Hội đồng Lý luận Trung ương họp kỳ thứ 4

Ngày đăng: 25/12/2017 - 08:12

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận T.Ư (HĐLLTƯ) nhiệm kỳ 2016-2021 họp kỳ thứ 4, tập trung thảo luận, bàn sâu chuyên đề công tác lý luận: thực trạng, vấn đề và giải pháp; tổng kết công tác năm 2017, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2018;...

hop hoi dong ly luan tu122017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự, có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phụ trách HĐLLTƯ đề nghị các thành viên Hội đồng thảo luận, làm rõ những thành tựu của công tác nghiên cứu lý luận hơn 30 năm đổi mới; chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân vì sao công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; trên cơ sở xác định những vấn đề lớn, bức thiết đang và sẽ đặt ra, đề xuất giải pháp, định hướng có căn cứ khoa học, khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lý luận; đánh giá đúng kết quả, hạn chế, tìm nguyên nhân khắc phục sau một năm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Báo cáo đề dẫn Công tác lý luận: Thực trạng, vấn đề và giải pháp, và các tham luận tại kỳ họp nhấn mạnh, hơn 30 năm đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận có bước phát triển quan trọng, thu nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, không ngừng phát triển và hoàn thiện nhận thức lý luận chung về mô hình, mục tiêu, tính chất, con đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công tác nghiên cứu lý luận là chưa đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển nhanh chóng trong công cuộc đổi mới; chưa giải đáp kịp thời những vấn đề nảy sinh. Công tác lý luận còn giáo điều, tự biện, chậm đổi mới, thiếu nhạy bén; hạn chế trong đấu tranh chống sự phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch,…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chiến lược, để hiểu đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng và tính chất công tác này trong xây dựng, phát triển đất nước. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về lý luận, tạo bước đột phá, nghiên cứu đến nơi đến chốn các vấn đề thực tiễn đặt ra; phát huy mạnh mẽ dân chủ trong nghiên cứu lý luận…

Về công tác năm 2017, HĐLLTƯ đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, như các báo cáo chuyên đề, báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, tọa đàm chuyên sâu tại các cơ sở, huyện, tỉnh, thành phố và các bộ, ngành T.Ư,…

Phát biểu ý kiến tại kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, nhấn mạnh thêm một số vấn đề, như: vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận; phải có lý luận về từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh,...

Nghiên cứu lý luận phải gắn liền với tổng kết thực tiễn; tổng kết thực tiễn cũng là một yêu cầu của nghiên cứu lý luận,...

Tổng Bí thư chỉ rõ, nhiệm vụ trung tâm của HĐLLTƯ là đóng vai trò nòng cốt trong việc từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tinh thần đổi mới. Công việc của Hội đồng là cung cấp những cơ sở lý luận, thực tiễn để Đảng ta làm căn cứ xây dựng, hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với lý luận chung và thực tiễn Việt Nam. Đây là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận chính trị, vừa nghiên cứu vừa đi thực tế, tổng kết thực tế, vừa tự nghiên cứu vừa tổ chức nghiên cứu, chắt lọc tổng hợp các kết quả nghiên cứu của trong nước và thế giới, phục vụ Trung ương có căn cứ quan trọng để xây dựng các chủ trương, đường lối chính sách. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cực kỳ quan trọng.

Tổng Bí thư gợi ý, các vấn đề Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra đến nay, thấy cái gì khiếm khuyết cần bổ sung, cái gì chưa hoàn thiện chúng ta hoàn thiện, cái gì thực tiễn đã vượt qua thì phải sửa đổi,...

Về phương pháp, Tổng Bí thư lưu ý phải là phương pháp duy vật biện chứng, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo. Đừng coi quá khứ là bỏ đi, phải vừa chống bảo thủ giáo điều, vừa chống xét lại cực đoan. Phải kiên định, vững vàng, không được nhân danh đổi mới để phủ định hết, như thế sẽ rất nguy hiểm. Vừa xây dựng, truyền bá, giáo dục để cho lý luận vào thực tiễn cuộc sống biến thành hiện thực cách mạng, vừa kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu chống phá; nhận thức non kém, lệch lạc thì uốn nắn,...

HĐLLTƯ, hơn ai hết phải thấm thía điều này, thấy hết vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng của mình để tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

PV

Theo Báo Nhân dân

Bình luận