Sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga

Ngày đăng: 06/11/2017 - 11:11

Yêu cầu đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn công kích, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng hồ Chí Minh của các thế lực thù địch trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải trung thành với lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện nổi bật của thế kỷ XX, nó đã biến chủ nghĩa Mác, từ “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành sức mạnh hiện hữu, hiện thực sinh động.

Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân Nga; của cuộc đấu tranh chống lại các trào lưu chống cộng, phản động đương thời. Đồng thời, cũng là quá trình vạch trần, bác bỏ những quan điểm, tư tưởng hữu khuynh, “tả” khuynh trong phong trào công nhân Nga. Khuynh hướng hữu khuynh của “chủ nghĩa dân tuý”, “chủ nghĩa Mác hợp pháp” và “tả” khuynh của Tơrốtxki bị V.i.Lênin và những người bônsêvích Nga phê phán, vạch trần, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin chiến thắng và phát triển, trở thành tư tưởng lý luận dẫn đường, kim chỉ nam cho hành động của những người cách mạng Nga.

Trong quá trình ấy, nhiều vấn đề rất mới mà trước đó, do hạn chế của lịch sử, C.Mác và Ph.ăngghen chưa đề cập đến, hoặc đề cập chưa đầy đủ đã được V.i.Lênin phát triển sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới. Đó là các vấn đề: cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành thắng lợi ở một nước tư bản phát triển trung bình; xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; lực lượng và phương pháp cách mạng; tổ chức, xây dựng chính quyền nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo... Như vậy, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã khẳng định sức sống hiện thực và khả năng phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn gặp phải sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch dưới mọi màu sắc. Chúng tập trung công kích, xuyên tạc, bài bác những luận điểm, những nguyên tắc lý luận căn bản, then chốt, có ý nghĩa quyết định hòng làm rung chuyển toàn bộ hệ thống, tiến tới làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự chống phá của các thế lực thù địch càng trở nên quyết liệt, tinh vi hơn; và gần đây, chúng lại đưa ra những lý lẽ khác nhau về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội đầy dụng ý. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ cũng có nghĩa là lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là học thuyết ảo tưởng, viển vông, bị thực tiễn bác bỏ, phủ định và đã vào “hồi kết thúc”. hoặc chúng khẳng định: lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin tuy có giá trị, song chỉ phù hợp ở thế kỷ XiX và có thể cả trong thế kỷ XX, nhưng hiện nay nó không còn thích hợp nữa, đã “lạc hậu”, “lỗi thời”, cần phải thay đổi; lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin tuy là nhân văn, nhân đạo, nhưng đó là công việc của ngày mai, của tương lai xa vời; hiện nay nó không có giá trị, nếu thực hiện thì sẽ là không tưởng, không thực tế: “chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”1.

Chẳng cần phải phân tích nhiều cũng đã rõ tính chất phản động và phản khoa học của những luận điệu trên. Các lý lẽ trên đây có vẻ như đã “thừa nhận” phần nào những giá trị, những điều tốt đẹp, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, song thực chất thì khác. Bằng những luận điệu đó, các thế lực thù địch đã khéo léo ngụy biện để đi đến loại bỏ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đời sống tinh thần xã hội. Đây mới là âm mưu đích thực của chúng trong mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, chúng rêu rao: “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”2.

Thủ đoạn vừa tinh vi, vừa xảo quyệt này dễ làm cho người ta rơi vào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, rất khó nhận biết thực chất âm mưu, thủ đoạn của chúng. Nó dễ làm cho một số người lầm tưởng rằng họ cũng rất “khách quan, khoa học và sòng phẳng” khi đánh giá chủ nghĩa Mác - Lênin; và vì thế, việc nhận định “Việt Nam đang bế tắc” về tinh thần xem ra là một nhận định cũng “chính xác”! Trên cơ sở đó, chúng lên mặt “khuyên” nhân dân ta phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng để đi theo chủ nghĩa khác, con đường khác, thực chất là chuyển sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Ngón đòn và chiêu thức này là hết sức lợi hại và thật sự nguy hiểm, vì nếu nó chưa thể phủ định, xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lênin, thì những luận điệu đó cũng rất dễ gây nên sự hoang mang, hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin nhất định trong một bộ phận cán bộ và nhân dân; làm nhiễu loạn tư tưởng xã hội, dễ bề cho sự thâm nhập của các loại tư tưởng phi vô sản len lỏi, thâm nhập vào xã hội ta. Tính chất phản động của những luận điệu trên, cần phải được nhận thức đúng, vạch trần rõ và đấu tranh bác bỏ.

Không thể vì sự sụp đổ một mô hình cụ thể mà đồng nhất với sự sụp đổ của học thuyết. Cũng không thể vì những sai lầm, giáo điều, máy móc trong vận dụng và tổ chức thực hiện mà nói bừa rằng học thuyết sai lầm. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ một mô hình xã hội chủ nghĩa đã lạc hậu, không phải là sự khủng hoảng về lý luận hay do sai lầm của học thuyết, không đồng nghĩa với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tiếp tục soi sáng cho nhân loại trên con đường đi đến chủ nghĩa xã hội. Chúng ta thấm thía những tổn thất to lớn từ sự sụp đổ đó, nhưng cũng nhận ra rằng, điều đó đã khách quan tạo cho những người cộng sản có thêm dữ liệu để nhận thức đúng và hoàn thiện hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội, trở về đúng với C.Mác, Ph.ăngghen, V.i.Lênin hơn và vận dụng, phát triển đúng đắn, sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới. Nó cho thấy rõ hơn những sai lầm của các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa trong việc nắm bắt bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng vào thực tiễn; thấy rõ hơn tính chất nguy hiểm của các đòn tiến công của các thế lực thù địch; thấy rõ hơn tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày nay; hiểu rõ hơn những bước thăng trầm, những khúc quanh co của lịch sử trên con đường đi tới tương lai xã hội chủ nghĩa. Đó là cách kiến giải đúng đắn, khoa học và phù hợp.

Mọi người đều rõ, chính Liên Xô, đất nước của Cách mạng Tháng Mười đã cùng với các lực lượng hòa bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Chính Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa là trụ cột của hòa bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, bảo đảm nền hòa bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX. Không có Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực, những người lao động và các dân tộc trên thế giới vẫn chìm đắm trong sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Và trong thế kỷ qua, nếu như chủ nghĩa tư bản hiện đại có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự tác động, ảnh hưởng bởi những giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực, của chủ nghĩa Mác - Lênin.

hiện thực sinh động đó cho thấy giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga và sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác - Lênin với tính cách là học thuyết cách mạng và khoa học, là giá trị hiện thực, chứ không phải là một học thuyết “không tưởng”, “không bao giờ thực hiện được”; cũng không phải là một giá trị đã qua trong lịch sử mà nay “không còn thích hợp nữa”. Chính từ các quốc gia tư bản phương Tây hiện nay, người ta lại thấy có tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với C.Mác”, tìm đọc C.Mác ở thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển. Các tác phẩm của V.i.Lênin vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước3.

Một học thuyết “ảo tưởng”, “không tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có được những thành tựu hiện thực và sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng như thế. Đó là bằng chứng rõ ràng bác bỏ luận điệu “không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa” mà các thế lực thù địch vẫn cố tình rêu rao. Tính chất phản khoa học, phi thực tiễn của những luận điệu thù địch trên bị chính thực tiễn lịch sử đã và đang phủ định. Học thuyết Mác - Lênin ngày càng thể hiện rõ là học thuyết mang giá trị thời đại.

Lịch sử thế giới từ sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đến nay đã có những thay đổi và biến động hết sức to lớn và vô cùng sâu sắc. Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống, là chỗ dựa và là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của các phong trào cách mạng trên thế giới; rồi từ hệ thống thế giới còn lại những nước tiếp tục xây dựng, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa với diện mạo mới, đầy năng động và sáng tạo. Điều đó phản ánh những bước thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu nhưng tất thắng của chủ nghĩa xã hội trên con đường đấu tranh khẳng định sự tồn tại hợp quy luật lịch sử của mình. Sự biến đổi to lớn và sâu sắc ấy là sự biến đổi của thế giới trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu mà cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười đã mở ra.

Đến nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực đang ở thập kỷ thứ mười của sự phát triển với những bước thăng trầm gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề, để rồi hiện nay một số nước đang tiếp tục hành trình trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho nó một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn. Đó là chủ nghĩa xã hội đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá khứ; từ sự nhận thức đầy đủ hơn và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới và dựa chắc vào đặc điểm, đặc thù của từng quốc gia, dân tộc. Điều đó cho thấy sức sống mới của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh lịch sử mới. Sức sống và khả năng phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin được biểu hiện sinh động trong thực tiễn, khi nó thâm nhập, ăn sâu vào quần chúng nhân dân, vào từng quốc gia, dân tộc.

Đối với cách mạng Việt Nam, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin là khách quan, vốn có, từ chính bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa ấy. Mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, đem lại cuộc đời làm chủ và hạnh phúc thực sự cho quần chúng nhân dân bằng con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra là mục tiêu hiện thực, là con đường thực tiễn, hợp quy luật, đã và đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam, chứ không phải do chúng ta “cố tình phải theo” như sự bịa đặt, xuyên tạc của một số người. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”3; đồng thời, phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần “phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”4.

Trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng hồ Chí Minh là phải “vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng hồ Chí Minh”; là kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - con đường được mở ra từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Đó là con đường đi đến hạnh phúc thực sự; là sự tiếp bước lịch sử mà dân tộc ta đã từng trải qua hơn tám thập kỷ; là sự nối tiếp hiện thực - thực tiễn chủ nghĩa xã hội đã có, đang có ở Việt Nam, chứ không phải là “khư khư giữ lấy” một “chủ nghĩa hết thời”, một “lý tưởng mơ hồ”, cũng không phải là để “tự trấn an” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nếu như C.Mác, Ph.ăngghen đã có công trong việc làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, khai sáng ra học thuyết cách mạng khoa học; V.i.Lênin đã có công phát triển và hiện thực hóa những nguyên lý của chủ nghĩa Mác trên một phần rộng lớn của trái đất, thì các thế hệ những người cộng sản trong thế kỷ XXi phải bảo vệ, tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thúc đẩy cách mạng phát triển. Xuất phát từ thực tế khách quan, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận là yêu cầu quan trọng bảo đảm sức sống và phát huy vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng. Đó cũng là quy luật phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhận thức đúng bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và đối xử với nó với tư cách thực sự là “nền tảng”, là “kim chỉ nam” cho hành động. Đó là trọng trách lịch sử của những người cộng sản hôm nay.

Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hướng*

Bài viết trích trong cuỗn Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản


* Nghiên cứu viên Cao cấp, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, hà Nội, 2007, tr. 48.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr. 48.

3. Xem báo Quân đội nhân dân, ngày 19-4-2012, tr. 8.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 21, 66.


Bình luận