Bộ sách quý về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
LTS: Ngày 29-12-2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia Lào tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào trong quá trình hội nhập quốc tế”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 55 năm hai nước Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2017), 40 năm Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác song phương (1977 - 2017). Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có bài tham luận tại hội thảo. Trang thông tin điện tử Nhà xuất bản xin trích đăng nội dung bài tham luận này.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được coi là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế. Phát biểu trước gần 2.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Lào trong chuyến thăm ngày 25-11-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc đầy gian khổ, hy sinh trước đây, cũng như trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều khó khăn, phức tạp ngày nay, hai dân tộc chúng ta vô cùng tự hào vì luôn nhận thấy ở nhau là những người đồng chí, người bạn thủy chung, son sắt, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi”. Tổng Bí thư nhắc lại lời phát biểu của Chủ tịch Xuphanuvông về quan hệ đoàn kết Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào là: “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”1 và của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản là: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy”; “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”2.Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”3.
Từ góc độ văn hóa, có thể thấy, tình hữu nghị, thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã trở thành giá trị, thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, đưa hai nước cùng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Giá trị cao đẹp đó được kết tinh, tôi luyện và khẳng định từ yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử của hai dân tộc, đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản, Đảng cách mạng của nhân dân lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Lào thì giá trị đó đã được phát huy rực rỡ.
I- Công trình quy mô lớn nhất từ trước tới nay về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Nhằm giữ gìn mối quan hệ truyền thống, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân hai nước, năm 2006, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tổ chức hợp tác biên soạn, xuất bản công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007. Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, với tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu của nhiều nhà khoa học đầu ngành và sự đóng góp tích cực của các thế hệ chuyên gia của hai nước; với nguồn tư liệu phong phú, đa dạng; với việc tổ chức 6 sự kiện quan trọng về lịch sử hai cuộc kháng chiến của Nhân dân Lào và trên 30 cuộc hội thảo, công trình đã hoàn thành xuất sắc, được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào cho phép xuất bản, công bố rộng rãi vào năm 2011.
Công trình gồm sáu sản phẩm:
1- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 (gọi tắt là Sản phẩm chính);
2- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 - Văn kiện (gọi tắt là bộ Văn kiện);
3- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 - Biên niên sự kiện (bộ Biên niên sự kiện);
4- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 - Hồi ký (gồm bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hồi ký của các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào qua các thời kỳ) (bộ Hồi ký);
5- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) - Sách ảnh (bộ Sách ảnh);
6- Bộ phim tài liệu Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào
Bộ Sản phẩm chính được biên soạn trên cơ sở khối tư liệu gồm 645 đầu mục tài liệu tiếng Việt, tiếng Lào và các tiếng nước ngoài khác, trong đó phần lớn là các tài liệu, tư liệu gốc, có độ tin cậy cao, được thẩm định kỹ về nguồn gốc và nội dung. Mỗi sự kiện lịch sử đều được tổ chức hội thảo khoa học, xác minh kỹ lưỡng, gặp gỡ các nhân chứng để kiểm chứng lại thông tin, góp phần làm sinh động, phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn. Bố cục Sản phẩm chính gồm 4 phần, 10 chương.
Bộ Văn kiện gồm 5 tập, mang ý nghĩa lý luận chính trị sâu sắc, thể hiện mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, hai Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Nội dung các văn kiện đều cho thấy rõ, cả hai dân tộc đã cùng chiến đấu kiên cường, bất khuất chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Hai Đảng đều có chung một đường lối bắt nguồn từ đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong quá trình cách mạng, hai nước đã kề vai, sát cánh bên nhau chiến đấu, trải qua nhiều chặng đường với biết bao hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi thử thách và giành thắng lợi vẻ vang.
Bộ Biên niên sự kiện gồm 2 tập, với hàng ngàn sự kiện đã khái quát, phục dựng lại tiến trình lịch sử của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ năm 1930 đến năm 2007, giúp độc giả hiểu rõ thêm một giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em.
Bộ Hồi ký có 2 tập, bao gồm các bài viết, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các bài viết cũng phản ánh những tình cảm sâu sắc của các cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam tại Lào và cán bộ, chiến sĩ Lào cùng kề vai, sát cánh bên nhau đấu tranh giành và giữ nền độc lập của mỗi nước.
Bên cạnh đó, trong bộ sách còn có cuốn Bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bao gồm những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và một số địa phương của Việt Nam và Lào. Các bài viết thể hiện rõ quan điểm, đường lối và hoạt động thực tiễn rất hiệu quả của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận và Nhân dân hai nước trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng và vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Thông qua các hình ảnh và tư liệu được chọn lựa kỹ, bộ Sách ảnh giới thiệu hơn 300 bức ảnh, phản ánh một cách khách quan, có hệ thống và sinh động về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào qua các thời kỳ lịch sử.
ÂÂ Bộ phim tài liệu Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào gồm 10 tập, phản ánh khá toàn diện, phong phú tiến trình phát triển quan hệ của hai nước Việt Nam và Lào, từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc của mỗi nước đến quan hệ hợp tác toàn diện sau khi hai nước được hoàn toàn giải phóng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi dân tộc.
Có thể nói, công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 được tổ chức nghiên cứu, biên soạn công phu, khoa học, quy mô lớn nhất từ trước tới nay về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực, qua các giai đoạn lịch sử, tương xứng với tầm vóc lớn lao của mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. Công trình có giá trị khoa học, chính trị, tư tưởng cao, góp phần tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, trong sáng giữa hai nước; trên cơ sở đó, giữ gìn, củng cố, vun đắp và phát triển mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Việc tuyên truyền, giáo dục và làm phong phú thêm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cũng chính là góp phần làm thất bại âm mưu chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch đối với tình đoàn kết, sự gắn bó của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.
II- Công trình phản ánh toàn diện, sâu sắc về lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Theo Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007, tình hữu nghị keo sơn, son sắt giữa hai nước được hình thành trên cơ sở các điều kiện tự nhiên, các nhân tố về dân cư, xã hội, văn hóa và lịch sử. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng của nhau, “núi sông liền một dải; cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ”. Dãy Trường Sơn được ví như cột sống, hai nước Việt Nam - Lào như hai nửa cơ thể cùng chung một cột sống ấy. Địa hình tự nhiên này đã quy định hệ thống giao thông ở Việt Nam và Lào chạy dài theo trục Bắc - Nam. Việt Nam và Lào nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới châu Á gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Tuy vậy, khí hậu hai nước cũng có điểm khác biệt. Nếu như Việt Nam chịu sự điều tiết của kiểu khí hậu biển nên ít khô hanh thì Lào nằm sâu trong đất liền, không có biển, lại được dãy Trường Sơn che chắn, nên hầu như không chịu ảnh hưởng của những cơn bão biển tàn phá. Việt Nam và Lào có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi có trữ lượng dầu mỏ và nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản khá dồi dào, một tiêu điểm tranh giành lợi ích và ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới. Bờ biển Việt Nam ở phía đông tương đối dài, nên việc bố phòng về mặt biển gặp không ít trở ngại. Trong khi đó, dựa vào địa thế hiểm trở, nhất là với dãy Trường Sơn - một “bức tường thành hiểm yếu”, “lá chắn chiến tranh hùng vĩ”, che chở cho cả Việt Nam và Lào, nên chẳng những tạo điều kiện cho hai nước có thể tựa lưng vào nhau, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong việc tạo ra vô vàn cách đánh của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân hai nước phát huy tốt lợi thế, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, giành thắng lợi từng bước, tiến lên đánh bại hoàn toàn mọi kẻ thù xâm lược. Địa hình của Việt Nam và Lào có ý nghĩa quân sự và có tầm chiến lược hàng đầu trên bán đảo Đông Dương. Điều kiện địa sinh thái đó đã gắn kết hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào một cách tự nhiên và bền chặt.
Việt Nam - Lào là hai quốc gia đa dân tộc với lịch sử lâu đời. Cư dân Việt - Lào ở vùng biên giới giữa hai nước từ rất sớm đã sinh sống xen kẽ, giao lưu, trao đổi, quan hệ buôn bán với nhau, thậm chí có quan hệ cội nguồn gắn bó. Mặc dù cư dân hai nước có chữ viết, ngôn ngữ, nền văn hóa, cách thức tổ chức chính trị - xã hội mang nhiều khác biệt, song nền tảng tinh thần, phong tục tập quán, cách đối nhân xử thế lại có nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và người Lào được bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước, từ ảnh hưởng của Phật giáo và hơn cả là từ phẩm chất nhân ái, tình yêu thương và sự hướng thiện trong bản thân mỗi con người.
Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho biết, dưới thời Trần (thế kỷ XIII), các sản vật như gấm, chim ưng, cá sấu, da dê, ngà voi, trầm hương, gỗ bạch đàn của Lào và Campuchia đã có mặt trên thị trường Việt Nam qua cảng biển Vân Đồn. Phủ Ninh Biên (vùng Tây Bắc Việt Nam) được thành lập từ năm 1775, dưới thời chúa Trịnh, đã từng là địa điểm giao thương sầm uất. Những đoàn lái thương từ Lào, Mianma, Trung Quốc kéo về buôn bán rất đông. Phiên chợ ở đây có đến hàng chục đoàn voi và hàng nghìn bò, ngựa tải đến bán các mặt hàng như: muối, chè, cánh kiến, đồ trang sức, vật dụng hằng ngày.
Điều đáng chú ý là trong quan hệ giao thương với Đại Việt, vương quốc Lạn Xạng (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày nay) đã không ít lần bộc lộ mối quan tâm hướng ra biển của mình, trong khi Đại Việt lại tìm được không ít cơ hội để mở rộng buôn bán vào sâu trong lục địa. Chỉ riêng những hoạt động ở cửa khẩu Quy Hợp (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã cung cấp những bằng chứng rõ rệt cho việc: “cách đây 200 năm, nhiều đặc sản của vương quốc Viêng Chăn đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế phía Biển Đông qua cửa khẩu Quy Hợp. Về phía tây, Quy Hợp thông thương dễ dàng bằng đường bộ và đường voi với Thà Khẹt, Viêng Chăn, rồi từ đó với Xiêm và xa hơn nữa. Hàng đặc sản của Việt Nam, của Trung Quốc bằng con đường ấy đi sang Lào và các nước phía tây sông Mê Kông”4.
Việc ghi chép các sự kiện về quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ rất sớm và liên tục trong suốt chiều dài lịch sử hai nước qua các thư tịch cổ, trong sử sách hai nước cho thấy sự giao thoa về kinh tế, thương mại, đặc biệt là văn hóa giữa hai nước là mạch nguồn chảy suốt liên tục và quan trọng, được tiếp nối bởi các thế hệ, các thời kỳ lịch sử. Lịch sử cũng cho thấy Nhân dân hai nước luôn duy trì quan hệ láng giềng hữu hảo, hòa hiếu, thân thiện, luôn giúp đỡ và che chở lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau để cuộc sống ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn. Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 khẳng định: “Sự hài hòa giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào... Nhờ vào tinh thần khoan hòa văn hóa, đó là sự tôn trọng những khác biệt của người khác, để người khác tôn trọng những khác biệt của mình, mà người Việt Nam và người Lào đã dễ dàng hòa đồng, ngày thêm xích lại gần nhau trong quá trình lịch sử, để cùng tồn tại và phát triển”5.
Giống như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào có sự tương đồng vì hai nước đều có chung một cơ tầng của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á: Mô hình tổ chức xã hội cổ truyền của người Việt là làng - nước có nhiều nét tương đồng với mô hình tổ chức xã hội cổ truyền bản - mường của Nhân dân Lào. Có thể dễ dàng nhận ra những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa Lào với văn hóa Việt Nam. Trong đó, những nét tương đồng là phổ biến. Vì về bản chất, trong muôn mặt đời sống văn hóa dân gian phong phú của cư dân Việt Nam và Lào, các nền văn hóa truyền thống này đã mang nhiều yếu tố tương đồng với nhau, như thích đề cao các giá trị cộng đồng, tôn trọng luật tục và thượng tôn người già...
Các thư tịch cổ hiện còn lưu giữ cho biết, năm 550, Lý Thiên Bảo (anh ruột của vua Lý Nam Đế) chạy sang đất Lào để lập căn cứ chống quân Lương và lần đầu tiên Đại Việt và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao là vào năm 1067. “Về phía Đại Việt, việc đề xuất phương hướng dựa lâu dài vào Lào ở phía tây, để ngăn cản sức ép của phương Bắc là một thành tựu đỉnh cao về mặt nhận thức đối ngoại của vương triều Trần trong việc xác lập quan hệ với các nước láng giềng, một hệ quả tất yếu của những yêu cầu tập hợp lực lượng chung vượt ra ngoài biên giới từ nhiều thế kỷ trước đó. Vả chăng, Đại Việt sử ký toàn thư đã tổng kết rất rõ ý kiến khẳng định sự cần thiết phải liên kết lực lượng đồng minh phía tây tại triều đình Trần vào năm 1335 bằng một câu hỏi chứa đầy sức nặng của thực tiễn lịch sử: “Lỡ ra giặc phương Bắc xâm lấn thì ta nhờ cậy vào đâu?”6.
Năm 1353, Chậu Phạ Ngừm lần lượt chinh phục các mường Lào, lập nên vương quốc Lạn Xạng thống nhất đầu tiên của người Lào. Đầu thế kỷ XV, khi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Lợi đã giao hảo và nhận được sự ủng hộ của quân dân Lạn Xạng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Mặc dù có sóng gió, như cuộc chinh phạt Lạn Xạng năm 1479, song xuyên suốt trong quan hệ hai nước là tình hòa hiếu, thân ái và hữu nghị. Lịch sử hai nước còn ghi nhận sự phối hợp giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Xiêng Khoảng trong việc chống lại thế lực Nguyễn Ánh được quân Xiêm trợ giúp ở Việt Nam và năm 1788 tấn công thành Viêng Chăn lật đổ chính quyền do Xiêm dựng lên ở Lào. Thế kỷ XIX, quan hệ bang giao hai nước tiếp tục được tăng cường, việc tiếp sứ thần diễn ra thường xuyên. Đoàn kết, nương tựa vào nhau trong xây dựng và bảo vệ đất nước được xem là nội dung cơ bản của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong suốt thời kỳ cổ, trung đại.
Thời kỳ cận, hiện đại, hai nước cùng chung một hoàn cảnh chịu ách đô hộ của thực dân, đế quốc. Hai dân tộc lại cùng chung trận tuyến. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và luận điểm cách mạng của Người, đồng thời lãnh đạo xây dựng tổ chức cách mạng tại Việt Nam và Lào, mở đường tạo lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Bộ Lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007 đã tập trung phân tích hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thể hiện trên các lĩnh vực:
- Khẳng định con đường cách mạng vô sản là con đường giải phóng và phát triển của Đông Dương, là cơ sở bền vững của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam;
- Tuyên truyền, giảng giải lý luận cho dân hiểu, để dân đoàn kết và đấu tranh;
- Đề xuất chủ trương cách mạng Đông Dương do Nhân dân Đông Dương tự tiến hành, kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế;
- Chủ động sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua quá trình đoàn kết đấu tranh của hai dân tộc đã tích tụ, tỏa sáng nhiều giá trị có ý nghĩa cách mạng và văn hóa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nhất trí đặt tên là quan hệ đặc biệt.
Qua những thử thách, sóng gió, ác liệt của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam chẳng những không ngừng được củng cố, tăng cường mà còn tạo thành sức mạnh không gì lay chuyển được.
Trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai dân tộc đều quán triệt và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”7, một quan điểm thể hiện cô đọng, hài hòa và đúng đắn lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế trong hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức được giao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đó. Tất cả giá trị của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đều hiển hiện đậm nét đặc trưng mẫu mực, thủy chung, trong sáng, bền vững, chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ quan hệ truyền thống đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt nền móng và chính Người cùng Chủ tịch Xuphanuvông, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp và không ngừng được thắt chặt, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt - Lào không ngừng được củng cố và nâng cao thành một quy luật tồn tại, phát triển, một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước và cả hai nước”8.
1, 2. Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, tập 2 (2015 - 2017), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.470-471.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.55.
4. Theo Trần Văn Quý: “Tư liệu lịch sử về quan hệ Việt - Lào mới phát hiện ở Quy Hợp, Hương Khê, Nghệ Tĩnh”, in trong: Quan hệ lịch sử Việt - Lào qua tư liệu Quy Hợp (thế kỷ XVII - XIX), Viêng Chăn, 2000, tr.34.
5, 6. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 10-11, 13.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd., t. 8, tr. 105.
8. Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, tập 2 (2015 - 2017), Sđd., tr. 472.
Phạm Chí Thành
Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực