Thẩm bình thơ ca tiếng Việt Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 13/10/2017 - 10:10

tham binh tho13102017Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam, người mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời Người cũng là một nhà báo lỗi lạc, một nhà văn, nhà thơ lớn mang tầm quốc tế. Riêng về sự nghiệp thơ ca, Người đã để lại cho di sản thơ ca Việt Nam một tài sản vô giá .Với mong muốn bạn đọc hiểu rõ hơn về những nét độc đáo, tinh tế và sâu xa trong mỗi bài thơ của Bác, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách Thẩm bình thơ ca tiếng Việt Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của nhà giáo, nhà phê bình nghiên cứu văn học, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam Lê Xuân Đức.

Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Người sử dụng nhiều con đường, nhiều phương thức để đạt được lý tưởng lớn lao nhất là đem lại độc lập, tự do cho nhân dân. Trong đó, Người xác định, văn thơ được coi là vũ khí sắc bén, lợi hại, phục vụ đắc lực cho chính trị, cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Bởi vậy, Người không ngừng mài giũa ngòi bút của mình, sáng tác văn chương, thơ ca để làm cách mạng.

Di sản thơ ca mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta có hai loại: thơ chữ Hán và thơ ca tiếng Việt. Trong khuôn khổ cuốn sách này, tác giả Lê Xuân Đức lựa chọn những tác phẩm thơ ca tiếng Việt của Người để thẩm bình. Cơ duyên nhà văn Lê Xuân Đức đến với các tác phẩm thơ ca của Hồ Chí Minh được bắt đầu từ khi ông theo học tại Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn thơ của Bác. Ra trường, ông lại được điều về Trường Sư phạm Vinh (Nghệ An) - quê hương của Bác, đồng thời cũng là cái nôi của cách mạng Xôviết Nghệ Tĩnh. Chính điều đó đã nhóm lên sự khao khát tìm hiểu về Bác - một nhân cách lỗi lạc qua sự nghiệp thơ ca của Người. Và Lê Xuân Đức đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời và sự nghiệp của mình để đọc, nghiên cứu, phân tích, thẩm bình những tác phẩm thơ, ca của Bác Hồ.

Những cuốn sách viết về Bác Hồ của nhà văn Lê Xuân Đức được xuất bản trong khoảng mười năm trở lại đây, mỗi cuốn sách đều không dưới ba đến bốn trăm trang viết và Thẩm bình thơ ca tiếng Việt Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những cuốn sách như thế. Cuốn sách có độ dài 351 trang, với 75 bài thẩm bình về 75 tác phẩm thơ ca của Người. Với độ dày vừa phải, văn phong ngắn gọn, xúc tích nhưng không kém phần sâu sắc, tinh tế, nhà văn Lê Xuân Đức đã khái quát một cách trọn vẹn phong cách nghệ thuật thơ ca của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính chân thật và tính dân tộc trong thơ ca. Người quan niệm: Tác phẩm phải có tính chân thật cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Nội dung tác phẩm cần miêu tả chân thực đời sống cách mạng với tính khuynh hướng rõ ràng. Về hình thức nghệ thuật không nên viết cầu kỳ, xa lạ, nặng nề, khó hiểu mà cách truyền tải tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc, phải thể hiện được tinh thần của nhân dân và được nhân dân yêu thích. Theo như nhận xét của nhà phê bình Lê Xuân Đức: “Thơ Bác phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại, cách thể hiện, kết tinh tư tưởng cao đẹp, tâm hồn sáng trong, trí tuệ sắc sảo, đạo đức cao cả, nhân tình rất mực.”…"Do vậy đọc thơ Bác, lĩnh hội thơ Bác vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì thơ Bác giản dị, dễ hiểu; khó vì thơ Bác hàm súc, tinh tế, chứa đựng tư tưởng, tình cảm rộng lớn. Làm sao tiếp thu được ánh sáng tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức cao đẹp trong thơ Bác chân thực nhất, tối đa mà không gượng ép, khiên cưỡng” (tr.8).

Cuốn sách bao gồm 75 bài thẩm bình với ngôn từ sắc bén, đa dạng, linh hoạt về bút pháp, phần thẩm bình về nội dung và nghệ thuật được phân chia một cách hài hòa, hợp lý, có độ dài vừa phải, nội dung các tác phẩm thơ ca được thẩm bình không lan man mà gắn liền với dòng chảy các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Nói như nhà văn Lê Xân Đức: “Thơ Bác là con người Bác, cuộc đời và sự nghiệp của Bác là một bài thơ tuyệt đẹp. Thơ Bác đạt đến mức trác tuyệt, một phong cách sống động kết hợp một cách hài hòa hiện thực và lãng mạn, dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, ngắn gọn mà đầy đủ, rõ ràng mà hàm xúc, giản dị mà tinh tế, chân phương mà trí tuệ, trào phúng mà trữ tình, tình mà thép…” (tr.8). Cuốn sách ấy kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca một cách trọn vẹn. Đó mãi mãi là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc ta.

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh vừa đa dạng lại vừa thống nhất. Tính thống nhất và đa dạng ấy thể hiện trong toàn bộ sáng tác thơ ca của Người. Đó là sự nhất quán trên quan điểm sáng tác, nhất quán ở cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị với sự sáng tạo linh hoạt, hoàn toàn chủ động trong sử dụng hình thức thể loại và ngôn ngữ. Các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm đạt tới mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm. Đồng thời, từ tư tưởng đến hình tượng nghệ thuật luôn luôn vận động một cách tự nhiên, nhất quán, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Người gần gũi quần chúng thật lòng, cúi mình bình đẳng thật sự, bắt tay bè bạn chân tình, nhưng không để tôn mình mà nhằm đề cao người. Tất cả những điều đó đều được nghiên cứu và đúc kết một cách chân thực, khách quan qua cuốn sách Thẩm bình thơ ca tiếng Việt Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Xuân Đức.

Bình luận