Tọa đàm khoa học về tác phẩm Đời sống mới, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 12/05/2017 - 17:05

toa dam 1125

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sáng 12-5-2017, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (KHCCQĐTƯ) và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học về tác phẩm Đời sống mới, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Người (19-5-1890 – 19-5-2017).

toa dam 2125

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng KHCCQĐTƯ phát biểu

Chủ trì buổi tọa đàm có PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng KHCCQĐTƯ; đồng chí Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Tham gia buổi tọa đàm gồm có: Thường trực và Ủy viên, Ban thư ký Hội đồng KHCCQĐTƯ và đại diện Hội đồng Khoa học của các ban, cơ quan Đảng Trung ương; các thành viên Hội đồng Khoa học Nhà xuất bản; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản cùng toàn thể biên tập viên nhà xuất bản.

toa dam 3125

Các đại biểu dự tọa đàm

PGS.TSKH. Trần Nguyễn Tuyên và PGS.TS. Ngô Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương làm báo cáo viên.

toa dam 5125

PGS. TSKH. Trần Nguyễn Tuyên giới thiệu nội dung tác phẩm

toa dam 6125

PGS. TS. Ngô Văn Thạo giới thiệu nội dung tác phẩm

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng KHCCQĐTƯ nhấn mạnh, hoạt động tọa đàm khoa học về các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác; góp phần quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đang được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị Đảng và Nhà nước thì một lần nữa, chúng ta thấy được giá trị trường tồn, sức sống “mang hơi thở thời đại” trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu, học tập các tác phẩm của Người sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó, liên hệ với thực tiễn công việc và cuộc sống thường ngày để mỗi người đều là một công dân tốt, góp phần đưa đất nước ngày càng ổn định, phát triển.

Hội nghị đã được nghe PGS. TSKH. Trần Nguyễn Tuyên và PGS. TS. Ngô Văn Thạo giới thiệu, đi sâu phân tích về hoàn cảnh ra đời, nội dung và giá trị lý luận, thực tiễn của ba tác phẩm Đời sống mới, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhânSửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ra đời cách đây 70 năm, vào tháng 3-1947, trong lúc cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tác phẩm Đời sống mới nêu lên bổn phận, trách nhiệm khi tham gia xây dựng đời sống mới của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trên năm phương diện: cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại và cách làm việc. Nội dung cốt lõi của việc xây dựng đời sống mới là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Có thể nói tác phẩm Đời sống mới đã tạo động lực to lớn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta. Cho đến hôm nay, nội dung và ý nghĩa lý luận, thực tiễn của tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

toa dam 4125

Một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nếu như tác phẩm Đời sống mới tập trung hướng vào xây dựng đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội nói chung của đất nước thì tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là sự hoàn chỉnh tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, chủ yếu hướng vào cán bộ, đảng viên - đối tượng mà Người rất quan tâm và lo lắng. Đây được xem là lời di huấn của một chiến sĩ cộng sản, một lãnh tụ kính yêu của Đảng đến những đồng chí thuộc các thế hệ kế tiếp nhau vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng (tác phẩm ra đời vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969)). Trên cơ sở lý luận về đạo đức cách mạng nói chung, tác phẩm đã tập trung vào chủ điểm quan trọng nhất mà người cán bộ phải rèn luyện gian khổ và quyết tâm thực hiện, đó là việc nâng cao đạo đức cách mạng với đấu tranh triệt để xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân vừa là giáo dục và tự giáo dục, vừa đấu tranh và tự đấu tranh; đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và mỗi cá nhân.

Là tác phẩm quan trọng, chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết viết nên, Sửa đổi lối làm việc mang tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc, bao quát được những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên. Thông qua sáu nội dung chính: (1) Phê bình và sửa chữa; (2) Mấy điều kinh nghiệm; (3) Tư cách và đạo đức cách mạng; (4) Vấn đề cán bộ; (5) Cách lãnh đạo; (6) Chống thói ba hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích một cách hệ thống những biểu hiện: làm trái phép nước, cậy thế hủ hóa, chủ nghĩa cá nhân, thói ba hoa, suy đồi đạo đức cách mạng… đang diễn ra trong nội bộ Đảng, từ đó vạch ra các giải pháp để khắc phục, loài trừ tận gốc các căn bệnh nguy hiểm đó. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Người vẫn như một tấm gương lớn, để chúng ta cùng soi mình vào, thống nhất về nhận thức và hành động, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; khắc phục các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch, gắn bó mật thiết và phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Có thể nói ba tác phẩm nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nghiên cứu, học tập, tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình, xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nguyễn Thúy

Bình luận