Hoàn thiện thể chế về sở hữu theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII
Tóm tắt: Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành đồng bộ ba nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Bài viết này tập trung làm rõ những nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về sở hữu theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nêu trên.
Từ khóa: thể chế về sở hữu, hoàn thiện thể chế về sở hữu, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
1. Thể chế về sở hữu và các khía cạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu ở Việt Nam
Xét một cách chung nhất, thể chế là một phạm trù lịch sử, được hình thành và phản ánh trình độ phát triển nhất định của xã hội. Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, tùy thuộc vào các nấc thang phát triển khác nhau mà những cộng đồng người và chế độ xã hội luôn phải tự đặt ra các nguyên tắc, phương thức để quy phạm, điều chỉnh hành vi của bản thân và cộng đồng. Những nguyên tắc, phương thức thực hiện, cách thức tổ chức xã hội đó dần được thừa nhận và sử dụng như là phương thức vận hành, điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội. Hệ thống đó được hiểu là thể chế.
Thể chế sở hữu tồn tại dưới hai nhóm: i) các nguyên tắc, quy định để ràng buộc hành vi của con người liên quan đến sở hữu. Với hình thức này, theo ngôn ngữ của kinh tế học thể chế, thể chế sở hữu bao hàm “luật chơi” và cách thức thực hiện luật chơi đó, hay khái quát là “cách chơi”; ii) các thiết chế, tổ chức để giám sát, bảo vệ, điều tiết, tác động đến quá trình vận động của các quan hệ kinh tế liên quan tới sở hữu. Trên bề mặt xã hội đó là các cơ quan quản lý và bảo vệ pháp luật, các cơ quan cung ứng dịch vụ công về sở hữu với đội ngũ nhân lực quản lý, lãnh đạo, thừa hành nhiệm vụ theo chức năng tương ứng.
Nếu coi lĩnh vực sở hữu như một môi trường cho các chủ thể sở hữu xác lập các quan hệ lợi ích từ sở hữu thì các khía cạnh chung nhất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu ở Việt Nam trong thời gian tới cần chú ý gồm:
- Hệ thống nguyên tắc điều chỉnh mang tính môi trường (“luật chơi”) liên quan tới sở hữu.
- Hệ thống quy định mang tính phương thức để các chủ thể sở hữu thực hiện hành vi của mình (“cách chơi”) đối với quyền sở hữu;
- Cơ cấu, loại hình, quy định về chức năng, vị trí, vai trò của các chủ thể (“người chơi”) trong lĩnh vực sở hữu.
Xét về mặt lý luận, xuất phát từ nội hàm của thể chế sở hữu, việc hoàn thiện thể chế sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải được coi là một quá trình liên tục không ngừng. Các khía cạnh cần hoàn thiện liên quan đến những bộ phận hợp thành thể chế về sở hữu bao gồm:
Một là, hoàn thiện các bộ quy tắc, luật lệ để xác định chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu, phạm vi của quan hệ sở hữu, hình thức sở hữu và kiểu chế độ sở hữu, những lợi ích từ đối tượng sở hữu và phạm vi lợi ích mà các chủ thể sở hữu, sử dụng được thụ hưởng; các quy tắc điều chỉnh, chế định các hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối tượng sở hữu; hệ thống công cụ điều chỉnh các chủ thể tham gia hành vi kinh tế liên quan đến hoặc phát sinh từ sở hữu;
Hai là, hoàn thiện những quy định về vị thế, vai trò, chức năng, năng lực, quyền năng, quyền tài sản và yêu cầu, nguyên tắc sử dụng quyền tài sản; quyền nhân thân; nguyên tắc bảo toàn sở hữu, bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu; nguyên tắc sử dụng tài sản trong sản xuất kinh doanh mà chủ thể đó làm đại diện; phương thức tổ chức vận hành của các chủ thể tham gia các hành vi thực hiện lợi ích từ đối tượng sở hữu (nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các hiệp hội, cộng đồng);
Ba là, hoàn thiện cơ chế, cách thức tổ chức, thiết chế và các quy tắc, thủ tục cho tổ chức, thiết chế được xác lập đó khi giải quyết các tranh chấp về lợí ích phát sinh từ quyền sở hữu nhằm đạt đến mục tiêu mà các chủ thể khi tham gia hành vi kinh tế từ lĩnh vực sở hữu muốn đạt được.
Đó là những công việc đồ sộ đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực liên tục của cả hệ thống chính trị cũng như toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp và người dân mới có thể thực hiện thành công được.
Về khía cạnh này, Đại hội XII yêu cầu: tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Nội hàm của yêu cầu này là phải thực hiện thể chế hóa quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt. Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công1.
Xuất phát từ yêu cầu tổng quát nêu trên, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế về sở hữu phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể như sau:
Một là, yêu cầu về giải phóng sức sản xuất, trước hết là giải phóng mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động xã hội.
Việc xác lập và hoàn thiện thể chế về sở hữu phải là quá trình thống nhất biện chứng có tính hai mặt: một mặt thể chế về sở hữu phải bảo đảm từng bước hoàn thiện các cấu trúc quyền của sở hữu và các phương thức thực hiện lợi ích từ quyền sở hữu đó để tiến tới hình thành quan hệ sản xuất tiến bộ; mặt khác, việc xác lập thể chế về sở hữu phải hướng tới điểm mấu chốt chính là giải phóng sức sản xuất. Nghĩa là, thể chế về sở hữu phải là điểm khởi nguồn đồng thời là phương tiện để thực hiện mục tiêu phát triển, nâng cao năng suất lao động xã hội. Thông qua thể chế về sở hữu để thiết lập nên các thể chế kinh tế khác thuộc phạm trù quan hệ sản xuất như quan hệ tổ chức sản xuất và quan hệ phân phối, với điều kiện các quan hệ này phải bảo đảm đúng tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, trước hết thể hiện ở tinh thần vì lợi ích của nhân dân lao động chân chính.
Hai là, yêu cầu về bảo đảm tính đa dạng một cách lâu dài của các hình thức sở hữu.
Bảo đảm tính đa dạng, ổn định, lâu dài của các hình thức sở hữu vừa là yêu cầu của kinh tế thị trường, vừa là yêu cầu phát triển phù hợp với bản chất thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Trong thời kỳ quá độ, mỗi hình thức sở hữu đều có vai trò quan trọng và cần được tôn trọng để thúc đẩy giải phóng sức sản xuất. Chế độ công hữu hoàn thiện sẽ được xác lập theo đúng quy luật khách quan và là quá trình phát triển lâu dài.
Ba là, yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể sở hữu, nhất là chủ thể nhà nước.
Cũng như các mô hình kinh tế thị trường hiện đại khác, bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể, trong đó có chủ thể nhà nước, là yêu cầu mang tính tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự minh bạch trong thể chế sở hữu thể hiện sự phân định thật sự rõ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể, giới hạn giữa xác lập quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được hưởng lợi từ quyền sở hữu. Trong đó, sự chịu trách nhiệm đến cùng về hành vi thực hiện lợi ích từ quyền sở hữu theo luật định đối với các chủ thể trong bộ máy nhà nước là vấn đề có tính bắt buộc nhằm vừa khuyến khích sự sáng tạo vừa giảm thiểu cơ hội cho hành vi tham nhũng.
Bốn là, yêu cầu về góp phần giải quyết tốt mối quan hệ kết hợp giữa tăng trưởng đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng thúc đẩy lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Mặc dù có những điểm chung tương tự như các hệ thống thể chế về sở hữu của các quốc gia trên thế giới, thể chế về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có điểm đặc thù. Tính đặc thù thể hiện trước hết ở mục tiêu và trình độ xuất phát điểm của Việt Nam quá độ lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo đó, để bảo đảm không chệch hướng mục tiêu, thể chế về sở hữu phải bảo đảm nguyên tắc nhất quán, kiên định thực hiện tăng trưởng đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội trong kiến tạo phát triển. Thông qua thể chế về sở hữu mà Nhà nước định đoạt các phương thức phát triển trong các giai đoạn khác nhau để hướng tới mục tiêu tạo ra sự phồn vinh cho xã hội và cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển cho mọi người dân.
Năm là, yêu cầu về sự kết nối thể chế sở hữu của ViệtNamvới thể chế sở hữu của các đối tác kinh tế, thương mại và thể chế kinh tế khu vực, quốc tế.
Xét chung với tổng thể quá trình phát triển, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể phát triển được nếu không hội nhập với thế giới. Đi liền với quá trình đó là sự hội nhập và sửa đổi các thể chế, trong đó có thể chế sở hữu, sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo nghĩa đó, đòi hỏi phải có sự kết nối, tiếp biến giữa thể chế sở hữu của Việt Nam với các tiêu chuẩn thể chế sở hữu của cộng đồng quốc tế. Sự kết nối này liên quan mật thiết đến lợi ích mà Việt Nam thu được trong tiến trình hội nhập.
2. Những nhiệm vụ chủ yếu cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế sở hữu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) chỉ rõ phương châm tổng quát về hoàn thiện thể chế sở hữu là: Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt; bảo đảm hiệu lực thực thi và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu tài sản. Hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này. Công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng đất, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân. Hoàn thiện pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, phân biệt rõ tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản để thực hiện chính sách xã hội. Hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự theo hướng thống nhất, đồng bộ2.
Quán triệt tinh thần nêu trên, một số nội dung cơ bản cần tiếp tục triển khai nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế sở hữu ở Việt Nam gồm:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế quyền tài sản của công dân và doanh nghiệp
Thực hiện rà soát ngay hệ thống thể chế về sở hữu hiện hành theo từng khía cạnh đã đề cập như: thể chế về xác lập quyền sở hữu, phân định quyền sở hữu, phương thức bảo đảm lợi ích từ quyền sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu, các thiết chế thực hiện bảo hộ quyền sở hữu,… Trên cơ sở rà soát đó, đối chiếu với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nguyên tắc đã được chỉ rõ theo tinh thần Đại hội XII là hướng tới phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, để từ đó nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung một cách đồng bộ các chính sách, luật pháp còn thiếu, loại bỏ những điểm nghẽn cản trở quyền tiếp cận tài sản, quyền thực hiện lợi ích của nhân dân từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai của doanh nghiệp và người dân, giải phóng các nguồn lực tiềm năng còn chưa được đưa vào trong quá trình tái sản xuất cũng như đang bị sử dụng lãng phí. Những điểm nghẽn dễ thấy nhất hiện nay là cơ chế quy định chủ thể chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí trong quá trình sử dụng nguồn lực của Nhà nước rất không rõ ràng, dẫn tới tình trạng không tìm được chủ thể chịu trách nhiệm đến cùng đối với không ít sai phạm nghiêm trọng. Đây là lỗ hổng lớn nhất trong thể chế về sở hữu ở nước ta hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế sở hữu tài sản của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
Đi đôi với rà soát, bổ sung là thực hiện xây dựng mới thể chế bảo đảm sự tách bạch giữa quyền tổ chức sản xuất kinh doanh với nghĩa vụ bảo hộ và phát triển sở hữu nhà nước; giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích để không tạo ra những “sân sau” không cần thiết, gây thất thoát nguồn lực của nhân dân và méo mó các quan hệ thị trường trong thực hiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ chủ quản và ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện nhà nước kiến tạo phát triển, chính quyền không kinh doanh để sớm xác lập không gian minh bạch trong tạo lập môi trường dân chủ cho các chủ thể kinh tế.
Thành lập thiết chế chuyên trách đại diện quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này nên được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Quốc hội và thực hiện trách nhiệm giải trình với Quốc hội để bảo đảm vai trò kiểm soát trực tiếp của cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân. Cơ quan này không phải là một kiểu quỹ đầu tư mà có chức năng giám sát, hoạch định chiến lược sử dụng nguồn lực của Nhà nước thu được từ quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời có quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm giải trình đối với việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế sử dụng đất đai và các loại tài nguyên khác
Xây dựng các quy định về trách nhiệm và giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước trong thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó những quy định về trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai khi thực thi nhiệm vụ trong xây dựng quy hoạch, trong tổ chức thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ an ninh - quốc phòng,… cần phải được làm rõ hơn, tránh hiện tượng lạm dụng quyền lực vừa gây thất thoát nguồn lực vừa gây bức xúc trong xã hội.
Xây dựng luật quản lý, sử dụng đất cho thuê, nhất là đối với đất cho người nước ngoài thuê với thời hạn dài hàng vài chục năm. Đây là vấn đề sâu xa, lâu dài đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và đặc biệt là lợi ích căn bản của đất nước trong không chỉ vài chục mà thậm chí hàng trăm năm sau. Cách thức quản lý hợp đồng, lưu trữ tài liệu phải khoa học, minh bạch để các thế hệ sau có cơ sở thu hồi đất khi hết hạn hợp đồng là điều hết sức hệ trọng, cần phải được coi trọng và tính toán kỹ lưỡng, sao cho không gây lo lắng cho nhà đầu tư mà vẫn thấy được trách nhiệm của các chủ thể trong bộ máy quản lý nhà nước.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế đối với sở hữu trí tuệ
Hoàn thiện hệ thống thể chế mang tính chất xác định luật chơi. Trong đó phải kể tới các giải pháp làm thuận tiện hóa những thủ tục hành chính, phân định rõ chức năng các đơn vị tiếp nhận thủ tục về xác lập, thực thi quyền nhân thân, quyền tài sản. Thuộc phân hệ này phải kể tới các thủ tục liên quan tới giải quyết vướng mắc trong xử lý vi phạm tên miền, vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng internet. Nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức bảo đảm thực thi sở hữu trí tuệ. Vì sở hữu trí tuệ là lĩnh vực phức tạp, tiếp cận xác lập quyền cũng như giải quyết tranh chấp quyền cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi tri thức liên ngành cao, chuyên môn sâu, nhiều khi còn phải bằng cả sự nhiệt tâm theo đuổi của các cơ quan chức năng. Do đó, nếu đội ngũ các chủ thể thực thi quyền thiếu kinh nghiệm, yếu về chuyên môn, khả năng phân tích nhận diện sự việc kém tất sẽ ảnh hưởng căn bản đến chất lượng các hành vi thực thi quyền và bảo hộ quyền cũng như lợi ích của chủ thể sở hữu trí tuệ. Với ý nghĩa đó, việc nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực thông qua đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tăng khả năng tiếp cận thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng thành tài sản.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan chức năng trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Để các cơ quan phối hợp tốt, các quy định mang tính bắt buộc về trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan này cần minh định rõ ràng. Cần phân biệt trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ với các đơn vị phối hợp. Chỉ khi minh định rõ như vậy mới có thể kỳ vọng tính tự giác của các chủ thể trong thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ cho chủ thể sáng tạo và xã hội. Sự phối hợp còn có tác dụng tích cực hơn nữa là phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ chính các chủ thể sáng tạo.
Khái quát lại, việc hoàn thiện thể chế về sở hữu, xét về bản chất đó chính là quá trình từng bước xây dựng thể chế về sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến lượt nó, thể chế về sở hữu lại là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển các hình thức thể chế khác trong toàn xã hội ở thời kỳ quá độ. Cho nên, chăm lo, hoàn thiện thể chế về sở hữu là trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt và trước tiên là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý - hạt nhân của bộ máy quản trị quốc gia. Bởi lẽ, chỉ có thể thông qua không ngừng hoàn thiện thể chế về sở hữu mới tạo ra nền tảng để giải quyết các quan hệ lợi ích một cách hài hòa, tạo cơ sở cho sự ổn định xã hội.
PGS. TS. NGÔ TUẤN NGHĨA
Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
THS. ĐỖ NGỌC AN
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 104-105.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 5-6.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực