Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân

Ngày đăng: 25/04/2017 - 08:04

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất được thế giới vinh danh, đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đây là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: vai trò quyết định sự nghiệp cách mạng ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là ở sức mạnh đoàn kết toàn dân: “Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Toàn dân đoàn kết, cả miền xuôi, miền núi đoàn kết, thì ta nhất định thắng lợi”1. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân đã được thấm nhuần, nhất quán trong lời nói và hành động, thể hiện sâu sắc quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Đảng.

diễu hành nhân kỉ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 29

Nguồn mạch của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống cố kết cộng đồng, yêu thương gắn bó với nhau trong làm ăn, sinh sống, chống bất công, ngang trái của người dân huyện Nam Đàn, Nghệ An, thuộc vùng văn hóa sông Lam, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sinh thành, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của Hồ Chí Minh thuở thiếu thời.

Tư tưởng này còn bắt nguồn từ cội nguồn văn hóa dân tộc ViệtNam. Những năm tháng học ở trường Quốc học Huế, làm thầy giáo ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, mưu sinh ở Sài Gòn - Chợ Lớn, quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã sống cùng người lao động, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân bị mất nước, cảnh áp bức, bóc lột, âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp xâm lược, được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, thương người của Nhân dân qua các câu ca dao ngọt ngào nhưng sâu sắc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân cũng bắt nguồn từ thực tiễn hoạt động cách mạng ở trong nước và thế giới của Hồ Chí Minh, vừa trải nghiệm, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa, bài học lịch sử của nhân loại, đúc rút trở thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược có ý nghĩa sống còn, quyết định mọi thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Trong thời gian bôn ba khắp năm châu để tìm ra con đường giải phóng đất nước, dân tộc, Người luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết, tìm kiếm mọi cơ hội để khẳng định tư tưởng này. Tháng 7-1925, khi ở Quảng Châu, Trung Quốc chỉ đạo cách mạng Việt Nam, trong một bài viết đăng trên báo Thanh niên số 5, qua phân tích tình hình trong nước, Người đã chỉ rõ: “Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết”, từ đó Người khẳng định: “Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc”. Sau đó, báo Thanh niên số 9, ra ngày 23-8-1925, đã đăng bài thơ Người viết ở Quảng Châu, bày tỏ tư tưởng và ý chí của Người về xây dựng khối đoàn kết toàn dân nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng:

Hãy yêu thương nhau, cùng nhau ta đoàn kết

Hãy lắng nghe câu hát từ đáy lòng tôi.

Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn

Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên

Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa

Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.

Hoặc như sau khi nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút bài học: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”2.

Tháng 6-1941, ngay sau khi trở về Tổ quốc, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng với kinh nghiệm quý báu đúc rút được sau hơn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước cứu dân, ý thức sâu sắc về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, Người kêu gọi đồng bào cả nước: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều Toàn dân đoàn kết” và nêu khẩu hiệu hành động cách mạng: “Đoàn kết toàn dân”.

Nguyên tắc và nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân

Di sản về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, qua các bài viết, bài nói chuyện của Người, chúng ta được thấy những chỉ bảo sâu sắc về nguyên tắc và nội dung cụ thể của đại đoàn kết toàn dân.

Về nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải lấy lợi ích tối cao của giai cấp, dân tộc, đất nước, lý tưởng xã hội chủ nghĩa làm mẫu số chung cho đại đoàn kết toàn dân: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta cần phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”3. Trong di sản tư tưởng của Người xuất hiện nhiều cụm từ như “đoàn kết rộng rãi”, “đoàn kết chặt chẽ”, “đoàn kết thật thà”, “đoàn kết lâu dài”.

Đối tượng đại đoàn kết toàn dân rất rộng rãi, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo,… nhưng theo Người, phải lấy những người lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội làm nòng cốt: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”4. Đoàn kết phải trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, khoan dung, lượng thứ. trong “Thư gửi đồng bào Nam Bộ” đăng trên báo Cứu Quốc, ngày 1-6-1946, trước khi đi Pháp đàm phán hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là “con Lạc cháu Hồng” thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”5.

Sau năm 1954, miền Bắc hòa bình, miền Nam còn tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà, dù bộn bề công việc, trong đó có việc xử lý những người trước đây tham gia chính quyền chống phá cách mạng, nhưng Người vẫn kịp thời có chỉ đạo trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân: “Bất kỳ ai, dù quá khứ của họ thế nào, miễn là ngày nay họ thật lòng ủng hộ công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, thì chúng ta đoàn kết với họ”6.

Theo Hồ Chí Minh, mục đích của đại đoàn kết toàn dân thực chất là để giúp nhau tiến bộ với thái độ chân tình, thẳng thắn, bao dung, cùng nhau xây dựng: “Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân. Tóm lại, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì toàn dân cần đoàn kết lâu dài, đoàn kết thực sự và cùng nhau tiến bộ”7. Đoàn kết toàn dân không chỉ dừng ở khẩu hiệu, những lời hiệu triệu, càng không phải là kiểu đoàn kết xuôi chiều, mị dân, dĩ hòa vi quý, né tránh đấu tranh, cơ hội chính trị. Trong buổi nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ đô Hà Nội ngày 30-11-1954, Người chấn chỉnh cách nhìn thành kiến, thiếu tin tưởng vào con người, nhất là đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ trong hệ thống chính trị: “Chúng ta cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân”8.

Nội dung của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc. Cả cuộc đời Người dành cho dân, cho nước, thấu hiểu nỗi thống khổ, khát vọng chính đáng của Nhân dân nên Người tin vào dân, đánh giá cao vai trò của người dân, thấy được sức mạnh vô địch của đoàn kết toàn dân. Với cách diễn đạt dễ hiểu, Người chỉ rõ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”9. Người tổng kết, khẳng định chân lý: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”10. Tư tưởng này chứng tỏ tầm nhìn vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với nhiều nhà yêu nước trước đó khi họ chưa thấy được sức mạnh của quần chúng, chưa biết cách tổ chức quần chúng thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu đặt ra. Nội dung của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người xuất phát từ sâu thẳm tình yêu thương con người bao la, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cách mạng sâu sắc; nó tỏa sáng văn hóa Hồ Chí Minh: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”11.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân trong mối quan hệ với đoàn kết toàn Đảng, coi đoàn kết trong Đảng là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sứ mệnh lãnh đạo của Đảng đối với đại đoàn kết toàn dân. Trước lúc đi xa, Người đã viết bản Di chúc, dặn dò những lời tâm huyết, căn cốt nhất của vị Cha già dân tộc với toàn Đảng, toàn dân, trong đó ở phần mở đầu và cuối của bản Di chúc đều nói về đoàn kết. Phần đầu, Người viết: “Trước hết nói về Đảng: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương cho đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải hết sức coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình làm cơ sở cho đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”. Cuối Di chúc, Người khẳng định lại: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Như vậy, thông điệp xuyên suốt trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng mà Người gửi lại là giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đoàn kết trong Đảng phải gắn bó mật thiết với đoàn kết toàn dân. Khi nói về bệnh hẹp hòi trong Đảng, Người phê bình một số cán bộ, đảng viên quan liêu, hách dịch, coi thường, xa rời người dân, thiếu chân tình đoàn kết với dân: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra cách thức tổ chức đại đoàn kết toàn dân vào một khối thống nhất là thông qua tổ chức Mặt trận. Quần chúng và các tổ chức trong xã hội phải liên minh thành một mặt trận thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng thì công tác đoàn kết mới vững chắc, phát huy được sức mạnh của mỗi hội viên, thành viên nhằm thực hiện mục tiêu Mặt trận đề ra. Năm 1962, Người đã đánh giá vai trò quan trọng của Mặt trận đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta như sau:

“Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc.

Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”13.

Đây là một đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã tìm ra hình thức tổ chức hiệu quả nhất để đại đoàn kết toàn dân.

Theo Người, đoàn kết toàn dân phải dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là công việc cốt yếu của Đảng. Năm 1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, Người thay mặt Đảng tuyên bố: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong tám chữ là: “ĐOÀN KẾT NHÂN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”14.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh năng lực tổ chức, lãnh đạo, đoàn kết toàn dân của Đảng thông qua các chính sách cụ thể được triển khai ở mỗi thời kỳ lịch sử phù hợp với bối cảnh, tình hình đất nước lúc đó. Chính vì vậy, Người đã tổng kết rút ra bài học: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”15.

Nói về mối quan hệ của Đảng với Mặt trận, Điều lệ của Đảng đã chỉ rõ Đảng lãnh đạo Mặt trận đồng thời Đảng là một thành viên của Mặt trận. Đề cập mối quan hệ trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi, vai trò tiên phong, trí tuệ, đạo đức, văn minh nhất của tổ chức Đảng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, thực sự đặt lợi ích của giai cấp, dân tộc, nhân dân lao động lên trên hết. Đó là nhân tố quyết định địa vị lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Người viết: “Đảng không thể đòi hỏi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”16.

Cả cuộc đời lo cho dân, mong muốn mỗi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nên khi nói tới mối quan hệ giữa Đảng với dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”17.

Tình hình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn hiện nay

Thời gian qua, nước ta đã đạt được khá nhiều thành tựu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2000, Nhà nước ta đã mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát triển sâu rộng trong cả nước, khơi dậy tính tích cực, tự giác của mọi người dân, với phương châm: mỗi người dân tự chăm lo cho đời sống văn hóa của cá nhân, cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước đẩy lùi tệ nạn, tiêu cực. Năm 2003, Ban Bí thư khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Các nhà nghiên cứu đã đúc rút tư tưởng Hồ Chí Minh thành hệ thống quan điểm toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có các quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc làm tài liệu để toàn Đảng, toàn dân học tập. Quá trình cả hệ thống chính trị ở nước ta tích cực triển khai học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần thiết thực xây dựng nhân cách con người, kịp thời cảnh báo, răn đe, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường, mở rộng mối quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế trên mọi lĩnh vực, trước những biến động khó lường, nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức đang đòi hỏi sự phát huy cao độ trí tuệ, ý chí, sức mạnh nội sinh, tinh thần cố kết cộng đồng của cả dân tộc. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động đại đoàn kết toàn dân ở nước ta đang còn nổi lên một số vấn đề cần sớm được xử lý. Một số nơi, người lao động, người yếu thế chưa được tôn trọng, quan tâm đúng mức, thậm chí bị đẩy ra bên lề xã hội. Hiện tượng cán bộ có chức, có quyền tha hóa; doanh nhân làm ăn chộp giật; kẻ cơ hội thao túng; hoạt động mê tín dị đoan, xã hội đen ở nơi này nơi kia chi phối xã hội còn tồn tại. Xuất hiện tầng lớp tư bản thân hữu (doanh nhân bắt tay với quan chức làm giàu bất chính) và tầng lớp “cường hào mới” ở nông thôn đè nén Nhân dân. Tư tưởng “đại độ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa thấm sâu vào trong hệ thống chính trị dẫn đến còn để xảy ra nhiều oan trái với dân. Các quan hệ xã hội bị đánh giá, đổi chác, bán mua quy ra bằng đồng tiền, làm lệch lạc các chuẩn mực đánh giá của xã hội. Ví dụ: trong công tác cán bộ, dư luận xã hội nói về các thứ bậc: Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ, mệnh hệ. Mặt trận Tổ quốc đang có nguy cơ bị hành chính hóa. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đại đoàn kết toàn dân một số nơi có nguy cơ bị quan liêu hóa, với thái độ lạnh lùng, vô cảm của người có quyền hành, chưa đánh giá đúng và nhận rõ vai trò, sức mạnh của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước… Những hiện tượng trên đang tác động và có ảnh hưởng lớn đến khối đại đoàn kết toàn dân.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, cách thức tổ chức nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho tới nay, giá trị và vấn đề có ý nghĩa chiến lược của tư tưởng trên của Người vẫn luôn mang tính thời sự trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh. Thấm nhuần tư tưởng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta luôn giữ vững tinh thần và quyết tâm, đóng góp trí tuệ, công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PGS. TS. NGUYỄN HỮU THỨC

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr.147.

2, 5, 6, 7, 8, 9 ,10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.256; t.4, tr.280 - 281; t.13, tr.453; t.11, tr.362; t.9, tr.144; t.15, tr.280; t.10, tr.453; t.15, tr.672; t.5, tr.278; t.13, tr.452; t.7, tr.49; t.13, tr.453; t.3, tr.168; t.9, tr.518.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244.

Bình luận