Giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 22/05/2017 - 09:05

Hiện nay, nhiều quan điểm tuyệt đối hóa sự xung đột giữa lợi ích cá nhân với đạo đức xã hội, đặc biệt trước tác động của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, lợi ích cá nhân chính đáng lại có tác động thúc đẩy đạo đức xã hội phát triển, ngược lại, đạo đức xã hội là phương thức điều chỉnh quan hệ lợi ích hiệu quả, góp phần định hướng cho sự phát triển lợi ích cá nhân chính đáng. Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ tha hóa lợi ích cá nhân và theo đó là sự xuống cấp về đạo đức xã hội ngày càng tăng thì giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhân tố trên sẽ góp phần quan trọng làm cho cả lợi ích cá nhân chính đáng và đạo đức xã hội đồng thời phát triển.

12.5.2017 Lan ảnh Giai quyêt tôt môi quan hê giưa lơi ich ca nhân va đao đưc xa hôi

1. Lợi ích hình thành trên cơ sở nhu cầu của con người trong hoạt động. Bất kể một hoạt động nào của con người cũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định, khi xuất hiện nhu cầu, đồng thời là khi con người hình thành nên động cơ lợi ích. Cho nên, có thể hiểu lợi ích chính là sự thỏa mãn nhu cầu của con người, là nhu cầu được đáp ứng. Tuy nhiên, trong hoạt động, con người không làm với tư cách là một cá nhân riêng lẻ, mà luôn thực hiện trong mối quan hệ với cộng đồng xã hội. Do đó, thực chất quan hệ xã hội dù được xem xét ở bất cứ lĩnh vực nào đi nữa, cũng là quan hệ lợi ích, là quan hệ giữa người với người trong hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Chính từ đó, hình thành nên các lợi ích khác nhau, có lợi ích cá nhân, có lợi ích tập thể, có lợi ích xã hội. Các lợi ích có thể tương hợp, đồng thuận, có thể mâu thuẫn, xung đột với nhau tùy thuộc vào việc giải quyết và đáp ứng nhu cầu ở mỗi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Đạo đức xã hội là hệ thống các chuẩn mực giá trị, các nguyên tắc điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của con người dựa trên cơ sở cùng chung lợi ích của các thành viên trong xã hội, là kết quả của việc giải quyết các quan hệ lợi ích, mà mấu chốt là quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, là sự thừa nhận và thực hiện một cách tự nguyện, tự giác các quan hệ lợi ích giữa các cá nhân trong xã hội. Theo đó, thực chất quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội là sự tác động qua lại giữa nhu cầu cá nhân đa dạng, phong phú, thường xuyên vận động, biến đổi với đạo đức được coi là một phương thức điều chỉnh quan hệ lợi ích. Dĩ nhiên, đạo đức xã hội chỉ là một trong nhiều phương thức điều chỉnh, bên cạnh đó còn có các phương thức điều chỉnh bằng luật pháp và các thiết chế khác.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay đang có sự xung đột lớn giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp đặt, tuyệt đối hóa mặt đối lập mà phải tìm ra điểm tương đồng, có phương thức tác động phù hợp để giải quyết hài hòa mối quan hệ này, làm cho cả lợi ích cá nhân chính đáng và đạo đức xã hội đồng thời phát triển.

2. Theo hướng tích cực, tác động của lợi ích cá nhân đến đạo đức xã hội thể hiện trước tiên ở chỗ, nó góp phần tạo nên các giá trị và các chuẩn mực đạo đức mới. Lợi ích cá nhân ở đây được hiểu là những nhu cầu cá nhân chính đáng, được pháp luật thừa nhận. Theo nghĩa đó, sự phát triển lợi ích cá nhân phản ánh trình độ phát triển của xã hội, được thể hiện ở chỗ, từ sự thừa nhận những nhu cầu, nguyện vọng cá nhân chính đáng của con người mà quan niệm xã hội về mặt đạo đức có sự thay đổi. Như vậy, từ sự thừa nhận những lợi ích cá nhân chính đáng mà cái nhìn khắt khe về đạo đức xã hội đối với các cá nhân trước đây đã có sự thay đổi, kéo theo đó, dẫn tới sự thay đổi của hệ giá trị đạo đức xã hội. Theo chiều hướng tiến bộ, sự phát triển kinh tế thị trường đã tạo lập tiền đề khách quan cho sự phát triển lợi ích cá nhân chính đáng dẫn tới có sự phát triển của đạo đức xã hội.

Sự phát triển lợi ích cá nhân chính đáng còn kéo theo sự phát triển của trách nhiệm xã hội và ý thức công dân, làm giàu có, phong phú thêm truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, tác động đến đời sống đạo đức toàn xã hội. Những hành động thiết thực của nhiều cá nhân ủng hộ các sự kiện lớn của đất nước, ủng hộ đồng bào bị gặp thiên tai, hỗ trợ hoàn cảnh neo đơn,… tạo nên hiệu ứng xã hội to lớn, cổ vũ và khơi dậy truyền thống đạo đức dân tộc, có sức lay động đến toàn xã hội. Cho nên, bên cạnh những biểu hiện mặt trái, thì những hành động thiết thực trong xã hội phản ánh thực tế rằng, nếu nhu cầu, lợi ích cá nhân chính đáng được đáp ứng thì đạo đức xã hội càng đi lên.

Tuy nhiên, lợi ích cá nhân cũng có tác động tiêu cực đối với đạo đức trước ảnh hưởng kinh tế thị trường. Hiện nay, tác động của kinh tế thị trường bên cạnh mặt tiến bộ, tích cực là chủ yếu cũng đã và đang làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức xã hội, mà căn nguyên là do sự kích thích lợi ích cá nhân phát triển thái quá. Đó là nguyên nhân căn cốt của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến cho “đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng…”(1) và bệnh thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại... Tất cả đều bắt nguồn từ lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền và lợi ích cá nhân đơn thuần.

Sự phát triển thái quá của lợi ích cá nhân nguy hại ở sự liên minh lợi ích - lợi ích nhóm, là biểu hiện của sự tha hóa lợi ích cá nhân với tính chất nguy hại, khôn lường. Liên minh lợi ích chi phối thậm chí cả cơ chế, chính sách nhằm trục lợi, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền,… là nhân tố phá hoại từ bên trong, là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, chống sự phát triển của lợi ích cá nhân thái quá là nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng, có tính thời sự hiện nay. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, lợi ích cá nhân vừa có sự phát triển tự giác, đúng hướng, vừa có sự phát triển tự phát, vô hướng, đòi hỏi cần có cơ chế, phương thức điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

3. Sự điều chỉnh của đạo đức xã hội đến lợi ích cá nhân có vai trò ngày càng quan trọng. Sở dĩ như vậy bởi vì, với vai trò của mình, đạo đức không chỉ điều chỉnh hành vi đã hình thành, mà hơn thế, đạo đức còn điều chỉnh ngay từ trong mầm mống nhận thức và từ tình cảm, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với nhu cầu, động cơ, lợi ích của cá nhân. Bởi đạo đức tạo ra cơ chế cho sự tôn vinh cái thiện, lên án, bài trừ cái ác, nó thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trên một ý nghĩa nào đó, đạo đức có sức mạnh vượt trội so với các phương thức điều chỉnh khác. Đây là cơ sở để lý giải tại sao đạo đức xã hội luôn được quan tâm xây dựng, đặc biệt hiện nay, vấn đề đạo đức đã và đang nổi lên trở thành mối quan tâm của toàn xã hội; xây dựng đạo đức trở thành nội dung biện pháp trong xây dựng Đảng cũng như toàn hệ thống chính trị. Việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã vượt qua ý nghĩa của một phong trào, một cuộc vận động, trở thành việc làm hằng ngày của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội, của mọi công dân, mỗi cá nhân.

Tác động của đạo đức xã hội đến lợi ích cá nhân thể hiện ở chỗ, đạo đức xã hội không phủ nhận lợi ích cá nhân chính đáng, đạo đức xã hội vẫn cho phép con người đạt tới những lợi ích cá nhân hợp lý và khi những hành vi vì lợi ích cá nhân không mâu thuẫn với lợi ích xã hội, được xã hội chấp nhận và bảo đảm, đồng thời không làm tổn hại đến xã hội, đến tập thể, đến người khác thì không phải là hành vi phi đạo đức.

Tác động của đạo đức xã hội đến lợi ích cá nhân thể hiện ở sự giằng xé lương tâm, là cơ chế điều chỉnh hành vi xã hội, giải quyết quan hệ lợi ích cá nhân - xã hội. Cho nên, một xã hội càng thịnh trị thì đạo đức càng cao, ngược lại, đạo đức càng được củng cố thì nền tảng xã hội càng vững vàng. Đạo đức xã hội do đó có vai trò rất to lớn. Tất nhiên đạo đức xã hội ngày nay cần dung hợp các yếu tố khác như pháp luật, chính trị, tư tưởng, để sự tác động đồng hướng, và ngược lại, đạo đức xã hội phải được dung nạp trong các thiết chế để mọi hành vi lợi ích cá nhân chịu sự quy chiếu của đạo đức xã hội.

4. Từ những phân tích trên, để giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay trước tác động của kinh tế thị trường cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, kết hợp hài hòa các quan hệ lợi ích.

Lợi ích cá nhân chỉ xung đột với đạo đức xã hội khi những nhu cầu, động cơ lợi ích cá nhân xung đột với nhu cầu, động cơ lợi ích xã hội. Khi đó, chủ thể thực hiện lợi ích cá nhân phá bỏ các giá trị đạo đức xã hội để đạt đến lợi ích cá nhân. Vì vậy, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội là giải pháp quan trọng hàng đầu, có tác động đến nguyên nhân “căn cốt” của sự xung đột giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội. Về điều này, Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”(2).

Trong điều kiện hiện nay, để kết hợp hài hòa các quan hệ lợi ích, trước hết cần tôn trọng và bảo đảm cho sự phát triển của lợi ích cá nhân chính đáng của con người. Đảng ta khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”(3). Theo đó, các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được cụ thể hóa để thực sự trở thành công cụ thực hiện công bằng xã hội, từng bước hiện thực hóa các giá trị xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn đời sống xã hội của đất nước, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Công bằng nhưng không cào bằng là nguyên tắc đạo đức tối thượng trong điều kiện hiện nay, thể hiện ở việc lợi ích mà mỗi cá nhân được hưởng tương xứng với công lao, sự đóng góp của họ. Để bảo đảm công bằng cần thực hiện tốt các hình thức phân phối, đây là động lực trực tiếp kích hoạt nhu cầu, động cơ lợi ích cá nhân chính đáng phát triển, đồng thời phản ánh những giá trị đạo đức tiến bộ.

Giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội phải trên cơ sở định hướng chính trị đúng trong xây dựng đạo đức xã hội và phát triển lợi ích cá nhân: phải đặt lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích xã hội, trong đó “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”(4); trong những trường hợp nếu có xung đột thì phải hy sinh lợi ích cá nhân. Bảo đảm sự phát triển của lợi ích cá nhân chính đáng nhưng luôn đặt trong quan hệ với lợi ích xã hội, đây là nguyên tắc đạo đức căn bản nhất điều chỉnh quan hệ lợi ích, là nguyên tắc bất biến đòi hỏi phải được hiện thực hóa để định hướng sự phát triển đồng thời của lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội.

Hai là, phát huy vai trò của đạo đức trong quản lý xã hội nhằm định hướng cho sự phát triển đúng đắn của lợi ích cá nhân.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”(5),“phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”(6). Điều này cho thấy vai trò của đạo đức xã hội ngày càng tăng và việc coi trọng nền tảng đạo đức xã hội là chủ trương đúng đắn đáp ứng yêu cầu khách quan của quản lý xã hội hiện nay. Để phát huy vai trò của đạo đức trong quản lý xã hội cần phải coi trọng đạo đức truyền thống và hiện đại, đạo đức của các thiết chế xã hội. Cần chú trọng xây dựng đạo đức như một nội dung trong xây dựng con người, tổ chức, trong mỗi lĩnh vực: đạo đức trong kinh tế, trong chính trị, trong văn hóa,...

Đạo đức phải được thể chế hóa thành các nguyên tắc quy phạm pháp luật. Tính dung hợp của đạo đức và pháp luật trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cần được thực hiện mạnh mẽ hơn, điều đó vừa phản ánh tính ưu việt của đạo đức, vừa thể hiện tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền. Một khía cạnh khác là pháp luật cần gần gũi hơn với truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc để nó dễ đi vào cuộc sống. Như vậy, xem xét vai trò của đạo đức cần đặt trong tính chỉnh thể, không siêu hình, chủ quan, tuyệt đối hóa đạo đức mà xem nhẹ các thiết chế, phương thức điều chỉnh lợi ích cá nhân khác. Làm được như vậy mới thực sự khơi dậy và phát huy vai trò của đạo đức xã hội trong điều chỉnh quan hệ lợi ích, làm cho lợi ích cá nhân phát triển chính đáng, đúng hướng, phù hợp và không xung đột với lợi ích chung của toàn xã hội, trên cơ sở đó mà tác động tích cực trở lại đến đạo đức xã hội, định hướng hình thành các giá trị đạo đức xã hội tiến bộ.

Ba là, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhu cầu, động cơ lợi ích cá nhân.

Lợi ích cá nhân luôn vận động và biến đổi không ngừng. Giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội trên cơ sở tôn trọng lợi ích cá nhân chính đáng gắn liền với việc khắc phục có hiệu quả suy thoái đạo đức xã hội do sự phát triển thái quá của lợi ích cá nhân trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(7).

Quan điểm trên tiếp tục được cụ thể hóa thành những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và suy thoái đạo đức trong văn kiện Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII của Đảng. Những biểu hiện ấy trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có căn nguyên từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhu cầu, động cơ lợi ích cá nhân. Đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng, quyền lực mà một số người có quyền, có chức, có địa vị và cơ hội sinh lòng ham muốn, mà không giữ được sự trong sáng nữa, “sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Theo đó, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là giải pháp thiết thực góp phần khắc phục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhu cầu, động cơ lợi ích cá nhân, củng cố nền tảng đạo đức xã hội. Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, làm cho luật pháp nghiêm minh, có sức răn đe; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm soát tốt quyền lực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ… là góp phần ngăn chặn tha hóa lợi ích cá nhân, củng cố đạo đức xã hội./.

---------------------------
(1), (3), (4), (5), (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 61, 37, 69, 176, 170, 80.

(2) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr.199 – 200.

Đỗ Thanh Hải

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận