Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả đối với thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay

Ngày đăng: 27/05/2017 - 10:05

Tóm tắt: Phổ biến và giáo dục pháp luật, với mục đích quan trọng là đưa pháp luật vào cuộc sống nhằm thay đổi nhận thức, hành vi; điều chỉnh những thói quen xấu, hành vi thiếu văn minh, hành vi vi phạm pháp luật; hình thành thói quen tốt trong nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên, làm cho đối tượng này luôn sống và tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Có nhiều hình thức, biện pháp để phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tới thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, để lựa chọn được hình thức phù hợp, hiệu quả, chúng ta cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, áp dụng các hình thức này trong thực tiễn.

Từ khóa: giáo dục pháp luật, thanh, thiếu niên, chương trình, kiến thức

Một số hình thức PBGDPL có hiệu quả đối với thanh, thiếu niên

Trước khi có Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Đề án 21601 là chính sách đầu tiên về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên được ban hành. Trong 5 năm thực hiện Đề án (2010-2015), các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Đề án và triển khai đồng bộ, rộng khắp trên cả nước. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã được xây dựng, áp dụng, nhân rộng mang lại hiệu quả tích cực như: tổ chức các diễn đàn lấy ý kiến thanh, thiếu niên vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên (như: dự thảo Luật thanh niên, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin); mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới; nghiên cứu, khảo sát về tình hình lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên; tổ chức các hội thảo, tọa đàm đánh giá mô hình, giải pháp PBGDPL cho thanh, thiếu niên; xây dựng, thực hiện các chuyên mục, chương trình PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn tài liệu, tờ gấp ngắn gọn, dễ hiểu về PBGDPL; tổ chức nói chuyện trực tiếp về pháp luật, lồng ghép trợ giúp pháp lý, tư vấn, giải đáp pháp luật; thành lập các câu lạc bộ pháp luật… Đặc biệt, các địa phương đã đưa mục tiêu PBGDPL cho thanh niên vào kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm, đồng thời có những cách thức triển khai hiệu quả, khả thi. Tính từ năm 2013 đến 2015 đã có 57.540 cuộc thi tìm hiểu pháp luật dành cho thanh niên được tổ chức từ cấp tỉnh đến xã; hàng trăm nghìn tin, bài về PBGDPL cho thanh, thiếu niên được đăng tải trên báo, đài, loa truyền thanh cơ sở; thu hút 4.486.835 lượt thanh, thiếu niên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp với nhận thức, đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của các em đã được các địa phương nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiệu quả, như: câu lạc bộ thanh niên với pháp luật (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Trà Vinh...); tổ/nhóm nòng cốt ở cơ sở PBGDPL (Thái Bình, Nghệ An, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu); cuộc thi/hội thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Quảng Bình, Cà Mau, Đắk Lắk); chương trình PBGDPL cho thanh, thiếu niên qua phương tiện truyền thông (Thừa Thiên Huế, Nam Định, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Điện Biên); hoạt động thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên hư, chậm tiến; tổ chức phiên tòa giả định (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh...).

Bên cạnh những hình thức PBGDPL trên, còn có một số hình thức khác cũng mang lại hiệu quả tích cực trong công tác này đối với thanh niên.

Thứ nhất, PBGDPL trên internet

Theo xu thế hiện nay, ngày càng có nhiều người sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin cũng như để giải trí, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên. Do đó, báo điện tử sẽ là một trong những kênh chủ lực trong việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với những lợi thế như: là loại hình thông tin hiện đại, bảo đảm cập nhật và thông tin nhanh chóng tới độc giả, mạng internet thực sự có ưu thế nổi trội trong việc PBGDPL hiệu quả.

Trong thời gian qua, hệ thống các nhà cung cấp thông tin và các website, đặc biệt là cổng thông tin của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp đã bước đầu quan tâm giới thiệu những văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần nâng cao giáo dục pháp luật trong xã hội nói chung, tầng lớp thanh thiếu niên nói riêng. Với tốc độ cập nhật cao, tính tương tác lớn, các thắc mắc, phản hồi của người sử dụng được giải đáp, trao đổi một cách nhanh chóng, từ đó giúp cho việc tìm hiểu pháp luật được đa dạng, dễ dàng hơn. Đặc biệt với tính năng “search” (tìm kiếm) cho phép người sử dụng tìm bất cứ văn bản pháp luật, sự kiện pháp lý nào chỉ bằng cách nhập đúng từ khóa của văn bản, sự kiện đó vào thanh công cụ tìm kiếm cùng với thao tác click chuột. Việc khai thác các lợi thế, tính “hấp dẫn” của internet trong PBGDPL là điều cần thiết và nó đã, đang và sẽ đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Thứ hai, PBGDPL cho thanh, thiếu niên thông qua các chương trình, phong trào thực tiễn

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhất là việc nâng cao tính chủ động nhận thức pháp luật cho thanh, thiếu niên thông qua việc tham gia các phong trào, chương trình, sự kiện thực tiễn là một việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Để việc PBGDPL đối với thanh, thiếu niên đạt hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nội dung, hình thức các hoạt động và sự kiện thực tiễn. Bởi qua các hoạt động thực tiễn có lồng ghép PBGDPL, nội dung pháp luật sẽ được truyền tải sâu, sát đến từng đối tượng thanh, thiếu niên. Hình thức phổ biến pháp luật được chuyển dần theo hướng đối thoại, giao tiếp hai chiều tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên chủ động, tích cực hơn trong việc tiếp thu các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan trong công tác PBGDPL nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được, góp phần nâng cao ý thức và hành động chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên.

Thứ ba, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học

Phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống trường học, cơ sở đào tạo có nhiều ưu thế bởi đây là kênh giáo dục nền tảng về pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua chương trình giảng dạy các môn học Đạo đức (Tiểu học), Giáo dục công dân (Trung học cơ sở), Giáo dục pháp luật (Trung học chuyên nghiệp), Pháp luật đại cương (Đại học, Cao đẳng).

- Bậc Tiểu học: nội dung pháp luật lồng ghép trong chương trình môn đạo đức gồm các kiến thức pháp luật phổ thông sơ đẳng nhất, gắn với hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh ở gia đình và trường học.

- Bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông: nội dung pháp luật được đưa vào chương trình môn Giáo dục công dân, gồm kiến thức pháp luật phổ thông về quyền, nghĩa vụ công dân nhằm tạo cho học sinh ý thức công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cuộc sống ở gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

- Bậc Trung học chuyên nghiệp: chương trình “Giáo dục pháp luật”, bao gồm hệ thống kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam, về quyền và nghĩa vụ công dân và những kiến thức pháp luật chuyên ngành gắn với ngành nghề đào tạo của của học sinh các trường Trung học chuyên nghiệp.

- Bậc Đại học, Cao đẳng: chương trình “Pháp luật đại cương” dùng cho các trường không chuyên luật, trang bị cho sinh viên trình độ đại cương, cơ bản về lý luận Nhà nước và pháp luật, khái quát một số lĩnh vực pháp luật thiết yếu làm cơ sở cho sinh viên tiếp tục tìm hiểu và vận dụng.

Bên cạnh việc PBGDPL trong chương trình chính khóa, cần chú trọng đẩy mạnh PBGDPL thông qua các hoạt động ngoại khoá như: thảo luận, tọa đàm về các đề tài pháp luật; sinh hoạt chuyên đề pháp luật; tổ chức nghe các chuyên gia nói chuyện về pháp luật, xem phim, xem tiểu phẩm, đọc sách báo; tham dự các phiên toà; tổ chức, tham gia thi tìm hiểu pháp luật; thành lập câu lạc bộ “ Học sinh, sinh viên với pháp luật”; lồng ghép các nội dung pháp luật vào các buổi sinh hoạt tập thể của lớp, đoàn trong nhà trường;… Riêng đối với sinh viên, tổ chức phong trào tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật như: luật giao thông, luật bảo vệ môi trường, luật phòng chống ma tuý, tham gia tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa thông qua hoạt động của thanh niên tình nguyện…

Tất cả những hình thức PBGDPL trên được tổ chức hợp lý, kết hợp với nội dung chương trình giáo dục pháp luật chính khoá sẽ có tác động đến nhận thức của học sinh, sinh viên, góp phần chuyển hóa tri thức pháp luật đã lĩnh hội thành niềm tin nội tâm và nếp sống theo pháp luật.

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả các hình thức PBGDPL

* PBGDPL qua internet

Một là, cần thiết lập các đường liên kết từ website đến các trang tin về pháp luật, tủ sách pháp luật điện tử chính thống, uy tín, đáng tin cậy để người truy cập dễ dàng tìm được các thông tin cần thiết khi muốn tra cứu hoặc muốn được tư vấn về pháp luật.

Hai là, chú ý tạo kênh giao lưu trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia pháp lý, luật sư với người truy cập để có điều kiện kịp thời giải đáp các thắc mắc về pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế các hành vi chưa đúng hoặc vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Ba là, tổ chức nhóm cộng tác viên gồm các bạn sinh viên chuyên ngành luật hoặc có hiểu biết về luật pháp tích cực viết bài về các chủ đề có liên quan đến pháp luật với văn phong gần gũi, tình huống sự kiện minh họa ngay trong cộng đồng sinh viên để thu hút sự chú ý theo dõi, truy cập của đối tượng này nhiều hơn.

Bốn là, thường xuyên tiếp thu những ý kiến đóng góp của người truy cập trang tin điện tử về nội dung và phương pháp tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó đưa ra được các biện pháp thay đổi cho phù hợp.

Sinh viên là lực lượng có trình độ cao, hầu hết đều biết sử dụng internet. Nếu chúng ta bỏ qua phương tiện này để tuyên truyền và đưa các nội dung giáo dục pháp luật đến với sinh viên thì rõ ràng là sự thiếu sót lớn. Ngược lại, nếu biết cách sử dụng linh hoạt, hiệu quả hình thức này thì đây sẽ là công cụ tốt cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên. Tuy nhiên, để có thể nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên nói chung và sinh viên nói riêng, đòi hỏi phải có sự kết hợp tổng hòa nhiều biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật.

* PBGDPL thông qua các chương trình, phong trào thực tiễn

- Cần lập kế hoạch, chương trình, chủ đề cụ thể, khoa học, thiết thực, khả thi đối với mỗi phong trào, chương trình. Nội dung pháp luật được lồng ghép phổ biến cần sát hợp với nhu cầu, đối tượng của người thụ hưởng. Các hình thức, biện pháp tổ chức hoạt động, phong trào cần kết hợp với xu hướng, mục tiêu giới trẻ đang hướng đến. Đặc biệt, các chương trình, sự kiện cần thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn, có khả năng thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia.

- Huy động sự tham gia của nhiều cấp, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động gắn với PBGDPL; đầu tư về kinh phí, đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp, những người thuyết trình giỏi về kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ làm hạt nhân cho các chương trình, sự kiện.

- Thu hút thanh, thiếu niên tham gia các chương trình, phong trào, sự kiện trong đó cần có cả đối tượng thanh, thiếu niên tích cực, có ý thức chấp hành pháp luật và những đối tượng thanh, thiếu niên đã từng vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật tham gia chương trình thì công tác PBGDPL mới có sức lan tỏa và đạt hiệu quả, mục đích, yêu cầu đã đề ra.

* PBGDPL trong nhà trường

- Tập trung tăng cường giáo dục pháp luật trong trường học; đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật, Pháp luật đại cương trong nhà trường; tăng cường các hoạt động ngoài giờ, hoạt động tập thể, các đợt học tập chính trị đầu năm, sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề pháp luật.

- Phổ biến giáo dục pháp luật qua tổ chức đọc sách, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật trong nhà trường; thi tìm hiểu pháp luật như thi viết, thi làm báo tường, thi theo các chủ đề gắn với nhà trường; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật trong nhà trường. Đặc biệt, đối với học sinh trong các trường giáo dưỡng cần nghiên cứu xây dựng biên soạn chương trình giáo dục pháp luật phù hợp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: Việc công bố đạo luật chưa phải là đã xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt. Theo Người, việc giáo dục pháp luật là một trong những công đoạn hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, mà còn tạo ra khả năng hình thành những nhu cầu, tình cảm, những chuẩn mực mới, đồng thời, góp phần củng cố ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, ngăn chặn các biểu hiện xâm phạm lợi ích chính đáng của người khác, khuyến khích những hành vi hợp pháp và hợp đạo lý.

Phần lớn đối tượng thanh, thiếu niên đều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên và đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Đối với thanh, thiếu niên, việc giáo dục ý thức pháp luật không chỉ giúp nâng cao kiến thức pháp luật, mà còn góp phần hình thành thái độ đúng đắn, động cơ tích cực trong thực hiện pháp luật và đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật trong mỗi cá nhân. Muốn vậy, cần thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới mọi hình thức, biện pháp tích cực, đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

ThS. Ngô Quỳnh Hoa

Bộ Tư pháp

1. Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2001-2015 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2160-QĐ/TTg ngày 26-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Bình luận