Tìm hiểu giá trị văn hóa biển đảo Nam Trung Bộ - Việt Nam
Tóm tắt: Việt Nam là đất nước - quốc gia có truyền thống biển và truyền thống văn hóa biển đảo từ nhiều nghìn năm. Với đặc điểm địa hình, địa mạo cùng những sứ mệnh lịch sử vắt khúc, tiếp biến khác nhau, từng khu vực biển đảo của cư dân Việt và cư dân một số dân tộc, tộc người khác, qua trải nghiệm, ứng xử với các điều kiện tự nhiên nơi biển đảo và điều kiện lịch sử, đã sáng tạo nên những không gian văn hóa biển đảo vừa độc đáo, thiết thực, vừa đa dạng, phong phú, mang đúng bản sắc văn hóa của các thế hệ người trực diện với trùng khơi.
Từ khóa: văn hóa biển đảo, Nam Trung Bộ
Nhận diện truyền thống văn hóa biển đảo của người Việt trong văn hóa dân gian
Từ thuở sơ khai hình thành Nhà nước Văn Lang thời đại các vua Hùng, có thể nhận ra bóng dáng của một dân tộc (phản chiếu qua tín ngưỡng, truyền thuyết dân gian, các biểu tượng nghệ thuật trong các di tích văn hóa và nhiều di vật khảo cổ) đã sớm gắn sự sinh tồn của mình với biển, và tất yếu phải ứng xử với sinh thái biển bằng một nguồn năng lượng văn hóa biển nhất định để đủ sức tồn tại và phát triển. Biểu tượng này đã được bộc lộ rõ trong truyền thuyết dân gian về Lạc Long Quân và Âu Cơ, mỗi người dẫn 50 con lên rừng và 50 con xuống biển khai cơ, lập nghiệp. Mai An Tiêm (tương truyền quê đất Phong Châu, vốn là “con nuôi” vua Hùng, vì lỡ lời ứng xử mà bị đày ra đảo hoang ngoài biển khơi!) với câu chuyện dân gian về sự tích quả dưa hấu dường như là hình tượng người Việt “đầu tiên” tự sáng tạo ra tri thức văn hóa sinh kế để đương đầu với cuộc sống đơn độc trên hoang đảo mà tồn tại. Hình ảnh chạm khắc trên một số trống đồng Đông Sơn đã được giới sử học luận giải về sự xuất hiện của những chiến thuyền khổng lồ, như đang lướt sóng đại dương hơn là xuôi ngược trên các dòng sông nhỏ hẹp, cho thấy bóng dáng của những những người con đất Việt kiên cường bám biển đảo để mở mang lãnh thổ, lãnh hải thời đại đầu tiên của các vua Hùng trong lịch sử. Các nhà địa chất học đã chỉ ra rằng, ở khá nhiều hang động thuộc khu vực Hương Tích (Ứng Hòa, Hà Nội), hang động trên sườn núi cao của các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình hiện vẫn còn dấu vết ngấn nước trên sườn núi và rất nhiều dấu tích của vỏ sò, vỏ ốc biển. Trong quá trình đi sâu kiểm kê di tích gắn với tín ngưỡng thờ phụng các vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ (2010-2011), chúng tôi nhận thấy có một số làng xã hiện đã và đang thực hành tín ngưỡng thờ phụng các chủ điện thờ mang hiệu danh Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương - những nhân vật huyền thoại được coi là Thủy thần trấn ngự và cai quản biển cả - rải từ miền trung du xuống dọc theo nhiều thềm sông của đồng bằng Bắc Bộ, bên cạnh đó là những chủ điện thờ là các nhân vật lịch sử nổi tiếng, lập nhiều chiến công trên biển cả, lại được ban sắc phong là “Đông Hải Đại Vương/Đông Hải Long Vương” như: Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh; Nguyễn Phục ở Quảng Xương, Thanh Hóa hay “Nam Hải Đại Vương” như Phạm Hải - chủ điện thờ ở đền Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng chủ yếu được thờ ở các làng ven biển. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong vòng vài chục năm trở lại đây, nhiều di chỉ khảo cổ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật của người Việt gắn với văn hóa thời Đông Sơn, văn hóa Chăm và nhất là dấu tích cụ thể của văn hóa thời Trần. Và như thế, có thể tạm dự kiến để phác thảo một lộ trình của một bộ phận người Việt cách đây nhiều nghìn năm đã liên tiếp kế tục nhau từ rừng tìm ra biển dựng nghiệp, sau đó quay ngược về khai phá đồng bằng và đến thời Trần và Hậu Lê lại tìm đường hướng ra biển cả. Các “vết tích” tư liệu tín ngưỡng - văn hóa dân gian và di vật khảo cổ thực tế đó gợi mở cho chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng: muốn nhận diện giá trị văn hóa biển đảo cần bắt nguồn từ việc tiếp cận văn hóa sinh thái, giá trị văn hóa biển đảo của một bộ phận cư dân Việt đã lấy biển làm sinh kế tồn tại duy nhất trong sự liên trục với truyền thống văn hóa biển đảo Việt Nam, trên tiến trình lịch sử sinh tồn và phát triển.
Nhận diện văn hóa và giá trị văn hóa biển đảo Nam Trung Bộ
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn về sự hiện tồn của truyền thống biển và cụ thể là truyền thống văn hóa biển đảo, có thể nghiên cứu và nhận diện các giá trị - hệ giá trị văn hóa biển đảo (song hành với văn hóa cận duyên/duyên hải) của người Việt, trên con đường hướng ra biển, trực diện giữa biển đảo để chinh phục, sáng tạo văn hóa tại môi trường biển, cùng với các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer,… đảm trách nhiệm vụ lịch sử là phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, góp phần thực thi trực tiếp việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Do các yếu tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là lý do về địa văn hóa, người Việt ở Nam Trung Bộ đã trở thành bộ phận cư dân Việt Nam chủ yếu vươn ra đại dương xa nhất, kế thừa và sáng tạo ra được hệ thống các tri thức gắn với môi trường biển phong phú, sâu sắc nhất; đưa lại những giá trị văn hóa cực kỳ quan trọng, thông qua những hoạt động, hành vi ứng xử, tín ngưỡng, tập tục để hình thành nên một kho tàng tri thức văn hóa biển cực kỳ phong phú và có giá trị tương thích với môi trường biển đảo, với lịch sử - xã hội Việt Nam đương đại.
Đồng quan điểm với cách hiểu văn hóa biển như là “hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu trưng rút ra từ những hoạt động sống của con người trong môi trường ấy, cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển”1, khảo sát thực trạng văn hóa biển đảo của cộng đồng ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ, trong mối quan hệ đối sánh, liền kề hoặc quan hệ dòng tộc - nghề nghiệp với cư dân văn hóa biển cận duyên, có thể bước đầu nhận diện được một số giá trị từ hiện trạng văn hóa biển đảo Nam Trung Bộ như sau:
Những giá trị lịch sử
Tên gọi và truyền thuyết địa danh các làng xã trên đảo và quần đảo như những minh chứng lịch sử cội nguồn thiên di của cư dân từ phía sâu trong lục địa ra biển đại dương. Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo có diện tích 16 km² nằm ngoài khơi bờ biển nam Trung Bộ, cách bờ biển thành phố Phan Thiết 56,7 hải lý (khoảng 105 km) theo hướng đông - đông nam. Khá nhiều làng/xã trên đảo mang địa danh gắn với cội nguồn của cư dân nơi đây. Chẳng hạn, tên của đảo Chín Làng là do chín nhóm ngư dân duyên hải miền Trung đến đây lập nghiệp, đã lấy tên địa phương mình đặt tên làng như: làng Mỹ Khê (được lấy từ xã Mỹ Khê, thuộc huyện Nghĩa Hành), làng An Hòa (thuộc xã An Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), làng Mỹ Xuyên (thuộc xã Mỹ Xuyên, tỉnh Quảng Nam), làng Phú Ninh (thuộc xã Phú Ninh, tỉnh Quảng Bình),… Quần đảo Hoàng Sa được chia ra thành hai nhóm đảo, có tên là An Vĩnh và Lưỡi Liềm. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, An Vĩnh là tên một xã vào thời chúa Nguyễn (Đàng Trong) thuộc huyện Bình Dương (tức huyện Bình Sơn), phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Nam (Tư Nghĩa tức phủ Hòa Nghĩa, đến thời nhà Nguyễn thì trở thành tỉnh Quảng Ngãi). Hay như Lý Sơn, một đảo lớn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý cũng còn không ít địa danh, tên gọi nghề nghiệp gắn với cội nguồn người Việt ở lục địa trước khi di cư. Cư dân Việt nơi đây vốn là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn do 15 ông tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo, lập nên xã An Vĩnh mà trước đây thời nhà Nguyễn gọi là phường An Vĩnh…
Ngược dòng lịch sử, khi (có lẽ!) người Việt tạm ngừng chinh phục biển để dồn lực cho mười thế kỷ chống đồng hóa của phương Bắc, thì người Chăm với trung tâm kinh tế - văn hóa - quân sự là Cù Lao Chàm, đã vạch rõ diện mạo của một cộng đồng là chủ nhân biển đảo, mang sức mạnh của một “đế quốc biển”, góp phần nối kết liền mạch cho văn hóa biển đảo Việt Nam trong lịch sử. Nhiều cứ liệu có giá trị lịch sử cho biết, suốt 17 thế kỷ tồn tại, người Chăm như đại diện duy nhất hùng cứ Biển Đông - nơi mà người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI đã gọi là biển Champa (Sea of Champa), sau đó, người Trung Quốc mới gọi là Nam Hải và và chúng ta gọi là Biển Đông cho đến sau này. Chính vì thế, những dấu vết của văn hóa Chăm tại các đảo và quần đảo ngoài đại dương nam Trung Bộ đã góp phần nối kết liền mạch cho sự đa dạng mang tính thống nhất của tiến trình lịch sử Việt Nam từ Văn Lang đến Thủy Chân lạp - Chămpa và Đại Việt. Căn cứ vào những dấu tích văn hóa tại Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý và đặc biệt là các di vật khảo cổ tại các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà sử học Phạm Huy Thông đã khái quát: “Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay... và người Chăm là một gạch nối, nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”2. Và, cho đến năm 1471, khi Lê Thánh Tông chính thức chinh phục vùng đất của người Chăm đến tận Phú Yên, người Việt đã dần chiếm thế thượng phong trên biển với những chiếc ghe bầu sườn gỗ, có buồm và đủ sức chở được cả voi chiến, minh chứng cho những chuyến cập quần đảo, hải đảo thế kỷ XVII-XVIII, và theo Tạ Chí Đại Trường, thời điểm lịch sử đó, khi đến đất này, các giáo sĩ phương Tây đã “choáng ngợp với thuyền chiến của các chúa” người Việt3.
Trong quá trình tiếp cận và chiếm lĩnh các hải đảo, quần đảo để cư trú và sáng tạo ra một nền văn hóa biển đảo cho riêng mình, người Việt qua hàng thế kỷ đã luôn có mối gắn kết văn hóa biển đảo với sự quản lý của triều chính. Dưới sự quản lý của nhà nước, hàng loạt các văn bản như Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ,… của các triều vua Nguyễn (1802-1945) đã ra đời, hình thành nên một hệ thống Châu bản rất có giá trị về mặt lịch sử và ý thức chính danh đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Hàng loạt Châu bản liên quan đến hoạt động của người Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được nhiều dòng họ cư dân trên các đảo Lý Sơn, Phú Quý bảo vệ, lưu truyền qua các đời, là căn cứ bền vững cho các thế hệ cư dân Việt Nam kiên cường bám biển, vừa sáng tạo văn hóa vật chất và tinh thần để tồn tại, vừa là chủ nhân bảo vệ lãnh thổ biển quốc gia. Nói như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, các nguồn tư liệu được người dân trên các vùng biển, đảo gìn giữ qua nhiều đời như báu vật, đã có “giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước ta”. Những nguồn tư liệu đó, theo nhận định của Bà Katherine Muller - Marine trong ngày Việt Nam nhận bằng vinh danh Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, có ý nghĩa quan trọng vì: “Nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn trăm năm trước, qua đó tiếp cận với nền văn hóa, chính trị, những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học và những cam kết ngày nay vẫn rất mạnh mẽ”4.
Mặt khác, những hiện vật khảo cổ được nhận diện ở các địa điểm thuộc quần đảo Trường Sa, các đảo Lý Sơn, Phú Quý,… đã cho phép giới nghiên cứu xác định niên đại hiện vật và khẳng định được nhiều cứ liệu lịch sử minh chứng cho sự sinh tồn của cư dân dòng ngôn ngữ Nam Đảo (Austroesien) với đại diện nổi bật nhất là người Chăm và cư dân dòng ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) với đại diện nổi bật là người Việt. Nền văn hóa vật chất đó đã có giá trị minh chứng cho lịch sử hiện tồn của một nền văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung trên tiến trình lịch sử dân tộc5.
Những giá trị văn hóa và cố kết cộng đồng
Sống giữa đại dương bao la, trong một môi trường biệt lập, từ bao đời nay cuộc sống của cư dân trên các hòn đảo đã và đang gắn liền với biển cả. Thêm vào đó, họ lại thuộc nhiều thành phần tộc người khác nhau, đến từ các vùng đất khác nhau, do vậy đã hình thành nên một sắc thái văn hóa độc đáo riêng, khác với đất liền về phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian của xứ đảo. Qua khảo sát đời sống văn hóa của một số đảo lớn như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý…, không khó để nhận diện mối quan hệ tiếp biến và pha trộn, đan xen, hài hòa về văn hóa của các tộc người (Chăm, Việt, Hoa) vốn hội tụ từ nhiều địa phương, đã mang đến cho đất đảo một sắc màu mới, một không gian văn hóa mới. Hệ thống đa dạng các loại di tích và không gian thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội, kèm theo đó là những phong tục, tập quán, hương ước,… đã giúp cho cư dân biển đảo giữ được nhiều phong tục tập quán xưa, nhiều truyền thống đẹp, thể hiện qua thói ăn, nếp ở, cách giao tiếp ứng xử trong cộng đồng cũng như các lễ tục. Trong đó, có những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội chỉ có ở môi trường thường xuyên phải ứng xử với những điều kiện khắc nghiệt của biển, như Lễ khao lề thế, tục thờ mộ gió tại đảo Lý Sơn,…
Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng tộc người đến từ những vùng quê khác nhau trên dải đất miền trung chật hẹp về lãnh thổ, khô cằn về địa mạo và cơ cực về sinh kế, đã cùng hội tụ và đồng thuận tạo lập nên một không gian văn hóa mang tính cộng đồng cao. Dường như mọi giá trị văn hóa của cư dân trên hải đảo đều hướng đến sự cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức thích ứng và tồn tại. Chính vì thế, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể từ các quần đảo, hải đảo với những giá trị văn hóa - cố kết cộng đồng còn nói lên sức sống mãnh liệt của nhân dân qua hàng trăm năm giữa biển khơi, làm rạng rỡ nguồn gốc con người Việt Nam nơi đại dương.
Kho tàng tri thức về văn hóa biển đảo được kết tinh từ quá trình vật lộn với biển cả để sinh tồn và phát triển mang những giá trị lớn về kinh nghiệm thích ứng với đại dương. Các tri thức về nhận biết sự vận hành hải lưu, khí hậu biển, chế tạo ngư cụ, kỹ thuật khai thác tài nguyên biển, chế biến và bảo quản hải sản, kinh nghiệm trao đổi hàng hóa đã và đang là những nguồn tri thức liên quan đến biển mà ngư dân biển đảo sáng tạo, đúc kết và truyền lại qua các thế hệ, tạo nên một truyền thống tri thức về môi trường biển đặc biệt khắc nghiệt. Nếu như tri thức về môi trường duyên hải/cận duyên luôn được sự hỗ trợ, bổ khuyết từ nguồn tri thức và môi trường lục địa, thì tri thức về môi trường biển lại có giá trị riêng biệt và đáng quý với ngư dân hướng ra đại dương trong hiện tại và lâu dài. Điều đó càng đặc biệt lộ rõ giá trị khi trong hoàn cảnh các phương tiện khoa học công nghệ hiện đại chưa kịp thời song hành vươn ra hỗ trợ ngư dân đại dương như sự hiện diện phổ biến và sâu rộng trên lục địa.
Những giá trị về ý thức chủ quyền và lãnh thổ quốc gia
Văn hóa biển đảo đại dương với sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của nó, còn ẩn chứa những giá trị giáo dục, trao truyền và nâng cao cho cộng đồng ngư dân biển đảo ý thức về lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và vai trò đảm trách sứ mệnh làm chủ từng vùng đất vừa là quê hương cư trú, vừa là một phần lãnh hải được Tổ quốc trao phó. Nhìn theo ngọn nguồn lịch sử hình thành nên kho tàng văn hóa biển vùng nam Trung Bộ, có thể nhận thấy các lớp văn hóa được sáng tạo bởi cư dân Sa Huỳnh - Đông Sơn - Chămpa - Đại Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đời sống xã hội cộng đồng tại các quần đảo và hải đảo, tiêu biểu là đảo Lý Sơn. Ngay tại môi trường sống/không gian văn hóa Lý Sơn này, trải qua thời các chúa Nguyễn đến thời Gia Long, đội Hoàng Sa trong ba thế kỷ (XVII, XVIII, XIX) đã làm nhiệm vụ lịch sử thật đặc biệt là khai thác hải vật cùng hàng hóa trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió. Những minh chứng về quá trình thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội lề thế trước khi tiễn các chiến binh ra Hoàng Sa, Trường Sa đã thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, bất chấp mọi hiểm nguy trước sự khắc nghiệt của biển cả và giặc thù, để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị, đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy.
Song hành với quá trình tôi luyện, trải nghiệm qua tiến trình ứng xử với đại dương để tồn tại qua các thế hệ, chủ nhân của vùng biển đảo nam Trung Bộ còn hướng sự hòa nhập các tri thức văn hóa của mình tới quỹ đạo đồng thuận với ý thức chủ quyền quốc gia của bộ máy thống trị đương thời, thông qua sự tiếp nhận và chấp pháp các văn bản, châu bản của triều đình nhà Nguyễn một cách triệt để, phục vụ nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia trước mọi thế lực ngoại bang.
Cho đến nay, với thực trạng chính trị đã và đang diễn ra trên Biển Đông cùng những vấn đề nảy sinh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực về chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ, nguồn di sản văn hóa đa dạng và phong phú của các thế hệ ngư dân hải đảo nam Trung Bộ càng có giá trị quan trọng về an ninh quốc phòng, về chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Những giá trị phát triển công nghiệp văn hóa biển đảo
Vùng biển, đảo Nam Trung Bộ nằm ở vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng của ViệtNam. Đây là nơi giao lưu của tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối liền châu Âu, Trung Cận Đông với Đông Á và bờ biển phía tây châu Mỹ. Chính vì thế, trong số hàng chục quần đảo và hải đảo của không gian địa chính trị - kinh tế này, sự hiện tồn của di sản và đời sống sinh hoạt văn hóa biển góp phần tạo dựng nhiều điểm đến cho công cuộc phát triển du lịch và ngành công nghiệp văn hóa biển của Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta mới khởi đầu cho việc tổ chức các tuyến lữ hành đến Cù Lao Chàm, huyện đảo Lý Sơn và huyện đảo Phú Quý. Thực tiễn lữ hành được trải nghiệm những năm gần đây cho thấy khả năng khai thác tiềm năng và giá trị văn hóa biển đảo đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế quan trọng đối với các địa phương. Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,… tại các đảo và quần đảonamTrung Bộ đã minh chứng cho giá trị văn hóa du lịch nơi đây. Đó là nguồn “năng lượng” văn hóa có giá trị lớn đối với việc xây dựng Chiến lược biển và Chiến lược phát triển du lịch biển Việt Nam hiện tại và tầm nhìn lâu dài, mở rộng sự phát triển kinh tế - văn hóa từ phạm vi duyên hải/cận duyên ra phát triển du lịch biển đảo, góp phần hội nhập với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa biển của khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định, Nam Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ quốc gia, cư dân tại vùng đất này đã đảm nhận vai trò xung kích với biển đảo, đối mặt nhiều nhất với thách thức từ biển đảo và do vậy, nền văn hóa do các thế hệ cư dân nơi đây sáng tạo nên đều mang dấu ấn riêng, hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc, góp phần xây đắp và tô đậm thêm cho giá trị cũng như hệ giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam hàng nghìn năm qua. Thực tiễn sinh động giữa môi trường văn hóa đặc biệt đó, đòi hỏi sự quan tâm thiết thực để khai thác, phát huy giá trị văn hóa biển đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện tại và lâu dài.
PGS. TS. Bùi Quang Thanh
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
1. Ngô Đức Thịnh: “Truyền thống văn hóa biển cận duyên của người Việt”, trong Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012, tr. 171.
2. Phạm Huy Thông: Điêu khắc Chăm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
3. Tạ Chí Đại Trường: Thần, Người và đất Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 202; Xem thêm PGS. TS. Trần Đức Cường: “Truyền thống đi biển của người miền Trung và thủy quân Tây Sơn”, trong Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung, Sđd, tr. 159); Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Biển với người Việt cổ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
4. Theo Dantri.com.vn, ngày 30-7-2014.
5. Trần Quốc Vượng: “Về một dải văn hóa Nam Đảo ven bờ biển Đông”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 1998, số 2.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực