Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh: quan điểm của đảng và giải pháp thực hiện
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt của chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”1. Xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực, nhất là, kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, tiếp tục thực hiện các mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra; đồng thời, bổ sung và phát triển phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy sắc sảo của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn là quy luật khách quan, chủ trương nhất quán của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng với đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, khái quát, đúc rút bài học kinh nghiệm lãnh đạo đất nước thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới. Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục phát triển: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân...”1. Theo đó, nội hàm của mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội được mở rộng, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực xã hội. Mặt khác, nó là sự phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về nội dung, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong khi kinh tế vẫn là yếu tố quyết định đến việc củng cố quốc phòng, an ninh, thì ở chiều ngược lại, tăng cường quốc phòng, an ninh không những tạo tiền đề chính trị cho kinh tế phát triển, mà còn tạo tiền đề cho văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Mối quan hệ biện chứng giữa các mặt này là vấn đề có tính quy luật trong quan điểm “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều này tiếp tục được khẳng định, bổ sung, hoàn thiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đó là: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh”1. Đến đây, một lần nữa khẳng định, tính phụ thuộc và tác động trở lại của quốc phòng, an ninh đối với việc tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Sự kết hợp này vừa là nội dung cơ bản của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vừa là nhân tố trọng yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở nước ta hiện nay. Nếu giải quyết thấu đáo, hài hòa, đồng bộ mối quan hệ này, tất yếu sẽ giải đáp được bài toán củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng cho các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất phù hợp. Ngược lại, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ này thì tất yếu làm nảy sinh những hệ lụy xấu, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan điểm này cho thấy, bảo vệ Tổ quốc không còn bó hẹp trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh mà được mở rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,... Tăng cường quốc phòng, an ninh phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, phải tạo được một môi trường hòa bình, ổn định, trật tự và an toàn xã hội, tạo điều kiện cho mọi công dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lấy đó làm điểm tương đồng trong nhận thức và hành động bảo vệ Tổ quốc của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
Trong hơn 30 năm đổi mới, nước ta phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở cho xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh bằng chính khả năng của nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả Trung ương và địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gắn kết với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Nhờ đó, khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố) từng bước được xây dựng vững chắc. Trong quá trình xây dựng khu vực phòng thủ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên chú trọng tăng cường các tiềm lực, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng quy hoạch kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn có những mặt yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu gắn phát triển kinh tế với bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, ở một số ban, ngành, địa phương, cơ quan, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ. Ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương chưa chủ động, tích cực, hoạt động thiếu đồng bộ, cơ chế chưa phù hợp; nội dung, phương thức gắn kết chậm đổi mới; phê duyệt, ký kết các dự án đầu tư nước ngoài chưa có cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, nên một số chương trình, dự án sau khi xây dựng xong đã ảnh hưởng không nhỏ đến thế trận quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương của một số cơ quan quân sự chưa chủ động, chưa thực sự có hiệu quả và tính dự báo hạn chế. Những tồn tại trên đã ảnh hưởng không ít đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, thậm chí đã có lúc, có nơi sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu, phá hoại.
Để thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn cả lý luận và thực tiễn. Về lý luận, cần nhận thức rõ kinh tế và quốc phòng - an ninh là hai lĩnh vực khác nhau, vận động theo quy luật riêng, nhưng chúng có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cơ sở, nền tảng cho quốc phòng - an ninh. Quốc phòng - an ninh được tăng cường có tác động tích cực trở lại, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, không phải cứ có kinh tế mạnh là sẽ có quốc phòng - an ninh mạnh, mà phải thông qua thực hiện sự gắn kết hai lĩnh vực đó một cách chủ động, có ý thức, theo kế hoạch thống nhất. Đây là điểm rất mới trong việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay. Hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ, là điều kiện và cơ sở của nhau. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Do đó, các cấp cần chủ động, tích cực bồi dưỡng, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết và các quan điểm của Đảng để nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Việc tổ chức thực hiện phải chặt chẽ, nghiêm túc, năng động hơn với một tư duy đổi mới toàn diện, đồng bộ, nhất quán cả về chủ trương, quan điểm, nội dung, phương thức và giải pháp thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ở nước ta hiện nay được đặt ra những yêu cầu sau đây: (1) Trong khi định ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế phải quán triệt đường lối chính trị, quan điểm quốc phòng toàn dân của Ðảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững trật tự, hòa bình, ổn định về các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội; không ngừng tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần tích cực tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng tự bảo vệ ở từng cơ sở, địa phương, để nếu tình thế bắt buộc nổ ra chiến tranh nhanh chóng chuyển thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. (2) Xây dựng quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn hòa bình, tạo điều kiện an ninh thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Dựa vào sự phát triển kinh tế của đất nước, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng, thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội, kịp thời tận dụng những thành tựu mới nhất để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân sự. Sử dụng hợp lý mọi tiềm năng của các lực lượng vũ trang làm kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong các hoạt động quốc phòng. Duy trì ổn định quan hệ hợp lý giữa các tổ chức chuyên ngành quân sự với các hoạt động xã hội khác, tạo thành cơ cấu khoa học, hợp lý về phân công lao động xã hội.
Từ những yêu cầu cơ bản nêu trên, trong việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ở nước ta hiện nay, chúng ta cần nắm những quan điểm sau đây:
Một là, giải quyết tốt mối tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng; chủ động ngăn ngừa và loại trừ ngay từ đầu mưu toan lợi dụng hoạt động kinh doanh để lấn át về chính trị - xã hội, nhưng không vì thế mà gây cản trở giao lưu, phát triển kinh tế. Ðây là quan điểm cơ bản và bao trùm nhất của chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Muốn đạt được sự tăng trưởng kinh tế theo hướng củng cố độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải lấy lợi ích kinh tế là động lực, phát triển kinh tế làm cơ sở, bảo đảm quốc phòng - an ninh là điều kiện. Không đánh giá đúng mối tương quan giữa ba yếu tố trên để có một quan điểm kết hợp kinh tế quốc phòng - an ninh bảo đảm sự hài hòa các lợi ích ở từng cơ sở, địa phương, đến cả nước, thì lực lượng sẽ rất phân tán, nói nhiều đến kết hợp, nhưng kết hợp vẫn không đi được vào cuộc sống. Trong xây dựng kinh tế, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân cải thiện đời sống, nâng cao quyền làm chủ của mình, thấy rõ tính hơn hẳn của chế độ, từ đó, kiên quyết bảo vệ chế độ. Trong hoạt động quốc phòng - an ninh, cần nâng cao tư tưởng và kiến thức của mỗi người, để thấy rõ trong lợi ích dân tộc và chế độ, có lợi ích của chính mình, qua đó, tự nguyện, tự giác phấn đấu vừa là chiến sĩ kiên cường bảo vệ Tổ quốc, vừa là người lao động tốt. Ðây là biện pháp cơ bản để khắc phục nhận thức, quan niệm không đúng: coi quốc phòng - an ninh là hy sinh lợi ích cá nhân, là gánh nặng phải thực hiện, kết hợp kinh tế với quốc phòng là sự áp đặt phải làm cho nên thiếu tự giác, chủ động.
Hai là, phải linh hoạt, cụ thể trong việc vận dụng kết hợp kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ như: cải thiện đời sống nhân dân, tích lũy để phát triển và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từng lĩnh vực, từng ngành, từng cơ sở phải linh hoạt, phải từ những yêu cầu cụ thể về quốc phòng - an ninh mà chọn ra cách thực hiện kết hợp cả ba loại nhu cầu: cải thiện đời sống nhân dân; tích lũy để phát triển, mở rộng quan hệ với bên ngoài; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cách tốt nhất, có hiệu quả nhất là cách làm “một công hai, ba việc”, đưa yêu cầu quốc phòng - an ninh trở thành phương hướng phát triển tất yếu của từng hoạt động kinh tế - xã hội. Nghệ thuật kết hợp hai lợi ích kinh tế - quốc phòng là xác định cho đúng vị trí ưu tiên trên quan điểm cơ bản lâu dài là: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phát triển kinh tế mà tăng cường kinh tế cho quốc phòng - an ninh.
Ba là, bảo đảm chi tiêu cho quốc phòng - an ninh phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời thực hiện các yêu cầu của quốc phòng - an ninh. Một bộ phận quan trọng các chi phí để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải trở thành chi phí nội tại trong mỗi hoạt động kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của toàn dân. Ngân sách quốc phòng chỉ dành riêng cho những chi phí thuần túy quân sự. Ðiều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu tư thực hiện các yêu cầu quốc phòng.
Bốn là, quân đội phải trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh là công việc của toàn Ðảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nhưng quân đội phải là lực lượng nòng cốt, vừa bảo vệ các thành quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ sự ổn định chính trị - xã hội, đập tan mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa..., vừa xác định làm kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài của quân đội.
Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi quân đội ta tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
giảng dạy lý luận chính trị và báo chí - truyền thông
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực