Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của các cơ quan Đảng hiện nay
Cải cách thủ tục hành chính trong trong hoạt động của các cơ quan Đảng là nội dung quan trọng, là quá trình liên tục, đặt trong tổng thể cải cách hành chính của hệ thống chính trị nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là cải cách thủ tục trong công tác xây dựng và ban hành văn kiện của cấp ủy các cấp; trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền nhà nước; trong công tác cán bộ của các cấp ủy; trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Thực tế, trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng đã được các cấp ủy tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định: công tác xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo của Đảng từng bước được chuẩn hóa góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; các thủ tục hành chính ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, được công khai, minh bạch; thủ tục hành chính được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng cũng còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra như: Quy trình, thủ tục ban hành văn bản ở một số lĩnh vực chưa bảo đảm tính khoa học, chưa có sự thống nhất; tiến độ rà soát xây dựng thủ tục hành chính của các cơ quan khối Đảng còn chậm; các thủ tục hành chính trong việc xin ý kiến của cấp ủy chưa rõ, việc hiểu và thực hiện không nhất quán; chưa xác định rõ nội dung, yêu cầu của từng loại thủ tục hành chính trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng. Việc cụ thể hóa những quy định, hướng dẫn của Trung ương vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cấp ủy còn chậm. Công tác quản lý và khai thác hồ sơ đảng viên, tổ chức đảng trong nhiều tổ chức đảng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, cập nhật, bổ sung.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác rà soát và hoàn thiện các văn bản quy định về thủ tục hành chính
Thời gian qua, một số cơ quan, tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đã tích cực rà soát các văn bản về thủ tục hành chính. Song nhìn chung công tác này tiến hành còn chậm. Để thực hiện có hiệu quả, các cơ quan, tổ chức đảng và cấp ủy các cấp cần phải căn cứ vào sự phân định thẩm quyền của các cơ quan hành chính Đảng để tiến hành rà soát, phát hiện những quy định trái với chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ban hành không đúng thẩm quyền, cần bãi bỏ; hệ thống hóa các thủ tục hành chính Đảng nằm rải rác, tản mạn để đưa vào một văn bản thống nhất; xây dựng đề án soạn thảo văn bản khung về thủ tục hành chính nhằm thống nhất khái niệm thủ tục hành chính trong Đảng và điều chỉnh chung các quan hệ phát sinh trong quá trình tiến hành các thủ tục hành chính.
Các cơ quan hành chính Đảng từ Trung ương đến cơ sở theo thẩm quyền của mình rà soát lại các quy định về thể chế hành chính đang áp dụng trong quản lý hành chính Đảng, cũng như trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Trước mắt cần tập trung soát xét các thủ tục đã được Trung ương Đảng nêu trong Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị Về cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng, đó là: xây dựng và ban hành văn kiện của cấp ủy các cấp; hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội và Chính phủ; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; hoạt động lãnh đạo, quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng.
Việc xem xét bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, hoặc giữ nguyên các văn bản của cấp ủy các cấp cần được cân nhắc kỹ, thận trọng, lấy ý kiến dân chủ, bao gồm ý kiến của tổ chức và cán bộ, công chức, đảng viên có trách nhiệm giải quyết công việc và ý kiến của cá nhân, tổ chức bị tác động bởi các văn bản đó. Việc lấy ý kiến được tiến hành qua các hình thức như: Trao đổi trực tiếp, góp ý kiến qua thư, điều tra xã hội học hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, công bố rộng rãi trên báo chí một số thủ tục dự kiến bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc sắp ban hành.
Sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc xử lý, công khai công bố các quy định về thủ tục hành chính đã được điều chỉnh để các cơ quan, người có liên quan biết để thực hiện.
Thứ hai, quy trình hóa và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn kiện của cấp ủy các cấp
Cải cách hành chính trong Đảng không chỉ đơn giản là cắt bỏ, lược bớt những khâu, những thủ tục, quy trình phức tạp, rườm rà không cần thiết, mà còn phải bổ sung, phát triển, hoàn thiện những quy chế, quy định, quy trình làm việc để thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong Đảng, bảo đảm sự thông suốt trong hoạt động của hệ thống tổ chức đảng. Chính yêu cầu này đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình tiến hành các hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng một cách khoa học, dân chủ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Quy trình giải quyết các thủ tục hành chính trong đảng là những quy định, hướng dẫn về mặt thủ tục có liên quan nhằm giải quyết công việc theo một trình tự nhất định, đúng thời hạn, đúng thẩm quyền. Việc xây dựng quy trình chung thống nhất giải quyết các thủ tục hành chính có ý nghĩa thiết thực, giúp cán bộ chuyên trách cũng như cá nhân, tổ chức giải quyết công việc thuận lợi, đạt kết quả mong muốn, tiết kiệm thời gian. Cải tiến quy trình công tác theo hướng phải khoa học hóa các mặt công tác đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, giảm thời gian chờ đợi, xử lý công văn đi, đến, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trả lời chất vấn trong Đảng, hoàn thiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên, quản lý đảng viên, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ, văn bản, biểu mẫu công tác đảng, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn hoá ứng xử của cán bộ, đảng viên...
Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của các cơ quan ban hành thủ tục hành chính. Cơ quan có thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính để giải quyết công việc trong quản lý hành chính, cũng như việc giải quyết công việc của đảng viên trên nguyên tắc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền do Điều lệ Đảng và các văn kiện của Đảng quy định. Đồng thời, các cơ quan đảng cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các thể chế đã được công bố.
Thứ ba, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức đảng và bố trí cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính trong Đảng
Các cơ quan đảng tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần bố trí tăng cường cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, hiểu biết quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, liêm khiết, có tác phong, thái độ nghiêm chỉnh và có năng lực giúp cấp ủy và thủ trưởng cơ quan thực hiện thủ tục hành chính. Cán bộ tiến hành thủ tục hành chính có trách nhiệm hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng về hồ sơ, điều kiện, thủ tục hành chính cho người có nhu cầu giải quyết công việc.
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, công chức trong việc tiếp nhận giải quyết các yêu cầu, các đơn thư khiếu tố của quần chúng và đảng viên để đảm bảo yêu cầu không bị đùn đẩy từ cơ quan này sang cơ quan khác. Bên cạnh đó, các cơ quan đảng cấp trên theo dõi sát sao, giám sát, kiểm tra chặt chẽ các cơ quan cấp dưới trong việc quy định và thực hiện các thủ tục hành chính. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát này có thể là trực tiếp hay theo chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan cấp dưới.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan đảng từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin
Cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những yếu tố góp phần thành công của hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Nó có mối quan hệ mật thiết với chất lượng và hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của Đảng, đảng viên. Cơ sở vật chất bao gồm phòng làm việc, đồ dùng, các trang thiết bị, máy móc,… Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Công nghệ thông tin hiện nay đã được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và nó đem lại hiệu quả rất cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là nhu cầu mang tính khách quan, thể hiện được tính khoa học, tính hiện đại trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng./.
ThS. Lê Hoàng Trang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực