Danh sĩ Phan Huy Ích - Tài năng vượt sáng qua thăng trầm và bão táp thời đại

Ngày đăng: 24/04/2017 - 09:04

Sinh ra trong thời kỳ đầy biến động, lịch sử ghi nhận những cuộc tranh giành nhiều cam go, thách thức, danh sĩ Phan Huy Ích (1751-1822) với những cống hiến quan trọng của mình đã tạo nên một vệt sáng, không chỉ nức danh đương thời mà còn để lại nhiều dư ba cho hậu thế. Tài năng, sở học tinh diệu của ông đã ghi dấu ấn đậm nét đặc biệt dưới triều Tây Sơn. Đánh giá về Phan Huy Ích có thể tóm lược ở hai nét chính, đó là một tài năng toàn diện vượt thoát lên mọi thử thách và một tấm lòng chính nghĩa tận trung dâng hiến.

chuyen di su ky la nhat trong lich su phong kien viet nam 0

Một tấm lòng tận hiến cho dân cho nước

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII với nhiều biến động, do sự tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn phong kiến, đất nước bị chia cắt, Đàng Ngoài là sự cai trị của vua Lê chúa Trịnh, Đàng Trong do chúa Nguyễn cai quản. Chính vì hoàn cảnh xã hội và chính trị rối ren ấy, tiếng ai oán kêu than cất lên khắp nơi nơi, dần dà, sự thôi thúc của những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ đã châm ngòi cho những phong trào khởi nghĩa nông dân bùng nổ, mà đỉnh cao của nó là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Phan Huy Ích dù làm quan trải ba triều đại Lê - Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn nhưng những tinh hoa, tài năng, tâm huyết của ông được tỏa sáng nhất là dưới triều Tây Sơn - một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng tạo được dấu ấn huy hoàng trong lịch sử dựng nước của dân tộc bằng những chính sách tiến bộ. Sau khi đuổi giặc Thanh xâm lược, thống nhất đất nước, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cho xây dựng lại giang sơn, khôi phục kinh tế, bồi dưỡng sức dân và chấn hưng giáo dục, biệt đãi hiền tài, thi hành chính sách nông nghiệp… Ở vào những điều kiện chín muồi, thích hợp cho sự phô diễn tài năng, những cống hiến của Phan Huy Ích với sự hưng thịnh của triều Tây Sơn đã được lịch sử ghi nhận, đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao.

Ngược trở lại quá khứ, Phan Huy Ích vốn xuất thân từ một thế gia triều Lê Trịnh, nhưng đã vượt lên được sự ngu trung hạn hẹp mà đem tài năng, trí lực của mình cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc thời Tây Sơn. Thân sinh của Phan Huy Ích là tiến sĩ Phan Huy Cận (hay còn gọi là Cẩn), một nhân vật tiêu biểu cho nhân cách cao đẹp, ngay thẳng, không xu phụ kẻ quyền thế. Hậu duệ của Phan Huy Ích sau này có những tên tuổi lừng lẫy, mà tiêu biểu nhất là Phan Huy Chú - nhà bác học, tác giả của Lịch triều hiến chương loại chí. Vốn nổi tiếng thông minh hay chữ, từ nhỏ Phan Huy Ích đã được học hành cẩn thận, sau đỗ đạt (ông đỗ đầu khoa thi Hương trường Nghệ khoa Tân Mão - 1771, sau đó năm 1775 lại đỗ đầu khoa thi Hội ở Thăng Long rồi đỗ chế khoa đồng tiến sĩ), thăng quan đến Hàn lâm thừa chỉ ở phủ chúa Trịnh, Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa, trông coi việc an ninh… Con đường hoạn lộ đang thuận lợi thì năm 1780, với vụ án Canh Tý đã khiến ông lâm vào bước đường lận đận. Trải qua một thời gian thăng trầm, khi Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh, ông rời kinh thành lánh nạn, chấm dứt 14 năm làm quan dưới thời loạn lạc Lê Trịnh. Năm 1789, trong một lần Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, ông cùng Ngô Thì Nhậm và một số nho sĩ Bắc Hà được tiến cử, sau nhận nhiệm vụ bang giao của triều đình. Bắt đầu từ đây, tài năng quân sự, ngoại giao và cả những tinh diệu trong bút pháp văn chương của Phan Huy Ích được bộc lộ một cách xuất sắc, hợp thời. Trong những năm tháng làm quan cho triều Tây Sơn, nhiệt huyết, tiết tháo của ông đã được vua Quang Trung hết sức tin tưởng và cảm kích.

Điều đáng kể nhất khi nói về danh sĩ Phan Huy Ích chính là việc giữ được lối ứng xử khoan hòa, tiết độ. Ở vào thời điểm bĩ cực của binh đao, Phan Huy Ích đã dốc sức dốc tài cống hiến cho triều đình, chứng tỏ nhân cách cao đẹp của ông. Sinh thời, ông luôn rạch ròi và công tâm, nhưng ở vào những tình thế nguy nan, trách nhiệm và nghĩa vụ của một bề tôi trung thành vẫn luôn được ông coi trọng hàng đầu. Sự kiện cho thấy rõ nhất về sự tận trung với vua, với dân của ông có lẽ là việc em trai của Phan Huy Ích dấy binh chống lại nhà Tây Sơn. Khi phải nghe những lời lẽ dèm pha không hay của đám sĩ phu Bắc Hà, ông đã dâng biểu trần tình tạ tội và chuẩn bị sẵn tâm lý nhận mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, Chiếu của vua Quang Trung truyền với lý lẽ thấu tình vẹn nghĩa, sự công tâm khi tách bạch công - tư đã khiến Phan Huy Ích cảm kích khôn xiết. Sự kiện này thể hiện rõ, khí tiết ngay thẳng, dám chịu trách nhiệm của Phan Huy Ích, đồng thời cho thấy sự anh minh của vị vua mà ông chịu ơn cũng như dốc toàn bộ sức lực của mình ra phò trợ. Sau này, những tình cảm đội ơn vua Quang Trung được ông ghi lại công phu trong nhiều sáng tác của mình, tiêu biểu là Tiến kinh triều yết ngật ky sự: Gia đình xảy bao chuyện/ Tình cảnh sống không yên/ Phận tôi tiếng đã mắc/ Ơn trên chiếu vẫn truyền/… Cảm động bày tấc dạ/ Mơ màng khúc nhạc tiên...

Một tài năng toàn diện

Phan Huy Ích không chỉ là một công thần dưới triều Tây Sơn, mà còn là một nhà khoa học luôn quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hậu thế đặc biệt thán phục tài năng ngoại giao và văn thơ của ông bởi các tác phẩm ông viết không chỉ để bày tỏ nỗi lòng mà thực sự hữu ích vào những thời điểm cam go của lịch sử. Dưới triều Tây Sơn, sau khi đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu - 1789, vua Quang Trung khôn khéo đòi nhà Thanh công nhận độc lập nước ta. Công việc giao thiệp với triều đình phương Bắc là một nhiệm vụ cấp thiết và tối quan trọng. Trong những công thần được trọng dụng, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm được Quang Trung tin dùng hơn cả và giao toàn quyền việc đối ngoại. Theo sử sách ghi lại rằng, khi giao lại quyền cho tướng Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, vua có dặn rằng, phàm những việc giấy tờ trong nước hết thảy giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, thư từ đi lại với Tàu thì tùy nghi mà làm, ngoại trừ những việc quan trọng, thì không cần phải bẩm báo làm gì… Điều đó cho thấy sự tin cậy toàn tâm của vua Quang Trung đối với Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích.

Những sự kiện ngoại giao giữa hai triều đình Việt Nam - Trung Quốc cũng là dịp để tài năng văn chương, thơ phú của Phan Huy Ích được bộc lộ và khẳng định. Tinh sà kỷ hành là tập thơ ra đời trên đường đi sứ, sau tập hợp lại trong Dụ am ngâm lục, cho thấy phẩm chất trung hiếu mà thức thời và tài ứng biến linh hoạt, khéo léo trong đối ngoại của Phan Huy Ích.

Sự kiện đánh dấu mốc sáng chói trong con đường hoạn lộ của Phan Huy Ích là vào năm 1790, ông nhận nhiệm vụ hộ tống vị “quốc sư” Phạm Cộng Trị (cháu gọi Quang Trung bằng cậu) đi sứ nhà Thanh ở Yên Kinh để mừng thọ Càn Long 80 tuổi. Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, vua Càn Long nổi tiếng văn võ toàn tài, việc Phan Huy Ích họa thơ trên quạt của Càn Long và được đánh giá là bài thơ hay được sử sách chép lại là một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn. Trong chuyến đi ấy, chính nhờ tài ngoại giao khéo léo, tinh tế không để xảy ra sơ xuất nào, cộng thêm tài họa thơ của Phan Huy Ích đã giúp công việc được hoàn thành xuất sắc, tránh được mối họa xa cho đất nước và khẳng định được thể diện quốc gia. Cũng nhờ dấu mốc đó, những chính sách yên dân, khôi phục đất nước không rơi vào sự dang dở bởi nạn xâm lược.

Phan Huy Ích, cùng với Ngô Thì Nhậm, là nhà viết văn chính luận nổi tiếng thời Tây Sơn, bên cạnh đó, thơ văn đi sứ của Phan Huy Ích có vai trò quan trọng trong dòng văn học Tây Sơn. Khối lượng tác phẩm của Phan Huy Ích hiện còn vô cùng đồ sộ. Thơ chữ Hán, chữ Nôm với khoảng 600 bài trong Dụ am ngâm lục; văn chương với khoảng 400 bài biểu, chiếu, tấu, thư, trát, văn tế, tựa, bạt, minh, câu đối… trong Dụ am văn tập. Điểm đặc biệt của văn thơ Phan Huy Ích là tính chất bang giao nhưng qua đó tinh thần thiện chí, lý lẽ cứng rắn và bút pháp điêu luyện vẫn được bộc lộ một cách mạnh mẽ, sắc nét.

Và những bước thăng trầm cuối...

Sự xuất chúng về ngoại giao, văn chương giúp Phan Huy Ích được trọng dụng và “được dự vào hàng công huân cao quý”, nhưng cũng không tránh cho ông khỏi được thăng trầm, lận đận. Sau khi vua Quang Trung qua đời đột ngột vào năm 1792, nội bộ triều Tây Sơn rơi vào tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng. Quang Toản lên ngôi, sau đó Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân… Thời gian cuối đời ông rơi vào bi kịch khi bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm, đến năm 1803, ông về ở ẩn, dạy học rồi mất. Hiến dâng tất cả trí lực, tâm huyết cho triều đại Tây Sơn, nhưng cũng vì triều đại đó mà ông chịu nhiều liên lụy. Bao ưu thời mẫn thế của những năm tháng cuối cùng được ông dồn vào những danh tác, trong đó đáng chú ý là dịch Chinh phụ ngâm từ nguyên tác chữ Hán.

Qua những tài liệu còn để lại cùng những trước tác của Phan Huy Ích, có thể thấy được không chỉ tấm lòng tận dâng với triều đại của ông, sự nhân ái khoan hòa với nhân dân cũng như tư tưởng hòa hiếu trên tinh thần bảo vệ độc lập tự chủ của dân tộc làm trọng. Có được điều đó, ngoài tài năng xuất sắc nhiều mặt của ông, một phần khác là do cách hành xử khiến vua tôi nể trọng của Phan Huy Ích. Toàn bộ sự nghiệp với 102 bài biểu, 80 bài thơ sứ bộ… là những thực chứng rõ rệt nhất về tài năng cũng như tâm tư của Phan Huy Ích với triều đại Tây Sơn lừng lẫy một thời. Dù tận hiến, dù bị liên lụy, nhưng tấm lòng vì dân vì nước, “lấy nghĩa làm phương hướng”, đặt chữ trung lên trước hết của ông mãi khiến người đời sau cảm phục.

Với những dấu mốc sáng chói và thăng trầm mà Phan Huy Ích đã trải, cuộc đời và tài năng của ông trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử Việt Nam thời trung đại. Một quan chức vào hàng cao cấp dưới triều Tây Sơn, một tác giả xuất sắc trong nền văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, Phan Huy Ích là nhân vật có vị thế quan trọng không chỉ trong triều đại Tây Sơn mà còn trở thành một hiện tượng cuốn hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều thế hệ sau này. Bởi qua ông, qua con đường hoạn lộ ba triều đại cùng những đóng góp về ngoại giao, về văn thơ… chúng ta không chỉ thấy được hình ảnh một bậc đại trí thức giàu tinh thần nhân ái Đại Việt, mà còn hiểu rõ hơn về một thời đại tuy tồn tại không dài nhưng huy hoàng, rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

THS. NGUYỄN HƯƠNG CHI

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội

Bình luận