Điều kỳ diệu trong phong cách ở cuộc sống đời thường của Bác Hồ
Nói về cuộc sống đời thường của Bác có thể thấy rằng: hình ảnh Bác Hồ ăn sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người, kể cả trong nước và nước ngoài. Điều đó đúng như nữ nghệ sĩ Thụy Điển Bớt Ghít Tađan trong bức điện mừng Việt Nam thống nhất có viết: "Điều thật đặc biệt là Bác Hồ chiếm được trái tim của nhân dân các nước khác nữa, của biết bao người nam, nữ, thiếu nhi. Bác Hồ vẫn sống mãi mãi với chúng ta".
Vậy, vì sao thế? Vì:
Ngoài cái lớn lao cao cả: Bác hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để dân tự do, nước độc lập, mọi người đều bình đẳng, có cơm ăn, áo mặc, được học hành tiến bộ, còn Bác không có chút gì riêng tư cho mình. Hình ảnh Bác Hồ đi vào lòng người bởi vì tuy là lãnh tụ tối cao, nhưng trong cuộc sống đời thường, Người không có biểu hiện một chút gì trước dân chúng cử chỉ của người lãnh tụ, mà Người chỉ có những cử chỉ mộc mạc, dân dã, tự nhiên, vui vẻ, luôn chủ động trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Người không quan dân lễ cách, nhanh chóng rút ra được những điều cơ bản cốt lõi từ các câu chuyện, sự việc trong đời sống hằng ngày. Khi bàn luận hay đề cập đến vấn đề chính trị, Người luôn trình bày, giải thích một cách đơn giản để mọi người nghe dễ hiểu, biến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ tiếp thu. Khi cần tranh luận, Người không nói vòng vo, dùng từ khuôn sáo, sách vở, mà dùng từ ngữ quen thuộc, gần gũi với mọi người, không triết lý dài dòng, khó hiểu. Người quan tâm đến mọi người chẳng những bằng sự quan tâm đến hạnh phúc, đến bát cơm, tấm áo mà đến cả những việc bình thường nhất gắn liền với cuộc sống hằng ngày của mọi người. Và vì quan tâm đến việc bình thường nhất ấy mà ấn tượng về Bác, kỷ niệm về Bác đối với mọi người rất sâu sắc. Đây chính là sự vĩ đại của Bác so với các lãnh tụ cách mạng khác. Bằng những câu chuyện cụ thể được tập hợp lại sẽ giúp mọi người thấy rõ ý nghĩa trên:
Khác với mọi lãnh tụ cách mạng, khi đến thăm các cơ quan, các cấp lãnh đạo ở Trung ương, các nhà máy, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã đầu tiên, không bao giờ Bác tới nhà nghỉ, nhà khách, giảng đường, hay hội trường vì những nơi này thường được mọi người quan tâm thu dọn sạch sẽ, mà Bác thường đến ngay nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, vì những nơi đó mới phản ánh thực chất đời sống của mọi người. Việc làm ấy ở lãnh tụ thì ai cũng cảm động, và chính điều đó đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người.
Vào một buổi sáng, Bác đến Nhà hát Lớn. Bác đến không báo trước và đây cũng là việc làm đặc biệt của Bác, nên ở Bộ Văn hóa cũng như phụ trách nhà hát không ai biết. Bác đi vào tận các công trình vệ sinh, thấy không được sạch sẽ lắm, Bác tỏ ý không hài lòng. Bác hỏi mấy đồng chí nhân viên nhà hát lúc đó đang đi cùng:
- Nhà hát này là nhà hát gì, các chú?
Mọi người bối rối không hiểu ý Bác muốn nói gì, có đồng chí vội đáp:
- Dạ thưa Bác, Nhà hát Lớn ạ.
- À, thế à, vậy mà Bác tưởng là nhà hát lợn.
Bác nói xong, ai cũng hiểu là Bác phê bình nhà hát chưa sạch sẽ. Việc này tưởng như nhỏ nhặt, nhưng thật ra rất quan trọng vì nhà hát chính là nơi thể hiện trình độ văn hoá của một quốc gia.
Một lần, vào ngày mồng hai Tết, Bác đến thăm khu văn công, nhưng vắng ngắt, Bác dạo quanh một vòng, bỗng nghe tiếng đàn nhị réo rắt từ trong một căn nhà lá dội ra, Bác lần bước tới. Vào nhà, Bác đã đứng sát bên cạnh anh Phát đang kéo đàn nhị mà anh chẳng hay biết gì, Bác lên tiếng:
- Hay quá!
Anh Phát vẫn lặng thinh, say sưa với cây nhị. Bác nói tiếp:
- Nghệ sĩ say sưa quá hè?
Tưởng là bạn đến đùa nghịch, anh Phát xẵng giọng:
- Đi đi, chỉ phá quấy người ta.
Bác lại vỗ vai anh như muốn báo cho anh biết là Bác đến thăm. Không ngờ anh vẫn mải mê với cây đàn, gạt tay Bác rồi kêu:
Khổ quá, quấy mãi!
Bác liền quay người đứng trước mặt anh và cúi xuống hỏi:
- Chỉ có mình chú ở nhà thôi à?
Anh liền ngẩng lên nhìn, thình lình quăng cây nhị đi và reo tướng như la làng:
- Bác, trời ơi! Bác Hồ!
Thế đấy, Bác đến với mọi người là như vậy.
Giữa những năm đánh Mỹ, một số nữ anh hùng, dũng sĩ miền Nam thoát khỏi nhà tù Mỹ - ngụy ra Bắc an dưỡng, Bác tới thăm và hỏi một câu thật bất ngờ:
- Hiện nay kinh nguyệt các cháu có đều không?
Nghe Bác hỏi vậy ai nấy oà lên khóc, một nữ chiến sĩ thưa:
- Thưa Bác, do bị tra tấn quá dã man nên chị em chúng cháu người thì mất hàng năm, người thì thất thường.
Bác đã đến gặp đồng chí Bộ trưởng Bộ Thương binh và dặn:
- Với người phụ nữ, kinh nguyệt là hạnh phúc, các chú phải chăm sóc đến những việc ấy cho các chị em1.
Việc thật nhỏ, nhưng lại là sự quan tâm vô cùng lớn lao đối với đời tư của con người. Sự quan tâm này hơn cả cha mẹ đối với con, ông bà đối với cháu chắt. Và vì điều đó mà không ai có thể quên được tấm lòng của Bác. Những người được Bác trực tiếp hỏi han như vậy đúng là một kỷ niệm khắc cốt ghi xương. Một câu nói biểu hiện một nghĩa tình, một việc làm minh chứng cho tấm lòng của Bác.
Mọi người ai cũng mong được gặp Bác và nếu ai đã được gặp Bác, dù chỉ một lần trong giây lát cũng là một diễm phúc lớn trong đời. Bởi vì, bất kỳ một ai, khi được gặp Bác ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều ghi lại trong tâm trí mình hình ảnh của một người nhân hậu, vui vẻ, chân tình, cởi mở và nhận được những lời bảo ban mộc mạc, pha chút dí dỏm nhưng lại chứa chan tình cảm bao la, đi vào lòng người. Và như vậy mà mọi người đều có ấn tượng sâu sắc và là kỷ niệm không quên với những người đã từng được gặp Bác. Như hồi ức của chị Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Một điều hạnh phúc và may mắn nhất của gia đình tôi là được Bác Hồ yêu thương và thỉnh thoảng được gặp Bác. Bác đã đến nhà tôi mấy lần và cứ mỗi lần như vậy cả gia đình tôi vui như ngày hội, đến cả tháng sau vẫn còn náo nức. Cũng như đối với tất cả mọi người dân Việt Nam khác, Bác là thần tượng của ba, nhưng có một cái gì đó rất thân thiết, gần gũi và cảm thông. Hồi đó, ba hay vào báo cáo công việc với Bác, mỗi khi ra về, ông thản nhiên đút bao thuốc hút dở của Bác vào túi và Bác coi như không để ý - thế là hôm đó các chú ở nhà lại được một bữa vui..."2.
Khi một nơi nào đó được đón Bác đến thăm, ai nấy đều muốn gần Bác, đứng cạnh Bác, muốn Bác ở lại mãi mà không muốn để Bác ra về. Cảnh quây quần ấy làm Bác khó chia tay, những lúc như vậy, bằng một cử chỉ thân tình, Bác đã nói vui vẻ với mọi người: "đằng sau quay", mọi người cười vui làm theo lời Bác, khi mọi người quay lại phía sau thì Bác đã kịp lên xe đi rồi.
Cách nói vui vẻ ấy, cách làm chủ động đầy thân tình ấy ở Bác đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng thật khó quên.
Đi đâu Bác cũng đều mang theo kẹo cho các cháu bé, đi xem buổi nghệ thuật nào Bác cũng đều cho kẹo làm phần thưởng cho các nghệ sĩ. Có lần đến một địa phương, bác cho kẹo các cháu nhi đồng, thanh niên ai cũng muốn được Bác cho kẹo. Biết được ý muốn đó, Bác hỏi vui: các cháu thanh niên có muốn Bác cho kẹo không? Tất cả đồng thanh trả lời: Thưa Bác, có ạ. Được, mời các cháu ra mậu dịch - Bác trả lời.
Chính những cử chỉ tự nhiên, những lời nói chân thành và sự vui vẻ ấy của Bác là ấn tượng sâu sắc nhất, nhớ nhất của mọi người khi gặp Bác. Và như vậy, ai cũng mong muốn được gặp Bác để tận hưởng những giây phút ấm áp từ lòng Bác.
Một đồng chí ở đơn vị bảo vệ Bác những ngày ở Cao Bằng kể lại: Chúng tôi đang ngồi đan sọt để gửi biếu anh chị em dân công thì từ trên nhà Sàn, Bác bước xuống và nói:
- Bác tin cho các chú biết là giặc Pháp đã rút khỏi Cao Bằng.
Nhiều người vỗ tay tỏ ý mừng rỡ, một đồng chí đứng dậy nói:
- Thưa Bác! Quân mình chỉ đánh Đông Khê chứ có đánh Cao Bằng đâu mà chúng tháo chạy?
Bác nhìn đồng chí đó, nói:
- Chú đi lấy cho Bác một cái roi.
Không hiểu gì, nhưng việc Bác đã bảo nên đồng chí cũng đi lấy một thanh tre nhỏ trao cho Bác, Bác nói:
- Cháu đặt bàn tay lên bàn.
Đồng chí làm theo lời Bác. Bác cầm thanh tre đưa lên cao rồi vút xuống nửa vời, đồng chí đã vội rút bàn tay lại. Bác cười:
- Chú đã hiểu chưa? Giặc rút vội khỏi Cao Bằng vì sợ chúng ta đánh thôi.
Cách giải thích một việc như thế của Bác chẳng những làm cho mọi người thích thú, hiểu dễ, hiểu sâu mà còn để lại ấn tượng khó quên.
Tại chiến khu Việt Bắc, cơ quan thường đóng trong rừng sâu, thỉnh thoảng lại có cuộc đi lấy gạo ở một kho nào đó. Mọi người rất thích dự vào các cuộc đi này. Có lần đoàn người đi lấy gạo gồm các nhà trí thức, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư và một số anh chị em văn nghệ sĩ tham gia đi chuyển gạo về cơ quan. Đi từ sáng sớm đến chiều mới về, người gánh, người gồng, người đeo ba lô đầy gạo, người quấn bao gạo qua vai, qua lưng, đủ kiểu, đủ cách. Trời đã về chiều, nắng còn gắt, mọi người đổ mồ hôi ướt đầm. Tình cờ và rất may mắn được gặp Bác Hồ đang ngồi nghỉ chân bên bờ suối. Mọi người sung sướng đến ngồi bên Bác. Trong thâm tâm ai nấy cũng muốn khoe với Bác là giới trí thức biết lao động chân tay không kém ai.
Tự nhiên Bác hỏi:
- Đố các cô, các chú, trong nghề nông có việc nào làm dễ nhất?
Mọi người đua nhau trả lời. Nhưng không ai trả lời giống ai. Người thì nói việc làm dễ nhất là gieo mạ, gặt, hái, người thì cho là xay lúa, giã gạo. Một bác sĩ liền nói:
- Thưa Bác! Bác chấm cho ai trả lời đúng ạ?
Bác tươi cười nói:
- Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn.
Có lần, Bác tới thăm lớp học chính trị năm 1953, Giáo sư Đoàn Văn Tiến được dự và có kể lại kỷ niệm về Bác:
"Tới giảng đường, Bác đứng ở bệ giảng bài nhìn xuống, bệ kê hơi cao so với Bác, Bác hỏi bệ do tổ nào làm. Anh em trả lời là tổ Luật. Bác gật gù: "Thảo nào, bàn quan tòa có khác, hơi cao".
Bác dằn tay xuống bệ, bệ lung lay, Bác nói tiếp: "Cao quá, nên không vững vàng, càng cao càng không vững".
Nói về chính trị thì lại có chuyện thật vui như sau:
Có lần, Bác đến thăm trường Múa, Bác hỏi: "Các cháu có học chính trị không?"
“Thưa Bác! Có ạ!” - Mọi người đồng thanh đáp.
Bác hỏi tiếp: “Vậy chính trị là gì?”
Một người nhanh nhảu đáp: “Dạ! Chính trị là cái chìa khóa ạ!”
Bác cười và hỏi lại: “Chìa khóa đồng hay chìa khóa sắt?”
Cả hội trường đều cười vui, nhưng chưa ai nghĩ ra câu trả lời Bác thì một nhạc sĩ đứng lên trả lời với vẻ đầy tự tin:“Dạ ! Chính trị là thống soái ạ!”
Bác Hồ lại cười và hỏi lại: “Thống soái là gì?”
Cả hội trường im lặng, mọi người đều suy nghĩ, dường như không ai tìm được câu trả lời. Bác biết giới nghệ sĩ hay thích nói chữ nên ôn tồn giải thích: "Chính trị không phải là chìa khóa, cũng không phải là thống soái, mà là đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Khi đã nhận thức được đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng thì sẽ học tập, làm tốt".
Một lần Bác mở tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang thăm, thường sau bữa tiệc, khách được mời thưởng thức chương trình văn nghệ. Lần đó, sau chương trình văn nghệ, khi khách đã về hết, các diễn viên mới thu dọn ra về. Khi các diễn viên vừa ra đến bậc tam cấp Nhà khách Phủ Chủ tịch thì bỗng Bác xuất hiện, Bác nói:
- Lúc nãy, Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu.
Câu nói giản dị ấy của Bác làm các diễn viên xúc động về tình thương, về sự quan tâm của Bác, mọi người càng thấy Bác gần gũi, bình dị, lại càng kính yêu Bác hơn.
Bác lại nói:
- Bác đã bảo cơ quan chuẩn bị tiền cho các cháu đi ăn.
Rồi Bác lại dặn đồng chí trưởng đoàn:
- Chú phải chấp hành chỉ thị của Bác. Ra ngoài kia phải ăn hết tiền Bác cho, đừng bày cái trò chia nhau giữ làm kỷ niệm đấy nhé.
Đây đúng là một trong những kỷ niệm quý báu nhất trong cuộc đời của mỗi diễn viên có mặt hôm đó.
Đến dự Đại hội Nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II (năm 1960), Bác Hồ mở đầu bằng câu chuyện:
"Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri, tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt". Rồi Bác chữa lại: "Phải nói thế này mới đúng. Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở thủ đô yêu quý của chúng ta".
Bằng những cử chỉ tự nhiên, vui vẻ, gần gũi, thân thiết như vậy nên hình ảnh của Bác ăn sâu vào trái tim, tâm trí của mọi người. Và ai cũng muốn được gặp Bác, muốn được nghe Bác kể chuyện. Chỉ được nghe lại những câu chuyện đó thôi mà chúng ta cảm thấy như chính mình được gặp Bác.
Đối với người nước ngoài cũng có rất nhiều người mong muốn được gặp Bác, có người đã nói: "Được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh quả thật là một điều sung sướng, vinh dự, là một diễm phúc trong đời". Vì, nếu được gặp Người thì ai cũng thấy Người thật tự nhiên và gần gũi.
Tháng 1-1957, tại Phủ Chủ tịch, Bác gặp Đoàn văn công của Trung Quốc sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam. Vừa gặp, Bác chúc mừng và hỏi thăm các diễn viên và mời họ ăn kẹo. Bác đưa kẹo cho từng người. Ai cũng nhận kẹo, nhưng còn dè dặt không dám ăn ngay. Thấy vậy, Bác nói bằng tiếng Trung Quốc: “Các cháu ăn kẹo trước, cảm ơn sau”.
Chính câu nói của Bác làm cho họ đỡ lúng túng, mất vẻ khách sáo xã giao và thấy Bác gần gũi biết nhường nào.
Có lần, phu nhân của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Đức được Bác tiếp tại nhà Sàn, khi bà ấy hỏi sao Bác không lấy vợ? Bác trả lời: "Cô ạ! Bác còn thì giờ đâu mà nghĩ đến việc đó". Chính sự thân mật ấy, chính tình cảm ấy của Bác đã tạo nên sự gần gũi, thân thiết giữa Bác và khách.
Tháng 5-1961, Đoàn văn công của Anbani sang thăm Việt Nam, được Bộ Văn hóa nước ta trao tặng huân chương. Lễ tặng huân chương đang diễn ra ở Câu lạc bộ Quốc tế thì bỗng nhiên Bác xuất hiện, lúc chia tay, Bác nói:
- Các cháu về, năm khác lại sang, nhưng gấp đôi thế này nhé.
Mọi người đang lúng túng chưa hiểu ý Bác, Bác liền nói tiếp:
- Gấp đôi, nghĩa là về ai chưa có vợ thì cưới vợ đi, ai chưa có chồng thì lấy chồng đi, rồi sang luôn.
Đó là kỷ niệm không quên đối với những ai đã từng được gặp Bác.
Bác Hồ thật gần gũi, thật cởi mở. Chính sự chân thành, gần gũi và cởi mở đó của Bác đã xóa đi khoảng cách giữa Bác với mọi người, và vì vậy, không chỉ có nhân dân trong nước mà cả nhân dân của các nước trên thế giới đều kính yêu Người.
Tình cảm ấy, kỷ niệm ấy, đúng như một người nước ngoài đã nói: "Bác ạ, cháu rất mong được gặp Bác. Nhưng thật không ngờ, đó lại là lần gặp cuối cùng. Ngày 2-9-1969 được tin Bác Hồ qua đời, tôi đau xót rụng rời như khi được tin cha tôi mất. Nhưng rồi, sau những giờ phút nặng nề, đau buồn nhất, tôi tự hỏi: Có lẽ nào, có lẽ nào một bậc vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại từ giã cõi đời này được. Không, không, Người với đôi mắt của người chiến sĩ, của người chiến thắng, của một nhà thơ, đôi mắt của một người cha thân yêu vẫn đang sống cùng chúng ta. Đôi mắt ấy không bao giờ khép. Người vẫn nhìn rõ bước đi của dân tộc mình. Người đã nhìn trước những bước đường của nhân dân và đã chỉ cho nhân dân đi tới một tương lai hạnh phúc huy hoàng, hơn thế, Người đã góp phần đấu tranh cho lẽ phải và hạnh phúc của loài người.
Ai hiến dâng đời mình cho nhân dân, cho loài người, người ấy trở thành bất tử".
Một điều kỳ diệu nữa trong phong cách của Bác là: Bác chẳng những có tình cảm vui vẻ, thân tình, có sức hấp dẫn bằng những cử chỉ vô cùng thân thiết, mà ngay cả đến những bài viết, nhất là những bài viết mang tính phê bình, Bác có cách viết không văn hoa, sáo rỗng mà bằng những từ ngữ chân phương, rất Việt Nam, không có từ lai căng vay mượn chữ nước ngoài, làm cho người đọc say sưa đọc những bài Bác viết và dễ nhớ, dễ thuộc. Bởi ở Bác:
"Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy"3.
"Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?
Khi viết xong thì nhớ nhờ anh em xem và sửa giùm.
Chớ tự ái, cho bài của mình là "tuyệt" rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta"4.
Cách dùng chữ Bác dạy thế này:
Khi qua đoạn đường có barie ngăn đường khi có tàu qua có tấm biển đề: "Chú ý hỏa xa". Bác hỏi đồng chí phục vụ: "Hỏa xa" là gì? Tại sao người Việt Nam không dùng chữ Việt Nam? Hãy dùng "xe lửa" thay cho hỏa xa.
Bác nhìn thấy một biểu ngữ: "Nồng nhiệt chào mừng..." Bác bảo: Nóng nóng chào mừng à? Ta chẳng ra ta, tây chẳng ra tây. Dùng "Nhiệt liệt chào mừng", đó là ngôn ngữ đúng của Việt Nam.
Đúng là Bác có cách viết cũng đặc biệt: mọi bài viết của Bác đều nhằm để cho mọi người dân đều xem, để động viên, nhắc nhở mọi người, mọi bài viết của Bác đều phải thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc lại dễ nhớ và mọi người lại dễ tiếp thu, bài viết đúng sự thật có pha chút dí dỏm nên càng làm người đọc say mê, thích thú. Bài viết Làm thế nào cho lạc thêm vui minh họa cho ý niệm trên:
"Dân Nghệ nhà choa,
Mỗi năm ăn quà,
Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang!"5.
Bác giải thích: Báo Nhân Dân ngày 9-3-1962 có đăng bài nói ở Nghệ An "Trên trời, dưới lạc". Từ thành thị đến thôn quê, từ ngoài đường đến trong chợ, đâu đâu cũng làm và bán kẹo lạc. Chí ít mỗi tháng cũng hết 54 tấn lạc, mỗi năm hết 650 tấn.
Nếu đưa ra nước ngoài thì 1 tấn lạc đổi được 15 tấn gang. Thế là nếu đồng bào Nghệ chịu khó "thắt lưng buộc bụng" một chút, tiết kiệm lạc để xuất khẩu, thì mỗi năm đổi được 9.720 tấn gang. Và nếu đồng bào các nơi khác đều tiết kiệm lạc, thì mỗi năm chúng ta có thể đổi lấy hàng trăm chiếc máy cày cho nông thôn. Các đồng chí cán bộ phụ trách phải hiểu điều đó, để giải thích cho đồng bào và các đồng chí cán bộ thu mua biết tổ chức khéo và làm đúng chính sách của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, thì chắc chắn đồng bào ta sẽ vui lòng tiết kiệm lạc và các thứ nông sản khác để bán cho Nhà nước xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Vậy có câu rằng:
"Làm thế nào cho lạc thêm vui?
Đổi lấy máy móc, thì bầy tui quyết làm!"6.
Chỉ vài dòng chữ Bác chuẩn bị viết trên một mẩu giấy để căn dặn cán bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng, nhưng với dòng chữ ngắn gọn ấy của Bác đã động viên, khích lệ nhân dân trong tỉnh phấn đấu suốt cả thời này sang thời khác:
"Chúc đồng bào Pi mư đạy lai.
Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai cao bằng".
Trong bài Càng già càng giỏi, Bác biểu dương các cụ phụ lão có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ lão chống Mỹ, cứu nước:
"Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Các cụ thường tùy điều kiện mà tổ chức đội Bạch đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự, trị an trong làng xóm; giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất; trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mỹ, cứu nước...
Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ:
Tuổi cao, chí khí càng cao,
Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!"7.
Trong bài Nava chinh phụ ngâm đăng trên báo Cứu quốc số 2620, với 20 câu thơ mang tính châm biếm, phỏng theo tác phẩm Chinh phụ ngâm, Bác Hồ mô tả tình cảm tướng Pháp Nava khi bị Chính phủ Pháp cách chức, đuổi về nước:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.
Khiến Nava nhiều nỗi truân chuyên.
Thua to ở trận Điện Biên.
Vì ai kế hoạch cho nên nỗi này.
Cút về Tây tấm lòng xấu hổ.
Xấu hổ này biết đổ ai đây!
Bước chân lên chiếc tàu bay.
Bước đi một bước dây dây lại dừng.
Quân kháng chiến tưởng chừng dễ xực.
Nào ngờ Na hết sức chủ quan.
Hơn 21 tiểu đoàn.
Chỉ trong một trận tan hoang tơi bời.
Thôi Na hẵng cút về nước mẹ.
Quyền chỉ huy lại để Sa Lăng.
Na đi Sa lại lăng nhăng.
Thằng đi, thằng ở, chẳng thằng nào hơn.
Giang sơn này giang sơn đất Việt.
Toàn quốc dân kiên quyết đấu tranh.
Quyết tâm thì chắc công thành.
Tự do độc lập quang vinh muôn đời".
Hay đoạn kết của bài Đạo đức cách mạng, lời lẽ thật giản dị, nhưng thật sáng sủa: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"8.
Điều đặc biệt nữa trong cách viết của Bác là Bác viết nhiều bài theo thể thơ các loại. Thơ của Bác mộc mạc, chân phương, nhưng chứa chan tình cảm thân thương. Thơ của Bác rất chân thật, làm cho người đọc thích thú, dễ nhớ và dễ tiếp thu. Nhân dịp Tết Trung thu, Bác viết thơ gửi tặng các cháu thiếu nhi:
"Nhân dịp Tết Trung thu
Thân ái chúc các cháu:
Vui vẻ, mạnh khỏe,
Đoàn kết chặt chẽ.
Thi đua học hành,
Tiến bộ mau lẹ"9.
Thơ Bác tặng các cháu nhi đồng:
"Bác mong các cháu "cho ngoan",
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam"10.
Bài Hỏi và trả lời:
"Dân ta phải giữ nước ta,
Dân là con nước, nước là mẹ chung...
Tiền phương chiến sĩ hy sinh,
Đem xương máu mình, giữ nước non ta.
Hậu phương sản xuất tăng gia,
Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang"11.
Những bài viết của Bác mang tính phê bình, nhắc nhở thì Bác dùng những sự việc thật cụ thể nên có sức thuyết phục rất lớn đối với người đọc, làm cho mọi người đều tự thấy đó là một điều răn đối với chính mình, và làm cho những người có hành vi sai phạm dễ tiếp thu để sửa lỗi lầm.
Báo Nhân Dân số 3390, ngày 9-7-1963, đăng bài Sư hinh - có nghĩa Tiếng thơm của người thầy giáo, với bút danh "Chiến sĩ". Bác khen ngợi những việc làm tốt đẹp của nhiều thầy giáo, nhưng đồng thời Người cũng phê phán một số việc làm thiếu gương mẫu, kém đạo đức của các thầy giáo Trường cấp II xã Đại Thạch và xã Liên Châu ở Hà Đông. Việc làm của họ vừa ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của người thầy giáo, vừa ảnh hưởng xấu đến các em học sinh, những thầy giáo không tiêu biểu cho "sư hinh" mà họ đã "sinh hư".
Cũng với bút danh "Chiến sĩ", Bác viết bài Lễ cưới đăng trên báo Nhân Dân, số 4009, ngày 25-3-1965. Người kể lại câu chuyện đám cưới của anh Dương Thắng, đám cưới đang được chuẩn bị thì có báo động máy bay địch tới. Anh Thắng đến gặp Đại đội trưởng dân quân xin tham gia chiến đấu và hoãn đám cưới lại. Bác có thơ khen rằng:
"Việc công trước, việc tư sau,
Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình!"12.
Đồng thời, Người phê phán một đám cưới khác tổ chức linh đình trong ba ngày, chi phí tốn kém:
"Cô cán bộ, cậu sinh viên,
Xa hoa lãng phí, không phiền lòng ru?"13.
Những bài viết để lên án kẻ thù, Bác có cách chọn từ, chọn ngữ, chọn tên bài rất mộc mạc, nhưng lại có tính lên án mạnh mẽ sâu cay.
Lên án sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ, Bác viết bài Mỹ mà không đẹp. Chữ "mỹ" nghĩa là đẹp, thế mà xã hội Mỹ chẳng tốt đẹp chút nào.
Đả kích các viên tướng Mỹ xâm lược miền Nam, khi Oétmolen vào làm Tư lệnh ở Sài Gòn, Bác gọi y là "Vét mỡ lợn". Khi Hakin vào làm Tư lệnh thay cho Oétmolen, Người lại viết bài về Hakin và gọi hắn gọi là "Hắc ín".
Khi Cabớtlốt sang làm Đại sứ ở Sài Gòn, Người viết bài đả kích y gọi hắn là "Cá bỏ lọt".
Đến Taylo, tên trùm quân phiệt số một của Mỹ sang làm Đại sứ thay cho Cabớtlốt, Bác lại viết bài đả kích hắn: Tay lo rồi chân cũng lo. Nghe nói, Taylo biết nhiều tiếng nước ngoài và sẽ học tiếng Việt Nam, ô kê, như thế ông ta sẽ hiểu rõ và thấm thía khi nghe nhân dân Việt Nam hô to: "Đế quốc Mỹ cút đi".
Qua những mẩu chuyện nhỏ trên đây nói lên phong cách của Bác Hồ: đó là phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách công tác, phong cách sinh hoạt, phong cách nói và viết (tức là phong cách trình bày). Cư xử lịch sự và giản dị, cách nói và viết súc tích, ít chữ mà ý sâu xa, có sức thuyết phục đối với người đọc, người nghe. Bè bạn mến phục, đối phương kính nể. Đó là cốt cách Việt Nam quyện vào văn minh nhân loại. Bác Hồ đã để lại giữa đời thường một phong cách kỳ diệu là nói và viết.
Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh: "Phong cách là con người... Những tư tưởng lớn và tình cảm lớn luôn luôn thể hiện một cách rõ nét trong phong cách của Hồ Chí Minh, trong mọi cử chỉ và hành động, trong sự ứng xử đối với những công việc cực kỳ trọng đại của nước, của dân, cũng như trong cuộc sống hằng ngày, trong quan hệ với mọi người từ những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến những người bình thường trong các tầng lớp nhân dân, từ cách nói, cách viết ở những giờ phút quan trọng bậc nhất cũng như trong những lúc bình thường... Phong cách Hồ Chí Minh là sự thể hiện đẹp đẽ vô song những gì là cao thượng nhất với những gì bình dị, là thông thường của con người, tất cả mang dấu ấn Hồ Chí Minh"14.
Bài viết trích trong cuốn Đạo đức Bác Hồ tấm gương soi sáng cho muôn đời
của tác giả TS. Trần Viết Hoàn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực