Mô hình thôn/bản văn hóa du lịch: Hướng xây dựng nông thôn m ới ở khu vực miền núi phía Bắc trong giai đoạn hiện nay
Tóm tắt: Trong giai đoạn hiện nay, tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể của các địa phương sẽ có các biện pháp khác nhau để xây dựng nông thôn mới. Thực tế những năm qua cho thấy, một trong những giải pháp căn bản để xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi phía bắc là ở những nơi điều kiện cho phép, có thể xây dựng mô hình Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch nhằm khai thác giá trị của các tài nguyên sinh thái tự nhiên cùng các giá trị văn hóa bản địa, phục vụ phát triển du lịch. Xét về mặt lý luận, đây chính là những động thái tích cực của quá trình “Kinh tế hóa Văn hóa” ở các địa phương miền núi. Về mặt thực tiễn, đây chính là những giải pháp cụ thể để xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng thích hợp nhằm khai thác các tài nguyên, nguồn lực sẵn có của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Từ khóa: nông thôn mới, văn hóa, du lịch
Sự cần thiết phải xây dựng danh hiệu Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên vùng miền núi phía bắc, để góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển quê hương, đất nước, đã có rất nhiều biện pháp, giải pháp khác nhau được triển khai, trong đó có việc phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thôn/bản. Ở những thôn/bản có tài nguyên sinh thái và nhân văn đặc sắc, hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đã và đang triển khai, phát triển khá hiệu quả các hoạt động du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng. Nhiều địa danh trở thành điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn như bản Cát Cát, Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), bản Y Tý (Bát Xát, Lào Cai); bản Mòng (Hua La, Sơn La); bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bản Ngổ Luông (Lạc Sơn, Hòa Bình), bản Pác Ngòi (Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn); bản Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn),… Các địa phương bước đầu đã có nhiều chính sách cụ thể để khai thác các tài nguyên, nguồn lực của mình, phát triển du lịch; đã và đang trở thành những điểm sáng về phát triển du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng và đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía bắc hiện nay. Việc xây dựng các thôn/bản có tài nguyên đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đang là một xu hướng mới, xu hướng tất yếu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Hiện các thôn/bản này mới chỉ được gọi là bản du lịch cộng đồng mặc dù sức hút du lịch hầu hết đều bắt nguồn từ bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của cư dân bản địa, vì thế dưới góc độ quản lý nhà nước, việc xác định các tiêu chí để xây dựng danh hiệu Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch là rất cần thiết.
Thực tế hoạt động du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng trong những năm qua ở các địa phương miền núi phía bắc cho thấy một đặc trưng nổi bật, mang sắc màu văn hóa của du lịch là việc khai thác tài nguyên du lịch sinh thái và nhân văn ở các thôn/bản đã đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng du khách. Các hoạt động du lịch mang tính đặc thù gắn với các điều kiện tự nhiên cùng giá trị văn hóa bản địa đặc hữu của từng địa phương, thôn/bản đã làm nổi bật yếu tố cơ bản của hình thức du lịch này là đặc trưng văn hóa bản địa. Loại hình du lịch này được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: Du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái, Du lịch sinh thái cộng đồng, Du lịch dân tộc, Du lịch bản làng, Du lịch văn hóa tộc người, Du lịch sắc tộc, v.v.. Đây là hình thức du lịch tổng hợp bao gồm nhiều dịch vụ, được tổ chức khai thác khác nhau tùy theo khả năng và điều kiện của từng địa phương. Trong loại hình du lịch này, điểm đến tham quan du lịch chính là thôn/bản có tài nguyên đặc hữu, được tổ chức, khai thác dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau nhưng yếu tố nổi bật vẫn là sắc thái văn hóa. Do đó, điểm đến đặc thù này được gọi là Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch. Để có thể xây dựng được mô hình Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, trước hết chúng ta cần phải hiểu thế nào là Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch? Thực tế phát triển trong thời gian qua cho thấy: “Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch là những thôn/bản ở các địa phương miền núi - nơi có nguồn tài nguyên sinh thái tự nhiên cùng các giá trị văn hóa bản địa đặc hữu, đã được tổ chức khai thác thông qua những dịch vụ thích hợp để có thể đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu nhất định của các đối tượng du khách khác nhau, trong đó nhu cầu về sinh thái văn hóa là nổi trội hơn cả. Hoạt động này góp phần thay đổi căn bản đời sống của cư dân địa phương nhưng vẫn bảo tồn được nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, tạo đà phát triển du lịch bền vững ở các địa phương đó”. Việc xây dựng mô hình Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch một cách thích hợp chính là việc trao cho đồng bào các dân tộc vùng núi phía bắc chiếc “cần câu” cần thiết để đồng bào tự vận động ổn định đời sống, phát triển kinh tế và xây dựng quê hương.
Vùng núi phía bắc là nơi tập trung các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng. Nơi đây còn giữ được nhiều nét nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ; là vùng quần cư của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ, phong phú và đa dạng, giàu bản sắc. Trong môi trường đó, sự kết tinh hiện hữu cái hồn cốt của đất trời, của núi rừng, sông suối hiện hữu qua sắc thái văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đều rất đặc sắc, thu hút sự tìm tòi khám phá của du khách. Hạ tầng du lịch vẫn còn hoang sơ, còn bảo tồn nguyên vẹn bức tranh của thiên nhiên, trời đất; không gian văn hóa, môi trường sinh thái trong lành; cơ hội đầu tư còn bỏ ngỏ,… là những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái của các địa phương này. Những tiềm năng đó lại được củng cố bởi thái độ thân thiện, trọng thị, hiếu khách của đồng bào các dân tộc. Chính điều này đem lại sức hút, sự hấp dẫn khó có thể chối từ đối với đông đảo du khách cũng như các nhà đầu tư du lịch có tâm huyết giữ gìn và khai thác không gian văn hóa du lịch sinh thái đậm màu sắc văn hóa ở các địa phương vùng miền núi phía bắc hiện nay.
Giải pháp xây dựng mô hình Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi phía bắc hiện nay
Bản chất của hoạt động du lịch là đáp ứng các lợi ích cung - cầu. Để xây dựng mô hình Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khác nhau, cần tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể địa bàn các địa phương cũng như nghiên cứu nhu cầu của du khách để đưa ra các giải pháp phù hợp khi xây dựng các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch. Do vậy, việc đánh giá nhu cầu du khách, từ đó đưa ra các giải pháp kinh doanh thích hợp góp phần quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong kinh doanh du lịch. Nhìn chung, khi tham gia các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng tại các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, du khách nói chung thường có 5 nhu cầu cơ bản sau đây cần được đáp ứng:
(1) Tham quan cảnh quan môi trường sinh thái - văn hóa đặc sắc.
(2) Nghỉ ngơi trong môi trường sinh thái - văn hóa đặc hữu.
(3) Ẩm thực sinh thái - văn hóa đặc trưng.
(4) Sử dụng các dịch vụ bổ sung, vui chơi giải trí trong môi trường sinh thái - văn hóa đặc thù.
(5) Mua sắm các sản phẩm sinh thái - văn hóa đặc biệt.
“Sinh thái” tức là trạng thái, hình thái sinh sống của con người; thuật ngữ “sinh thái” ở đây phải được hiểu là sự bao chứa của hai thành tố sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Như vậy, bản chất của du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng phải là chuỗi hệ thống các dịch vụ tổng hợp, gắn bó, liên kết chặt chẽ, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển. Để xây dựng Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch ở các địa phương miền núi phía bắc hiện nay, thiết nghĩ, chúng ta cần làm tốt một số công việc sau:
- Thứ nhất, xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái - văn hóa đặc sắc: Để có các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng, trước hết các công ty du lịch lữ hành phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu, đánh giá tiềm năng, thực trạng điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội ở các địa phương. Trên cơ sở đó, thiết lập các chương trình du lịch sinh thái phù hợp trong khu vực thôn/bản. Các chương trình du lịch sinh thái phải được xây dựng chặt chẽ về lộ trình không gian và thời gian, quy trình thực thi, biện pháp hỗ trợ, đảm bảo, v.v.. Trong quá trình thực hiện các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa, cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; ngoài việc hiểu biết, nắm chắc đặc điểm về môi trường tự nhiên, thổ nhưỡng của các địa phương, hướng dẫn viên còn phải am hiểu về các đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, để có thể giới thiệu cho du khách trong quá trình tham quan. Du lịch sinh thái là một hoạt động du lịch đặc thù, gắn với môi trường tự nhiên trải dài trong những không gian, môi cảnh khác nhau nên đội ngũ hướng dẫn viên phải có sức khỏe, kinh nghiệm và các kỹ năng chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, chương trình du lịch sinh thái với các hoạt động mang tính liên kết, đồng bộ sẽ giúp cho du khách được trực tiếp tiếp xúc với môi trường tự nhiên cao nhất, có nhiều cơ hội trải nghiệm những cảm giác tự nhiên nhất trong môi trường du lịch thân thiện, bảo đảm sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn.
- Thứ hai, xây dựng các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng trong môi trường sinh thái - văn hóa đặc hữu: Hai loại hình hoạt động cơ bản của du khách khi tham gia chương trình du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng là: dừng chân nghỉ ngắn trên hành trình du lịch và quá trình lưu trú của du khách trong các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa tại các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch. Cả hai hoạt động này đều phải tạo điều kiện để du khách được trực tiếp tiếp xúc với tự nhiên, thiên nhiên nhiều nhất. Muốn làm được điều đó, các điểm dừng chân, nghỉ ngắn trong hành trình phải được khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng, thích hợp về vị trí, khoảng cách, địa điểm, nét đặc sắc, ấn tượng… Đó có thể là đỉnh đồi, mỏm núi, chân thác, khe suối, cửa hang động hay dưới các gốc cây cổ thụ độc lập. Tất cả những vị trí ấy đều phải tận dụng cao nhất các yếu tố tự nhiên như: vị trí có thể đón nhận ánh nắng và các luồng gió nhiều nhất; tầm quan sát địa hình địa vật bao quát nhất, nơi có không gian để du khách có thể chụp ảnh lưu lại những cảnh quan, khoảnh khắc đẹp nhất mà vẫn bảo đảm an toàn cho họ.
Các cơ sở lưu trú như các khách sạn, nhà nghỉ cần phải được xây dựng ở những nơi gần thiên nhiên nhất, có kiểu dáng, kích thước, đường nét, sắc màu hòa mình với thiên nhiên nhất… Đối với các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng các cơ sở Home stay để phục vụ du khách. Mỗi Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch cần phải được nghiên cứu khảo sát cụ thể để xây dựng được phương án, chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Muốn vậy, phải đầu tư, chỉnh trang lại hệ thống giao thông trong thôn/bản. Các gia đình được lựa chọn phải chỉnh trang nhà cửa, xây dựng, lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, công trình vệ sinh đạt chuẩn; mua sắm đầu tư các dụng cụ trang thiết bị vật chất cần thiết; có kế hoạch đào tạo, tập huấn đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, v.v..
- Thứ ba, tổ chức hoạt động ẩm thực sinh thái - văn hóa đặc trưng trong khu vực thôn/bản: Để đạt đến mục tiêu đó, ẩm thực sinh thái cần bảo đảm bốn yếu tố sau:
1. Không gian, môi trường diễn ra hoạt động ẩm thực gần gũi với thiên nhiên.
2. Nguyên liệu, cách chế biến thực phẩm, bài trí sắp đặt mang đặc trưng bản địa.
3. Phương tiện, dụng cụ bảo đảm đúng phong cách ẩm thực sinh thái.
4. Trang phục, thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên có tính văn hóa đặc trưng của địa phương.
Trước hết, về không gian, môi trường diễn ra hoạt động ẩm thực: Yêu cầu chủ đạo của hoạt động ẩm thực trong các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng tại các thôn/bản là phải được diễn ra trong không gian, môi trường tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Các công ty du lịch có thể chuẩn bị các món ăn đặc trưng của địa phương đã được chế biến sẵn và bảo quản phù hợp. Cần tính toán để du khách có thể trải nghiệm đúng không gian và thời gian của lịch trình du lịch; tận dụng, phát huy tối đa các vật liệu tự nhiên có thể như: trải lá cây làm bàn ăn, dùng ống tre, trúc làm dụng cụ uống; vị trí ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, có không gian, tầm nhìn thoáng đãng… nhằm đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho du khách. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động ẩm thực sinh thái cho du khách cũng có thể tổ chức được ngoài thực địa do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết hoặc tính chất đoàn khách; vậy nên, việc xây dựng các nhà hàng sinh thái cũng giữ vai trò quan trọng làm nên sự thành công, ấn tượng của loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng. Đó chính là việc xây dựng các nhà hàng, quán ăn gần gũi, hài hòa với thiên nhiên ở các vị trí thích hợp. Kiến trúc phong cảnh được triệt để tận dụng, trong đó, kiến trúc truyền thống bản địa được nhấn mạnh và đề cao, giữ vai trò chủ chốt như việc xây dựng các nhà sàn ven suối, các nếp nhà, phòng ốc mang tính mở, giao hòa với thiên nhiên, việc sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng tự nhiên như: gỗ, đá, tranh, tre, nứa, lá tạo không gian và cảm giác giao hòa, gắn kết với thiên nhiên cho du khách. Thông thường mô hình này được bố trí ngay tại các gia đình kinh doanh lưu trú. Du khách sẽ sinh hoạt ẩm thực ngay tại các gia đình mà họ lưu trú. Hai là, cần lựa chọn, sử dụng nguyên liệu ẩm thực mang phong vị dân tộc, bản địa. Để làm tốt điều này, cần khai thác tối đa nguyên liệu tại chỗ, sử dụng các cách thức chế biến món ăn truyền thống của dân tộc; tìm hiểu khẩu vị các đối tượng khách khác nhau để đưa ra các thực đơn thích hợp. Các nguyên liệu truyền thống bản địa phải được lựa chọn kỹ càng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cách thức chế biến truyền thống cần được khai thác triệt để, qua đó quảng bá văn hóa và giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các dân tộc, tạo ấn tượng cho du khách. Ví dụ như: xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt sấy khô, hấp hoặc chế biến với các gia vị đặc trưng dân tộc như chẩm chéo, nặm pịa (của người Thái). Thức uống cũng nên sử dụng chủng loại đặc trưng truyền thống của mỗi dân tộc, địa phương như các loại nước hoa quả được ngâm, ướp, chưng cất theo cách thức truyền thống; các loại rượu được chưng cất từ sản vật địa phương như men lá, rượu ngô, rượu thóc… Tóm lại, các món ăn phải mang đậm phong vị văn hóa của vùng đất và con người ở nơi diễn ra các hoạt động của du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng. Ba là, cần sử dụng dụng cụ mang phong cách của du lịch sinh thái cộng đồng, có đặc trưng dân tộc như các loại chõ đồ xôi, hấp rau, thịt; các mâm bát, thìa, muỗng bằng gỗ; lá chuối, lá rừng phù hợp; dụng cụ uống rượu là ống tre, nứa, v.v.. Bốn là, xây dựng thái độ, phong cách phục vụ văn hóa của đội ngũ nhân viên phục vụ là những người dân bản địa, bao gồm việc đào tạo chuẩn hóa và nâng cao kỹ năng phục vụ mang tính chuyên nghiệp; thái độ phong cách lịch sự, thân thiện và tôn trọng du khách. Việc sử dụng trang phục mang đặc trưng dân tộc, bản địa cho đội ngũ nhân viên phục vụ cũng rất cần thiết. Phải có kế hoạch đào tạo ngôn ngữ dân tộc bản địa cũng như ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên là người dân địa phương để thuận lợi trong quá trình giao tiếp, phục vụ du khách; truyền tải thông tin, giải đáp thắc mắc của du khách trong quá trình sử dụng dịch vụ du lịch sinh thái. Việc khai thác, tổ chức hoạt động, sử dụng hài hòa cả bốn nội dung của ẩm thực sinh thái - văn hóa tại các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch chắc chắn sẽ tạo nên ấn tượng và sự khác biệt cho các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng. Đó chính là nội dung quan trọng của việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, phù hợp với tiêu chí nông thôn mới trong quá trình phát triển du lịch trên vùng miền núi phía bắc nước ta hiện nay.
- Thứ tư, tổ chức các dịch vụ bổ sung giúp cho du khách được vui chơi giải trí trong môi trường sinh thái - văn hóa đặc thù của làng bản: Quá trình du lịch là một hoạt động tổng hợp của con người trong những không gian và thời gian nhất định. Trong hoạt động tổng hợp nằm trong một chu trình khép kín như vậy tại các Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch, du khách sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng các dịch vụ bổ sung trong thời gian họ lưu trú tại các thôn/bản. Du khách có thể tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, thư giãn ngay trong làng/bản. Ngoài ra, khi lựa chọn các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa, du khách đa phần đều có nhu cầu được hòa mình vào thiên nhiên, vui chơi, giải trí, thẩm nhận và trải nghiệm trong môi trường trong lành, gắn kết và hòa quyện với thiên nhiên. Do vậy, việc khảo sát thực địa để xây dựng hệ thống các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, văn hóa mang đặc trưng vùng miền, dân tộc để phục vụ các đối tượng du khách khác nhau là một nội dung không thể thiếu trong các chương trình du lịch sinh thái - văn hóa làng bản, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của các chương trình du lịch cộng đồng.
- Thứ năm, tổ chức các dịch vụ thương mại để du khách có thể mua sắm các sản vật là sản phẩm sinh thái - văn hóa đặc biệt của địa phương: Nhu cầu mua sắm các sản phẩm mang đặc trưng, dấu ấn bản địa để thỏa mãn nhu cầu, sở thích cá nhân của du khách trong các chương trình du lịch tại các Thôn/Bản là không thể thiếu. Các sản phẩm đó không chỉ thỏa mãn nhu cầu cá nhân của du khách mà cao hơn nữa, khi đạt đến tiêu chuẩn nhất định chúng còn có thể trở thành các “đại sứ văn hóa”, “đại sứ hình ảnh” của quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Những vị “đại sứ” này sẽ là kết quả tổng hợp của các yếu tố cung để đáp ứng yếu tố cầu cho du khách. Vì thế trong các thôn/bản Văn hóa - Du lịch, cần xây dựng các khu trưng bày, bán các đặc sản của địa phương, dân tộc, thuận tiện cho du khách tham quan mua sắm. Thường xuyên tuyên truyền, quản lý, giám sát kiểm tra chất lượng, giá cả các mặt hàng được bày bán. Xây dựng phong cách phục vụ thân thiện, mang đặc trưng văn hóa tộc người độc đáo, tạo ấn tượng tốt đẹp về Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch của mỗi vùng miền, dân tộc.
Để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng trong các địa phương miền núi phía bắc cũng như việc xây dựng danh hiệu và các tiêu chí của Thôn/Bản Văn hóa - Du lịch cho các địa phương này vẫn còn nhiều việc, nhiều vấn đề cần giải quyết. Bao trùm lên trên hết là việc cần thiết phải xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho từng địa phương, thôn/bản. Tổ chức bộ máy quản lý, vận hành, thực thi các lĩnh vực liên quan đến hoạt động du lịch cộng đồng; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phù hợp; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch,… đều là những công việc cần thiết, cấp bách phải được tiến hành đồng bộ. Bên cạnh đó, cần tăng cường giữ gìn không gian, cảnh quan văn hóa làng bản; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch trong các thôn bản; bảo tồn và phát huy những giá trị mang đặc trưng di sản văn hóa tộc người thông qua hoạt động du lịch cộng đồng tại các thôn/bản chính là những mục tiêu, định hướng căn bản của việc xây dựng nông thôn mới theo hướng tích cực, chủ động hội nhập đối với các địa phương ở khu vực miền núi phía bắc hiện nay.
DƯƠNG VĂN SÁU
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
TRẦN THỊ THU HÀ
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Tự Lập: Địa lý tự nhiên Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.
2. Luật Du lịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
3. Phạm Trung Lương (Chủ biên): Tài nguyên và môi trường du lịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
4. Dương Văn Sáu: Giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2004.
5. Dương Văn Sáu: Giáo trình Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.
6. Dương Văn Sáu: Hệ thống di tích Nho học Việt Nam và các Văn miếu tiêu biểu ở Bắc Bộ, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013.
7. Lê Bá Thảo: Thiên nhiên Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
8. Nguyễn Minh Tuệ: Địa lý Du lịch, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực