Bàn về hiện tượng "chảy máu chất xám"*
Nhiều năm qua, "chảy máu chất xám" được coi là một hiện tượng phức tạp, buộc nhiều quốc gia cần xem xét và điều chỉnh, từ đó có chính sách, biện pháp khắc phục. Bởi, dù thế nào thì trong thế giới hiện đại, sự phát triển của mỗi quốc gia luôn cần tới vai trò của tri thức, trí tuệ. Ở đây, vấn đề đặt ra cho mỗi người lao động trí óc là tâm nguyện cống hiến cho Tổ quốc, là sự đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của đất nước; bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện tốt nhất để các chủ nhân của "chất xám" sống và cống hiến một cách tốt nhất.
1. Lâu nay, khi nói về tình trạng chảy máu chất xám, người ta vẫn thường hình dung về việc nguồn chuyên gia, nhân lực khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ từ các nước có mức sống thấp, rời bỏ Tổ quốc, sang sinh sống tại những quốc gia có điều kiện để hoạt động khoa học, có chế độ đãi ngộ cao hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phương Tây (theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này bao gồm cả các quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển của Liên minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ...). Điều này là không thể phủ nhận, và chỉ nhìn vào danh sách những người đoạt giải thưởng Nobel cũng có thể thấy rõ. Tính từ khi được thành lập vào năm 1911 đến nay, giải thưởng Nobel đã được trao trong 109 "mùa" với hơn 800 cá nhân, tổ chức được nhận thuộc các lĩnh vực Vật lý, Văn học, Kinh tế, Hóa học, Hòa bình và Y học.
Như vậy, ngoại trừ giải Nobel Hòa bình mà dường như là thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của đời sống chính trị, giải Nobel Văn học là giải thưởng duy nhất thuộc lĩnh vực nghệ thuật, còn lại, giải Nobel chủ yếu là một giải thưởng hướng tới lĩnh vực khoa học. Căn cứ theo danh sách những quốc gia sở hữu nhiều giải thưởng Nobel nhất trong tất cả các lĩnh vực, đứng đầu vẫn là các quốc gia phương Tây: Anh (116 giải), Đức (102), Pháp (65) và nhiều nhất là Hoa Kỳ (337 giải). Ở những quốc gia này đã thật sự tạo nên một môi trường tốt cho các hoạt động nghiên cứu khoa học (tạm thời không nói đến các hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật, bởi lĩnh vực này vận hành theo những lôgíc khác). Lấy riêng trường hợp Hoa Kỳ, trong số hơn 300 giải thưởng dành cho các công dân quốc gia này, có đến 82 trường hợp trao cho những công dân sinh ra tại những quốc gia khác tới sinh sống tại Hoa Kỳ, chiếm gần 25%. Đấy là chưa nói tới trường hợp công dân mới nhập cư tại Hoa Kỳ trong khoảng một, hai thế hệ mà dấu vết "cố quốc" vẫn còn có thể nhận biết qua tên tuổi của họ. Chỉ riêng việc đó cũng đủ nói lên sức hút mạnh mẽ đến mức nào của Hoa Kỳ đối với những bộ óc đến từ các quốc gia khác. Quy luật này cũng đúng với những lĩnh vực khác như kinh tế, kỹ nghệ, nghệ thuật. Một hiện tượng rõ nét là nhiều quốc gia phát triển đã trở thành "đất hứa" thu hút nghệ sĩ, chuyên gia, khoa học gia, trí thức từ những quốc gia đang hoặc chậm phát triển. Tất nhiên, cuộc sống tại "đất hứa" ra sao lại là chuyện hoàn toàn khác.
2. Có một câu hỏi đặt ra, liệu tình trạng chảy máu chất xám có phải chỉ giới hạn trong một hiện tượng có thể nhìn thấy được nói trên? Đầu năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta đã tổng kết hơn mười năm hoạt động của Đề án 322, một đề án được hình thành vào năm 2000 với mục tiêu là đào tạo cán bộ tại những cơ sở giáo dục nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước với những ngành mà Việt Nam thiếu hoặc chất lượng chưa đạt chuẩn quốc tế. Trong mười năm hoạt động của Đề án, với một nguồn ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng (theo nguồn công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo), 7.129 ứng viên trúng tuyển đã được gửi đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có 3.838 tiến sĩ, 2.042 thạc sĩ, 416 thực tập sinh và 833 cử nhân. Cũng theo nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 95% số lưu học sinh đã về nước đúng thời hạn và đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, 2% số lưu học sinh được chuyển tiếp lên các cấp học cao hơn, và chỉ có 3% là không hoàn thành nhiệm vụ, trở về muộn hoặc không trở về. Nhìn một cách tổng thể, Đề án 322 là một minh chứng thể hiện những nỗ lực của Nhà nước ta trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm tính công bằng về cơ hội trong lĩnh vực đào tạo. Nhờ Đề án, ngay cả những nghiên cứu sinh, học viên cao học có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn cũng có thể thực hiện được ước mơ khoa học của mình là được đào tạo tại những cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Những con số nói trên cũng chứng tỏ trách nhiệm cao của các cấp quản lý trong việc chống thất thoát nguồn kinh phí dành cho những mục tiêu có tính chiến lược quốc gia, đồng thời, cũng cho thấy quyết tâm của lưu học sinh trong việc trở về phục vụ Tổ quốc. Mặc dù trong quy định có yêu cầu cụ thể về việc bồi thường kinh phí đào tạo nếu lưu học sinh không về phục vụ cơ sở cũ, nhưng rõ ràng, với những lời mời từ những tổ chức khoa học, kinh tế, đào tạo nước ngoài dành cho các tân thạc sĩ, nhất là tân tiến sĩ thì việc bồi thường nguồn kinh phí này không phải là quá khó nếu muốn; vì thế, nếu có sự từ chối từ phía lưu học sinh thì điều đó càng cho thấy trách nhiệm của từng lưu học sinh với đất nước.
Tuy vậy, ngay khi Đề án khép lại, có một vấn đề đã được đặt ra một cách nghiêm túc, là hiệu quả hoạt động nghiên cứu của lưu học sinh sau khi trở về đơn vị công tác cũ. Các con số thống kê mới chỉ nói về việc lưu học sinh hoàn thành nhiệm vụ và trở về, mà chưa có một nghiên cứu đầy đủ và nghiêm cẩn về hiệu quả hoạt động khoa học của các nghiên cứu sinh này (ít nhất là thông qua những công trình khoa học, phát minh và nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, một nguồn dữ liệu hoàn toàn có thể kiểm chứng được). Theo điều tra của một số tờ báo, không ít nghiên cứu sinh sau khi trở về đã phải từng bước "hoãn vô thời hạn" hoặc rời bỏ hẳn hoạt động nghiên cứu khoa học vì nhiều lý do: môi trường khoa học còn bảo thủ, chưa chấp nhận thay đổi đến từ bên ngoài; điều kiện hoạt động khoa học thiếu thốn (thiếu kinh phí nghiên cứu; nghèo nàn cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện...) và đặc biệt là những vấn đề của đời sống vật chất khiến nhiều nhà nghiên cứu phải đặt khoa học sang một bên để lao vào các công việc mưu sinh. Như vậy, vấn đề "chảy máu chất xám" không chỉ là những vết "ngoại thương" khi người được đào tạo rời bỏ Tổ quốc, di dân đến các quốc gia phát triển, mà còn là những vết "nội thương" khi nguồn chất xám chất lượng cao không phục vụ cho các mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, mà nhiều khi bị lãng phí trong những mục đích tầm thường của cuộc sống (nhưng không hề tầm thường với mỗi cá nhân). Nhìn một cách sâu xa, những vết "nội thương" để lại những hậu quả tai hại còn hơn cả những vết "ngoại thương". Bởi lẽ một chuyên gia, một nhà khoa học nếu còn có những liên hệ với đất nước thì đến một lúc nào đó, sau khi vượt qua được những vấn đề trước mắt, họ vẫn có thể có những đóng góp quan trọng cho Tổ quốc. Nhưng nếu một nhà khoa học bị "chết mòn" trong những điều nhỏ nhặt của cuộc mưu sinh hoặc bị những cơ chế bảo thủ, trì trệ trói buộc, thì rất nhiều khả năng, chỉ sau một khoảng thời gian mươi năm, giới khoa học sẽ mất đi một nhà khoa học.
3. Trở lại với một trường đại học hàng đầu của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực khoa học xã hội. Cách đây chưa lâu, một tiến sĩ trẻ xuất thân từ một gia đình trí thức có nhiều đóng góp cho nền giáo dục của nước Việt Nam được đào tạo cao học và nghiên cứu sinh tại những trường đại học hàng đầu thế giới, đã buộc phải từ bỏ cơ sở đào tạo này sau quá trình học tập tại nước ngoài. Điều đáng nói là sau khi trở về, vị tiến sĩ trẻ này đã góp phần thành lập nên một trong những ngành khoa học hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Một trong các lý do phải rời bỏ nơi chị đã dành nhiều tâm huyết, chính là việc nhà trường không dành cho chị bất cứ ưu đãi nào khi vẫn buộc chị phải tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức. Điều này cho thấy con đường "cầm máu" những "vết thương" chất xám cần phải được bắt đầu từ hai phía. Một mặt, như đã được nói, từ phía cơ sở đón nhận người lao động trở về từ nước ngoài, cần phải có một hệ thống chính sách cân bằng được giữa nhiều mặt: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học; cải thiện hệ thống đãi ngộ (cả vật chất lẫn tinh thần) đồng thời với một hệ thống kiểm soát hiệu quả công tác thật sự hữu hiệu, chính xác. Dẫu vậy, vẫn cần phải nói rằng, trong hoàn cảnh của Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào có cùng điều kiện kinh tế - xã hội như Việt Nam, những chính sách theo kiểu "trải thảm đỏ tiếp đón" sẽ mãi mãi có một khoảng cách với các quốc gia phát triển. Đến đây, sẽ lại đặt ra vấn đề từ phía khác. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, đã có không ít giai đoạn chúng ta được chứng kiến cuộc trở về của những trí thức từ những nơi đầy đủ nhất trên thế giới. Đầu thế kỷ XX trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chúng ta đã có một thế hệ trí thức như thế, từ bỏ tất cả, không phải chỉ tiện nghi, không phải chỉ vật chất, đãi ngộ, điều kiện mà quan trọng hơn là từ bỏ cả chính "cái tôi", lột xác về tư tưởng để có thể trở về với dân tộc và Tổ quốc một cách đúng nghĩa. Phải chăng, chính mỗi người trở về hôm nay cũng nên đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã dám từ bỏ những gì để đánh đổi, lấy lại những gì quan trọng nhất làm nên phẩm giá trí thức? Phải chăng, đã đến lúc, tinh thần của Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lương Định Của, Nguyễn Khắc Viện,... một lần nữa cần được nhân lên trong mỗi người lao động trí óc hôm nay?
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực