"Tìm lối ra" - Thủ đoạn của những kẻ cơ hội chính trị

Ngày đăng: 08/09/2017 - 10:09

Họ lại tán phát các “tờ rơi”, “nhật ký” dưới chiêu bài “tìm một lối ra” cho cách mạng nước ta. Luận điểm của họ cũng không có gì mới, vẫn là gieo rắc tư tưởng hoài nghi, phủ nhận quá khứ, phủ nhận thành tựu, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đó là lý do họ phải “tìm lối ra”. Cần phải vạch trần thủ đoạn lừa bịp chống chủ nghĩa xã hội của họ để tránh sự ngộ nhận, lầm tưởng họ là người có “tâm huyết” với dân tộc và đất nước.

Những thành tựu, quá khứ hào hùng của dân tộc theo họ không cần nhắc đến nữa, bây giờ “phải nói khác đi, nói mãi thắng lợi vẻ vang người nghe, người đọc đã chán rồi”. Đặt vấn đề như vậy, họ làm cho các thế hệ người Việt Nam hiện nay quên đi quá khứ vinh quang, quên đi thành tựu, tự đánh mất mình, truyền thống yêu nước dần dần phai nhạt. Họ cần phải hiểu rằng “quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại và tương lai của dân tộc”, chỉ có những kẻ vong ân, bội nghĩa mới quay lưng lại với quá khứ. Vì vậy, đối với chúng ta phải tăng cường giáo dục truyền thống, phải làm cho các thế lực người Việt Nam hiểu sâu sắc quá khứ, nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tự hào về những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đó là một đòi hỏi của lịch sử, của công cuộc dựng nước và giữ nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta còn cần phải làm nhiều hơn nữa, giáo dục truyền thống sâu rộng thường xuyên hơn nữa chứ không phải “người đọc, người nghe đã chán rồi, cần phải làm khác đi” như họ nói.

Quan điểm về quá khứ đối với họ như vậy, còn hiện tại họ “phán xét” thế nào? họ cho rằng xã hội ta đang “mất dân chủ mọi lúc, mọi nơi”, “mất tự do hơn cả khi còn chế độ thực dân”... Giọng điệu đó chứng tỏ họ nói lấy được không cần suy ngẫm, bất chấp sự thật đang diễn ra trước mắt. hãy khoan nói về họ mà xem xét thực tiễn, quả nhiên là ở một số địa phương, một số lĩnh vực dân chủ chưa tốt, còn có những vấn đề vướng mắc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang tiếp tục tháo gỡ hoàn thiện dần, nhưng nếu nhận định rằng “mất tự do hơn cả chế độ thực dân” thì họ là những người rất không bình thường. Nếu là cách nhìn nhận thì họ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, thấy một địa phương mà không thấy toàn quốc, về phương diện tư tưởng thì họ bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen. Bất cứ ai dù đã phải sống dưới ách nô lệ thực dân trước đây cũng như những ai hiểu biết lịch sử nước nhà đều thấy nhân dân ta phải chịu biết bao cay đắng làm thân phận của những người nô lệ, căng thẳng về tinh thần, cơ cực về vật chất, hai triệu người chết đói năm 1945, đời đời các thế hệ Việt Nam không thể quên được. Ấy vậy mà họ lại “đánh giá cao” chế độ thực dân? Quan điểm này của họ hà tất phải bàn nhiều. Nhìn vào thực trạng đất nước ta ngày nay khó khăn chưa hết, còn nhiều hộ nghèo, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa cần phải nhanh chóng khắc phục, nhưng nhìn tổng thể sau gần 30 năm đổi mới, cả dân tộc ta đã tiến một bước dài trong lịch sử. Một sự thật mà ai cũng biết, đó là từ chỗ trước kia Việt Nam thiếu ăn quanh năm thì nay đã đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới. Thế nước ta đang lên như thế, họ cố tình làm ngơ hay sao?

Lòng không trong, tâm không sáng thì nhìn vào lĩnh vực nào cũng thấy tối tăm. Đường lối đổi mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, đã đưa đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi nhà. Nhưng họ lại bác bỏ cho nó là “đường lối nửa vời”, “đầy mâu thuẫn”, “duy ý chí” dẫn đến “đất nước nghèo nàn, chậm chạp, cái nhục nghèo khổ kéo dài đến bao giờ”. họ cố tình “phán xét” đường lối sai, nhưng thực tiễn chứng minh Đảng và nhân dân ta đang đi trên con đường đúng đắn. Đường lối của Đảng không những được nhân dân trong nước đồng tình, hưởng ứng mà bạn bè khắp năm châu ca ngợi và hợp tác với ta ngày càng rộng rãi. Thực hiện chủ trương của Đảng ta “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế”, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Chúng ta cần phải nói thẳng với họ rằng thực tiễn luôn luôn “cứng đầu”, là tiêu chuẩn của chân lý, là thước đo hiệu quả của đường lối, vì vậy, phán xét đường lối sai của họ là không có cơ sở và có dụng ý xấu. Tuy nhiên thực tiễn luôn luôn phát triển nên việc bổ sung, hoàn thiện đường lối là việc làm thường xuyên của mọi đảng cầm quyền. Đảng ta vẫn động viên mọi người đóng góp ý kiến theo phương hướng đưa Tổ quốc ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đi ngược lại trào lưu chung của cả nước, họ đưa ra kiến nghị nhưng không phải đi theo phương hướng nêu trên mà “tìm một lối ra” với “đường lối dân chủ hóa”. Nội dung căn bản, xuyên suốt của đường lối này là xóa bỏ Điều 4 của hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, còn các nội dung kinh tế - xã hội khác họ chẳng đưa ra được điều gì mới mẻ. Theo họ, Đảng là nguyên nhân trở ngại nhất cho sự phát triển của xã hội, cho sự phát triển một nền dân chủ ở nước ta hiện nay. Nhưng sự thật đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái của họ. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh của chúng ta qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng 85 năm đã được cả dân tộc thừa nhận. Đảng lãnh đạo dân tộc ta vượt qua cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX, lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, giành độc lập, tự do trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ thắng lợi và thực hiện thống nhất nước nhà. Công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đứng trước những bước ngoặt lịch sử, Đảng ta đã vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi đúng phương hướng, tới đích đã định. Trong sự nghiệp vĩ đại như thế, khó khăn như thế, có lúc Đảng đã phạm sai lầm, khuyết điểm, thậm chí có sai lầm nghiêm trọng, nhưng Đảng quyết tâm sửa chữa với động cơ trong sáng, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. V.i.Lênin đã chỉ dẫn: “Trong sự nghiệp mới mẻ như thế, khó khăn như thế, vĩ đại như thế, không thể tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, thiếu sót được” và Người khuyên những người cộng sản phải có lòng dũng cảm, “ai sợ khó khăn trong việc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, ai để cho những khó khăn đó làm cho mình khiếp đảm, ai tỏ ra tuyệt vọng hay hoang mang hèn nhát, người đó không phải là một người xã hội chủ nghĩa”1. Với tinh thần đó, Đảng đã trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất cách mạng nước ta. họ sợ một Đảng lãnh đạo là không dân chủ. Cần phải nói ngay rằng, dân chủ trong xã hội không phụ thuộc vào một đảng hay nhiều đảng. Vấn đề đặt ra là ở chỗ đảng đó đại biểu cho ai và có thực tâm mở rộng dân chủ hay không. Nếu đảng đó là đảng của các tập đoàn giàu có và đại biểu cho lớp người này thì tuyệt đại bộ phận dân chúng sẽ không có dân chủ. Đảng ta từ khi thành lập đã mang trong mình bản chất giai cấp công nhân và đại biểu quyền lợi cho dân tộc, vì vậy, xây dựng xã hội ngày càng dân chủ cho nhân dân là mục tiêu của Đảng. Mục tiêu phấn đấu đó sẽ làm cho cơ chế dân chủ ngày càng hoàn thiện hơn. Vì vậy, lịch sử cách mạng nước ta đã lựa chọn Đảng ta là tổ chức duy nhất lãnh đạo cách mạng và chỉ có Đảng mới đủ phẩm chất, năng lực cần có để đưa cách mạng nước ta tiến tới đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Điểm lại những vấn đề cơ bản trong “tìm lối ra” của họ không cho thấy có gì giúp cho công cuộc đổi mới hiện nay, vấn đề mấu chốt xuyên suốt của họ là đòi hỏi Đảng ta từ bỏ vai trò lãnh đạo. Để thực hiện điều đó họ phải bôi đen xã hội ta đủ thứ, nào là mất tự do, dân chủ, nào là đời sống bần cùng, lạc hậu... để chứng minh Đảng ta không lãnh đạo được đất nước. Điều đáng ngại nhất là họ không thật tâm, phương pháp xem xét lệch lạc, không cần biết đến quá khứ, thành tựu, chỉ nhằm khoét sâu khuyết điểm mà ta đang ra sức khắc phục, họ nhìn xã hội hiện nay đen tối mù mịt mà họ “phải tìm lối ra”. Điều này thì quá viển vông, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng và nhân dân ta khẳng định dứt khoát rõ ràng và ngày càng hoàn thiện, chỉ có tiến lên. Vấn đề đặt ra với tất cả những ai muốn cho dân giàu, nước mạnh thì cái tâm phải trong sáng, phải vì quyền lợi dân tộc, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, phải nguyện suốt đời hy sinh phấn đấu vì giai cấp, vì dân tộc thì mới có được sự đóng góp chân thành, đúng đắn, sáng tạo, đó là điểm xuất phát của mọi vấn đề. Chủ tịch hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”2.

Đại tá, ThS. Lê Viết Hảo*

Bài viết trích trong cuốn Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản

* Nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 40, tr. 366.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672.

Bình luận