Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và thời gian chúng ta đang sống
Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa một cuộc cách mạng nào ngay từ khi thành công lại gặp phải sự chống đối của các tư tưởng đối lập và các thế lực thù địch như cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Điều này không phải ngẫu nhiên, bởi vì Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã giải đáp được những vấn đề cơ bản về sự phát triển của xã hội loài người. Chính vì vậy, theo V.i.Lênin cuộc cách mạng này đã gặp phải sự thù địch mạnh nhất và căm thù lớn nhất của hệ tư tưởng tư sản.
Bởi lẽ toàn bộ lý luận của hệ tư tưởng tư sản đều nhằm duy trì cho sự tồn tại vĩnh viễn của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản, còn cuộc cách mạng này thì tuyên chiến với chế độ ấy. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là cột mốc đánh dấu sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội mới đối lập với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết chỉ sau mấy thập kỷ đã trở thành một cường quốc. Loài người luôn nhớ ơn Liên Xô đã cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ quá trình phát triển của thế giới trong những năm 50 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đáng tiếc là vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, do sai lầm của công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng, sụp đổ.
Lợi dụng tình hình đó, các nhà tư tưởng tư sản đã xuyên tạc rằng, chủ nghĩa cộng sản “không phải là tương lai của nhân loại”; “Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đẻ non”; chủ nghĩa xã hội là “quái thai của lịch sử”; rằng “học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, vì mô hình đổ, nghĩa là học thuyết đổ”... Đối với chúng ta, đó không phải là điều bất ngờ mà là sự phát triển lôgíc của cuộc thập tự chinh chống chủ nghĩa xã hội trong hơn 90 năm qua. Những luận điệu ấy chỉ là sự ngụy biện cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản chỉ là một nấc thang trong quá trình phát triển của trí tuệ con người nhằm giải phóng chính mình và hoàn thiện xã hội. Nhưng chủ nghĩa tư bản không thể giải phóng loài người khỏi nạn áp bức giai cấp, sự nô dịch dân tộc. Sự chiếm đoạt sản phẩm lao động của những người nắm giữ tư liệu sản xuất gây nên sự bất bình đẳng về lợi ích, do đó để phát triển sức sản xuất phải thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản và ách nô dịch mà quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đè lên đầu người lao động.
Trong điều kiện còn duy trì chế độ sở hữu tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa thì không thể xóa bỏ được ách áp bức giai cấp, dân tộc. Tô vẽ cho chủ nghĩa tư bản, những nhà tương lai học tư sản lừa mị rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra khả năng thỏa mãn nhu cầu tối đa của con người và do đó, những cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ lùi vào dĩ vãng, xã hội tiêu thụ sẽ được thành lập, những cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc sẽ được chấm dứt, chủ nghĩa tư bản ngày nay là chủ nghĩa tư bản nhân dân. Dù tô vẽ cho tương lai của chủ nghĩa tư bản kiểu gì, nhưng một khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn duy trì thì sự đối kháng giữa giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động với giai cấp tư sản sẽ không thể xóa bỏ mà ngày càng gay gắt quyết liệt. Bản chất của mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trong thời đại mà người ta gọi là kinh tế tri thức vẫn không thay đổi. Điểm mấu chốt có tính triệt để cách mạng và nhân văn nhất của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất - nguồn gốc của sự nô dịch giai cấp và dân tộc; tiến tới xây dựng một xã hội không còn nạn người bóc lột người. Quá khứ lịch sử cũng chưa từng có một cuộc cách mạng nào như thế. Trong cuộc cách mạng này giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình đoàn kết, tập hợp, giác ngộ, tổ chức các tầng lớp nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức bóc lột. Sự toàn thắng của cách mạng vô sản phụ thuộc vào sự vững chắc của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức.
Gần đây dư luận của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới hết sức ngạc nhiên trước bài phát biểu của Tổng thống G.Busơ tại lễ khánh thành “đài tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản”. Người ta lên án chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại cố tình quên đi, lờ đi thủ phạm đích thực đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít. hiện nay, thủ phạm gây ra những cuộc xung đột giai cấp, dân tộc, tôn giáo, khủng bố, những cuộc bao vây cấm vận, can thiệp, vũ trang xâm lược lật đổ, trừng phạt kinh tế làm cho hàng loạt nước hiện nay rơi vào nội chiến, nhân dân sống cơ cực đói khổ là ai.
Mục đích của cái gọi là đài tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản chẳng qua là xóa nhòa tội ác tày trời của chủ nghĩa đế quốc đối với nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, che đậy cho âm mưu bá quyền và chính trị cường quyền đen tối hiện nay của họ mà thôi. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam với tinh thần quật khởi, tự cường dân tộc đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm (1945-1975) để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), nhân dân Việt Nam đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, Tổ quốc độc lập, thống nhất và tiến theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Thắng lợi này mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và những người có lương tri trên thế giới, đây là một sự thật. Rất tiếc rằng có những giới cầm quyền, những thế lực thù địch đã không muốn hiểu sự thật đó. họ đã xuyên tạc lịch sử nhằm hạ thấp giá trị tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. họ lừa mị rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh là một thảm họa. Người ta đã cố tình quên rằng nhà cầm quyền Mỹ đã tung vào Việt Nam một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn người gồm quân Mỹ và chư hầu; ném xuống nước ta 7 triệu 850 ngàn tấn bom để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất hủy diệt chống Việt Nam. hàng triệu dân thường Việt Nam đã bị họ giết hại và nhiễm chất độc hóa học; hàng loạt thành phố miền Bắc bị họ cho “trở lại thời kỳ đồ đá”. Khi buộc phải rút đội quân viễn chinh về nước, họ vẫn ngoan cố mưu toan duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam bằng công thức: tiền vũ khí trang bị cộng với bộ máy ngụy quân, ngụy quyền dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Thực hiện âm mưu này nhà cầm quyền Mỹ lúc đó nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và đánh lừa dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ rằng chiến tranh là của người Việt Nam với nhau. Thiết nghĩ nếu muốn xét lại lịch sử cuộc chiến tranh này thì hãy xem lại chính sách của năm đời Tổng thống Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính họ, chứ không phải ai khác đã cố tình theo đuổi chính sách thực dân mới, đưa quân đội Mỹ lao vào cuộc phiêu lưu quân sự, hòng khuất phục dân tộc Việt Nam, để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại. Thực chất của việc xuyên tạc lịch sử chính là muốn hạ thấp giá trị tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm chệch hướng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam; che đậy cho mưu đồ sen đầm quốc tế của nhà cầm quyền Mỹ hiện nay.
Biện chứng của quá trình phát triển chứng minh rằng, tương lai bao giờ cũng thuộc về cái mới, hiện thân của sự tiến bộ. Cái lạc hậu, cái cũ bao giờ cũng chống chọi lại quyết liệt, gây nên những chướng ngại trên con đường đi tới của cái mới. Mặc dù, chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng, nhưng đó chỉ là một khúc quanh trên con đường phát triển. Xét trên bình diện lý luận và thực tiễn, chủ nghĩa xã hội ra đời là một tất yếu. Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng sự nghiệp đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại tá, TS. TRẦN NGỌC TUỆ*
Bài viết trích trong cuốn Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
* Cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực