Phạm Hùng - tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính

Ngày đăng: 11/06/2017 - 14:06

Đồng chí Phạm Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

pham hung 166

"Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng"

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 trong một gia đình lao động nông nghiệp ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - nơi có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Ngay từ nhỏ, Phạm Văn Thiện đã rất chăm chỉ học hành. Là anh cả trong nhà nên ngoài việc học ra, Phạm Văn Thiện còn phải phụ giúp công việc gia đình từ xay lúa, giã gạo, chẻ củi, cho heo ăn đến các công việc lớn nhỏ khác… Được rèn luyện ngay từ nhỏ nên ý thức học tập, tinh thần tự lực tự cường của đồng chí Phạm Hùng luôn được thể hiện rõ nét trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Đồng chí Phạm Hùng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, ngay từ khi còn đang tuổi học trò. Năm 1928, mới 16 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm Bí thư chi bộ Trường Trung học Mỹ Tho. Từ đây, đồng chí Phạm Hùng trở thành linh hồn của phong trào học sinh toàn trường, hòa chung với cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những hoạt động của đồng chí Phạm Hùng tại Trường Trung học Mỹ Tho đã bị nhà cầm quyền thực dân Pháp phát hiện. Trong ba năm đầu học tại trường, đồng chí Phạm Hùng luôn được nhà trường nhận xét tốt về học lực và hạnh kiểm. Tuy vậy, năm học thứ tư vừa khai giảng được một tháng, ngày 6-10-1930, đồng chí Phạm Hùng bị Hội đồng kỷ luật nhà trường đuổi học tạm thời ba tháng với lý do vi phạm kỷ luật và có xu hướng chống Pháp. Dù chưa đủ bằng chứng để bắt đồng chí Phạm Hùng, nhưng sau khi được nhà trường báo cáo với những lý do trên, Thống đốc Nam Kỳ đã quyết định xóa tên đồng chí trong danh sách học sinh của trường. Đây chính là bước ngoặt trên con đường cách mạng chông gai nhưng nhanh chóng trưởng thành về cả tư tưởng và hành động của người chiến sĩ cách mạng Phạm Hùng.

Năm 1931, đồng chí Phạm Hùng được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Lúc này, phong trào cách mạng của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp đã phát triển rộng khắp. Ngày 1-6-1931, đồng chí Phạm Hùng bị bắt, từ tra tấn, đòn roi, cực hình đến bản án tù vẫn không làm nhụt ý chí và trách nhiệm lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hùng. Tại Nhà lao Mỹ Tho, Phạm Hùng đã tổ chức đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân với tù nhân, điển hình là cuộc đấu tranh tuyệt thực ngày 13-9-1932. Viện cớ Phạm Hùng là người đứng đầu lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong nhà tù Mỹ Tho, ngày 20-9-1932, Tòa đại hình tại Mỹ Tho đã kết án tử hình đồng chí vì tội gây rối và chuyển giam tại xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Trong những ngày chờ chết, phẩm chất người lãnh đạo và ý chí thép của người chiến sĩ cộng sản càng được bộc lộ trong Phạm Hùng. Những thủ đoạn, đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù càng làm cho ý chí, nghị lực của đồng chí thêm cứng cỏi, kiên cường. Đồng chí đã biến nhà tù thành nơi tôi luyện tinh thần đấu tranh, nơi truyền đi ngọn lửa cách mạng không gì có thể dập tắt được. Chính nhờ sự đấu tranh kiên quyết cùng với sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản đòi ân xá chính trị phạm ở Đông Dương mà đồng chí Phạm Hùng được giảm từ án tử xuống chung thân khổ sai, bị thực dân Pháp đưa ra Nhà tù Côn Đảo. Tại đây, đồng chí lại tiếp tục đi đầu trong phong trào đấu tranh cách mạng của các đồng chí tù chính trị với tinh thần vô cùng kiên cường, bất khuất.

Trong xà lim chật chội, thiếu ánh sáng, không khí ẩm thấp, ngột ngạt, nhưng đồng chí Phạm Hùng luôn bình thản, hay kể chuyện vui, trao đổi với anh em tù chính trị, tập trung giáo dục tù thường phạm. Mặc dù bị đánh đập, hành hạ, đói khát, “cái chết luôn treo lơ lửng trên đầu”, nhưng ý chí đấu tranh của đồng chí Phạm Hùng và anh em tù chính trị chưa khi nào chùn bước. Không những không màng đến cái chết, sự đau đớn của bản thân mà đồng chí còn dành tình cảm chăm lo cho các đồng chí, đồng đội của mình, đã rất nhiều lần, dù sức khỏe không được tốt nhưng đồng chí vẫn dùng thân mình đỡ đòn roi cho các đồng chí khác: “Bị đánh sưng tóe máu vai, áo rách rã, vẫn gượng dậy đi vòng phía sau tên chúa đảo rồi nhập hàng với Bác Tôn (Tôn Đức Thắng), bước tới đỡ đòn cho Bác. Mấy ngày qua, Bác Tôn bị sốt rét đi đứng khó khăn, chỉ ăn cháo nhưng bọn chúng cũng bắt hành hạ không chừa một ai. Nhiều người bị chúng đánh quỵ, gãy tay, gãy chân, máu ra lai láng (...) Trong nhà tù, tiếng lóng gọi “bão” để chỉ sự khủng bố của địch. Còn “hứng bão” là cụm từ để chỉ người đỡ đòn thế, mà Phạm Văn Thiện (Phạm Hùng) là người nổi tiếng “hứng bão” ở Côn Đảo”1.

Trước các chiêu trò lừa gạt của kẻ thù, đồng chí Phạm Hùng luôn đề cao cảnh giác, quyết không để chúng đạt được mục đích. Trước khi đồng chí bị đày ra Côn Đảo, bọn chiến tranh tâm lý một hôm giở trò kín đáo chiêu dụ: “Ở đây không ai biết, chỉ cần ông xé cờ Đảng là chúng tôi tìm mọi cách xá tội cho ông!”. Lập tức như chiếc lò xo, đồng chí Phạm Hùng đứng phắt dậy, dõng dạc nói: “Chúng tôi là những người Cộng sản, vì nhân dân chúng tôi sẵn sàng đổ xương máu, hy sinh! Các ông đừng hòng giở cái trò tâm lý rẻ tiền ra dụ dỗ, tôi không bao giờ chấp nhận!”2. Có thể nói, mục tiêu, lý tưởng và hành động của đồng chí Phạm Hùng luôn luôn được khẳng định với thái độ vô cùng dứt khoát, rõ ràng - là một người cộng sản trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn hiên ngang, kiêu hãnh trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt 15 năm sống dưới chế độ nhà tù vô cùng khắc nghiệt, trong đó có 11 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng luôn tỏ rõ tinh thần thép của người đảng viên cộng sản. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần “tận trung với nước”, dù kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, nêu gương sáng của người cộng sản, đồng thời còn tham gia lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù, giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, văn hóa cho các chiến sĩ cách mạng và tù nhân khác.

Hình ảnh đồng chí Phạm Hùng trong xà lim tử tù và nơi địa ngục trần gian Côn Đảo là biểu tượng của tinh thần thép, “dạ sắt gan đồng” về ý chí và nghị lực cách mạng phi thường của một thế hệ thanh niên yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng.

Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước

Đồng chí Phạm Hùng còn được lưu dấu trong lịch sử cách mạng của Đảng với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Trên bất cứ cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 1945, sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy; năm 1951, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tham gia lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn: mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); giải quyết vấn đề tôn giáo; vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng chung trong cả nước.

Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở vào thời điểm vô cùng gay go, ác liệt, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, “một tấc không đi, một ly không rời”, với tinh thần gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, từng bước đánh bại các chiến lược leo thang của đế quốc Mỹ. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là chiến thắng của lòng quyết tâm, ý chí kiên cường không chịu khuất phục trước kẻ thù của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có đóng góp không nhỏ của đồng chí Phạm Hùng trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Bằng sự lãnh đạo tài tình, khả năng quyết đoán, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn thử thách, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ và khát khao của dân tộc: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau khi đất nước hòa bình, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dù ở cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Phạm Hùng đều luôn quán triệt đến các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, thời kỳ bí mật Đảng tồn tại, phát triển từ trong lòng dân, khi có chính quyền, Đảng ta đã xác định đúng: lấy dân làm gốc, lấy việc chăm lo lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trên hết. Cán bộ các cấp phải sát thực tế, nghe, biết được nhiều ý kiến khác nhau của nhân dân; suy nghĩ, phân tích đúng, sai, ra quyết định phù hợp với lợi ích của nhân dân. Có như vậy, Đảng mới thực sự là của dân, Đảng ta mới mạnh”3. Đồng chí luôn chú ý đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất chính trị và năng lực công tác của bản thân cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng. Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân4. Hay khi phụ trách lực lượng Công an nhân dân, đồng chí cũng đã có quan điểm về việc rèn luyện lực lượng Công an nhân dân rất thiết thực: “Người chiến sĩ Công an nhân dân phải được rèn luyện tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có dũng khí đấu tranh kiên cường, phải biết chủ động phòng ngừa và chủ động tiến công địch, phải nhạy cảm về chính trị, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và đập tan bất cứ âm mưu và thủ đoạn nham hiểm nào của các loại kẻ thù”5.

Với những trọng trách lớn lao, trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trong suốt quá trình liên tục sáu mươi năm hoạt động cách mạng, đồng chí không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào đều tự nguyện và tiên phong đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Trong công tác kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tầm chiến lược, luôn rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt, không máy móc. Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, dành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Trong tâm trí của nhiều người có cơ hội tiếp xúc và gần gũi với đồng chí, Phạm Hùng được nhớ tới là một nhà lãnh đạo có đức, có tài, có lối sống tình nghĩa, cởi mở, rộng lượng bao dung, vị tha và cao đẹp.

***

Đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, người con ưu tú của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương cao đẹp của nhà cách mạng, người cộng sản Phạm Hùng sẽ củng cố thêm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, đồng thời góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau, đúng như đánh giá của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của anh Phạm Hùng như một viên ngọc quý”6. Viên ngọc đó sẽ sáng mãi trong trái tim cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam.

Nguyễn Thúy

1, 2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Nguyễn Chiến Thắng: Phạm Hùng - Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 82-84, 166.

3. Phạm Hùng - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 111-112.

4. Xem Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long: Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

5, 6. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2011, tr.134.

Bình luận