Quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội XII

Ngày đăng: 08/06/2017 - 11:06

Tham nhũng là căn bệnh của bộ máy quyền lực, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

1.6.2017 Lan ảnh Quan điểm của Đảng về phòng chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội XII

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh. Văn kiện Đại hội VI nêu rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ, và nhân viên nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”(1).Tiếp đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng: Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12-9-1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VII về việc tiếp tục ngăn chặn bài và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII (15-5-1996) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng...

Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX và X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội X nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(2).

Đại hội XI trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm, làm thất thoát tài sản lớn của đất nước từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng ra xét xử trước kỳ Đại hội XII của Đảng.

Nhìn chung trong thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã thu được kết quả bước đầu tích cực. Điển hình là tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 156/400 bị can các tội danh tham nhũng. Ngành tòa án thành phố đã đưa ra xét xử 159/451 bị cáo, trong đó có những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Tại Hà Nội, trong 10 năm qua, cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố 213/541 bị can. Tòa án nhân dân thành phố thụ lý 278/732 vụ. Thanh tra thành phố đã tiến hành thanh tra các vụ việc tiêu cực, đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 2592,6 tỉ đồng, 2452,3 ha đất(3).

Mặc dù vậy, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; cơ chế pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở nên: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”(4), và nếu không sớm được khắc phục “...sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(5), bởi vì “việc dùng tiền bạc để mua thành tích, che đậy hành vi của mình là khá phổ biến”, “tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương... chưa được khắc phục”(6) đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cần được đẩy lùi, ngăn chặn.

Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XII tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong đó nhấn mạnh “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”(7).

Do cơ chế thực thi và kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện đang còn nhiều sơ hở, chưa được luận giải thấu đáo về lý luận cũng như về thực tiễn, đã dẫn đến sự tha hóa của quyền lực. Trước hết, cơ chế bầu cử, bổ nhiệm những đại biểu ưu tú của dân vào vị trí lãnh đạo, quản lý còn nhiều bất cập. Cơ chế phát hiện và thải loại những người không có đủ phẩm chất ra khỏi bộ máy chưa hiệu quả, bởi vì việc thực thi còn hình thức, thiếu thực chất; bởi vì ứng cử viên đã được sắp đặt, nhắm trước, thậm chí do ê kíp, ô dù mà được cất nhắc chứ chưa phải do tài năng và phẩm hạnh. Hai là, cơ chế kiểm tra, giám sát, bãi miễn những người có chức, có quyền khi vi phạm cũng còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, việc xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm còn chậm. Đa số các sai phạm là do quần chúng phát hiện, tố cáo mà chưa phải do cán bộ, đảng viên, cấp trên phát hiện cấp dưới sai phạm... Ba là, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh, nhưng phương thức tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách bên cạnh mặt tích cực là huy động được trí tuệ, sức mạnh tập thể và chống được sự độc đoán, chuyên quyền thì tình trạng khó quy trách nhiệm cá nhân, khi có khuyết điểm không biết quy trách nhiệm cho ai, dẫn tới tình trạng tranh công, đổ lỗi “công là của tôi, tội là của chúng ta”...

Vì cơ chế “ủy quyền” không đi kèm với cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu nên quyền lực công bị lợi dụng trở thành công cụ, phương tiện để mưu lợi cá nhân, nhóm lợi ích... Bởi vậy, Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”(8). Thể hiện rõ trên các lĩnh vực:quản lý, sử dụng đất đai, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Về nguyên nhân dẫn tới tham nhũng, Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “chưa chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước... Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém...”(9).

Tệ tham nhũng chưa được đẩy lùi còn là do: “sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ... tổ chức và thực hiện pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa nghiêm”(10).

Đáng nguy hại hơn là có những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đã để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Nguyên nhân cụ thể đó là:

Hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật về kinh tế của chúng ta còn thiếu và chưa đồng bộ; không ít văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể áp dụng bởi chưa có văn bản hướng dẫn; văn bản pháp luật chung chung, thiếu cụ thể, mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn kém, bất hợp lý đang là “kẽ hở” để bọn người thoái hóa biến chất lợi dụng tham nhũng, lãng phí.

Việc kiểm tra, giám sát từ bên trong bộ máy nhà nước để phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu, không phát huy tác dụng; chế tài xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, rõ ràng, còn nhiều sơ hở. Biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên khi vi phạm chưa kiên quyết, còn nương nhẹ, thậm chí còn bao che, dung túng kẻ phạm tội vì “trách nhiệm tập thể chưa được xác định rõ ràng, vai trò cá nhân phụ trách chưa được đề cao; kỷ luật không nghiêm”.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý kinh tế còn yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức.

Cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách mặc dù đã được quy định khá chi tiết trong nhiều văn bản pháp quy, đặc biệt là Quy chế dân chủ ở cơ sở, ở cơ quan xí nghiệp, đơn vị, xã, phường, thị trấn (nay là Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở) vẫn cần tiếp tục hoàn thiện bởi vì chế tài vẫn chưa rõ, rất khó quy trách nhiệm và xử phạt khi sai phạm xảy ra.

Như vậy, do không có cơ chế quản lý chặt chẽ, quyền lực nhà nước đã bị lợi dụng trở thành quyền lực của cá nhân, hoặc của một nhóm người. Do cơ chế quản lý yếu kém mà tài sản của Nhà nước, của nhân dân rơi vào tình trạng “vô chủ”, những cán bộ thoái hóa, biến chất đã lợi dụng quyền lực trong tay để chiếm tài sản công thành tài sản riêng của cá nhân hoặc của một nhóm người. Tha hóa về quyền lực nhà nước, và vô chủ về sở hữu tài sản công là những nhân tố tác động trực tiếp làm cho sự tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.

Về giải pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên trong các cấp ủy, các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”(11). Đại hội chỉ rõ: “các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng chống tham nhũng... phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng... ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”(12).

Triển khai sự chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã thông qua kế hoạch kiểm tra, giám sát khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng trong năm 2016; đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp tại 14 tỉnh, thành phố.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII, trước hết cần nhận rõ, tham nhũng liên quan đến tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực, nên để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần tác động vào chính cơ chế hình thành và nguyên nhân tạo ra tham nhũng trên hai nội dung lớn: (1) kiểm soát quyền lực công; (2) kiểm soát tài sản công hữu hiệu. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tài sản công, đảm bảo nguyên tắc quyền lực công và tài sản công chỉ được sử dụng vì mục đích công, chứ không được sử dụng vì tư lợi cá nhân.

Do vậy, để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản công, theo tinh thần “đảm bảo mọi tư liệu sản xuất đều có chủ sở hữu”. Triển khai đồng bộ Luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí kết hợp chặt chẽ với việc xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng.

Hai là, thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng kết hợp với việc có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất, vi phạm lối sống, đạo đức.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí với kiên quyết đấu tranh với tệ nạn bè cánh, ô dù, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bốn là, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc cán bộ phải là người có đức, có tài, “lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”; vì công việc mà bố trí cán bộ chứ không phải vì cán bộ mà bố trí công việc, tránh tình trạng nể nang, tiêu cực trong công tác cán bộ.

____________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.17.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.75.

(3) Theo website Ban Nội Chính Trung ương.

(4), (5), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.172, 65, 174.

(7), (8), (9), (10), (11), (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.185, 174, 173, 174, 189, 50.

Nguyễn Trần Thành

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Bình luận