Góp phần tìm nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam

Ngày đăng: 15/11/2017 - 09:11

Để có thể tìm được giải pháp phòng, chống tham nhũng, trước hết cần tìm nguyên nhân của hiện tượng đó. Tôi xin mạnh dạn thử đi tìm nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam, hy vọng được các đồng nghiệp hưởng ứng cùng trao đổi, thảo luận để chúng ta góp phần xóa bỏ tệ nạn đó.

Sau Cách mạng Tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vùng lên diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày nay cũng có thể coi tham nhũng là một loại bóc lột dã man, là giặc nội xâm, một loại bệnh, một loại tệ nạn xã hội đang làm xói mòn không chỉ chế độ chính trị - xã hội, mà cả lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nếu coi tham nhũng là một loại bệnh, thì bệnh nào cũng có nguyên nhân của nó. Bài viết này cố gắng vạch ra một số nguyên nhân cơ bản có thể đúng có thể sai, nhưng dù sao đây cũng là một tiếng nói góp phần vào tìm nguyên nhân tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Thử đặt vấn đề

Một là, vì sao công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ lâu và được coi là một nhiệm vụ quan trọng, mà đến nay vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ đó?

Hai là, vì sao Đảng và Nhà nước đã có một số nghị quyết, thí dụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã có phần nói về công tác phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, trong đó nêu ra 10 chủ trương, giải pháp lớn; các nghị quyết khác nếu không chuyên bàn về công tác phòng, chống tham nhũng thì cũng ít nhiều bàn trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề này. Cùng với việc ban hành các nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, Nhà nước cũng ban hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, rồi đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2007 và năm 2012. Ngoài ra, gần đây có rất nhiều bài nói, bài viết của các nhà lãnh đạo và của các nhà khoa học bàn về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Nhà nước ta đã đề ra Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Chúng ta đã có kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Như vậy là đã có nghị quyết, có luật, có chiến lược, có kế hoạch phòng, chống tham nhũng mà tại sao tham nhũng vẫn mở rộng ngày càng tinh vi?

Ba là, vì sao về mặt tổ chức, chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, rồi các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từ Trung ương tới địa phương mà không tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các luật và chiến lược phòng, chống tham nhũng?

Bốn là, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tiến hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn chặt với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” triển khai rất rầm rộ mà tệ nạn tham nhũng không được ngăn chặn?

Năm là, kinh phí chi cho việc soạn thảo nghị quyết, luật, chiến lược và đặc biệt là cho việc nuôi bộ máy phòng, chống tham nhũng chắc không phải là ít, vả lại không phải chi phí về tiền của mà còn cả thời gian và công sức để phòng, chống tham nhũng, thế mà kết quả đem lại không tương xứng với những chi phí bỏ ra.

Chúng ta thấy hình như ở đây có một nghịch lý là càng hô hào phòng, chống tham nhũng thì tham nhũng không bị ngăn chặn mà lại thách thức sẽ bùng phát mạnh hơn.

Thử bàn về nguyên nhân của tham nhũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng hiện nay ở nước ta có hiện tượng không chỉ “một con sâu làm rầu nồi canh”, mà là một đàn sâu. Có lẽ sâu tham nhũng quá nhiều trong đàn sâu đó. Thử hỏi môi trường nào, nguyên nhân nào làm nảy nở đàn sâu ấy? Có thể nêu ra một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, phải chăng cần đi tìm nguyên nhân sâu xa trong chế độ sở hữu. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, Mác cho rằng chính chế độ tư hữu là nguồn gốc của tha hóa. Lúc đó chưa thiết lập chế độ công hữu, nên Mác chưa dự báo tha hóa có nảy sinh trong chế độ công hữu hay không. Trải qua quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thể bổ sung: Không chỉ chế độ tư hữu là nguồn gốc của tha hóa mà cả chế độ công hữu cũng có thể đẻ ra tha hóa, bởi vì ở đó có hiện tượng “cha chung không ai khóc”, nghĩa là người ta thờ ơ với của cải chung và tiến thêm một bước nữa là lợi dụng mọi sơ hở trong quản lý, trong pháp luật, trong thái độ thờ ơ của mọi người, lợi dụng chức vụ quyền hạn để đục khoét, vơ vét tài sản chung và sau đó dần dần hình thành đàn sâu tham nhũng - sâu lớn, sâu nhỏ đua nhau đục khoét sở hữu công - nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, có thể nói chế độ công hữu là một nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh tham nhũng. Tha hóa trong kinh tế gắn liền với tha hóa quyền lực và tha hóa nhân cách dẫn đến tệ nạn tham nhũng. Nếu không diệt tham nhũng thì có nguy cơ mất chế độ xã hội chủ nghĩa, mất sự lãnh đạo của Đảng.

Về mặt nhận thức, lâu nay do cách tuyên truyền của ta nên hầu hết mọi người hình như chỉ thấy mặt tốt đẹp, ưu việt của chế độ công hữu, mà chưa thấy chế độ công hữu cũng đẻ ra tha hóa và là môi trường thuận lợi cho tham nhũng. Tất nhiên, ở các nước chế độ tư hữu chiếm địa vị thống trị cũng có tham nhũng, nhưng ở những nước mà chế độ công hữu giữ địa vị thống trị thì hình như tham nhũng có điều kiện thuận lợi hơn.

Thứ hai, chúng ta nói Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhưng hình như lại có nghịch lý là càng nói nhiều của dân, do dân, vì dân thì lại càng xa dân vì trong bộ máy nhà nước có rất nhiều sâu mọt - đó là bọn tham nhũng cậy quyền, cậy thế để áp chế nhân dân, vơ vét của cải của Nhà nước và của nhân dân. Chính vì thế, chúng dùng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn: ô dù, chạy chọt, móc ngoặc, đút lót, nịnh bợ để mua quan, bán chức, hoặc cài cắm con cháu, người nhà vào các cơ quan quyền lực càng cao càng tốt để từ đó tiến hành tham nhũng.

Bộ máy nhà nước càng hô hào gọn nhẹ lại càng phình to, biên chế càng hô hào giảm lại càng tăng, ngân sách nhà nước không đủ chi trả hoặc chi trả quá thấp, cải cách chế độ tiền lương quá chậm, nên người ta phải nghĩ cách kiếm tiền. Chính vì thế những người có điều kiện: có chức, có quyền thì dễ có tiền, có của. Tiền, của đó người ta kiếm chủ yếu bằng con đường tham nhũng.

Có thể nói bộ máy nhà nước càng phình to, biên chế của bộ máy đó càng nhiều, quản lý của bộ máy đó càng yếu, đồng lương của cán bộ công chức không đủ chi dùng thì đấy là những điều kiện nảy sinh tham nhũng và có quyền lực là có tất cả.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì vậy Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc nảy nở tham nhũng. Công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra... của Đảng chưa tốt nên đã góp phần để cho bọn sâu mọt trong Đảng và trong Nhà nước được hưởng đặc quyền, đặc lợi, từ đó mà suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí.

Việc tổ chức cho mọi người học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có lẽ chưa đủ mức để tạo sự chuyển biến lớn, mà cần phải có những tấm gương sống của cán bộ, đảng viên, tấm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao thì may ra mới có khả năng hạn chế được tham nhũng, tránh tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc dột xuống”, “trên bảo dưới không nghe”. Vì vậy, đi tìm nguyên nhân tham nhũng, không thể không tìm nguyên nhân trong sự lãnh đạo của Đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, hệ thống luật pháp nước ta chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, nên chưa cụ thể, chưa chi tiết, vừa thiếu và vừa yếu. Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đồng bộ, hay thay đổi gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật và cho nhân dân. Bọn tham nhũng thường lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để hành động. Vì vậy, đi tìm nguyên nhân tham nhũng cũng phải đi tìm những hạn chế của luật pháp nước ta.

Tuy pháp luật có ban hành, nhưng việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật chưa tốt, ngay cả nhiều cán bộ, đảng viên cũng không nắm vững pháp luật, nên coi tham nhũng cũng chỉ là chuyện bình thường, không có gì nghiêm trọng và pháp luật về vấn đề này thực hiện không nghiêm. Do đó, cần có ngay chế tài để xử lý nghiêm những phần tử tham nhũng, xử lý nghiêm cả những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Thứ năm, do chưa thực hiện tốt công khai, minh bạch từ việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật đến việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; từ việc kê khai tài sản của một số chức danh chủ chốt đến việc kiểm soát thu nhập của người có chức, có quyền. Trước đây, cán bộ nào có nhà hai tầng đã bị kiểm tra, còn hiện nay một số trở nên giàu có lạ thường mà không ai hỏi đến. Đại hội VI nêu lên chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng nếu Đảng và Nhà nước không cung cấp thông tin về tình hình tham nhũng ở nước ta thì làm sao mà dân biết, dân bàn, dân kiểm tra được. Do đó, chưa công khai, minh bạch cũng là một trong những nguyên nhân của tham nhũng. Có những vụ tham nhũng xảy ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận và thông báo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Thứ sáu, ai cũng biết báo chí và công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò quan trọng như thế nào trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vừa qua báo chí đã phát huy được thế mạnh của mình trong việc vạch trần bộ mặt của bọn tham nhũng, nhưng đồng thời cũng cung cấp không ít những thông tin sai lệch về vấn đề phức tạp này, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng cũng chưa thật sự được coi trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về phòng, chống tham nhũng chưa được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, cần thực hiện tốt hơn nữa tự do báo chí để các nhà báo như người lính xung kích xông vào cuộc, làm công tác điều tra và vạch trần bọn tham quan ô lại, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân thấy bọn tham nhũng giống như bọn “cướp ngày”.

Thứ bảy, một nguyên nhân nữa của tham nhũng là dân trí nước ta còn thấp. Nếu so sánh với trước đây thì có thể thấy trình độ dân trí nước ta hiện nay đã khá hơn nhiều, nhưng nếu so sánh với trình độ dân trí của nhiều quốc gia khác thì trình độ dân trí của nước ta còn thấp hơn, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Do trình độ dân trí còn thấp nên việc phát hiện hành vi tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và hành vi tham nhũng của từng cá nhân còn rất hạn chế. Khi trình độ dân trí cao, hiểu biết được nguyên nhân của tham nhũng thì sẽ tìm ra được nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng phong phú hơn, hiệu quả hơn.

Thứ tám, một nước có hiện tượng tham nhũng phổ biến thì không chỉ do trình độ dân trí thấp, mà còn do dân chủ chưa thực sự được mở rộng. Nếu để cho bọn cậy quyền, cậy thế hoành hành, dân không dám mở miệng, vì nếu tố cáo tham nhũng thì sợ bị trả thù. Bầu không khí thiếu dân chủ, không dám nói thẳng, nói thật, không dám tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng là môi trường quá thuận lợi cho tham nhũng phát triển. Nếu bọn tham nhũng không sợ vũ khí phê bình của Đảng, không sợ vũ khí trấn áp của Nhà nước, không sợ vũ khí phê phán của nhân dân thì chúng sẽ hoành hành thoải mái, đấy là chưa kể bản thân chúng cũng sử dụng vũ khí như ô dù, hối lộ, chạy tội, chạy án, móc ngoặc..., vì chúng có nhiều tiền, nhiều của để làm những việc đó. Cho nên muốn phòng, chống tham nhũng, cần thực thi dân chủ mạnh hơn nữa, phải dựa vào nhân dân để tố cáo bọn tham nhũng vì không gì bằng tai mắt của nhân dân.

Trên đây, mới chỉ bàn tới một số nguyên nhân tham nhũng và qua đó cũng đã gợi ý một số giải pháp phòng, chống tham nhũng. Diệt sâu mọt trong lúc này là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn lại là thay đổi môi trường nảy nở ra đàn sâu mọt đó. Phải quản lý tốt chế độ công hữu; phải giảm bộ máy nhà nước cồng kềnh và giảm biên chế; phải cải cách chế độ tiền lương và nâng lương cho người làm công; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, phải thật sự gương mẫu cho mọi người; phải tập trung xây dựng hệ thống pháp luật vừa đầy đủ, vừa đồng bộ và có chế tài xử lý nghiêm những phần tử tham nhũng; phải thực hiện tốt công khai, minh bạch trong mọi việc; phải thực hiện tốt hơn nữa tự do báo chí và phát huy vai trò của báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng; phải nâng cao hơn nữa trình độ dân trí, đồng thời thực thi dân chủ để nhân dân có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng.

Tất nhiên, trong việc phòng, chống tham nhũng ngoài những việc kể trên, còn nhiều việc nữa cần làm, và cần sắp xếp việc nào trước, việc nào sau, nhưng phải làm có bài bản và làm triệt để mới hy vọng hạn chế đàn sâu mọt trong xã hội chúng ta.

GS.TS. Dương Phú Hiệp[1]*

Bài viết trích trong cuỗn Bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1]* Nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Bình luận