Khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam
Hôm nay (6-11), tại thành phố biển Đà Nẵng, với vai trò nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam tự hào và vinh dự chính thức khởi động Tuần lễ cấp cao APEC 2017, diễn ra từ ngày 6 đến 11-11-2017. Ðây là sự kiện đỉnh cao của Năm APEC Việt Nam 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và khoảng mười nghìn đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tham dự tám sự kiện chính, mà trọng tâm là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra ngày 11-11. Tại đây, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế cùng thảo luận, trao đổi, trình bày các ý tưởng, sáng kiến, gợi mở các phương hướng, biện pháp hành động nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn cho Diễn đàn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đề ra phương hướng phát triển cho APEC trong thời gian tới, nhất là duy trì đà hợp tác kinh tế, mở rộng thương mại, đầu tư và gia tăng liên kết khu vực, bảo đảm các nền kinh tế thành viên APEC và khu vực nắm bắt các cơ hội, ứng phó hiệu quả các thách thức trong một thế giới có nhiều chuyển biến sâu sắc, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
APEC ra đời tháng 11-1989, ban đầu gồm 12 nền kinh tế thành viên, là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm tăng cường kết nối xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Qua bốn lần mở rộng (vào các năm 1991,1993, 1994 và 1998), APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và khoảng 49% thương mại toàn cầu. Trong hành trình 28 năm qua, Diễn đàn đã chứng tỏ là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực. Thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp hành động cụ thể, các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng coi trọng và tích cực, chủ động thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả hơn.
Mặc dù tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp, đã xuất hiện không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế, song, về cơ bản, APEC vẫn là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là một trong những thị trường lớn nhất xét về quy mô và tiềm năng tăng trưởng, có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Chính vì vậy, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đưa ra cho Năm APEC 2017 có ý nghĩa then chốt, giúp định hướng hợp tác của Diễn đàn, góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tạo động lực mới cho tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương và từng nền kinh tế trong khu vực, được bạn bè, đối tác đánh giá cao, đồng lòng hưởng ứng. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển, khi APEC đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bôgo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 cho tất cả các thành viên.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào năm 1998. Trong gần 20 năm qua, Việt Nam tự hào là một phần quan trọng trong tiến trình hợp tác của APEC, luôn thể hiện nỗ lực tích cực và trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Diễn đàn. Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Tham gia APEC đã mang đến nhiều lợi ích, cơ hội để Việt Nam từng bước hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao thực lực, cải cách trong nước, phát huy vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. APEC hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 nền kinh tế thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% giá trị thương mại hàng hóa, 38% số viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới. Tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nền kinh tế thành viên và cộng đồng doanh nghiệp để theo đuổi những mục tiêu chung đặt ra theo chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đến nay, Việt Nam đã đăng cai tổ chức gần 200 cuộc họp trên bốn lĩnh vực ưu tiên lớn là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới. Những thành công trong việc tổ chức các hội nghị, sự kiện của Năm APEC 2017 từ đầu năm đến nay là tiền đề quan trọng và là bước chuẩn bị cơ bản cho việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và đề ra phương hướng phát triển cho APEC và khu vực trong tương lai. Hoạt động trong Năm APEC 2017 còn là cơ hội để nước ta đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, nhất là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt.
Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là một trong những đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về một đất nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển năng động, con người Việt Nam giàu nghĩa tình, nhân văn, mến khách.
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Tuần lễ cấp cao APEC nói riêng và Năm APEC Việt Nam 2017 nói chung sẽ thành công tốt đẹp, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn, góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC, mà cả cấu trúc kinh tế khu vực. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 cũng sẽ góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích của Việt Nam, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước ta.
(Theo Báo Nhân dân điện tử)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực