Hội Xuất bản Việt Nam - Hướng về cơ sở và góp phần phát triển văn hóa đọc
TTS: Bài tham luận của ông Lê Hoàng, Trưởng Văn phòng đại diện phía nam (của Hội Xuất bản Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh) tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2017-2022.
Kể từ khi Văn phòng đại diện phía nam của Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập ngày 22-8-2014, chúng tôi đã xác định cho mình nhiệm vụ và mục tiêu hàng đầu, đó là bảo đảm tính thiết thực trong hoạt động của Hội. Với mục tiêu trước hết là Hội phải góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc, chúng tôi đã bắt tay vào triển khai kế hoạch: "Phát triển văn hóa đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam", với nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó có một số hoạt động nổi bật sau đây :
- Tham gia tổ chức các hội sách tại Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2015, Văn phòng Hội đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ tổ chức thành công Hội Sách Cần Thơ lần thứ nhất. Đây là hội sách lần đầu tiên được tổ chức sau 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đã đạt được kết quả rất tốt. Tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành đều đạt hiệu quả kinh doanh rất tốt trong lần tham gia đầu tiên này. Hội sách đã thực sự trở thành ngày hội và sự kiện văn hóa được quan tâm, đón chờ của người dân thành phố Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 3-2017 vừa qua, Hội Sách Cần Thơ đã được tổ chức lần thứ hai, cũng rất thành công. Hoạt động của Hội Sách Cần Thơ đã đi vào nền nếp, sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, lâu dài ở khu vực Tây Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long.
- Năm 2016, Văn phòng Hội đã phối hợp cùng Thành Đoàn , Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh mở cuộc vận động quyên góp sách từ các đơn vị xuất bản, phát hành, đưa về phục vụ thiếu nhi, học sinh ở các huyện nghèo ngoại thành TP. HCM và các tỉnh vùng sâu, vùng xa, khu nhà trọ công nhân các khu chế xuất... với gần 40.000 bản sách, trị giá gần 1 tỉ đồng.
Đặc biệt, Văn phòng Hội chính là đơn vị đề xuất ý tưởng và theo suốt quá trình hình thành Đường sách trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. HCM vào đầu năm 2016. Ý tưởng về Đường Sách thì đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện, vì ở TP. HCM trước đây cũng đã có Đường Sách Đặng Thị Nhu, nhưng từ nhiều năm nay đã không còn hoạt động nữa, hay Hà Nội thì có đường sách tự phát trên phố Đinh Lễ. Nhưng tạo thành một sự kiện thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo người dân và để lại dấu ấn sâu sắc, duy trì hoạt động nhộn nhịp liên tục thì chỉ tới sự kiện thành lập Đường Sách lần này mới thực sự thành công.
Cũng cần nói thêm rằng, từ khi lên ý tưởng cho tới khi Đường Sách chính thức ra đời chỉ gói gọn trong khoảng thời gian 4 tháng, một tiến độ thực hiện nhanh đến ngạc nhiên. Đó là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố HCM và sự hợp tác hết sức có hiệu quả của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, nên các khâu công việc từ khởi động viết đề án, gửi tờ trình thông qua Lãnh đạo thành phố đến khâu thiết kế, thi công... đều được thực hiện hết sức khẩn trương. Đến ngày 9-1-2016, Đường Sách TP. HCM đã chính thức khai trương, đi vào hoạt động.
Sau một năm hoạt động, Đường Sách TP. HCM đã được Ủy ban nhân dân Thành phố bình chọn là 1 trong 10 sự kiện chính trị - văn hóa nổi bật nhất của TP. Hồ Chí Minh năm 2016. Đến nay, Đường Sách đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhân dân Thành phố và du khách, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 người đến đây, đa số là các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức và phụ huynh, người lớn tuổi. Khách nước ngoài chiếm trên 20% số lượng khách tham quan Đường Sách.
Rất nhiều sự kiện liên quan đến văn hóa đọc được tổ chức trên Đường Sách như trưng bày, triển lãm, gặp gỡ giao lưu tác giả - độc giả, giới thiệu sách mới... Trung bình mỗi tuần đều diễn ra từ 2 đến 3 sự kiện. Những hoạt động này thực sự lôi cuốn đông đảo công chúng đến với sách, tác động lớn đến nhu cầu và sở thích đọc sách của người dân thành phố, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi, học sinh, sinh viên.
Đường Sách cũng phát huy khá tốt việc kết hợp với các hội, đoàn như Thành Đoàn, Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, các sở, ban, ngành của Thành phố như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải để tổ chức các sự kiện văn hóa đọc cho cán bộ, đoàn viên, hội viên.
Các đơn vị tham gia kinh doanh trên Đường Sách đã đạt được hiệu quả kinh tế khá tốt, nhất là từ năm hoạt động thứ hai.
Có thể nói, sự thành công của Đường Sách TP. HCM được tạo nên bởi 4 nhân tố sau đây:
- Chủ trương và sự hỗ trợ của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các cấp chính quyền địa phương tại TP. HCM;
- Sự tham gia nhiệt thành và có trách nhiệm cao của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách có uy tín;
- Nhờ áp dụng cơ chế xã hội hóa nên đã tạo ra nguồn lực được huy động từ các đơn vị xuất bản, phát hành;
- Vai trò quản lý điều hành của Hội Xuất bản Việt Nam thông qua mô hình Cty TNHH MTV hoạt động không vì lợi nhuận.
Đường Sách TP. HCM còn trở thành mô hình để Hội Xuất bản Việt Nam chỉ đạo và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, Hà Nội đã khánh thành Phố Sách tại Đường 19 tháng 12. Các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội An... cũng đang trong giai đoạn được Hội tư vấn, lập đề án triển khai xây dựng mô hình đường sách, phố sách, vườn sách... tại địa phương mình.
Vui mừng vì Văn phòng Hội đã có những đóng góp tích cực vào thành tích chung của Hội và ngành xuất bản Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng ý thức được còn cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục những yếu kém còn tồn tại của nền xuất bản Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, năm 2015, cả nước xuất bản hơn 360 triệu bản sách. Nếu chia cho 90 triệu dân thì bình quân là 4 đầu sách/người, nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là 288.000.000 bản, chiếm trên 80% trong tổng số 360 triệu bản. Số lượng học sinh cấp tiểu học, trung học trên cả nước là khoảng 22 triệu. Như vậy, số 72.000.000 bản sách còn lại dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ chưa tới 1 đầu sách/người/năm. Quả thật, con số này là quá thấp.
Năm 2016, dù tình hình kinh doanh của các nhà xuất bản nhìn chung đã có tiến triển so với năm 2015 với tổng doanh thu 2.201,375 tỉ đồng (tăng 2,7% so với năm 2015), nhưng doanh thu của cả ngành xuất bản không bằng tổng doanh thu của Công ty Fahasa tại TP. HCM là 2.400 tỉ đồng năm 2016 (trong đó 60% là doanh thu bán sách).
Số liệu thống kê cho thấy , tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057% dân số, tương đương 564.133 người/90 triệu dân (dẫn theo báo Sài Gòn giải phóng, ngày 20-5-2017 ).
Việt Nam không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi ở Đông Nam Á có 3 nước, trong đó Xingapo đứng thứ 36, Malaxia đứng thứ 53 và Inđônêxia đứng thứ 60.
Sức đọc của người Việt Nam thấp kéo theo bức tranh về thị trường tiêu thụ sách Việt Nam cũng không mấy sáng sủa. Một đầu sách ở nước ta in trung bình 1.000 - 2.000 bản, mà chưa chắc đã tiêu thụ hết trong vòng 1, 2 năm. Hiệu quả của kinh tế xuất bản ở Việt Nam rất thấp, do vậy người làm nghề rất chật vật trong cuộc mưu sinh và phát triển ngành nghề.
Do vậy, chúng ta cần hết sức quan tâm đến thực trạng văn hoá đọc của người Việt Nam. Để thúc đẩy văn hóa đọc, tôi cho rằng chúng ta cần đưa ra và lan tỏa thông điệp: Mọi người Việt Nam hãy đọc sách! cùng những hành động cụ thể sau:
Một là, các gia đình, ông bà, cha mẹ, các phụ huynh nên thật sự quan tâm và tạo điều kiện cho con em mình đến với sách, tạo cho các con có thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi gia đình nên có tủ sách và coi đó là tài sản quý giá của gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ, con em mình.
Hai là, về phương pháp giáo dục trong nhà trường, cần bỏ hẳn phương pháp truyền đạt một chiều, thầy đọc trò chép, bài văn mẫu... để thầy và trò cùng sử dụng sách làm công cụ trung tâm cho việc dạy và học, chẳng hạn như nhà trường có quy định mỗi bạn phải dành ít nhất 20 phút đến thư viện mỗi ngày để tìm và đọc sách phù hợp với trình độ của từng năm học; trong chương trình học có những giờ bình sách để mỗi bạn trình bày và nhận xét về nội dung cuốn sách mình vừa đọc; cuối năm học sẽ tổng kết số sách đã đọc được và có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng...
Ngoài ra, Hội Xuất bản Việt Nam cần tăng cường liên kết với các hội, đoàn, bộ, ngành để có nhiều chương trình, giải pháp khuyến khích người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ có thói quen đến với sách, và say mê đọc sách. Một khi đạt được mục tiêu phát triển văn hóa đọc, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành, quan trọng hơn nữa là hiệu quả về xã hội, hiệu quả về xây dựng con người.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023