Phát huy vai trò của pháp luật trong góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta “...vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội...”(1). Với mô hình kinh tế thị trường như vậy, Nhà nước nói chung, pháp luật nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển.
Vai trò của pháp luật trong việc góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển
Một là, nhà nước cũng như pháp luật là công cụ và phương tiện đảm đương vai trò dẫn dắt và chi phối xã hội bằng việc kiến tạo môi trường, cơ hội pháp lý như nhau đối với các thành viên trong xã hội thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau phát huy khả năng của mình để khởi nghiệp và phát triển. Pháp luật đảm đương vai trò kiến tạo môi trường, cơ hội pháp lý bình đẳng cho mọi thành viên của xã hội phát huy tài năng, trí tuệ, sức lực để hoàn thiện và phát triển bản thân mình, đồng thời phát triển xã hội. Với vai trò này, xã hội nói chung và các thành viên của xã hội nói riêng sẽ có điều kiện để phát triển.
Hai là, pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN) là phương tiện có khả năng bảo đảm bình đẳng xã hội. Bởi pháp luật của nhà nước pháp quyền XHCN là những giá trị bình đẳng mà xã hội có, xã hội cần và ủng hộ. Nhà nước lại có một bộ máy hùng mạnh với các cơ quan, tổ chức bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nên bình đẳng và công bằng xã hội được ghi nhận trong hiến pháp và pháp luật có khả năng trở thành hiện thực. Vì vậy, nhà nước có vai trò đối với phát triển xã hội và quản lý được quá trình phát triển đó, để xã hội không rơi vào trạng thái rối loạn hoặc phát triển tự phát, thiếu tổ chức và kỷ luật.
Ba là, pháp luật XHCN là phương tiện để nhà nước điều hòa lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa và ổn định. Xã hội luôn có xu hướng phân hóa giàu nghèo do sự tác động của nhiều yếu tố. Đó có thể là sự phân hóa giàu nghèo do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, do sự yếu thế của bản thân một lớp người nào đó, như bị bệnh tật, bị khuyết tật bẩm sinh, những người già yếu, những người có nhiều đóng góp cho xã hội, như thương binh, gia đình liệt sĩ...
Bốn là, pháp luật XHCN là phương tiện để nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giữ gìn an ninh, an toàn xã hội cho con người. An ninh, an toàn xã hội cho con người trong nhà nước pháp quyền có nội hàm rất rộng. Nó có nghĩa là an toàn khỏi các mối đe dọa về đói nghèo, bệnh tật, tội phạm, sự đàn áp. Nó cũng có nghĩa là bảo vệ khỏi sự đổ vỡ có hại và bất ngờ trong mẫu hình của đời sống hằng ngày tại gia đình, công việc, trong cộng đồng,...(2). Pháp luật là phương tiện đầy hiệu lực trong việc giữ gìn an ninh và an toàn cho con người. Nhờ đó, con người có điều kiện phát triển mà không phải lo lắng, sợ hãi trước sự đe dọa từ bên trong cũng như bên ngoài.
Vì vậy, pháp luật XHCN có vai trò là phương tiện phát triển con người và quản lý quá trình đó để cho con người được sống tốt hơn, an ninh hơn, có điều kiện để phát triển bản thân và phát triển xã hội một cách bền vững. Nó là phương tiện có hiệu lực và hiệu quả trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người mới.
Năm là, pháp luật là phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước, buộc những người có chức vụ, quyền hạn hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Bằng cách đó, pháp luật là phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước, bảo đảm cho thượng tầng kiến trúc nhà nước giữ vai trò định hướng XHCN cho sự phát triển.
Những thành tựu và hạn chế cần khắc phục của pháp luật trong định hướng XHCN phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta
Xuất phát từ đòi hỏi khách quan về việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Hiến pháp năm 1992, và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các thành phần kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (Điều 51, Hiến pháp năm 2013). Dựa vào các quy định nền tảng đó, hàng loạt các đạo luật, bộ luật mới về kinh tế - dân sự - lao động lần lượt ra đời (điều mà trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp không thể có), như Bộ Luật Dân sự (năm 1995, 2005, 2015); Bộ Luật Lao động (năm 1995, 2003, 2006, 2012), Luật Doanh nghiệp (năm 1999, 2003, 2006, 2014), Luật Đầu tư (năm 2005, 2014), Luật Thương mại (năm 1997, 2005), Luật Việc làm (năm 2013), Luật Đất đai (năm 2003, 2013), Luật Phá sản (năm 2004, 2014), Luật Kinh doanh bất động sản (năm 2014), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (năm 2016), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (năm 2014) và hàng chục đạo luật, bộ luật khác.
Cần khẳng định rằng, nếu không có những tư duy pháp lý mới về kinh tế của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 làm nền tảng, thì không thể có sự đổi mới, hoàn thiện pháp luật về kinh tế, kiến tạo được một trật tự các quan hệ kinh tế mới làm chỗ dựa vững chắc cho đổi mới các yếu tố của thượng tầng kiến trúc, giữ vững sự ổn định và phát triển xã hội. Không dựa trên những quy định gốc về chế độ kinh tế của Hiến pháp thì không thể xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế - dân sự - lao động đồng bộ và thống nhất như hiện nay. Nhờ có các quy định nền tảng về kinh tế của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 mà pháp luật nói chung, pháp luật về kinh tế nói riêng thực sự trở thành một lực lượng vật chất góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về kinh tế nói riêng đã có những tác động tích cực nhằm định hướng XHCN cho sự phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, thể hiện ở các điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Hiến pháp, các đạo luật, các bộ luật, cũng như các văn bản dưới luật đã tạo lập được một hành lang pháp lý cho sự vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Hiến pháp cũng như pháp luật đã góp phần chuyển đổi thành công từ mô hình quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tăng cường quyền tự chủ, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh, hợp tác giữa các thành phần kinh tế; từng bước tạo lập sự đồng bộ các thị trường (thị trường vốn, khoa học - công nghệ, thị trường lao động...), bảo đảm được tính tích cực của các cân đối vĩ mô, hạn chế rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.
Thứ hai, Hiến pháp cũng như pháp luật đều khẳng định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 51, Hiến pháp năm 2013). Quy định pháp lý này chẳng những có ý nghĩa quan trọng bảo đảm cho Nhà nước và xã hội nắm chắc các nguồn lực, tài sản của nhân dân để xây dựng và phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa định hướng XHCN trong việc kiến tạo các quan hệ kinh tế thị trường.
Thứ ba, Hiến pháp cũng như pháp luật về lao động và an sinh xã hội được xây dựng và ban hành dựa trên nguyên tắc cơ bản là công bằng xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của con người và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Sự tác động của pháp luật theo định hướng XHCN thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực phân phối thu nhập trong các loại hình doanh nghiệp; chi tiêu công cho an sinh xã hội, trong các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân; giảm thiểu thất nghiệp và tạo thêm việc làm; phát triển mạng lưới an sinh và các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; bảo đảm quyền của những nhóm người, như đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em, phụ nữ, người có công... Có thể nói, pháp luật góp phần hạn chế phân hóa giàu nghèo dưới sự tác động của cơ chế thị trường.
Thứ tư, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hình thành và ngày một hoàn thiện đã đem lại những tác động tích cực đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường dựa trên cơ sở pháp luật ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả, bước đầu kiềm chế được tốc độ gia tăng ô nhiễm thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Pháp luật đã tạo ra môi trường pháp lý để đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường. Xã hội hóa bảo vệ môi trường, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng được chú trọng, góp phần hạn chế sự tàn phá môi trường, tài nguyên thiên nhiên dưới sự tác động của cơ chế thị trường.
Tuy đạt được một số thành công nêu trên, nhưng nhìn một cách tổng thể, có thể nói pháp luật chưa phát huy hết vai trò điều chỉnh của mình để góp phần định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường.
Xét cả về pháp luật thực định, tức là xét về phương diện các quy định pháp luật tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp đến các đạo luật, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, lẫn trên bình diện pháp luật trong hành động, tức là tổ chức, thực hiện pháp luật, còn tồn tại một số biểu hiện làm hạn chế sự định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.
Một là, trong pháp luật thực định cũng như pháp luật trong hành động còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Việc liệt kê các bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân và phân định vị trí, vai trò cụ thể của từng thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế gia đình) được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và trong các văn bản pháp luật khác dễ tạo ra sự bất bình đẳng trong thực tiễn hoạt động kinh tế, hạn chế hoặc gây khó khăn cho các chủ thể kinh tế ngoài quốc doanh phát triển. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chưa được quy định cụ thể trong pháp luật dẫn đến nguyên tắc bình đẳng của pháp luật bị vi phạm trên thực tế tổ chức và hoạt động của nền kinh tế thị trường.
Hai là, pháp luật chưa giải quyết được đúng đắn mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với thị trường, chưa phát huy được sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường, do đó mệnh lệnh quyền uy hành chính trong một số trường hợp vẫn còn được sử dụng như một phương tiện để điều hành nền kinh tế. Hiện nay, trong một số chính sách, pháp luật cũng như trong thực tế tồn tại hai xu hướng: Quá cường điệu vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế mà chưa thấy hết vai trò của Nhà nước và quá cường điệu vai trò của Nhà nước, đưa ý muốn chủ quan của Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. Hậu quả của hai xu hướng chính sách, pháp luật và hoạt động thực tiễn này đã dẫn đến nhiều bất cập của cơ chế quản lý kinh tế hiện nay ở nước ta, không những làm cho hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến sự định hướng XHCN trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường.
Ba là, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản... được quy định ở Điều 17 Hiến pháp năm 1992 và Điều 53 Hiến pháp năm 2013 hiện hành cũng như trong các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mới thể hiện được ý nghĩa chính trị, còn ý nghĩa pháp lý của khái niệm “toàn dân do Nhà nước đại diện” chưa chỉ rõ được chủ thể sở hữu cụ thể, nên giữa chủ sở hữu với chủ thể đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu chưa gắn bó với nhau. Hiến pháp và pháp luật hiện hành vừa chưa xác định rõ quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu, vừa chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, sử dụng tài sản của nhân dân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản thuộc sở hữu toàn dân có chiều hướng gia tăng. Điều đó làm ảnh hưởng đến định hướng XHCN về phương diện chính trị của sự phát triển kinh tế thị trường.
Bốn là, chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ban hành nhiều (có hơn 50 loại chính sách pháp luật) nhưng thiếu tính hệ thống, chưa đầy đủ, thiếu sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Thể chế bảo đảm công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa hoàn thiện. Nhiều chính sách xã hội, trong đó có chính sách an sinh xã hội chưa được đặt đúng và ngang tầm với chính sách kinh tế, thậm chí còn đi sau chính sách kinh tế, chưa được đầu tư thỏa đáng mà còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Mục tiêu phát triển bền vững về phương diện xã hội và an sinh xã hội chưa được ưu tiên hàng đầu trong chính sách, pháp luật để xử lý các “khuyết tật” của cơ chế thị trường.
Năm là, chính sách, pháp luật bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường chưa được thể hiện rõ nét và đầy đủ theo hướng bảo đảm phát triển bền vững. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn nặng về tăng trưởng nhanh kinh tế mà chưa quan tâm đầy đủ đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Sáu là, pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập, chưa rõ, như vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong quản lý kinh tế...
Tiếp tục phát huy vai trò của pháp luật trong góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Để pháp luật phát huy đầy đủ vai trò của mình trong việc góp phần định hướng XHCN cho sự phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, theo chúng tôi, cần có những đổi mới cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đổi mới quan điểm và nhận thức về bản chất và vai trò của pháp luật.
- Thực tiễn chỉ ra rằng, yếu tố khách quan thể hiện trong pháp luật không chỉ là tính chất của quan hệ sản xuất giữ vai trò chủ đạo mà còn là tính chất của tất cả các mối quan hệ xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tính khách quan của pháp luật, đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện, đầy đủ các mối quan hệ xã hội, không chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà còn phải quan tâm đầy đủ đến ý chí và lợi ích của các nhóm lợi ích và tầng lớp xã hội khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế. Nói cách khác, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, pháp luật không chỉ thể hiện ý chí của thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo mà còn phải phản ánh một cách hài hòa tính chất xã hội, tính chất nhân dân. Định hướng XHCN phát triển nền kinh tế thị trường, pháp luật phải thể hiện đầy đủ các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ, không tuyệt đối hóa và đề cao một chiều, một giá trị nào đó.
- Pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước, không có nghĩa giản đơn là Nhà nước “đẻ” ra pháp luật theo mong muốn chủ quan của mình. Trong nền kinh tế thị trường, pháp luật ra đời từ đòi hỏi khách quan của các quan hệ kinh tế thị trường, đến lượt mình mới dẫn đến nhu cầu Nhà nước cần phải có pháp luật. Như vậy, xét về nguồn gốc ra đời, pháp luật có tính độc lập tương đối so với Nhà nước. Điều đó chỉ ra rằng, việc Nhà nước ban hành pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu khách quan, phù hợp với đặc điểm của các quan hệ xã hội, chứ không thể coi pháp luật đơn thuần là công cụ, trong tay Nhà nước, phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Nhà nước, là để quản lý xã hội, chứ không phải để quản lý bản thân mình. Pháp luật thực sự là của Nhà nước, chỉ khi Nhà nước nhận thức được đầy đủ nhu cầu và giá trị của các quan hệ xã hội cần phải điều chỉnh bằng pháp luật. Theo đó, pháp luật trước hết là phương tiện quản lý bản thân Nhà nước, sau đó mới là phương tiện quản lý xã hội.
- Pháp luật không chỉ là các quy định trong các đạo luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đăng tải trong các trang công báo (gọi là pháp luật “tĩnh”) mà còn là “pháp luật trong hành động”, “pháp luật trong đời sống” (gọi là pháp luật “động”). Xem xét pháp luật trong trạng thái “động” là xem xét pháp luật trong mối quan hệ với việc thực hiện, áp dụng và tuân thủ pháp luật. Chỉ có nhìn nhận pháp luật trong hành động thực tiễn mới thấy hết ý nghĩa và vai trò của nó. Điều đó, một mặt đòi hỏi phải kịp thời thể chế hóa các giá trị xã hội thành các quy định pháp luật; mặt khác, một đòi hỏi không thể thiếu được là phải xây dựng một cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống. Nếu không hình thành cơ chế này, pháp luật chỉ dừng lại trên các trang công báo và định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mà thôi.
Thứ hai, theo Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nhà nước định hướng XHCN phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta bằng việc làm tốt hơn nữa các chức năng:
- Định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường;
- Tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực xã hội;
- Hỗ trợ phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, hệ thống an sinh xã hội;
- Tác động đến thị trường chủ yếu thông qua các cơ chế, chính sách và các công cụ kinh tế.
Để làm tốt 4 chức năng định hướng nói trên, Nhà nước về cơ bản và chủ yếu sử dụng phương tiện pháp luật. Theo đó, nội dung của pháp luật cần tập trung điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ ba yếu tố: tăng trưởng kinh tế; tiến bộ xã hội và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường. Khắc phục sự tách rời ba mục tiêu này trong quá trình điều chỉnh bằng pháp luật. Ba nhóm mục tiêu này nếu được điều chỉnh một cách hài hòa bằng pháp luật xuyên suốt trong tất cả các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế thị trường từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn sẽ là một nền kinh tế phát triển bền vững theo định hướng XHCN.
Thứ ba, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường bằng pháp luật, khắc phục tình trạng can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp (chủ yếu là pháp luật) để điều tiết thị trường.
Chính các công cụ can thiệp gián tiếp (như pháp luật) mới mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường. Pháp luật chính là công cụ để giải quyết sự bất cập trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, khắc phục tính tự phát do “bàn tay vô hình” là thị trường dẫn dắt. Theo đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với các loại hình thị trường phù hợp với mục tiêu cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về các loại hình thị trường phải bảo đảm tính đồng bộ giữa các loại hình, bằng cả hệ thống pháp luật của Nhà nước chứ không riêng gì pháp luật về kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy quản lý kinh tế theo nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo đó, cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền của Chính phủ cho chính quyền địa phương. Pháp luật quy định việc phân quyền, phân cấp trong quản lý kinh tế của Nhà nước được thực hiện theo các nguyên tắc:
- Đẩy mạnh phi tập trung hóa, nhưng phải bảo đảm tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể là, Chính phủ, nhất là Chính phủ kiến tạo hiện nay, cần tập trung vào ba nhiệm vụ cơ bản: Hoạch định thể chế, chính sách; xây dựng và ban hành thể chế, chính sách, pháp luật; kiểm tra, thanh tra, có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương thì để địa phương quyết định và thực hiện.
- Việc phân quyền, phân cấp phải bảo đảm nền hành chính quốc gia thống nhất của một Nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm pháp lý toàn bộ và có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao, không để một công việc giao cho nhiều cấp cùng làm và không ai chịu trách nhiệm, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở hoạt động của nhau).
- Với các quan điểm và nguyên tắc nói trên, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Đặc biệt, xây dựng các định chế công phi lợi nhuận để cung cấp dịch vụ công cộng, như y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ thông tin, khuyến nông, khuyến ngư... Các thành phần kinh tế và Nhà nước đều có quyền đầu tư, không phân biệt ai là chủ sở hữu đều được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng mà không thu lợi nhuận. Theo đó, Nhà nước cần sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi đó, vai trò quản lý của Nhà nước chính là kiểm tra, giám sát hoạt động mà không làm thay các tổ chức này./.
-----------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 34
(2) Báo cáo phát triển của UNDP năm 1994
Trần Ngọc Đường
GS, TS. nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Theo Tạp chí Cộng sản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực