Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 / 8-8-2017): Bốn đổi thay lớn

Ngày đăng: 10/08/2017 - 09:08

Ngày 8-8-1967 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Vào ngày đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời ở Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước thành viên sáng lập là Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Thái Lan và Xingapo.

Năm mươi năm qua chứng kiến biết bao sự đổi thay trên thế giới và ở khu vực. Những sự đổi thay ấy đều được phản ánh trong quá trình trưởng thành của ASEAN.

10.8.2017 Lan ảnh 1 Bốn đổi thay lớn

Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN ngày 28-7-1995, tại Brunây. Ảnh: TTXVN

Trước hết phải kể đến sự đổi thay từ trạng thái chiến tranh, xung đột triền miên sang hòa bình, ổn định.

ASEAN ra đời trong bối cảnh nước Mỹ ra sức leo thang chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, đồng thời mở rộng chiến sự sang cả Lào và Campuchia. Trong cuộc phiêu lưu này, Mỹ đã chuốc lấy những thất bại ngày càng nặng nề trên chiến trường, phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam ngày một dâng cao, nội bộ nước Mỹ ngày càng bị chia rẽ sâu sắc. Mùa hè năm 1967 trở thành “mùa hè nóng bỏng” với cao trào phản chiến lan rộng khắp nơi. Năm 1968, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam và chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng ở Pari với sự tham gia của cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Một số nước Đông Nam Á bị Mỹ lôi cuốn vào cuộc chiến tranh Việt Nam cảm thấy cục diện khu vực và thế giới đang thay đổi sâu sắc; Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) do Mỹ lập ra sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã hết thời nên cần hình thành một tổ chức nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Đó chính là ASEAN. Một trong những văn kiện quan trọng đầu tiên của ASEAN là Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) được đưa ra vào năm 1971, thể hiện lòng mong muốn theo đuổi chính sách trung lập, không liên kết. Tiếc rằng, ngay sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông, đất nước Việt Nam thu về một mối, tình hình khu vực lại mất ổn định, các nước ASEAN một lần nữa lại bị lôi cuốn vào chính sách của một số nước lớn bao vây, cô lập Việt Nam với cái cớ Quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia giúp nhân dân xứ Chùa tháp thoát khỏi nạn diệt chủng.

10.8.2017 Lan ảnh 2 Bốn đổi thay lớn

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chào mừng Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi Hiệp định Pari về Campuchia được ký kết năm 1991, Đông Nam Á mới có hòa bình, ổn định thực sự. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ở đây không còn tiếng bom rơi, đạn nổ. Đối với mối đe dọa còn lại là tình hình xâm hại chủ quyền của một số quốc gia trong khu vực trên Biển Đông, với Tuyên bố 1992 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, ASEAN đã biểu thị rõ ràng lập trường giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đó là chưa kể những nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định thông qua việc ký Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), thiết lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM +)…

Đổi thay lớn thứ hai là chuyển từ trạng thái chia rẽ, phân liệt sang trạng thái đoàn kết, thống nhất trong sự đa dạng.

Trong thời kỳ “thế giới hai cực” tiến hành “Chiến tranh lạnh” và cả chiến tranh nóng, các nước Đông Nam Á cũng bị chia rẽ theo. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi “thế giới hai cực” không còn, ASEAN từng bước mở rộng, bắt đầu từ việc Việt Nam chính thức gia nhập hiệp hội năm 1995, tiếp đến là Lào, Campuchia, Mianma trở thành thành viên, biến hiệp hội thực sự trở thành tổ chức của cả khu vực Đông Nam Á. Đó là theo chiều rộng. Còn theo chiều sâu là sự nâng cấp hiệp hội lên thành Cộng đồng trên cả ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội vào năm 2015.

Đổi thay lớn thứ ba là chuyển từ trạng thái khép kín và nghèo nàn sang trạng thái rộng mở và phồn vinh.

Trước đây, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa, là thị trường cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ cho các nước thực dân lớn. Sau khi giành được độc lập, nói chung các nước ở đây đều theo đuổi chính sách thay thế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những năm cuối thế kỷ XX, nhiều nước chọn con đường hướng mạnh ra xuất khẩu, thực thi chính sách tự do hóa thương mại, trở thành những “con hổ châu Á”. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, ASEAN hình thành Khu vực Mậu dịch tự do giữa các nước thành viên với nhau (AFTA) và với nhiều nước đối tác, biến Đông Nam Á thành một thị trường, một cơ sở sản xuất đồng nhất với 650 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 2,55 nghìn tỷ USD, đứng thứ 6 thế giới và kim ngạch thương mại đứng thứ 4 thế giới…

10.8.2017 Lan ảnh 3 Bốn đổi thay lớn

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Lễ ký Tuyên bố Cuala Lămpơ năm 2015 về Thành lập Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Ảnh: TTXVN

Đổi thay lớn thứ tư là chuyển từ trạng thái các “quân cờ” sang trạng thái “kỳ thủ” trên “bàn cờ lớn” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhờ vị trí địa - chính trị (nằm ở ngã ba đường từ châu Âu qua Trung Cận Đông và Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương; một khu vực ưu tiên chiến lược của tất cả các nước lớn) và địa-kinh tế (giàu tài nguyên, nằm trên các con đường hàng hải và hàng không sôi động vào loại hàng đầu thế giới), Đông Nam Á luôn được các nước lớn “để mắt” tới, ra sức lợi dụng như những “quân cờ” trên “bàn cờ lớn”. Phù hợp với những chuyển biến kinh tế và chính trị trên toàn cầu và ở khu vực, trong những năm 90 của thế kỷ trước, ASEAN đẩy mạnh chính sách mở cửa với bên ngoài, thiết lập “quan hệ đối thoại” với tất cả các nước lớn, đề xuất sáng kiến thành lập và đóng vai trò dẫn dắt trong Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ADMM+…

Với những chuyển biến trên, ASEAN được đánh giá là một tổ chức khu vực thành công bậc nhất thế giới. Hiệp hội có được vị thế như vậy có lẽ nhờ ở chỗ đã xây dựng và củng cố được sự thống nhất trong đa dạng; phát huy tinh thần tự lực, tự cường quốc gia và khu vực cả về “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”; kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Nắm vững ba phương châm cốt tử đó, Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục tiến bước, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

Tuy Việt Nam mới gia nhập ASEAN 22 năm nay, song cái tên Việt Nam thường xuyên hiện diện trong lịch sử phát triển của hiệp hội trong suốt 50 năm qua. Với việc gia nhập và hoạt động trên tâm thế là một thành viên tích cực của ASEAN, nước ta đã tranh thủ được môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, quan hệ tốt đẹp với các lân bang theo tinh thần “họ hàng xa không bằng láng giềng gần”; có được những đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế, chiếm trên dưới 20% kim ngạch xuất, nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài; nâng cao được vị thế đất nước ở khu vực và trên thế giới; đồng thời có điều kiện tập dượt để hội nhập ngày càng sâu rộng vào ASEM, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều tổ chức khác. Chỉ riêng 4 thành tựu lớn ấy đã chứng minh hùng hồn rằng, gia nhập và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ thân hữu với các thành viên ASEAN là một quyết sách đúng đắn, mang tính chiến lược cần được duy trì và phát huy./.

VŨ KHOAN

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ

Theo báo Quân đội nhân dân ()

Bình luận