Kết quả bước đầu của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Ngày đăng: 16/06/2017 - 14:06

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn từ năm 2009 đến 2016. Đề án đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Để tìm hiểu sâu hơn về việc triển khai và kết quả thực hiện Đề án đến thời điểm này, phóng viên Tạp chí Nhịp cầu Tri thức đã có buổi trao đổi với đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

de an 166b

P.V: Xin Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn từ 2009 đến nay?

Đồng chí Phạm Chí Thành: Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp triển khai từ năm 2009 theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Mục tiêu của Đề án là góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân thông qua cung cấp, trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã được thực hiện với quyết tâm cao của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn đề tài sách và biên tập, xuất bản, phát hành sách tới cơ sở, cũng như công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả Đề án được quan tâm và coi trọng, kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án.

Quá trình triển khai Đề án được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó năm 2009-2010 là giai đoạn thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố. Từ năm 2011 đến 2016, Đề án được triển khai tới tất cả cơ sở xã, phường, thị trấn của trên toàn quốc. Tính đến nay, số lượng sách của Đề án được xuất bản là gần 400 đề tài với xấp xỉ 9,4 triệu bản sách. Đây là những cuốn sách thiết yếu cho cán bộ và nhân dân xã, phường, thị trấn về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; sách về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh; sách phổ biến pháp luật; sách tuyên truyền thông tin, kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; sách phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu, xây dựng nông thôn mới, giới thiệu những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; sách cung cấp kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe gia đình, sách dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng; sách trang bị cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã thực sự phát huy hiệu quả, tác dụng, đi vào thực tế cuộc sống. Nội dung sách của Đề án là nguồn thông tin chính thống, tin cậy, bảo đảm tính khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện nguồn kinh phí của chính quyền cấp cơ sở dành cho việc mua sách, tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, nhân dân còn khó khăn, việc thực hiện đầu tư trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, kỹ năng ứng dụng trong công tác quản lý, lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cán bộ, đảng viên và trong lao động sản xuất của quần chúng nhân dân.

P.V: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan thường trực được Ban Bí thư Trung ương giao nhiệm vụ triển khai Đề án, đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà xuất bản khác tổ chức triển khai như thế nào để thực hiện thành công Đề án?

Đồng chí Phạm Chí Thành: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan thường trực của Đề án, làm đầu mối trong công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và các nhà xuất bản khác trong công tác tổ chức thực hiện Đề án. Để thông tin rộng rãi về chủ trương, phương thức tổ chức thực hiện Đề án, Nhà xuất bản đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng phóng sự truyền hình tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của Đề án, về một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở các địa phương trong cả nước; đăng tải những bài viết giới thiệu mục đích, ý nghĩa và nội dung sách của Đề án mới xuất bản đến đông đảo bạn đọc trên Tạp chí Nhịp cầu Tri thức, Trang tin điện tử của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan thông tấn, báo chí khác trong cả nước.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn chỉ thực sự đạt được mục tiêu đề ra và phát huy được hiệu quả khi những cuốn sách cung cấp có nội dung thiết thực, sát hợp với nhu cầu, trình độ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân sinh sống ở cơ sở. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức khảo sát, tìm hiểu nhu cầu đọc sách, trình độ của đối tượng tiếp nhận cũng như đặc điểm về lịch sử, địa lý, tự nhiên, kinh tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán... của các vùng miền, địa phương khác nhau; tổ chức hội nghị cộng tác viên với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín và các nhà xuất bản khác để tư vấn và cùng biên soạn sách nhằm xuất bản được những đầu sách thiết thực, hữu ích. Sách do Đề án trang bị có nội dung phổ thông, được biên soạn, biên tập dưới dạng sách cẩm nang “cầm tay chỉ việc”, phổ biến kiến thức, trang bị các kỹ năng cơ bản, văn phong giản dị, ngắn gọn, súc tích để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; hình thức trình bày chân phương, cỡ chữ to, dễ đọc, dung lượng mỏng, khổ nhỏ... Ngoài xuất bản sách giấy, còn xuất bản CD-ROM Sách xã, phường, thị trấn nhằm chuyển tải toàn bộ nội dung các đầu sách đã xuất bản của Đề án thành sách điện tử, tạo thuận lợi cho cán bộ cơ sở và bạn đọc sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin trong quá trình tìm hiểu, tra cứu. Đặc biệt, loại hình sách nói (audio) trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được thực hiện thí điểm.

Đánh giá từ các địa phương cho thấy, sách của Đề án thực sự là những tài liệu bổ ích, cần thiết, đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn; có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, giúp nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực cho cán bộ, đảng viên, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.

P.V: Việc tiếp nhận, quản lý và khai thác, sử dụng sách của Đề án đã được các địa phương thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả của Đề án?

Đồng chí Phạm Chí Thành: Qua báo cáo của các tỉnh, thành ủy và qua khảo sát tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ cho thấy, hằng năm, các địa phương cơ bản đã tiếp nhận đủ số lượng sách trang bị của Đề án. Hầu hết xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng Quy chế bảo quản, sử dụng sách; quan tâm xây dựng, tu bổ nhà văn hóa, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn để làm nơi lưu giữ, bảo quản sách; lập sổ quản lý sách được cấp phát và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân khai thác, sử dụng; phân công cán bộ theo dõi, quản lý sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sách, hạn chế tình trạng làm mất, làm hỏng sách. Các hình thức khai thác, sử dụng chủ yếu là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà; những nơi có máy tính kết nối internet thì có thêm hình thức tra cứu sách, tài liệu qua mạng internet, sách điện tử.

Ở nhiều địa phương đã xuất hiện một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả như: sách sau khi tiếp nhận được giao trực tiếp cho cán bộ tư pháp xã quản lý; có nơi giao cho cán bộ thanh tra nhân dân quản lý; có nơi giao cho những người dân tâm huyết với sách quản lý. Điển hình cho cách quản lý, sử dụng sách này là mô hình xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, giao cho một giáo viên đã nghỉ hưu tình nguyện quản lý tủ sách. Ngoài số sách của Đề án, người giáo viên hưu trí này còn vận động được nhiều cá nhân, tổ chức tặng thêm sách cho tủ sách. Một số địa phương có điều kiện về cơ sở hạ tầng đã bố trí phòng đọc riêng, trang bị bàn ghế, cấp thẻ, lập sổ theo dõi việc cán bộ và nhân dân đến đọc, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu. Nhiều nơi, không chỉ cán bộ quản lý sách, mà những người đến đọc sách, mượn sách cũng thể hiện sự trân trọng đối với sách, luôn có ý thức giữ gìn sách để sử dụng hiệu quả hơn. Có địa phương đã tổ chức tốt việc luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, làng, bản, thôn, ấp để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân; quy định cán bộ, đảng viên của xã hằng tuần đọc sách, báo vào sáng thứ hai, sau đó mới tổ chức giao ban đầu tuần; định kỳ mỗi tháng các cán bộ, đảng viên tự lựa chọn một nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ của bản thân để nghiên cứu, học tập từ sách, báo, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của địa phương, đơn vị,...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai Đề án vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của Đề án, nên dù đã tiếp nhận sách nhưng tổ chức khai thác, sử dụng sách chậm hoặc chưa thực sự quan tâm đến công tác thông tin, giới thiệu nội dung sách tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Không ít xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc; cán bộ được phân công quản lý, khai thác, sử dụng sách đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có ý thức tự học, tự nghiên cứu và chưa hình thành thói quen đọc sách.

P.V: Từ hiệu quả của Đề án trong giai đoạn vừa qua, xin Đồng chí cho biết phương hướng thực hiện Đề án trong những năm tới?

Đồng chí Phạm Chí Thành: Để phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đang tiến hành tổng kết Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn từ năm 2009 đến 2016, báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng. Kết quả của các Đoàn khảo sát trực tiếp tại các địa phương và báo cáo của các tỉnh, thành ủy gửi về Hội đồng Chỉ đạo Đề án cho thấy các địa phương đều có nguyện vọng chung là mong muốn Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục chủ trương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn, nhằm tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế,... cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh loại hình sách giấy, cần bổ sung thêm các loại hình sách nói, sách điện tử, lập website thư viện điện tử sách của Đề án để khai thác, tận dụng hiệu quả sức lan tỏa của internet, thiết bị điện tử thông minh trong việc tìm hiểu, tra cứu.

de an 166a

Hiện nay, trước sự phát triển của truyền thông và công nghệ thông tin, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở có điều kiện tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có rất nhiều nguồn thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn xác được phát tán qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là qua hệ thống mạng xã hội. Đồng thời, trên thị trường xuất bản hiện nay có nhiều loại sách chất lượng chưa bảo đảm, kiến thức, thông tin chưa được biên soạn, biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì Đề án là để sách của Đề án trở thành nguồn thông tin chính thống, chất lượng của Đảng, Nhà nước cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.

Tổ chức thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15-12-2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 05-9-2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Thông báo kết luận số 19-TB/TW, ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Với ý nghĩa thiết thực, hiệu quả cũng như tầm quan trọng của Đề án trong việc nâng cao trình độ nhận thức, bổ sung, cập nhật kiến thức mới và chăm lo cho đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, tôi tin tưởng rằng, sức sống, sức lan tỏa của Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục được củng cố và mở rộng, tiếp tục nhận được sự đón đợi của đông đảo đối tượng tiếp nhận.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

Bình luận