Cách mạng Tháng Mười Nga với Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 07/11/2017 - 08:11

Ngày 7-11-1917, giai cấp công nhân Nga liên minh với nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, đứng đầu là Lênin, đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự thể nghiệm thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn, làm thay đổi cục diện thế giới, để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga có tác động và ảnh hưởng to lớn, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng.

Matxcova - Thủ đô nước Nga ngày nay

Cách mạng Tháng Mười Nga với Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX

Đánh giá về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”1. Trước đó, cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ViệtNam chưa có lý luận tiên tiến soi đường. Các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp trong nước nổ ra liên tục nhưng đều thất bại. Sau chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, một số nhà yêu nước ViệtNam chủ trương “Đông du” sang Nhật, một số khác sang Trung Quốc nhằm tìm đường ra cho cách mạng ViệtNam. Tuy nhiên, kết quả vận dụng tư tưởng quân chủ lập hiến kiểu Minh Trị duy tân hay tư tưởng dân tộc và dân quyền của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi do các nhà yêu nước tiếp thu được trên con đường bôn ba nơi xứ người cũng như các phong trào vận động, đấu tranh cứu quốc theo hệ tư tưởng phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở trong nước như: phong trào Đông Kinh nghĩa thục năm 1907, cuộc vận động Duy Tân và kháng thuế năm 1908 mang tính dân chủ tư sản, các cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Yên Thế kéo dài mấy mươi năm,... đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Cách mạng Việt Nam lúc đó như đứng trước ngã ba đường, lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước.

Trước bối cảnh nhân dân phải cam chịu đọa đày, đau khổ của chế độ thực dân, phong kiến, phong trào cách mạng của dân tộc lúng túng, không lối thoát, với tâm hồn trong sáng, nặng lòng yêu nước, thương xót đồng bào, với tầm tư duy xa rộng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã vượt trùng dương đến nhiều nước đế quốc, tiếp xúc với nhiều dân tộc thuộc địa, học hỏi kinh nghiệm, tìm đường cứu dân, cứu nước. Trong cuộc trường chinh vạn dặm kéo dài suốt ba thập kỷ đó, Người quan tâm đến hai cuộc cách mạng là: Cách mạng Mỹ năm 1776 và Cách mạng Pháp năm 1789. Tuy nhiên, theo Người đó đều là “cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”2. Nhận thức đó là cơ sở thực tiễn để Người tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười.

Tác phẩm đầu tiên có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh là bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người kể lại: “Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!””3. Từ đó, Người tin theo Lênin, tin theo Cách mạng Tháng Mười và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”4. Người đánh giá: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật... Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”5.

Từ chủ nghĩa yêu nước đến với Cách mạng Tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là sự chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Cũng từ đó, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi con đường cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh viết: “Những người cách mạng Việt Namđã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”6. Tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười đã thôi thúc những người dân Việt Nam yêu nước hướng về Liên Xô, tiếp thu lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có thể nói, không có Cách mạng Tháng Mười thì cách mạng Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước, vẫn trong “tình hình đen tối không có đường ra”.

Cách mạng Tháng Mười Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Dưới ảnh hưởng và tác động của Cách mạng Tháng Mười, nhiều đảng cộng sản đã được thành lập ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tại đây, cách mạng giải phóng dân tộc được coi là một bộ phận của cách mạng vô sản. Năm 1921, Người cùng một số nhà hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ, tích cực viết bài cho báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, v.v. nhằm lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân, chỉ rõ sự cần thiết phải đoàn kết giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa, giới thiệu về tấm gương Cách mạng Tháng Mười, về lãnh tụ Lênin, về nước Nga Xôviết, v.v.. Thông qua những hoạt động đó, Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào ViệtNamvà các nước thuộc địa.

Hướng vào kẻ thù chủ yếu của các dân tộc Đông Dương, Hồ Chí Minh công bố tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp - tác phẩm chính luận đầu tiên của cách mạng ViệtNam. Trong tác phẩm này, Người lên án mạnh mẽ âm mưu và tội ác của thực dân Pháp, đồng thời làm cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa hiểu rõ hơn về những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, của lãnh tụ Lênin. Riêng ở Việt Nam, tác phẩm này của Người cũng đã thức tỉnh, thôi thúc nhân dân vững bước theo con đường Cách mạng Tháng Mười, đưa phong trào giải phóng dân tộc phát triển theo hướng mới, đạt đến tầm cao mới.

Năm 1924, rời nước Nga, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) - trung tâm của cách mạng châu Á - cùng các nhà hoạt động cách mạng ở Á Đông lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức nhằm thống nhất hành động chống chủ nghĩa thực dân. Song song với đó, Người tìm cách bắt liên lạc với những người Việt Nam yêu nước hoạt động ở Quảng Châu, tiến hành tổ chức, huấn luyện lớp cán bộ cách mạng đầu tiên, làm nòng cốt cho tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, rồi đưa về nước hoạt động. Tiếp đó, Người mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng Việt Nam, mà nội dung các bài giảng được tập hợp thành tác phẩm Đường kách mệnh (1927). Trong đó, Người giới thiệu các cuộc cách mạng trên thế giới, đặc biệt là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và nhấn mạnh rằng: Chỉ có đi theo Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn, cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thật sự. Vấn đề then chốt nhất của cách mạng Việt Namđược Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”7.

Nhờ ánh sáng chân lý trong tư tưởng cách mạng của Người soi rọi, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) được thành lập, đưa phong trào cách mạng nước ta lên một tầm vóc mới. Tuy nhiên, tình trạng phân tán, hoạt động biệt lập của ba tổ chức đảng trong một quốc gia sẽ dẫn đến nguy cơ chia rẽ trong phong trào công nhân và phong trào cách mạng, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Mặt khác, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến lúc này tỏ ra không đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước đang lên cao. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đã quyết định thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị thống nhất Đảng đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh. Hội nghị thống nhất lấy tên tổ chức đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt, làm Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả vận động cách mạng theo đường lối của Cách mạng Tháng Mười, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Lần đầu tiên sau gần 70 năm chịu ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, cách mạng Việt Nam có chính đảng của mình, hoạt động theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo, chuẩn bị cho những thắng lợi và các bước nhảy vọt trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc. Đánh giá sức ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng nước ta, đồng chí Trường Chinh cho rằng: “Chúng ta không nên quên rằng: việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Namđã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”8.

Cách mạng Tháng Mười Nga với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam

Vào những năm 40 của thế kỷ XX, chủ nghĩa phát xít thế giới mở cuộc “thập tự chinh” hòng tiêu diệt nước Nga Xôviết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, giống như lần phá sản âm mưu can thiệp của 14 nước đế quốc trước đó, lần này nước Nga Xôviết cũng đã đánh bại chủ nghĩa phát xít, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhiều nước trên thế giới. Trước diễn biến mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, Hồ Chí Minh nhận thấy thời cơ cứu nước đã chín muồi, Người đã quyết định trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, ngay sau khi trở về Tổ quốc, Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8, cùng các đại biểu tham dự Hội nghị phân tích tình hình cách mạng thế giới và trong nước, đồng thời nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”9; “trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu muôn đời mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”10. Đúng như dự đoán trên, tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, tính chất của cuộc chiến tranh thay đổi từ chiến tranh đế quốc với đế quốc thành chiến tranh giữa lực lượng dân chủ với lực lượng phát xít, mà Liên Xô là nòng cốt. Cách mạng ViệtNam cũng từ chỗ là một bộ phận của cách mạng thế giới trở thành một bộ phận của lực lượng dân chủ thế giới chống phát xít.

Theo dõi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam hồi hộp với từng chiến dịch của Hồng quân Xôviết và coi mỗi chiến thắng của Liên Xô là sự động viên, cổ vũ mạnh mẽ đối với quyết tâm chống Pháp, đuổi Nhật của nhân dân Việt Nam. Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Mãn Châu, Trung Quốc, đập tan đạo quân Quan Đông sừng sỏ của Nhật chỉ trong mấy ngày đêm, mở ra thời cơ “nghìn năm có một” của cách mạng Việt Nam. Học tập kinh nghiệm nắm thời cơ của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”11 với tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa, là thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản thứ hai, sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”12.

Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến những năm 70 của thế kỷ XX, trên đà thắng lợi, nước Nga Xôviết đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trên các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật... Được sự giúp đỡ và cổ vũ của Liên Xô - quốc gia từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới, Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ thế giới là Pháp và Mỹ. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm bền gan vững chí đấu tranh giải phóng đất nước của toàn dân tộc. Đất nước được thống nhất, độc lập, cách mạng Việt Namchuyển sang giai đoạn mới: bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Namđã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại... là vô cùng sâu sắc”13.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chủ nghĩa xã hội thế giới phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, thách thức. Song, chủ nghĩa xã hội được bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười cũng đứng trước nhiều triển vọng to lớn bởi con đường của Cách mạng Tháng Mười - con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đem lại tự do, hạnh phúc thật sự cho loài người.

Trên cơ sở những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã giành được, công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam đã và đang được triển khai trong bối cảnh cục diện thế giới và tình hình đất nước có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp. Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam vẫn kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, con đường của Cách mạng Tháng Mười. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng mà sinh thời Hồ Chí Minh dày công mới tìm ra.

Ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và nhân dân ta trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chúng ta càng ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”14.

1, 13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 387, 397, 392-393.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 562, 30.

6, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 173, 180.

2, 5, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 296, 304, 304.

8. Trường Chinh: Cách mạng Tháng Mười và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1957, tr. 28.

9, 10. Văn kiện Đảng, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1978, t.III, tr. 181, 196.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 596.

Bình luận