chỉ đạo chiến lược: tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi lực lượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp chống đế quốc thực dân và tay sai. Lực lượng ấy bao gồm "công nông làm cốt" tranh thủ cả phú nông, tư bản bản xứ, trung, tiểu địa chủ... dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Những phát triển mới đó cũng chính là khoảng cách giữa Nguyễn Ái Quốc với Đề cương về cách mạng ở các nước thuộc địa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản.
Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã phê phán và ra Nghị quyết thủ tiêu Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, trở lại đúng với Đề cương về cách mạng ở thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, đặt hai nhiệm vụ phản đế và phản phong đồng thời, ngang nhau.
Trước tình hình đó, Người chấp hành nghị quyết, nhưng vẫn kiên trì quan điểm của mình, và lúc có điều kiện, đấu tranh để ngăn ngừa tác hại của xu hướng "tả" khuynh. Chỉ thị gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng (tháng 5-1931) phân tích: "xứ ta lại chưa phải là xứ kỹ nghệ cao, tư bản tập trung, công nhân thành một hàng ngũ mạnh mẽ, mà là xứ thuộc địa, kinh tế phụ thuộc, nông nghiệp lạc hậu"1, và "Đảng Cộng sản Đông Dương xuất phát từ chỗ giác ngộ phản đế, ghét Pháp từ trước đến nay, nên trong hàng ngũ Đảng có những thù gia tử đệ, cựu nho, trung, tiểu địa chủ, phú nông, và trung nông ở nông thôn và một số giáo viên, học sinh chữ Pháp và một số tiểu thương, tiểu chủ hay con nhà tiểu thương, tiểu chủ ở thành thị, cùng với một số thợ xí nghiệp, một số công chức, tổ chức hỗn hợp lại trong một phong trào... giai cấp công nhân ở Đông Dương đã thành một lực lượng giai cấp giác ngộ nhứt định của nó, mặc dầu mới đầu tiên và còn yếu ớt... hai lực lượng ấy hợp lại xây dựng nên Đảng Cộng sản Đông Dương"2.
Từ sự phân tích trên, Chỉ thị phê phán: "Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chi tướng"3. Và nhắc nhở phải nghiêm khắc kiểm điểm, sửa chữa triệt để ở tất cả các cấp bộ.
Trong thời kỳ 1936-1940, Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, nhưng Người luôn quan tâm, theo dõi tình hình trong nước. Sau khi Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII họp, đã có nghị quyết về "thành lập Mặt trận thống nhất giai cấp công nhân" và "thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít". Vận dụng quan điểm, tư tưởng của mình vào cách mạng Việt Nam, thông qua thư từ, báo chí trao đổi, Người đã góp nhiều ý kiến quý báu với các đồng chí lãnh đạo trong nước về chuyển hướng chính sách của Đảng như xác định mục tiêu đấu tranh, tổ chức mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi, thái độ đối với giai cấp tư sản và các tầng lớp nhân dân khác, về yêu cầu đối với Đảng, v.v..
Tư tưởng và những việc làm đó của Nguyễn Ái Quốc đã có tác động lớn đến đường lối cách mạng của Đảng ta. Từ năm 1936, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị "Chung quanh vấn đề chiến sách mới của Đảng", tiếp đến các Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và bảy đều có chú ý đến việc chuyển hướng chiến lược trong khi giải quyết quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản phong và phản đế.
Tuy nhiên, đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) do Người chủ trì mới khẳng định dứt khoát chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng ta. Từ đó, tư tưởng về chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng Việt Nam của Đảng ta là thống nhất.
Trước hết, Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: Mục đích cách mạng nước ta hiện nay là "đánh đuổi Pháp - Nhật làm cho xứ Đông Dương độc lập"1, "cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng"... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng"1 và chỉ rõ: "nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp trâu ngựa muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được"2.
Mặt khác, quán triệt tinh thần cách mạng triệt để và cách mạng không ngừng, Nghị quyết nêu: "cách mạng giải phóng dân tộc phải đi đến cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vậy nên không thể làm cách mạng giải phóng dân tộc rồi ngừng lại, mà phải tiến lên làm tròn nhiệm vụ tư sản dân quyền và chinh phục chính quyền vô sản..."3.
Về chính quyền, Nghị quyết viết: "... sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù..."4.
Như vậy, Nghị quyết Trung ương tám đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên. Đó là một chuyển hướng chiến lược rất cơ bản so với dự án Luận cương chính trị năm 1930. Nhưng Nghị quyết cũng chỉ rõ là không quên nhiệm vụ cải cách điền địa. Ngay trong khi tiến hành giải phóng dân tộc, đã giải quyết một phần cách mạng điền địa và sẽ tiến lên giải quyết hoàn toàn khi có điều kiện.
Chủ trương đúng đắn, sáng tạo đó đã động viên được toàn dân tộc dấy lên cao trào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang mạnh mẽ rồi khi thời cơ đến, cả nước nhất tề nổi dậy Tổng khởi nghĩa, tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Sau Cách mạng Tháng Tám, các thế lực thực dân, phản động liên kết với nhau mưu đồ thủ tiêu thành quả to lớn của nhân dân ta. Trước tình hình phức tạp của thế giới và trong nước, cách mạng Việt Nam gặp những khó khăn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: "Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa được hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong. Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết"1.
Tuy nhiên, nhân dân ta đã giành được chính quyền, nhiệm vụ giải phóng dân tộc diễn ra trong điều kiện mới: vừa kháng chiến chống đế quốc, vừa bảo vệ chính quyền mới, xây dựng chế độ mới. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nêu khẩu hiệu: "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Hai nhiệm vụ đó quan hệ chặt chẽ, tác động ảnh hưởng lẫn nhau: Kháng chiến để hoàn thành giải phóng dân tộc, kiến quốc nhằm xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ mới (dân chủ nhân dân). Tại Hội nghị cán bộ Đảng lần thứ sáu (tháng 1-1949), Người chỉ rõ: "Những vấn đề thảo luận thì nhiều, nhưng đều hướng vào một đường đi: Kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội"1.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), Người vạch rõ mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam là: "Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội"2.
Cùng với tư tưởng trên, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam nêu: "Đảng Lao động nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc lập và thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội"3.
Chính cương cũng phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa tính liên tục, không ngừng với tính giai đoạn trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội. Ba giai đoạn cách mạng ấy không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.
Đến cuối cuộc kháng chiến, chúng ta đã chủ trương làm cách mạng ruộng đất để bồi dưỡng sức dân và đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ. Năm 1959, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: "cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa"1. Nói như vậy vì mối quan hệ hữu cơ giữa cách mạng dân tộc và dân chủ, đồng thời cũng phản ánh trên thực tế trong giai đoạn giải phóng dân tộc từng thời kỳ, với mức độ khác nhau, chúng ta đã đồng thời tiến hành từng bước cách mạng dân chủ.
Đồng thời, Người vạch rõ nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam từ khi kháng chiến thắng lợi và hòa bình lập lại: "cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng dưới chế độ dân chủ nhân dân, đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng miền Nam còn tạm thời sống dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thì nhân dân ta cần phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong điều kiện mới của nước ta"2.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) cũng đã xác định, toàn Đảng, toàn dân ta phải tiến hành: "Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước"1. Đây cũng là sự sáng tạo lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta: Một nước, một dân tộc, một Đảng mà tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, có quan hệ tác động, thúc đẩy lẫn nhau.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam xuyên suốt từ Đường cách mệnh đến Chánh cương vắn tắt, đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám, cho đến những bài viết và nói trong các thời điểm lịch sử sau này là con đường cách mạng không ngừng: Tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, hay nói cách khác: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) cho đến sau này, tư tưởng về con đường cách mạng đó là cơ sở, nền tảng của đường lối cách mạng Việt Nam.
Vì sự nghiệp cách mạng ở nước ta do Đảng Cộng sản, Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, cho nên khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã được cơ bản hoàn thành thì tất yếu phải chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa là quá trình phát triển không ngừng, không phải qua một cuộc cách mạng chính trị (đánh đổ chính quyền cũ thành lập chính quyền mới).
Đây là một sáng tạo lớn về con đường phát triển cách mạng ở nước thuộc địa nửa phong kiến. Một loại cách mạng giải phóng dân tộc triệt để theo con đường cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng không ngừng nhằm mục tiêu độc lập - dân chủ - chủ nghĩa xã hội; gắn độc lập với dân chủ, chủ nghĩa xã hội; gắn giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Bài trích trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
* Theo Hồ Chí Minh, đây cũng là con đường trải qua hai giai đoạn cách mạng: "cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa".
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30.
* Theo chúng tôi, luận điểm về "chủ nghĩa dân tộc" của Nguyễn Ái Quốc nêu trong Báo cáo nói lên hai ý: thứ nhất, "chủ nghĩa dân tộc" nêu ở đây là trên lập trường của Quốc tế Cộng sản, gắn với chủ nghĩa quốc tế và sẽ phát triển thành chủ nghĩa quốc tế; thứ hai, phát hiện động lực chủ nghĩa dân tộc ở các nước như Việt Nam là một phát hiện lớn, sáng tạo, dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ. Mãi đến năm 1949, trong diễn đàn Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XIX, Xtalin mới nêu luận điểm: "... giai cấp tư sản đã vứt bỏ ngọn cờ dân tộc, giai cấp vô sản phải giương cao ngọn cờ dân tộc mà tiến lên..." (T.G).
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực