Báo chí nhân văn trên nền tảng đạo đức và pháp luật

Ngày đăng: 21/06/2017 - 08:06

Nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 92 năm hình thành, cống hiến và phát triển. Trong hơn chín thập kỷ đó, biết bao thế hệ những người làm báo đã phát triển, trưởng thành, trách nhiệm và công tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin, phản biện xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới thông tin hiện đại, sức tác động của nền kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã và đang là những hồi chuông diết gióng, đòi hỏi sự chung tay răn đe, xử lý, ngăn chặn bằng pháp luật và giáo dục thức tỉnh lương tri của cả cộng đồng.

bao chi 2162017

Một nền báo chí cách mạng, chính trực, nhân văn

Hiện nay, Việt Nam có một lực lượng báo chí hùng hậu với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang làm việc tại gần 900 cơ quan báo chí thuộc các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Lực lượng này đang hằng ngày, hằng giờ chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ đến với hơn 94 triệu người dân.

“Nhà báo” là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá. Trải qua chặng đường lịch sử 92 năm, chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng chính trực, nhân văn, được xây đắp nên bởi những người làm nghề chính trực, đầy trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Họ hằng ngày, hằng giờ âm thầm dấn thân với nghề, vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải trên đời, góp phần xây dựng một nền báo chí vì con người và tôn trọng con người. Không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực trong đấu tranh cách mạng, đa số người làm báo Việt Nam luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, thể hiện sáng ngời tinh thần cống hiến, hy sinh vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân. Sản phẩm báo chí của họ là vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, báo chí luôn là lực lượng tiên phong, cổ vũ nhân rộng các điển hình tiên tiến, phản ánh thực tiễn sinh động, phát hiện, đề xuất nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội để Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung đường lối, chủ trương, chính sách. Báo chí kịp thời phê phán những quan điểm sai trái, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Đặc biệt là những người chiến sĩ xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng, đội ngũ người làm báo Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Nhiều nhà báo và tập thể cơ quan báo chí đã thể hiện phẩm chất dấn thân, quả cảm, kiên quyết đấu tranh vì công lý và lẽ phải, theo đuổi tới cùng để góp phần xử lý có hiệu quả những vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Những biểu hiện tha hóa đạo đức nghề nghiệp

Bên cạnh những đóng góp to lớn và đáng tự hào đó, việc rèn luyện phẩm chất, năng lực người làm báo Việt Nam cũng vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, bất cập sau đây: một số cơ quan báo chí, nhà báo thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hóa, chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; khai thác thông tin nước ngoài, trên mạng xã hội thiếu chọn lọc; chưa chú trọng phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; chậm đổi mới, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa làm chủ được dư luận xã hội. Một số nhà báo chưa làm chủ được công nghệ mới. Chưa có những chế tài đủ mạnh để khắc phục triệt để những sai phạm trong hoạt động báo chí.

Đáng lo ngại nhất, trước những thách thức thời cuộc, một bộ phận người làm báo đã vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tha hóa với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau. Đó là hiện tượng nhà báo thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng dẫn đến thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật; đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hóa, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Đó là tình trạng nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi...

Những con số về cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm bị xử phạt, xử lý kỷ luật và truất quyền hành nghề thời gian qua đã cho thấy rõ thêm rằng vấn đề đạo đức người làm báo đã đến mức báo động. Có những trường hợp sai phạm là do vô tình, năng lực tác nghiệp non kém, nhưng cũng có trường hợp cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí.

Trong những hành vi không chuẩn mực, có hành vi vừa vi phạm đạo đức vừa vi phạm pháp luật. Có nơi, hầu như các hoạt động của tòa soạn đều hướng theo mục đích gia tăng lượng độc giả, tìm mọi chiêu thức để làm “nóng” sự việc, rút tít giật gân, ly kỳ, “sốc, sến, sex”, chăm chăm vào chuyện “tiền, tình, tù, tội”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án… Những kiểu tin, bài như vậy tạo cho công chúng cảm giác bức bối, làm ô nhiễm môi trường tinh thần, văn hóa xã hội và ngôn ngữ tiếng Việt.

Trầm trọng nhất chính là vi phạm tính chân thực của báo chí. Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là tính trung thực. Chân thực không có nghĩa là miêu tả tỉ mỉ, đưa hết mọi chuyện lên mặt báo mà là phải chỉ ra đúng bản chất sự việc bằng sự khách quan, công tâm… Thế nhưng, trong quá trình tác nghiệp vẫn có hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai bản chất, có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức… Những hiện tượng báo chí tiêu cực đó đang góp phần làm lung lay giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, sụt lở niềm tin xã hội. Bản thân báo chí đã và đang phải chịu những thách thức lớn trước sự lấn lướt của mạng xã hội, nay lại còn bị suy giảm, thậm chí mất niềm tin bởi những trang báo thiếu trung thực, độc giả phải tự tìm kiếm thông tin trong biển thông tin xô bồ, hỗn tạp. Đó là điều rất nguy hại.

Một số nhà báo ảo tưởng về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép doanh nghiệp, để kẻ xấu lợi dụng… Khi người làm báo không được rèn luyện, tu dưỡng trong môi trường nghề nghiệp chuẩn mực thì dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề cũng kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ, thiếu phẩm chất dấn thân,… dễ dẫn đến sai phạm từ nhỏ tới mức nghiêm trọng.

Điều cần nói thêm là không ít người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật khi hoạt động báo chí nhưng chưa phải là nhà báo được cấp thẻ, chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nên khi xảy ra vụ việc, cơ quan báo chí chỉ chấm dứt hợp đồng lao động là coi như đã “hết trách nhiệm”. Cái gốc vấn đề này chính là chất lượng khâu đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và quản lý những người làm báo ở một số nơi chưa được tốt.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập đó: Thứ nhất, nhiều cơ quan báo chí, cấp ủy đảng cơ quan báo chí chưa thực sự coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo. Thứ hai, trong đội ngũ người làm báo, một số người chưa tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Thứ ba, tác động của kinh tế thị trường đối với người làm báo ngày càng tăng. Thứ tư, sức ép, tác động tiêu cực của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đối với quy trình làm báo truyền thống.

Đạo đức và luật pháp không tách rời nhau

Một nền báo chí nhân văn, tích cực, lành mạnh sẽ có sức mạnh để bảo vệ những giá trị tốt đẹp, bảo vệ lợi ích tối cao của đất nước, quyền lợi thiết thân của người dân. Luật pháp thì bắt buộc, còn quy định đạo đức nghề nghiệp thì có sự ràng buộc về uy tín, đạo đức, tinh thần. Đạo đức và luật pháp không tách rời nhau. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng chính là góp phần xây dựng đạo đức xã hội. Những ngọn bút thiếu đạo đức thì không thể góp phần xây đắp nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí năm 2005 được Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII ban hành đã được 12 năm. Đến nay, tình hình đất nước, đời sống xã hội, đời sống báo chí đã có nhiều thay đổi. Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016 cũng đã có nhiều bổ sung, chỉnh sửa so với trước. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển với tốc lực lớn, công nghệ truyền thông đang tạo ra những cơ hội cùng với những thách thức vô cùng gay gắt đối với báo chí, thì thực trạng vi phạm đạo đức báo chí, xa rời chuẩn mực truyền thống ngày càng đáng lo ngại…

Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh và bổ sung các quy định đạo đức báo chí để phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với sự biến đổi xã hội, tạo ra định ước nghề nghiệp cao hơn, hiệu lực hơn. Một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống báo chí là ngày 15-12-2016, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã thông qua và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2017 cùng với Luật báo chí năm 2016. Đây là kết quả tốt đẹp của một đợt thảo luận đóng góp ý kiến sôi nổi từ các cấp hội, đồng thời có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các nhà báo lão thành trong cả nước.

Ngay sau khi được ban hành, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã có sức lan tỏa nhanh chóng, được giới báo chí và dư luận xã hội hoan nghênh, đánh giá cao và cho rằng những nội dung mới được điều chỉnh, bổ sung là cần thiết, đúng đắn và kịp thời. Ngày 30-3-2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đồng thời, thời gian vừa qua, trong đợt đổi thẻ hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành rà soát, sàng lọc đội ngũ, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi tổ chức Hội; xem xét khai trừ những hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ, kết hợp với việc thực hiện Luật báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Cho dù dưới định chế của pháp luật hay quy định về đạo đức thì báo chí vừa phải nâng cao tính chiến đấu vừa phải nêu cao tính nhân văn, hướng về con người và tôn trọng con người. Nhìn rộng ra, thế giới hiện đại đang rối bời và mệt mỏi bởi sự hỗn loạn về thông tin. Nhân loại không cần những người thành công bằng mọi giá, bằng cách sẵn sàng làm tổn hại lợi ích chung, làm tổn thương người khác, mà cần những con người có thể xoa dịu những nỗi đau, an ủi và hàn gắn những vết thương…

Báo chí đang đứng trước nhiều thử thách gay gắt. Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu, và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Báo chí trí tuệ, báo chí chân chính vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn. Độc giả, khán giả, thính giả đã và đang phân tâm vì thông tin hỗn loạn, xô bồ; vì thế nhu cầu thông tin trí tuệ, thấu hiểu, xây dựng, vượt lên thông tin xô bồ, hỗn tạp vẫn là nhu cầu cơ bản… Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí của chúng ta vẫn kiên định theo hướng đi này với niềm tin rằng công chúng sẽ không quay lưng.

Rèn luyện phẩm chất, năng lực người làm báo - nhân tố quyết định

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy sáng lập và dìu dắt báo chí cách mạng Việt Nam - là người đặt nền móng cho những tư tưởng lãnh đạo báo chí, đào tạo và rèn luyện đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam. Trong di sản tư tưởng của Người, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí là di sản vô giá đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam (16-4-1959), Người khẳng định “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”, đồng thời nhấn mạnh “Làm báo thì chính trị phải đi đầu. Chính trị đúng thì đường lối mới đúng”. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Về việc rèn luyện, nâng cao năng lực, Người căn dặn các nhà báo: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”.

Trong quá trình lãnh đạo báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam, coi đây là yêu cầu có tính quyết định đối với vai trò và hiệu quả của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả đối với hoạt động báo chí, chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ báo chí cách mạng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thực tiễn 92 năm xây dựng và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với quá trình rèn luyện phẩm chất chính trị và rèn luyện năng lực nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo cách mạng. Phẩm chất của người làm báo là phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, bao gồm các yếu tố: yêu Tổ quốc, gắn bó với nhân dân; trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng sản, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, vì lợi ích của đất nước và nhân dân; trung thực, công tâm, yêu nghề và dám xả thân vì nghề. Năng lực của người làm báo là năng lực chuyên môn nghề nghiệp, bao gồm bản lĩnh nghề nghiệp, các kỹ năng tác nghiệp, thực hành nghề báo để hoàn thành vai trò và nhiệm vụ của cơ quan báo chí, của người làm báo. Hai yêu cầu này đối với người làm báo luôn gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, nói rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam, là nói cả một quá trình hòa quện khăng khít của hai bộ phận cấu thành tư chất, đẳng cấp của mỗi người làm báo.

Sự phát triển có tính đột phá của công nghệ thông tin, truyền thông vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn đối với xã hội và báo chí. Số người sử dụng internet của Việt Nam đã lên tới 59 triệu người, chiếm hơn 62 % số dân, số người sử dụng mạng xã hội (chỉ tính riêng facebook) là gần 36 triệu người, một con số khá cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong thời đại truyền thông - kỹ thuật số hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của internet và sự lấn lướt của mạng xã hội, trước đòi hỏi ngày càng cao của công chúng và của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ người làm báo Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều đó đặt lên vai người làm báo Việt Nam một trách nhiệm xã hội nặng nề và nghĩa vụ công dân cao cả; đòi hỏi người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp vững vàng.

Để nâng cao phẩm chất và năng lực của người làm báo Việt Nam trong tình hình mới, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Trước hết, trong tình hình hiện nay, các cấp ủy đảng, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa nguyên tắc chỉ đạo có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động báo chí: Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là: phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, để từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí đối với xã hội.

- Thứ hai, tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí và người làm báo; xác định rõ trách nhiệm chính trị của báo chí và người làm báo là góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, vừa có tính chiến đấu vừa có tính nhân văn, định hướng tư tưởng..., kiên quyết loại bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

- Thứ ba, người làm báo và cơ quan báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; tạo diễn đàn để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; phải dựa vào quần chúng, tạo điều kiện để quần chúng tham gia, giám sát, đánh giá hiệu quả của báo chí, coi báo chí là phương tiện để quần chúng thực hiện quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận đúng pháp luật.

- Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông, trong đào tạo cần quan tâm hơn nữa vấn đề phẩm chất, đạo đức người làm báo; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước; kết nối chặt chẽ các khâu: đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng - rèn luyện nhà báo trong một hệ thống liên hoàn, gắn kết.

- Thứ năm, các cơ quan báo chí tích cực xây dựng và phát triển theo hướng đa phương tiện. Kịp thời cập nhật kiến thức mới, ứng dụng thành tựu công nghệ truyền thông thế hệ mới trong các khâu của hoạt động báo chí, không ngừng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình, sản phẩm báo chí, tăng sức cạnh tranh, xây dựng một lực lượng báo chí, truyền thông đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với những luồng thông tin xấu độc, có hại đối với lợi ích của đất nước và nhân dân, vươn lên làm chủ dư luận xã hội.

- Thứ sáu, các cơ quan báo chí phối hợp với các cấp hội nhà báo tăng cường quản lý chặt chẽ đội ngũ những người làm báo thuộc cấp mình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan báo chí và tổ chức hội nhà báo, yêu cầu người làm báo thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; chú trọng rèn luyện cả về phẩm chất và năng lực trong quá trình tác nghiệp.

- Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm Luật báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao tính hiệu lực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề báo, kịp thời khen thưởng những gương tốt, điển hình tiên tiến, đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Nhà báo Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, trong đó cơ bản nhất là quyền hành nghề đúng pháp luật, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất. Thời gian gần đây, ngay sau khi xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở, bị đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các cơ quan chức năng và các cấp có trách nhiệm khẩn trương xác minh, làm rõ bản chất, yêu cầu xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.

Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều có cách làm riêng của mình để phụng sự và để tồn tại, vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên số, và trước áp lực tự quản, tự chủ về tài chính... Nhưng những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có giá trị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp phải luôn được tuân thủ, thực hiện nghiêm túc. Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực, va đập của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì cùng với tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí càng phải được đề cao.

Nhà báo HỒ QUANG LỢI

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận