Phê phán quan điểm sai trái coi "Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam"

Ngày đăng: 11/01/2018 - 10:01

Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay hết sức phức tạp, quyết liệt. Các thế lực thù địch quốc tế được sự tiếp tay của một số phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất ở trong nước, đang sử dụng mọi biện pháp, tiền bạc để chống phá ta về chính trị, tư tưởng, làm xói mòn lòng tin với Đảng, với chế độ, làm tha hóa về chính trị, tư tưởng đối với một số cán bộ, đảng viên; với tham vọng tạo ra được một "khoảng trống" về tư tưởng trong Đảng ta, trong xã hội ta, dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tan rã từ bên trong, thực hiện mục tiêu chiến lược cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, buộc Việt Nam phải đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, phục tùng sự chi phối của nước ngoài.

Một trong những mục tiêu chúng tập trung chống phá là: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Bản chất sâu xa của sự phủ định này là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những quan điểm, luận điệu sai trái đối với tư tưởng Hồ Chí Minh được chúng bịa đặt ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng có thể thấy tập trung ở hai vấn đề cơ bản sau:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam . Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, tiếp thu mù quáng, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết là chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cả hai cách đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất ở trong nước, là những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Mặc dù đây là sự bịa đặt, vu khống, nhưng rất nguy hiểm. Dạng thứ nhất, chúng đánh vào cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, một người không có tư tưởng gì cao siêu, lại đi học tập, tiếp thu mù quáng, đưa vào Việt Nam một chủ nghĩa đã lạc hậu, lỗi thời, là sai lầm, làm cho đất nước tụt hậu, không phát triển được. Dạng thứ hai, bề ngoài có vẻ như ca ngợi sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng đây là cách lừa gạt tinh vi, mà thực chất là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, một sự ngụy biện trắng trợn để bác bỏ sự thống nhất biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gây ra mất niềm tin đối với cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin.

Vạch trần những quan điểm và luận điệu sai trái trên, phải dựa trên những luận cứ khoa học, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta về tính đúng đắn sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn đuốc soi đường cho thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh - mối quan hệ biện chứng thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin

Năm 1920, chín năm sau khi rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu - những cuộc cách mạng đã đưa một số nước từ chế độ phong kiến lạc hậu trở thành những nước tư bản hùng mạnh, với một xã hội được coi là có dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, như các nước: Pháp, Anh, Mỹ... Tuy vậy đằng sau sự "hào nhoáng" về dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái là sự lừa bịp, phản bội lợi ích của nhân dân lao động, chế độ người bóc lột người ngày càng phát triển với trình độ cao hơn trước... Trong hoàn cảnh đó, tháng 7-1920, Hồ Chí Minh đã đọc trên báo Nhân đạo của Pháp bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Sơ thảo luận cương nói về giải phóng dân tộc, một vấn đề mà Hồ Chí Minh đã ấp ủ tìm kiếm. Ngồi một mình trong phòng, Người đã reo lên như đang nói trước đồng bào: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"1. Người đã tìm ra "cẩm nang" để cứu nước, giải phóng dân tộc. Cũng từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, được coi là bước ngoặt quyết định trong nhận thức của Người về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Người viết: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"2.

Sống trong thời kỳ lịch sử thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đất nước ta vẫn phải sống dưới ách đô hộ của đế quốc, phong kiến. Nhiều nhà yêu nước trong thời kỳ đó cũng muốn tìm đường cứu nước và đưa ra những tư tưởng canh tân mới. Tuy vậy họ đều bị hạn chế trong tư tưởng, nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Hoàng Hoa Thám mang nặng tư tưởng phong kiến, lỗi thời; Phan Bội Châu sang Nhật cầu viện, chẳng khác gì: "đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; Phan Châu Trinh tư tưởng cải lương chỉ chờ mong xin quân giặc "rủ lòng thương". Nhìn ra nước ngoài, cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911, với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên cũng không đủ sức thu hút với Nguyễn Ái Quốc. Người tiếp tục khẳng định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"1. Sau này Người còn chỉ rõ: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không chỉ là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam . Hồ Chí Minh tìm thấy trong chủ nghĩa Mác - Lênin phương thức đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống áp bức, bóc lột để tự giải phóng cho dân tộc mình. Người thấy được sự gắn bó khăng khít giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa, bị áp bức. Từ Lênin, Người tiếp tục nghiên cứu sâu về Mác và Ăngghen để hoàn thiện lý luận về giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến, đem lại độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc mình.

Toàn bộ lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất, quan hệ biện chứng với chủ nghĩa Mác - Lênin về những vấn đề của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là: Xây dựng Đảng, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc để lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của quần chúng nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng toàn dân; về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau... Đây là những vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh trong chủ nghĩa Mác - Lênin, được quyện chặt không tách rời. Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đã trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin để giành độc lập, tự do cho đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Chưa ai có thể tìm được sự đối lập, khác biệt giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin. Mọi luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin càng chứng tỏ bọn phản động rất sợ hãi trước sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng phải giở những trò lừa bịp để xuyên tạc sự thật và lừa dối quần chúng nhân dân. Trước đây, khi phê phán Cauxky phản bội lại chủ nghĩa Mác, Lênin đã từng chỉ rõ: Cauxky, một người thuộc lòng chủ nghĩa Mác lại xuyên tạc chủ nghĩa Mác một cách kỳ quặc như vậy?... để che giấu sự phản bội của mình, Cauxky bất cứ ở chỗ nào cũng nhất nhất phải giở trò lừa bịp.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam

Trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ cộng sản đã có sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam . Người đã tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin theo phương pháp luận mácxít, đồng thời theo lối tư duy phương Đông, cốt lấy ở cái tinh thần, cái bản chất, chứ không bị trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Từ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra những chủ trương, chính sách phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam, không dập khuôn máy móc những lý luận đã có sẵn trong sách vở kinh điển.

Với quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử và phương pháp luận biện chứng mácxít, ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy sự khác biệt giữa các nước tư bản ở châu Âu mà C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã nghiên cứu so với thực tiễn Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển... Người đã đề xuất bổ sung về "cơ sở lịch sử phương Đông", để gắn với lịch sử ở phương Đông và Việt Nam. Trong một báo cáo tình hình Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây... dù sao cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác, bằng đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác, ở thời mình không thể có được"1.

Quá trình bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tự học tập để hoàn thiện cho mình vốn văn hóa, vốn chính trị và vốn hoạt động trong thực tiễn đấu tranh phong phú, tạo thành một bản lĩnh trí tuệ vững vàng, bản lĩnh đó đã nâng cao khả năng độc lập, tự chủ và sáng tạo của Người khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện, lịch sử Việt Nam.

Hồ Chí Minh là người đi tiên phong trong chống chủ nghĩa thực dân, Người đưa ra luận điểm rất quan trọng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc cách mạng ở "chính quốc", nhân dân thuộc địa có thể đứng lên, tự giải phóng mình.

Hồ Chí Minh có quan điểm sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế. Người chỉ rõ, chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước; chính từ đây Đảng ta đã đúc kết thành lý luận tạo sức mạnh tổng hợp bằng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhờ giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định phải từ giải phóng dân tộc đến giải phóng giai cấp, dân tộc không được giải phóng thì giai cấp cũng không được giải phóng. Đồng thời đưa ra vấn đề liên minh công - nông - trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam .

Hồ Chí Minh cũng có những phát triển sáng tạo về xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đó là quy luật hình thành Đảng bằng kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (trong chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đặt vấn đề phong trào yêu nước), Đảng vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích của dân tộc. Đây là sự sáng tạo về xây dựng đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa.

Đặc biệt, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với truyền thống chống xâm lược của dân tộc, lên trình độ cao về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân, đánh thắng những tên đế quốc to nhất, hùng mạnh nhất của thời đại ngày nay.

Hồ Chí Minh còn có sự phát triển sáng tạo về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và các lĩnh vực khác như: kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xây dựng các thế hệ cách mạng cho đời sau... hết sức phong phú, sâu sắc.

Sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là một thực tế khách quan, đã được lịch sử kiểm nghiệm bằng cả lý luận khoa học và thực tiễn sinh động, đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, trở thành nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh thắng hai đế quốc to nhất của thời đại và đang vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một người cộng sản, một lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người là những hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam , có giá trị vĩnh hằng cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Mọi sự xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch và bọn phản động, cơ hội, tay sai về tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin đều không có giá trị.

3. Tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh

Cùng với đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cội nguồn của sức mạnh tinh thần của Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lý luận và thực tiễn cho thấy, niềm tin nói chung, đặc biệt là niềm tin chính trị là nhân tố quan trọng trong xây dựng sức mạnh của dân tộc ta, niềm tin đó được hình thành và củng cố trên cơ sở nhận thức và sự giác ngộ của quần chúng nhân dân đối với con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra, con đường đó phù hợp với ước vọng của nhân dân ta, dân tộc ta - đó là hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có niềm tin vững chắc sẽ biến thành sức mạnh chính trị, tinh thần chuyển hóa thành hành động trong thực tiễn để đạt tới mục tiêu chính trị. Niềm tin chính trị còn là cốt lõi của sức mạnh chính trị tinh thần, bảo đảm sự vững vàng, ổn định về tư tưởng của mọi thành phần, lực lượng cách mạng, cùng chung ý chí, cùng chung hành động để đạt mục tiêu cách mạng đề ra.

Ngay từ buổi đầu cách mạng Việt Nam, với muôn vàn khó khăn, gian khổ, phải chống cả thù trong, giặc ngoài nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, nhân dân ta vẫn vững vàng vào niềm tin thắng lợi của cách mạng, giữ vững ý chí quyết tâm tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, chúng ta phải đương đầu với hai đế quốc to nhất của thời đại. Với niềm tin sắt đá vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến, niềm tin vào sức mạnh của dân tộc và thời đại, Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh đã truyền niềm tin đó cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thôi thúc nhân dân, tạo nên khí thế cách mạng chưa từng có làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới - công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn: Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên từng bước, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên... Tuy vậy chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan, gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội và đất nước. Đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội, truyền thống, thuần phong, mỹ tục của dân tộc bị xuống cấp, mai một; đặc biệt là tình trạng thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, quan liêu, cơ hội, thực dụng... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, được cộng hưởng thêm bởi các thế lực thù địch kích động, chống phá với những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, xảo quyệt hòng làm lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội... Đây thực sự là những thách thức lớn đối với Đảng ta, bởi có niềm tin là có sức mạnh, mất niềm tin là mất tất cả, không gì có thể bù đắp được.

Để tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để nắm vững, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong tình hình mới.

Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải tự chỉnh đốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nhằm xây dựng Đảng thật sự là đảng cách mạng, chân chính ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Đây là vấn đề then chốt cấp bách nhất hiện nay. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ của đảng cầm quyền, đó là: sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng, thoái hóa, biến chất. Đảng ta chưa có sai lầm về đường lối nhưng quan liêu, xa rời quần chúng, thoái hóa, biến chất là những yếu kém kéo dài, sửa chữa rất chậm. Đây cũng chính là nguyên nhân của sự giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Ngay sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã xác định, Đảng phải thắng ba thứ giặc nội xâm là: tham ô, lãng phí, quan liêu. Nếu không sẽ làm đổ vỡ cả sự nghiệp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23-6-2012 đã nói: "Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Đảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này". Rõ ràng việc lấy lại niềm tin với Đảng ta không chỉ bằng lý luận, lời nói hay nghị quyết mà phải bằng hành động thực tiễn, "nói đi đôi với làm" trong phê bình và tự phê bình. Cần nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng từ địa phương đến Trung ương để họ thực sự là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng lên trên hết.

Thứ hai, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây được coi như một "quốc nạn". Nhiều năm qua Đảng ta đã chỉ đạo làm rất tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc ở ngay trong bộ máy công quyền của chúng ta, vì vậy phải làm rất kiên quyết, triệt để, công khai, minh bạch, không để những kẻ lợi dụng quyền lực làm giàu bất chính tồn tại trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ta, có như vậy mới có thể gây dựng được niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... gắn với công tác kiểm tra đánh giá, phê bình, tự phê bình. Cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, có những biện pháp kịp thời thiết thực để ngăn chặn những diễn biến xấu về chính trị, tư tưởng, phòng chống những biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng ta của các thế lực phản động và các phần tử thoái hóa, biến chất trong Đảng, cả trên mặt trận lý luận, nghiên cứu khoa học chính trị và thực tiễn đời sống xã hội, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, đập tan mọi luận điệu chống phá của kẻ thù.

Cách mạng nước ta đã và đang vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vững bước đi lên bằng sức mạnh vô địch - Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vũ khí sắc bén, ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi lên. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta.

Trung tướng, GS. TS. NGUYỄN NGỌC THANH*
Bài viết trích trong cuốn Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh,
đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản

*Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng.

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.562, 30.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.508-509.

Bình luận